THỨ 5 SAU CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN
NĂM LẺ
BÀI ĐỌC: Cl 3,12-17
12 Thưa anh em, anh em là những người
được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng
thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. 13 Hãy chịu
đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc
người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ
cho nhau. 14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó
là mối dây liên kết tuyệt hảo. 15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô
điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu
gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.
16 Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh
em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn
ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa
những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. 17
Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ
Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.
ĐÁP CA: Tv 150
Đ. Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào!
(c 6)
1 Ca tụng Chúa đi, trong đền thánh Chúa,ca tụng Người chốn cao
thẳm uy linh. 2 Ca tụng Chúa vì công trình hùng vĩ, ca tụng Người
lẫm liệt uy phong.
3 Ca tụng Chúa đi, rập theo tiếng tù và, ca tụng Người, hoạ tiếng
cầm tiếng sắt. 4 Ca tụng Chúa, bằng vũ điệu trống đưa, ca tụng
Người, theo cung đàn nhịp sáo.
5 Ca tụng Chúa đi, với chũm choẹ vang rền, ca tụng Người cùng
thanh la inh ỏi. 6 Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào!
TUNG HÔ TIN MỪNG: 1Ga 4,12
Hall-Hall: Nếu chúng ta yêu
thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi
chúng ta mới nên hoàn hảo. Hall.
TIN MỪNG: Lc 6,27-38
27 "Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ
thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa
anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên
này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản
nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì
đừng đòi lại. 31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy
làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương
mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu
thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn
gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu
anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người
tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35
Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được
đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con
Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
36 "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37
Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng
lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên
Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người
sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo
anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng
đấu ấy.”
ĐỪNG XÚC PHẠM ĐẾN CHI THỂ CHÚA KITÔ
Chúa Giêsu Phục
Sinh toàn thắng tử thần, nhưng xem ra chưa toàn thắng trên chi thể của Ngài,
bởi vì Ngài còn bảo các Tông Đồ xỏ ngón tay vào lỗ đinh ở tay chân và thọc tay
vào cạnh sườn Ngài (x Ga 20,26t). Đây là dấu chỉ những người đã thuộc về Chúa
Kitô mà vẫn còn yếu đuối phạm lỗi lầm. Người anh em ấy cũng là phần thân thể
của ta trong Chúa Kitô, nên nếu ta sống thiếu Đức Ái, làm cớ đẩy người anh em
đó lìa xa Đức Kitô là ta phạm đến chính chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa
Giêsu Phục Sinh.
Chúa phú bẩm cho
bản tính con người ai cũng yêu mến điều tốt và ghét điều ác. Nhưng không có sự
ác nào ta gặp nó ở ngoài đường, ngoài chợ để tránh, mà điều xấu, điều ác nó
dính liền với cơ thể của con người. Bởi đó, chúng ta không thể yêu điều bất
chính, hoặc tội lỗi nơi người anh em, vì đó là đối thủ của lòng tin. Do đó,muốn
yêu thương người anh em sống trong lầm lạc, tội lỗi, Đức Giêsu dạy ta phải cầu nguyện cho họ (x Mt 5,44). Vì chỉ có Chúa
mới ban cho người anh em đó lòng sám hối, đồng thời Ngài cũng ban cho ta trái
tim của Ngài, để ta nhẹ nhàng khéo léo với tấm lòng nhân ái, ta đưa người anh
em lầm lạc về cho Chúa, như lệnh Đức Giêsu truyền: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù
và làm ơn cho kẻ ghét anh em,hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu
nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6,27-28:Tin Mừng).
Giáo huấn trên,không
phải Đức Giêsu dạy ta sống nhu nhược, làm cho kẻ ác “được chân lấn đầu”, mà
Ngài có ý dạy ta hai điều:
·
Lấy lành báo ác.
·
Không dùng quyền để thống trị làm hại kẻ ghét ta.
1/ LẤY LÀNH BÁO ÁC. Bởi vì nếu ta lấy:
-
Ác báo lành, ta là quỷ.
-
Ác báo ác, ta là sói.
-
Lành báo lành, ta là người.
-
Lành báo ác, ta là con Thiên
Chúa.
Trong ngày Truyền Tin, Thiên thần nói về Con Đức Maria: “Con
bà là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32), thì Đức Giêsu gọi những người biết
yêu thương và làm ơn cho kẻ hại mình là “Con Đấng Tối Cao”, được đồng Danh
với Đức Giêsu (Lc 6,35: Tin Mừng). Như vậy, ta chỉ giống Chúa Giêsu khi lấy
lành báo ác!
Thánh Phaolô dạy: “Tâm hồn anh em
muốn được bình an trong Đức Kitô, thì hãy nhớ: “Anh em là những người được
Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng
thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ
cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa
đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên
hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”
(Cl 3,12-14: Bài đọc năm lẻ).
Biết sống yêu như thế mới có thể cất lời kinh: “Hỡi toàn thể chúng sinh, hãy ca tụng Chúa đi nào” (Tv 151/150, 6:
ĐC năm lẻ).
2/ KHÔNG DÙNG QUYỀN ĐỂ THỐNG TRỊ, LÀM HẠI KẺ GHÉT TA.
Thực vậy, Đức Giêsu dạy: “Kẻ tạt má này đưa má kia” (Lc 6,29:
Tin Mừng), muốn hiểu và sống giáo huấn này, ta cứ nhìn Đức Giêsu trong ngày Thứ
Sáu Tuần Thánh:
-
Trước tòa án Do Thái, Đức Giêsu biết Roma
không cho phép người Do Thái lên án tử cho ai, nên cự lại kẻ đánh Ngài: “Nếu
tôi nói sai, hãy minh chứng chỗ sai, còn tôi nói phải, tại sao lại đánh tôi?”
(Ga 18,23) Rõ ràng
Đức Giêsu đâu có đưa má cho kẻ ác vả tiếp, vì Ngài biết người Do Thái không có
quyền giết người (x Ga 18,31), nên Ngài cự lại họ, họ cũng không dám quá tay
trên Ngài!
-
Trái lại, trước tòa án
Roma, khi tên lính vả mặt Ngài, Ngài đã làm thinh (x Ga 19,3),vì Ngài biết bọn
Roma có quyền lên án tử, nên Ngài đánh “bài lờ”,vì “tránh voi chẳng hổ bẽ mặt”.
Nhìn vào hai trường hợp Đức Giêsu phản ứng khi bị vả như trên,
dạy chúng ta: khi có thể chống cự lại sự ác, mà không làm thương tổn người anh
em, thì ta phải chống; trái lại, nếu chống kẻ ác mà chúng lấy mạng ta, thì ta
phải né. Đó cũng là lý do người ta thường nói “một điều nhịn chín điều lành”.
Nói cách khác, khi hai sự dữ lớn nhỏ xảy đến mà ta không thể tránh hết được,
thì ta chấp nhận để sự dữ nhỏ xảy ra. Đan cử như ông Nabot không thể chống lại
mưu toan độc ác của vợ vua Akhab, thì thà ông chịu nhượng vườn nho là tài sản
của tổ tiên để lại cho vua, và vua hứa trả lại ông vườn nho tốt tương tự, thì
ông Nabot đã giữ được mạng sống, và giữ được cả gia sản. Nhưng ông Nabot dại
dột không chịu nhường vườn nho của cha ông cho vua, nên ông đã bị ném đá chết,
mất cả mạng, mất luôn cả của (x 1V 21).
Thánh Phaolô nói đến trường hợp cụ thể: Nhiều người đặt vấn đề
“có nên ăn của cúng hay không?” Thì thánh nhân trả lời: “Chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa, cho nên của cúng cho thần cũng
chẳng dơ bẩn gì, nhưng nếu ai ăn của cúng ấy làm cho kẻ yếu Đức Tin hiểu rằng
đó là cách thông hiệp với sự thờ phượng quỷ thần, thì đừng có ăn, vì làm cớ cho
người ta bị lung lạc Đức Tin và đẩy người anh em lìa xa Thiên Chúa! Như thế làm
hại người anh em, một người đã được Chúa Kitô chịu chết để cứu chuộc, thì ta
không phải chỉ phạm đến chính họ mà còn phạm đến Đức Kitô” (1Cr 8,1b-7. 11-13:
Bài đọc năm chẵn).
Nguyên tắc đắc nhân tâm, Đức Giêsu dạy: “Muốn người ta làm gì cho mình,
thì hãy làm điều đó cho người ta trước” (Lc 6,31: Tin Mừng). Tức là Đức
Ái dạy ta luôn bắt đầu làm lành cho đồng loại trước theo ý muốn ta đang chờ
người khác đối xử tốt với mình. Có như thế, ta mới là con cái của Cha trên
trời, “Ngài làm mưa làm nắng xuống cho
người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45), vì nếu ta chỉ làm ơn cho
kẻ tốt với ta, thì ta cũng chẳng khác gì kẻ gian ác, nó cũng làm được như vậy,
và nếu thế thì còn ân nghĩa gì trước mặt Chúa (x Lc 6,32-34: Tin Mừng). Nhưng
nếu ta sống yêu thương đồng loại như Chúa đã yêu ta, thì ta luôn được Chúa bênh
vực, và Ngài còn thúc đẩy người khác làm nhiều điều tốt cho ta, như Ngài nói: “Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng đã dằn đã lắc,
đầy tràn tóe ra mà đổ vào vạt áo cho anh emi. Vì anh em bằng đấu nào thì sẽ
được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38: Tin Mừng): Đong đấu ác, thì nhận
lại sự ác nhiều hơn; đong đấu lành, thì nhận lại hoa trái sự sống dồi dào.
Ta không được phạm đến anh em, dù họ còn sống trong lầm lạc,vì
họ là phần Thân Thể đau đớn của Chúa Kitô, nên ta phải có lòng nhân từ thương
yêu.
Truyện kể:
Khi ông Jean Jacques Rousseau gởi tặng ông Voltaire cuốn “Luận
Về Nguồn Gốc Sự Bình Đẳng”, trong đó ông Rousseau mạt sát văn minh, mạt sát văn
học, mạt sát khoa học và đề nghị trở về đời sống thiên nhiên như các dân tộc sơ
khai. Ông Voltaire viết thư trả lời: “Thưa
ông, tôi vừa nhận được cuốn sách của ông mới viết để mạt sát nhân loại, tôi xin
cám ơn ông, đọc tác phẩm của ông, người ta sinh ra cái ý muốn bò đi bốn cẳng,
nhưng vì sáu mươi năm nay tôi đã bỏ thói ấy rồi, cho nên tôi đau khổ thấy mình
không thể tập lại thói quen đó được nữa!?”
Về sau, khi ông Voltaire hay tin nhà cầm quyền Thụy Sĩ đốt tác
phẩm của ông Rousseau, thì ông Voltaire lại viết thư cho ông Rousseau thế này:
“Tôi không cùng ý kiến với ông, nhưng
suốt đời tôi sẽ bênh vực ông được tự do bày tỏ ý kiến đó”.
Khi ông Rousseau bị lùng bắt, thì ông Voltaire mời ông ta đến ở
chung nhà, nơi ranh giới giữa Thụy Sĩ và Pháp.
Đó là bài học dạy ta: khi
ghét ai thì ghét cái bậy của họ chứ không ghét con người của họ, vì con người
của họ cũng là một nhân vị như ta, nhất là đối với người anh em Công Giáo, họ với
ta cũng là chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô,nên ta phải biết tôn trọng!
Có nhiều người khi ghét kẻ khác, gọi họ bằng “thằng”, bằng “nó”,
bất chấp họ là người có địa vị trong xã hội và có khi họ còn đáng tuổi cha chú
mình!
Là con cái Thiên Chúa,không bao giờ ta học cái thói xấu đó. Nếu
không ưa ai, muốn họ nhận ra cái sai, cái trật của họ, thì hãy cầu nguyện cho
họ trước, và từ từ nhã nhặn vạch cho họ biết điều không thích hợp, chứ đừng ào
ào! Như vậy người ta mới nể mình. Nhất là kẻ ta cho là đối phương của ta, có
chức vị gì đó trong giới của họ, ta phải dùng cách xưng hô cho đúng, đừng gọi
họ bằng những từ ngữ cho thỏa lòng căm tức của mình, có ý mạ lỵ, thì rõ ràng ta
còn sống trong môi trường bán khai giữa một thế giới văn minh. Ta không ưa
họ,nhưng làm cho họ nể ta,cái đó mới là văn minh, là cao thượng!
Mà làm sao ta lại ghét người?
Khoa phân tâm học nói: Ghét tức là do sợ mà ra, thì rõ ràng càng
ghét ai là càng sợ người đó, hoặc sợ người ta đoạt của cải mình, hoặc sợ người
ta đoạt danh vọng, đoạt tình yêu của mình, hay sợ người ta vạch mặt chỉ cái sai
trái của mình!
Ví dụ: các bà đánh ghen,các bà ghét đối thủ,đánh đối thủ,vì bà
cho là nó giật chồng mình! Hoặc bọn mafia thủ tiêu người như ngóe, chỉ vì sợ
đối phương đưa ra ánh sáng hành vi ám muội của nó!
Vậy muốn tránh ghét người, thì đừng sợ ai cả, mà muốn không sợ
ai, thì cứ đường đường chính chính mà đi giữa thanh thiên bạch nhật, biết trên
có ai, dưới có ai, bốn phương tám hướng có ai? Và cố gắng thực hiện trong đời
sống của mình câu: “Thiên địa an hòa”, nghĩa là sống hợp với ý Trời, hợp với lòng
người. Nói như thánh Phaolô: “Hãy sống
yêu thương thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp cho ai biết yêu mến Thiên Chúa” (x
Rm 8,28).
Khi sống như thế
thì hết sợ ai, mà đã không sợ ai thì cần gì phải đề phòng, thì ghét ai làm gì cho
mệt tâm mệt trí? Vì người có công lý là người mạnh. Kẻ yếu mới lo diệt kẻ thù. Hãy
bắt chước Thiên Chúa, như lời sách Khôn ngoan nói: “Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh,và vì Chúa làm
bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài. Khi không có ai tin rằng Chúa
nắm trọn quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh;còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì
Ngài trị tội. Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy
lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con,nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ
khi nào Ngài muốn. Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có
lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được
Ngài ban ơn sám hối” (Kn 12,16-19).
Khi ta biết chịu
đựng, tha thứ và làm lành cho kẻ hại ta, thì ta được lợi hai điều:
·
Có dịp ta đền tội ở đời này, thì đời sau được Chúa bớt hình phạt.
·
Làm lành mà phải khổ,đó là cách ta diễn tả mình giống Chúa Giêsu
(x 1Pr 2,20t).
Vậy muốn sống Giới
Răn yêu thương kẻ nghịch, ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin dẫn con theo đường chính lộ ngàn đời” (Tv 139/138,
24b: ĐC năm chẵn).
Một hôm hoàng đế
Napoléon đem theo viên sĩ quan cận vệ vào một nhà hàng nọ, vì không muốn cho ai
nhận ra mình là vua, nên Napoléon và viên sĩ quan cải trang thành thường dân. Sau
khi hai người đã ăn xong, chủ nhà hàng đến tính tiền, tổng cộng số tiền phải
trả là 14 quan. Viên sĩ quan mở chiếc cặp xách lấy tiền, bỗng mặt ông tái mét
vì trong cặp không còn một đồng xu nào cả! Thấy thế Napoléon hiểu ý, ông nói
nhỏ với viên sĩ quan: “Đừng lo, để tôi
trả cho”, nói rồi ông móc túi lấy tiền, nhưng sờ túi trên túi dưới, túi
trước túi sau, không thấy một đồng xu nào! Napoléon nhìn viên sĩ quan nháy mắt
và nhún tay. Trước tình thế đó viên sĩ quan nói với bà chủ: “Thực là rủi ro cho chúng tôi là chúng tôi
quên đem tiền theo, xin bà vui lòng cho chúng tôi thiếu, một tiếng đồng hồ nữa
tôi sẽ trở lại thanh toán hết”. Bà chủ nhất định không chịu, và đe rằng nếu
hai người không trả tiền ngay thì bà sẽ kêu cảnh sát can thiệp!
Một anh bồi bàn theo
dõi sự việc ngay từ đầu, cảm thông với hai người khách, nên nói với và chủ: “Quên đem theo tiền đó là điều bình thường
xảy ra, vì thế xin bà đừng gọi cảnh sát làm gì, theo tôi thì hai ông này là
người thật thà,không có ý lường gạt đâu”. Nhưng bà chủ vẫn không chịu cho
hai người kia thiếu tiền, và cứ nằng nặc đòi kêu cảnh sát. Thấy thế anh bồi bàn
móc túi lấy ra 14 quan trao cho hai người khách và nói: “Đây tôi cho hai ông mượn để thanh toán với bà chủ”. Thế là nhờ anh
bồi bàn, Napoléon và viên sĩ quan mới rời nhà hàng được.
Một lát sau viên sĩ
quan trở lại nhà hàng, ông gặp bà chủ và hỏi: “Bà đã tốn kém bao nhiêu tiền để lập nhà hàng này?” Bà chủ đáp: “Ba mươi ngàn quan”. Viên sĩ quan mở
chiếc cặp xách tay ra lấy 30. 000 quan đặt trên bàn và nói với bà chủ: “Vâng lệnh ông chủ tôi là hoàng đế Napoléon,
xin bà giao lại nhà hàng này cho anh bồi bàn, người đã giúp chúng tôi đang lúc
chúng tôi kẹt không có tiền”. Đúng là anh bồi bàn đã sống Lời Đức Giêsu dạy:
“Muốn người ta làm gì cho mình, thì hãy
làm điều đó cho người ta trước” (Mt 7,12), và “hãy cho đi, anh em sẽ được cho lại, người ta sẽ lấy đấu hảo hạng đã dằn
đã lắc đầy tràn tóe ra mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6,38).
THUỘC LÒNG
Kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống;
làm như vậy, ngươi đã chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được
mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác (Rm 12,20-21).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH