Lời Chúa cntn 24b _ từ bỏ mình và vác thập giá

TỪ BỎ MÌNH VÀ VÁC THẬP GIÁ
Theo Chúa là đi vào con đường tự hủy của Chúa.
Logos
Dưới triều đại của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên đã ra đời vào năm 1984 tại Rôma. Vào ngày 15/8/2000, tức 16 năm sau, Đại Hội Giới Trẻ lần thứ 15 lại được tổ chức tại Rôma. Nhưng Đại Hội Giới Trẻ lần này để lại nhiều ấn tượng trong lòng các bạn trẻ vì đó cũng là Năm Thánh 2000. Có 2 triệu bạn trẻ từ 159 quốc gia đã đến Rôma để tham dự Đại Hội.
Một trong những điều gây ấn tượng là các bạn trẻ đã cử hành nghi thức bước qua cửa Đền Thánh Phêrô để nhận lãnh ơn toàn xá. Lễ nghi diễn ra thật cảm động biết bao!
Điều gây ấn tượng khác là trong đêm canh thức với 2 triệu bạn trẻ tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã hỏi các bạn trẻ câu hỏi của Chúa Giêsu: “Các con nói Đức Giêsu là ai?”
Đức Cố Giáo Hoàng muốn các bạn trẻ: trước hết hãy nhận biết Chúa Giêsu là ai, rồi sau đó can đảm đi theo Ngài. Đức Cố Giáo Hoàng đã nhấn mạnh: đi theo Chúa “đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn một lập trường. Sự lựa chọn này nhiều khi gian nan đến nỗi giống như một cuộc tử đạo mới, cuộc tử đạo của những người được mời gọi lội ngược giòng chảy để đi theo Thầy Chí Thánh…” (ĐGH Gioan Phaolô II, 19/8/2000).
Tâm tình của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành cho các bạn trẻ đã dẫn đưa chúng ta trở về với câu hỏi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ ngày xưa mà Tin Mừng theo thánh Marcô đã thuật lại: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Quả thật, Chúa Giêsu đã mong muốn các môn đệ: trước hết, hãy khám phá xem Ngài là ai? Sau khi đã xác tín vào Ngài, các ông can đảm và trung thành đi theo Chúa với thập giá vác trên vai.
Theo Chúa, một cuộc kiếm tìm và khám phá không ngừng
Muốn đi theo ai, muốn gắn bó đời mình với ai, người ta phải tìm hiểu và khám phá xem người đó là ai, xuất thân từ đâu và có đáng tin không. Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ của Ngài tìm hiểu và nhận biết Ngài là ai trước đã, rồi mới đi theo Ngài. Trong lần tuyển chọn các môn đệ đầu tiên, Anrê cùng một môn đệ khác đã đi theo Chúa và hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Chúa Giêsu quay lại và nói: “Hãy đến mà xem!” Họ đã đến ở với Ngài ngày hôm ấy, rồi sau đó đã đi theo Ngài (Ga 1, 35-39). Chúa muốn tự các môn đệ tìm hiểu Chúa rồi mới đi theo Ngài.
Khi đặt ra câu hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ hiểu rõ dung mạo của Ngài và con đường Ngài đang đi.
Dung mạo thật của Ngài chính là dung mạo của Đức Kitô, Đấng được xức dầu. Ngài là người thật và là Chúa thật. Điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn mạc khải cho các môn đệ đó là dung mạo về người Tôi Tớ Đau Khổ đã được tiên tri Isaia phác họa trong bài đọc I, trích dẫn bài ca về Người Tôi Tớ Giavê. Bản thân Người Tôi Tớ Giavê này là vô tội nhưng phải gánh chịu rất nhiều đau khổ vì tội loài người. Hình ảnh về người Tôi Tớ Đau Khổ này được áp dụng cho Chúa Giêsu, Đấng Messia, Đấng đã chịu nạn chịu chết trên thánh giá để cứu chuộc loài người.
Còn con đường Ngài đang đi đó chính là con đường đau khổ: “Ngài sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau 3 ngày sẽ sống lại.” Chúa Giêsu không muốn che giấu con đường đau khổ đó trước mắt các môn đệ. Ngài muốn các ông nhận thức rõ ràng đi theo Chúa là chấp nhận đau khổ để đi vào con đường thập giá dẫn đến đỉnh Núi Sọ.
Thánh Phêrô đã nhận ra dung mạo “Đấng Kitô” nơi Chúa Giêsu nên đã thay mặt anh em tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô.” Quả thật, đó là lời tuyên tín vừa xác thực lại vừa mạnh mẽ. Nhưng tiếc thay, thánh Phêrô nhận thức được dung mạo đích thực của Chúa Giêsu, trả lời được Chúa Giêsu là ai, nhưng ngài lại không nhận ra được con đường Chúa Giêsu phải đi. Đúng hơn, thánh Phêrô đã không chấp nhận con đường thập giá, con đường đau khổ mà Chúa Giêsu đang đi tới. Vì thế, thánh Phêrô đã ngăn cản Chúa, khiến Ngài đã trách mắng thánh Phêrô nặng lời.
Theo Chúa phải từ bỏ mình và vác thập giá hằng ngày
Chúa Giêsu đã đưa ra điều kiện cho những ai muốn theo Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta.” Phải chăng từ bỏ mình và vác Thập giá là hai hành vi dẫn con người ta đến chỗ hủy diệt chính mình? Quả đúng như vậy, theo Chúa là đi vào con đường tự hủy của Chúa.
Từ bỏ mình đó là hành vi tự hủy mình về phương diện tinh thần, một hành vi đi nghịch lại quan niệm thông thường của người đời: người ta luôn được khích lệ để giữ lại và bảo vệ tất cả những gì thuộc về mình, thuộc về “bản ngã” của mình. Nếu không giữ được bản sắc và những gì của mình, con người sẽ bị “vong thân”, nghĩa là tự đánh mất mình, tự hủy diệt mình. Chính Chúa Giêsu đã đi vào con đường “tự hạ” đến tận diệt chính bản thân bằng cái chết khổ nhục trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Từ đó, Ngài mời gọi những ai theo Ngài cũng phải đi con đường từ bỏ như thế.
Vác thập giá đó là hành vi tự hủy diệt mình về phương diện thể lý. Theo luật của người Rôma, người tử tội sẽ vác cây thập giá của mình ra pháp trường để rồi sẽ bị đóng đinh vào chính cây thập giá đó. Như thế, người tử tội đã cộng tác vào chính việc xử tử mình. Đó chính là sự đau khổ và bất công đến tột cùng cho những ai bị tử hình trên thập giá. Chính Chúa Giêsu đã vác cây thập giá của chính mình, đã đi trên con đường khổ giá dẫn tới đỉnh đồi Canvê để chịu đóng đinh một cách nhục nhã. Chúa mời gọi những ai theo Ngài cũng phải đi qua con đường thập giá đó để đi vào vinh quang phục sinh.
Hôm nay, con đường theo Chúa của mỗi người kitô hữu còn là con đường đức tin. Trên con đường đó, chúng ta được mời gọi để tìm kiếm và khám phá ra dung mạo đích thực của Đức Kitô. Đức tin luôn đòi hỏi phải có việc làm, như lời thánh Giacôbê trong bài đọc II: “Đức tin không việc làm là đức tin chết.” Việc làm của đức tin là gì nếu không phải là từ bỏ mình và vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa?
Theo truyền thuyết kể lại: vào thế kỷ thứ IV, hoàng hậu Helen đã tìm được cây Thánh Giá mà trên đó Chúa Giêsu đã bị đóng đinh. Nhưng sau đó cây Thánh Giá đã lọt vào tay quân Persian. Vài năm sau, hoàng đế Heraclius đã lấy lại được cây Thánh Giá quý báu đó.
Sau khi cây Thánh Giá được phục hồi, đích thân hoàng đế Heraclius trong xiêm y sang trọng lộng lẫy vác Thánh Giá cùng đoàn rước từ Giêrusalem đến đồi Canvê. Hoàng đế lấy hết sức mình nâng cây Thánh Giá lên nhưng không nổi.
Thấy vậy, đức giám mục thành Giêrusalem mới nói với hoàng đế hãy cởi bỏ xiêm y sang trọng và mặc quần áo đơn giản, đi chân không để vác Thánh Giá như xưa Chúa Giêsu đã làm. Quả nhiên, sau đó hoàng đế đã vác được thánh giá lên đồi Canvê.
Cũng giống như vị hoàng đế kia, chúng ta chỉ có thể vác được thánh giá đời mình, nếu chúng ta biết cởi bỏ con người cũ, cởi bỏ cái tôi, cởi bỏ mọi đam mê trần thế, cởi bỏ mọi của cải vật chất và lạc thú trần gian. Lúc ấy, chúng ta mới thực sự xứng đáng là người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu: người môn đệ luôn trung thành theo Chúa với thập giá vác trên vai.