CHÚA GIÊSU MỤC TỬ
Trái tim mục tử của Chúa cũng đã bồi hồi
xúc động trước những con người bất hạnh. Phải chăng đó cũng phải là trái tim
của chúng ta?
Vào ngày 17/7/2006, đất nước Indonesia lại phải gánh chịu
thêm một tổn thất nặng nề nữa về người và tài sản. Đó là trận động đất và sóng
thần xảy ra tại đảo Java đã cướp đi sinh mạng của hơn 550 người.
Tuy nhiên, theo bản tin của đài ABC News, sau cơn sóng thần
đó, một làn sóng dữ dội khác đang “tấn công” đảo Java. Đó là những khách du lịch
vì tò mò đã tìm đến đây để được chứng kiến tận mắt hậu quả tàn khốc của trận
thiên tai. Để ngăn cản làn sóng những du khách đổ xô đến xem, người ta phải dựng
lên những tấm bảng “cấm vào” tại các bãi biển.
Những người đến xem cảnh đổ nát kia hoàn toàn vì tính hiếu
kỳ, nên họ dửng dưng trước những cảnh tang thương. Trong khi đó, có một số nhóm
người làm việc từ thiện đã đến và lăn xả vào đống hoang tàn đổ nát để cứu vớt
và giúp đỡ các nạn nhân. Giữa những đau khổ và bất hạnh, luôn có những tấm lòng
nhân ái. Bên cạnh những trái tim sỏi đá, luôn có những trái tim dạt dào tình yêu
thương.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Marcô, chúng ta có
thể nhận ra được trái tim nhân hậu đầy tình thương xót của Chúa Giêsu. Trái tim
ấy đã rung động thổn thức và chạnh lòng thương xót khi nhìn thấy đám đông dân
chúng bơ vơ lạc lõng như đàn chiên không có người chăn. Trái tim của Chúa Giêsu
chính là trái tim của người mục tử nhân lành.
Chúa Giêsu, mục tử nhân lành
Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Chắc
chắn đó là một cuộc hành trình dài đầy vất vả và thiếu thốn: không bị không
bánh, không tiền bạc giắt lưng…
Sau cuộc hành trình gian khổ ấy, các môn đệ đã trở về và
đến với Chúa để tường trình những kết quả đã gặt hái được trên bước đường loan
báo Tin Mừng. Với đôi mắt đầy yêu thương, Chúa Giêsu đã nhìn thấy sự mệt nhọc
đang hằn lên khuôn mặt của những người môn đệ yêu dấu. Vì thế, Chúa đã khuyên
các môn đệ “hãy lui vào nơi vắng vẻ để
nghỉ ngơi đôi chút.” Đó chính là những giờ phút nghỉ ngơi cần thiết sau một
cuộc hành trình dài đầy vất vả. Đàng khác, cũng có thể Chúa Giêsu nhận thấy khi
các môn đệ hăng hái ra đi rao giảng Tin Mừng, các ông đã “phóng tâm” trong những
hoạt động bên ngoài, nên đã phần nào đánh mất đời sống nội tâm. Đây là lúc
các môn đệ cần “thu tâm” lại để được bồi dưỡng tinh thần trong đời
sống cầu nguyện.
Thế nhưng, đang khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi tìm nơi
thanh vắng để nghỉ ngơi, thì dân chúng đã đoán biết được điều ấy nên đã đến nơi
đó trước các ngài. Nhìn thấy đám đông dân chúng đang khao khát lắng nghe lời
Chúa, trái tim mục tử của Chúa đã bồi hồi xao xuyến trong mối thương cảm. Ngài
đành hủy bỏ chương trình nghỉ ngơi cùng các môn đệ để tiếp tục giảng dạy dân
chúng.
Chỉ có nơi người mục tử nhân lành mới có những hy
sinh tận tụy như thế. Chỉ có nơi người mục tử nhân lành mới có những
cử chỉ và sự quan tâm đầy yêu thương như thế. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng dung mạo
của Chúa Giêsu, mục tử nhân lành, để chúng ta thêm lòng yêu mến và phó thác cuộc
đời trong bàn tay dẫn dắt của Ngài.
Đi theo bước chân vị mục tử nhân lành
Chúng ta được mời gọi để đi theo sự hướng dẫn của mục tử
Giêsu. Đi theo Chúa nghĩa là ta đặt định mệnh đời ta trong tay Chúa. Nhưng đi
theo Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, còn có nghĩa là chúng ta họa lại hình ảnh
Chúa Giêsu mục tử trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta được mời gọi để tham dự vào
vai trò mục tử của Chúa Giêsu khi chúng ta cũng biết tận hiến đời mình trong sự
phục vụ và hy sinh cho người khác. Mỗi người, trong trách nhiệm, bổn phận và địa
vị của mình đều có nghĩa vụ quan tâm và chăm lo cho những người sống chung
quanh.
Là cha mẹ, chúng ta là mục tử đối với con cái
trong gia đình. Chúng ta hãy lưu tâm giáo dục con cái nên người và chăm lo đời
sống đức tin cho con cái. Là thầy cô giáo chúng ta là
mục tử chăm sóc những học trò của mình: hãy tận tụy hy sinh hơn nữa trong việc
dạy dỗ và truyền đạt kiến thức một cách trung thực và có lương tâm của một người
thầy. Là người lãnh đạo, chúng ta hãy trở nên mục tử cho những người
được trao phó cho chúng ta: hãy biết chia sẻ và phục vụ mọi người một cách tận
tình như chính Chúa đã phục vụ. Và cho dù là ai đi chăng nữa, chúng ta cũng có
thể phác họa hình ảnh mục tử Giêsu bằng chính cuộc sống mình. Hãy sống thế nào
để chúng ta có thể chia sẻ sự sống, thời giờ, của cải cho tha nhân và làm giàu
đẹp thêm cuộc sống chung quanh.
Hôm nay, chúng ta hãy biết mang lấy trái tim mục tử của
Chúa Giêsu trong lồng ngực mình, để chúng ta cũng biết nhói đau trước nỗi thống
khổ của anh em mình, cũng biết rung một nhịp đập với trái tim mục tử của Chúa
khi nhìn thấy những mảnh đời bơ vơ lạc lõng.
Bơ vơ lạc lõng đó là căn bệnh
trầm kha của xã hội hôm nay, một xã hội chỉ biết chạy theo lợi nhuận và sự thực
dụng. Bơ vơ lạc lõng khi mất đi niềm tin vào cuộc sống, vào bạn bè, vào chính
Thiên Chúa. Bơ vơ lạc lõng khi phải đối mặt với những thất bại và tai họa trong
cuộc đời. Chính chúng ta cũng phải biết chạnh lòng thương xót như Chúa Giêsu
khi nhìn thấy những cảnh đời bơ vơ lạc lõng như thế.
Họa lại vai trò mục tử của Chúa Giêsu là gì nếu không phải
là đến với những con người bất hạnh và khốn cùng để chiếu ánh sáng lời Chúa vào
lòng họ, đem lại cho họ niềm hy vọng và sự bình an?
Họa lại vai trò mục tử của Chúa là gì nếu không phải là
chỉ cho tha nhân lối mở về Tin Mừng của Chúa, là nhịp cầu cho mọi người gặp gỡ
nhau trong tình huynh đệ?
Chúng ta được tham dự vào sứ vụ mục tử của Chúa, nhưng có
thể nhiều lúc chúng ta đã không chu toàn sứ vụ ấy. Đó là thực trạng các mục tử
Israel được mô tả trong bài đọc I, trích sách tiên tri Giêrêmia. Đó là các vua
và các tư tế. Lẽ ra họ phải chăm sóc chu đáo đàn chiên của Chúa là dân Do Thái,
nhưng họ đã làm tản mát và xâu xé đàn chiên Chúa. Thiên Chúa sẽ lấy lại đàn
chiên ấy và đích thân Người chăm sóc đàn chiên. Là bậc cha mẹ, là những người
đang có trách nhiệm giáo dục, là những người trong vai trò hướng dẫn, chúng ta
có đang đi vào “vết bánh xe” đó của các mục tử Israel không?
Một nhà văn Việt Nam trong những năm 30 của thế kỷ 20 đã
được phong danh hiệu “ông vua phóng sự đất Bắc.” Nhà văn đó chính là Vũ Trọng
Phụng, một cây viết hiện thực và tả chân tài tình. Ông nổi tiếng với thiên
phóng sự “Cơm Thầy Cơm Cô.” Thiên phóng sự này tả lại cảnh đời tăm tối và bi thảm
của những người làm thuê, làm mướn hoặc đi ở đợ hay làm “cu li.”
Để có thể lột tả được hết những cảnh đời khổ đau cùng cực,
ông đã sống như một người dân đen giữa đám người khốn cùng ấy. Trái tim ông đã
hòa cùng nhịp đập với họ. Đến nỗi vì làm việc quá cực khổ, ông bị ho lao và qua
đời lúc mới 27 tuổi.
Chúa Giêsu chính là một vị Thiên Chúa cao cả đã bước xuống
thân phận thấp hèn của con người để hòa mình vào cuộc sống đau khổ của con người.
Trái tim mục tử của Chúa cũng đã bồi hồi xúc động trước những con người bất hạnh.
Phải chăng đó cũng phải là trái tim của chúng ta? Phải chăng đó cũng là con đường
Chúa đang mời gọi chúng ta bước theo?