LÀM VIỆC VÀ CẦU NGUYỆN
Trong tĩnh lặng thâm sâu, chúng ta mới có thể
nghe được tiếng Chúa nói, và cũng trong sự kết hợp với Chúa, chúng ta mới có được
sức mạnh nội tâm để tiếp tục dấn bước trên con đường lữ hành trần gian ngày hôm
nay.
Trong cuộc sống
đời thường, sau những lam lũ vất vả với biết bao lo toan và công việc bề bộn,
con người chúng ta ai cũng cần có những phút giây thư giãn để nghỉ ngơi. Quy luật
bình thường đó cũng được Đức Giêsu áp dụng cho các học trò của mình. Sau khi các
tông đồ bươn chải nhọc nhằn trong sứ vụ ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa nói với
các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một
nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Sự nghỉ ngơi ở đây không phải chỉ là
sự tĩnh dưỡng về thân xác, nhưng trước hết là thái độ tĩnh lặng của
tâm hồn. Giữa những ồn
ào náo nhiệt và bon chen trần thế, chúng ta cũng cần phải trở về với thế giới nội
tâm để gặp gỡ Thiên Chúa trong chiều sâu của lòng mình. Thái độ tĩnh lặng và
nghỉ ngơi đó chính là khuôn mẫu của việc cầu nguyện mà Chúa muốn nhắn gửi chúng
ta hôm nay.
Có một lần Cha
Thánh Gioan Maria Vianney đến thăm một ông cụ trong họ đạo ngài chăm sóc. Đó là
một cụ già rất đạo đức và thánh thiện, được mọi người yêu mến và nể phục. Cụ vẫn
hằng ngày đến nhà thờ thinh lặng hằng giờ để cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh
Thể. Cha sở hỏi cụ: “Thưa cụ, người ta
nói cụ rất đạo đức và say mê cầu nguyện. Thế, mỗi lần vào nhà thờ quỳ trước
Chúa Giêsu Thánh Thể cả tiếng đồng hồ, cụ nói gì với Chúa?” Cụ già chất
phác và chân chất trả lời “Thưa Cha, con
cũng chẳng có gì để nói với Chúa cả. Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con, thế thôi.”
Cụ già đây đã nói chuyện với Chúa không phải bằng ngôn ngữ bình thường nhưng bằng
những nhịp đập của con tim. Bắt chước cụ già, chúng ta có thể đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa trong thinh lặng nội tâm của cõi lòng. Thinh
lặng đặt mình trước mặt Chúa là ngôn ngữ tuyệt vời nhất để chúng ta có thể đối
thoại và gặp gỡ Ngài.
Chính Đức Giêsu
cũng nêu gương cho chúng ta về đời sống cầu nguyện. Để chuẩn bị cho ba năm rao
giảng Tin Mừng, Chúa đã ẩn dật suốt 30 năm tại Nazareth trong âm thầm lặng lẽ.
Trước khi khởi sự sứ vụ công khai, Ngài đã lui vào sa mạc 40 ngày đêm để ăn
chay cầu nguyện. Sau những lam lũ với công việc bề bộn, Chúa vẫn thường hay rút
lui vào trong thanh vắng để kết hiệp sâu xa với Chúa Cha. Đặc biệt trước biến cố
thập giá, biến cố quan trọng nhất và cũng để hoàn tất sứ vụ cứu thế, Chúa đã đi
vào vườn cây dầu để cầu nguyện và kết hiệp thân tình với Chúa Cha.
Nhìn vào lịch sử
cứu độ thời cựu ước, chúng ta thấy các vĩ nhân cũng luôn thực hành việc cầu
nguyện như vậy. Tổ phụ Abraham cũng đi vào sa mạc Ả Rập để gặp gỡ Chúa và lắng
nghe điều Chúa gởi trao cho ông. Moise cũng đến sa mạc để đón nhận mệnh lệnh từ
Thiên Chúa trước khi ông trở thành lãnh tụ dẫn đưa Israel ra khỏi Ai Cập. Dân
Do Thái cũng phải rong ruổi 40 năm giữa sa mạc nóng cháy, trong cuộc lữ hành tiến
về đất hứa. Trong Thánh Kinh, sa mạc là biểu tượng nơi chốn Thiên Chúa gặp gỡ
con người. Trong sa mạc, Thiên Chúa nói với chúng ta, và cũng trong sa mạc, con
người được Thiên Chúa uốn nắn và dậy dỗ. Cũng vậy, giữa những chộn rộn và tất bật
của cuộc sống, chúng ta phải dành ra những giây phút thinh lặng, trở về trong
sa mạc của lòng mình. Trong tĩnh lặng thâm sâu, chúng ta mới có thể nghe được tiếng Chúa nói, và cũng trong sự kết hợp với Chúa,
chúng ta mới có được sức mạnh nội
tâm để tiếp tục dấn
bước trên con đường lữ hành trần gian ngày hôm nay.
Bác học Ampère
đã nói: “Con người chúng ta chỉ thực sự
vĩ đại khi chúng ta biết cầu nguyện.” Cầu nguyện là gắn kết thân tình với
Chúa. Mỗi người chúng ta là một hữu thể đầy giới hạn sẽ được kết hợp với Thiên
Chúa quyền năng Đấng vô hạn khi cầu nguyện. Chúng ta đều là thụ tạo với bao mỏng
giòn yếu đuối sẽ kín múc được sức mạnh từ Đấng Tạo Hóa mạnh mẽ vô song. Chúng
ta trở nên vĩ đại nhờ thế. Lời căn dặn Chúa Giêsu ngỏ trao cho các tông đồ năm
xưa cũng là lời khuyên Chúa nói với chúng ta hôm nay “Anh em hãy rút lui vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút.”
Có một thương
gia giàu có nhưng tâm hồn bất an tìm đến một vị ẩn sĩ để xin một lời khuyên,
giúp anh ta sống an bình. Vị ẩn sĩ đó trả lời “Như con cá sẽ bị chết trên đất cạn, ngươi cũng sẽ bị chết trong sự vây
hãm của thế gian, giữa những tranh giành, lọc lừa và gian dối. Con cá muốn sống
phải trở về với sông với nước, ngươi muốn bình an phải trở về với sự cô tịch.”
Anh thương gia hỏi lại “Thưa Thầy, làm
sao con có thể từ bỏ chuyện bán buôn để về đây sống ẩn dật như thầy được?” Vị
ẩn sĩ nói tiếp: “Không phải thế, con cứ tiếp
tục buôn bán, cứ tiếp tục công việc hằng ngày của con, nhưng điều quan trọng nhất
là con phải luôn biết trở về trong sự tĩnh lặng của cõi lòng.” Trong bài
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ hãy rút lui vào nơi thanh
vắng để nghỉ ngơi. Đó là giây phút Thầy trò gần gũi bên nhau, ôn lại những biến
cố đã qua để có sức bật mới cho cuộc hành trình tông đồ tương lai. Sức bật mới
này chỉ có thể đạt được qua ơn thánh, qua việc cầu nguyện, đi vào sự thân tình
với Chúa. Chính Đức Giêsu đã nói “Không
có thầy, anh em không làm được gì.”
Việc cầu nguyện
cần thiết cho mọi tín hữu nói chung, đặc biệt đối với các vị mục tử trong Giáo
Hội nói riêng. Chúa Giêsu đã sai nhóm 12 đi truyền giáo để huấn luyện các Ngài,
bởi vì các Ngài là những mục tử, là những cánh tay nối dài của Chúa trong sứ vụ
cứu thế. Trong trình thuật Tin mừng, Thánh Marcô cho thấy chính Đức Giêsu đã thể
hiện một trái tim yêu thương. Ngài chạnh lòng thương đám đông vì họ như bầy
chiên không người chăn dắt. Các vị mục tử ngày hôm nay cũng phải sao chép lại
cách thức yêu thương mà Đức Giêsu đã thể hiện, cũng như cách thức mà Ngài đã huấn
luyện các học trò thân yêu. Trong bài đọc thứ nhất của phụng vụ hôm nay, ngôn sứ
Giê-rê-mi-a đã công bố rằng Đức Chúa sẽ ban cho các mục tử tốt để họ chăn dắt
đoàn chiên. Vị tiên tri cũng lên án gay gắt các mục tử thời bấy giờ đã làm đàn
chiên thất lạc và tan tác. Họ đã xua đuổi và chẳng lưu tâm đến chiên. Vị Mục tử
mà Giê-rê-mi-a nói tới chính là Đức Kitô, người chăn chiên nhân lành, đồng thời
cũng ám thị các tông đồ, cũng như các vị mục tử trong Giáo Hội hôm nay, là những
cộng sự viên đắc lực trong sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu.
Để thực hiện sứ
vụ này, chúng ta hãy nhìn vào bài học của các tông đồ hôm nay. Chúa mời gọi các
ông rút lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi bên Chúa. Chúa cũng nhắn gửi các
ông phải tránh những nơi ồn ào để có một tâm hồn tĩnh lặng và an bình. Biết bao
ồn ào náo nhiệt của cuộc sống bên ngoài, ồn ào ngay cả những lúc chúng ta làm
việc với ý hướng tốt nhằm phục vụ các linh hồn. Đó là những ồn ào của danh vọng,
khi chúng ta thích được mọi người vỗ tay khen ngợi. Đó là những ồn ào của tiền
bạc, của những cuốn hút trước một lối sống tục hóa. Người môn đệ Chúa Giêsu muốn
thể hiện một tình yêu mục tử tinh ròng phải tránh tất cả những xôn xao ầm ĩ đó
để tâm hồn được tĩnh lặng và để được nghỉ ngơi an bình bên Chúa.
Những vị mục tử
ngày hôm nay, những cánh tay nối dài của Đức Giêsu, những con người được Chúa
tin tưởng trao phó cho sứ mệnh cứu thế, cần phải học cho mình những bài học căn
bản này để tâm hồn chúng ta luôn được thảnh thơi và an bình.
Sự bình an chân
thật chỉ có thể có được nếu chúng ta biết lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi
bên Chúa. Đức Giêsu chính là sự bình an của chúng ta. Thánh Phaolô đã nói cho
chúng ta chân lý này trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay: “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: Bình an
cho anh em là những kẻ ở xa và bình an cho những kẻ ở gần.” Chúng ta chỉ có
thể kiến tạo cho mình sự bình an chân thật, nếu trong cuộc sống, chúng ta năng
rút lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi. Đó không phải là sự nghỉ ngơi về
thân xác, nhưng là sự tĩnh lặng trong sâu tận tâm hồn để sống kết hiệp với Chúa
luôn mãi.
Lm GB Văn Hào