AI MUỐN THEO TA, PHẢI BỎ MÌNH
Đức
tin mang lại cho tôi sự sống đời đời. Nhưng đức tin đòi buộc tôi phải từ bỏ
chính mình. Tôi có dám tin không?
Vua Ai công hỏi Đức Khổng tử: “Quả nhân nghe nói có người tính hay quên,
lúc dọn nhà, quên mất vợ, có thật không?”
Đức Khổng tử thưa rằng: “Có người quên như thế cũng chưa lấy gì làm
tệ. Còn có người tệ hơn nữa, quên cả đến cái thân mình.”
Đức Khổng tử nói: “Ngày xưa vua Kiệt nhà Hạ giàu có cả bốn bể,
sang làm đến thiên tử, chỉ vì xao lãng cơ đồ của tổ tiên, hủy hoại điển pháp của
nước nhà, tin dùng kẻ xiểm nịnh, ghét bỏ kẻ trung lương, ngày ngày say đắm sắc
dục, săn bắn, rượu chè, hoang vu vô độ, sau đến nỗi bị ông Thang giết chết mà mất…
Thế chẳng phải có thân mà quên cả thân là gì?” (Cổ học tinh hoa).
Thế mới hay, thật chẳng dễ phân định giữa cái được và cái mất, cái lợi và cái hại trong cuộc đời vắn vỏi nơi trần thế
này. Mà đây đâu phải là chuyện đùa chơi,… vì “được ăn cả, ngã về không”!
Thế mà từ những ngày đầu loan báo
Tin Mừng, ngay sau khi được thánh Phêrô tuyên nhận là Đấng Cứu Thế, Đức Kitô đã
dạy một lời thật là nghịch lý so với những suy tính thường tình của người đời! Ngài loan báo về những đau
khổ Ngài phải chịu, và đòi buộc sự từ bỏ chính mình nơi các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc
2,34).
Thật là một nghịch lý, nhưng đó mới
là sự khôn ngoan của đức tin, sự khôn
ngoan của một trẻ thơ đặt nơi mẹ mình, một sự khôn ngoan trần gian không thể hiểu
được:
“Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu; hồn
con, con vẫn trước sau - giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm”. (Tv 131)
Niềm tin đó cũng là điều kiện Đức
Kitô đặt ra cho những ai muốn vào Nước Trời: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng
được vào” (Mc 10,15).
Có không ít người gọi niềm tin Kitô
giáo là thuốc phiện mê dân, tạo ra một thế giới ảo để dụ dỗ kẻ ngu muội tin
theo, còn người thông sáng thì chẳng dại dột bước vào: Để được hạnh phúc, hà cớ
chi mà phải từ bỏ chính mình, phải vác lấy thập giá?
Thế nhưng nhìn lại cho kỹ ai cũng thấy
mình đang bị bao vây bởi một thế giới ảo, bị đánh lừa bởi các giá trị ảo, trong
đó hạnh phúc con người được đặt trên khoái cảm thể xác, trên tiền bạc tích lũy,
trên lời khen, địa vị, bằng cấp,… trên những điều bất cứ lúc nào cũng có thể bị
mất, và chẳng ai giữ mãi được: “Họ tắt hơi
là trở về cát bụi, dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan.” (Tv 146,4).
Nếu hạnh phúc và sự sống con người là
như thế thì “ai muốn cứu mạng sống mình,
thì sẽ mất!”
Từ bỏ chính mình là không thương tiếc
bỏ hết các ảo tưởng để có cái nhìn thật về mình, để đón nhận Nuớc Thiên Chúa với
tâm hồn trẻ thơ, để giữ lòng mình khỏi bị tác động bởi sự yêu ghét của thế gian
khi hưởng dùng mọi sự.
Vâng, từ bỏ chính mình là tìm lại
con người thật của mình nhờ đức tin, là dám để sự thật giải thoát mình khỏi mọi áp lực vô nghĩa: “Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng
phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi
biết mình sẽ không phải thẹn thùng”…
Sự giải thoát đó chỉ tìm thấy trong
niềm tin: “Đấng tuyên bố rằng tôi công chính,
Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi?
Cứ thử đến đây coi!” (Is 50,6-8)!
Một vị guru hỏi khách: “Bạn tìm kiếm điều gì?”
“Bình
an”, người khách trả lời.
“Đối
với những ai tìm cách chống lại luật tự nhiên nơi mình thì bình an đích thực chỉ
đem lại cho họ sự quấy rầy”, vị guru ôn tồn nhắc nhở.
Sự giải thoát của niềm tin là để mình thuận theo những quy luật được Chúa đặt trong lòng người từ đầu. Đứng trước các khúc quanh quyết định trong cuộc đời, người ta mới
thấy rõ giá trị của niềm tin; khi trung thành để niềm tin chi phối mọi chi tiết
trong cuộc sống, người ta lại nhìn ra vẻ đẹp vô giá của cuộc sống. “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi
gì?” (Gc 2,14).
Đức tin đòi buộc tôi phải từ bỏ chính
mình. Tôi có dám tin không? Trước thách
đố cốt yếu đó của niềm tin mà tôi dám thưa, tôi tin, thì đó mới là đức tin, một ân sủng từ trời. Ân sủng đó giúp tôi tìm lại được chính mình, và mở lối
cho tôi bước vào sự sống đời đời.