THÌ SÔNG CỨ CHẢY…
Đoạn phim mang tên “Thì sông cứ chảy” (tên tiếng
Anh “Down the stream”) gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày qua với sự đồng cảm
và chia sẻ của người xem.
“Thì sông cứ chảy”, do 2 bạn trẻ Mai Huyền Chi (tác giả)
và Tạ Nguyên Hiệp (quay phim) thực hiện, gây được hiệu ứng xã hội tích cực bởi
khơi gợi được cảm xúc của người xem. Tính đến ngày 3-6, đoạn phim 4 phút này đạt
hơn 1 triệu lượt xem với hơn 40.000 like (thích) và hơn 20.000 chia sẻ.
Đoạn phim tài liệu ghi lại cuộc sống nghèo khó của người
dân miền sông nước Long Xuyên. Những đứa trẻ không biết đến trường lớp hay chữ
nghĩa, chúng lớn lên tự nhiên như cây cỏ, gió trời. Sông cứ chảy và cuộc sống của
người dân thuyền chài cứ tiếp nối hết đời này đến đời khác. Những đứa trẻ ở đó
rồi sẽ tiếp tục hành trình kiếm tiền để nuôi sống bản thân và gia đình như bố mẹ
chúng, dù trong mỗi đứa trẻ ở đây đều nuôi những ước mơ tốt đẹp. Ở Việt Nam
không thiếu những vùng đất còn nghèo khổ hơn những gì mà đoạn phim “Thì sông cứ
chảy” ghi lại. Nhưng điều khiến người xem thấy xót xa là những ước mơ tưởng chừng
không còn là ước mơ của những đứa trẻ ở đây: “Con muốn ở trên bờ để đi học, để vui chơi, đi siêu thị...” Những
chia sẻ rất đỗi chân thực khiến bất cứ ai một lần nghe thấy đều phải suy ngẫm.
Những ước mơ hết sức giản đơn nhưng lại quá xa xôi với các em. Bằng ngôn ngữ điện
ảnh sâu sắc, đậm chất nhân văn, đối lập với ánh mắt trong veo và giọng nói hồn
nhiên của những đứa trẻ trong “Thì sông cứ chảy” là nỗi đau, lòng trắc ẩn của
người xem.
Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp chia sẻ: “Cả Chi và Hiệp đều bất ngờ về sự lan truyền nhanh của đoạn phim. Nó
khiến tụi mình hạnh phúc dữ dội lắm vì thấy những gì mình quan tâm đưa vào phim
được nhiều người thương quý đến vậy.” Tác giả Mai Huyền Chi cũng cho biết: “Chúng mình có hứa là khi nào dựng xong phim
sẽ in đĩa và rửa hình tặng tụi nhỏ và cũng nhận được nhiều lời ngỏ muốn giúp mấy
em nhỏ này. Ai có kẹo cho kẹo, ai có sách cho sách, ai có xà bông, khăn tắm...
hay thứ gì đó thiết thực, xin nhín chút thời gian mang đến thùng quà gửi cho Biển,
Gấm, Chi... (tên những đứa trẻ trong phim)”
Bộ phim này được Mai Huyền Chi và Tạ Nguyên Hiệp thực hiện
vào tháng 9-2014 trong dịp nghỉ lễ. Chi bảo chỉ vì cảm thấy cuộc sống miền sông
nước có nhiều chất liệu, có nhiều thứ khiến bản thân rung cảm nên vừa đi vừa
quay phim vừa suy ngẫm. Bản quay khá dài nhưng thời gian gần đây mới mang ra dựng
lại và thành phim ngắn 4 phút mà mọi người đã xem.
Cuối tuần này, nhóm Chi - Hiệp sẽ quay lại Long Xuyên để
chiếu phim cho bọn trẻ xem, mang thêm sách vở cho mấy đứa trẻ có đi học, sách
hình cho mấy đứa không đi học và ảnh cho các em dán trên bè. Không chỉ vậy, họ
còn vận động người dân làm giấy khai sinh cho những đứa trẻ được đến trường...
Bên cạnh các dòng chia sẻ, các lời tán dương dành cho những
lát cắt về đời sống miền sông nước trên những ngôi nhà nổi vùng ven Long Xuyên,
cũng có ý kiến cho rằng “đừng cố phơi bày
cái nghèo khổ của người khác để mua nước mắt thiên hạ.” Ý kiến trái chiều
là điều khó tránh khỏi và với những người thực hiện, họ cũng không cần phải để
tâm quá nhiều đến những ý kiến xung quanh bởi đơn giản những điều họ làm không
nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân. Và rõ ràng, khi một việc làm có thể
giúp ích cho người khác, dù nhỏ nhoi, vẫn đáng được trân trọng.