Một chút suy tư lễ các thánh _ Nước Trời là của họ


NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ
“Tôi sẽ đi về đâu” là câu hỏi định dạng cho đời người. Khi xuống thế để cứu nhân loại, Đức Kitô đã mang đến một Tin Mừng lớn lao: Ngài có câu trả lời thích đáng cho cái thao thức chẳng bao giờ im tiếng trong cuộc làm người này.  
Lm. HK
600 năm trước Đức Kitô, tại Rôma, một đền thờ được dựng lên để tôn thờ nữ thần Janus. Đó là một vị thần của các cánh cổng và cánh cửa. Cũng như cánh cửa, vị thần đó có hai khuôn mặt: một nhìn về quá khứ, một hướng đến tương lai.
Tên của thần cánh cửa được dùng để đặt cho tháng đầu tiên trong lịch La mã (Januarius, chuyển dịch sang tiếng Anh là January) để nói lên tính hai mặt của thời gian cũng như của cuộc đời, tương sinh và tương khắc, giữa đóng và mở, giữa tương lai và quá khứ.
Cuộc đời có hai mặt, người ta liên tục bị đặt trước những chọn lựa mà đích nhắm là hạnh phúc đích thực.
Người ta tìm hạnh phúc ở tương lai, nhưng không thấy tương lai nói gì, nên họ lại nhìn vào quá khứ để đoán biết về tương lai. Quá khứ nói gì cho người ta về chính họ và về qui luật của thời gian, của cuộc đời?
Bấy giờ nhìn vào hết mọi việc do chính tôi làm, và bao gian lao vất vả tôi phải chịu, tôi nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát; dưới bầu trời, có lợi lộc gì đâu! Rồi tôi đưa mắt nhìn và để tâm suy về cái khôn, cái điên và cái dại. Người nối ngôi vua sẽ làm gì?
Ông chỉ làm “Điều mà thiên hạ đã làm trước. Tôi đã thấy cái khôn lợi hơn cái dại, ánh sáng lợi hơn bóng tối.” (Gv 2,11-13)
Ôi! Những điều thiện hảo thế tục lại mang tính phù vân, hoàn toàn phù vân!
Phù vân vì mau tàn lụi, vì bao nhiêu cũng không đủ. “Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ; kẻ bo bo giữ của chẳng thu được lợi lộc gì. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!” (Gv 5,9)
Phải chăng vì giầu đến đâu rồi cũng hết mà Chúa dạy: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó”?
Đúng là giầu đến đâu rồi cũng hết, nhưng tại sao phải sống nghèo? Có phải Chúa muốn hết mọi người theo Chúa phải đi vào trường phái khắc kỷ triệt để không?
Khắc kỷ là chuyện chẳng hợp với thế gian này, nhất là ở thế kỷ XXI: “Tôi nhận ra rằng đối với con người, không có hạnh phúc nào hơn là hưởng thú vui và sống thoải mái. Ngay cả chuyện ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, thì đó đã là một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi.” (Gv 3,12-13)
Những toan tính như thế thường đến từ quan niệm cho rằng “con người và thú vật đều cùng chung một số phận: bên này chết, bên kia cũng chết; đôi bên đều có sinh khí như nhau. Con người chẳng có gì hơn thú vật, bởi vì mọi sự chỉ là phù vân. Mọi sự đều đi về một nơi, mọi sự đều đến từ bụi đất, mọi sự đều trở về bụi đất.” (Gv 3,19-20)
Sự khôn ngoan thế gian dạy thế, nhưng sự khôn ngoan thế gian bỏ mặc con người cô đơn trước những câu hỏi mà cái chết đặt ra cho cuộc làm người: “Tôi là ai, tôi từ đâu đến, và tôi sẽ đi về đâu?”
“Tôi sẽ đi về đâu” là câu hỏi định dạng cho đời người. Khi xuống thế để cứu nhân loại, Đức Kitô đã mang đến một Tin Mừng lớn lao: Ngài có câu trả lời thích đáng cho cái thao thức chẳng bao giờ im tiếng trong cuộc làm người này.
Hôm nay, “thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,1-3)
Được dựng nên giống hình ảnh Chúa nên Nước Trời, nên sự sống thần linh phải là thao thức và chọn lựa tối cao và tối hậu cho ơn gọi làm người: “Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa, anh em hãy tìm kiếm Người” (Xp 2,3)
Vâng, không phải mọi điều thiện hảo trần gian mang lại mà chỉ có sự sống thần linh cao quý mới là điều người ta phải tìm kiếm. “Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ.” (1Tm 6,7-8)
Sự cao quý của Nước Trời làm cho các thánh có những chọn lựa bị coi là điên dại, yếu kém, hèn mạt trước mắt người ta. Nhưng “ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa”
Tự hào trong Chúa là nhìn với đôi mắt của Chúa, là lượng giá mọi sự theo chuẩn mực của Chúa: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có” (1Cr 1,27-28)
Vì thế, trở nên người nghèo để sở hữu Nước Trời phải là con đường sống của tôi. “Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện, thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn.
Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.
Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.
Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ.
Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và đợi trông Người. Bạn chẳng nên nổi giận với kẻ được thành công hay với người xảo trá.” (Tv 37,1-7)