Lời Chúa cntn 15b _ Chúa sai sứ giả đi rao giảng ơn cứu rỗi

Chúa sai sứ giả đi rao giảng ơn cứu rỗi  
Ít ra chúng ta cũng có thể dùng tới lời cầu nguyện, dùng những hy sinh ta chịu đựng hằng ngày, nhất là sống công bình, bác ái để người xung quanh ta, nhận ra sự hiện diện của Chúa, để trở lại với Chúa.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tài Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay: Chúa sai sứ giả đi rao giảng ơn cứu rỗi.
Bài cựu ước, trích sách tiên tri Amos: Amos sống thời vua Gieroboam II. Gieroboam đang cai trị miền Bắc Israel. Tuy tiên tri Amos là người miền Nam thuộc Giudea, nhưng ông đã được Chúa trao sứ mệnh rao giảng cho dân miền Bắc. Tại miền Bắc lúc đó, vua Gieroboam dung túng việc thời phượng ngẫu tượng tại Béthel, tư tế Amsias đồng lõa với nhà vua, làm điều sai quấy đưa việc thờ bò mộng vào đền thờ ở Béthel, nhà vua cũng như tư tế Amasias bị tiên tri Amos cảnh cáo, nên tư tế Amasias bực mình, muốn cho tiên tri Amos trở về miền Nam để khỏi phá rối công việc sai trái của nhà vua cũng như của tư tế. Tuy nhiên tiên tri Amos khẳng khái quả quyết của mình được chính Chúa sai đến rao giảng cho Isrel cải tà quy chính.
Đại ý bài thư thánh Phaolô giử tín hữu Ephesô:
·        Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn chúng ta, trong đức Kitô, từ tạo thiên lập địa để ta nên tinh tuyền và nên thánh,
·        Thiên Chúa còn nhờ máu thánh Chúa Giêsu rửa sạch mọi tội lỗi ta, và tiến định cho ta nên con cái của ngài.
Sau cùng Chúa cho chúng ta đầy tràn ơn sủng, tập hợp chúng ta trong Chúa Giêsu, tức Giáo Hội để cho ta được hưởng gia tài thiên quốc.
Bài Tin Mừng: Chúa sai các môn đệ đi rao giảng nước Thiên Chúa, mở đầu bằng rao giảng việc thống hối:  và điều kiện để các ngài thành công là phải trông cậy vào Chúa quan phòng, do đó, đừng trông cậy vào các phương tiện vật chất, và uy quyền phàm trần, nhất là phải biết tự bỏ chính mình. Như vậy đề tài của các bài đọc trên đây cho ta một số suy nghĩ:
1. Chúa phép tắc vô cùng, nhưng Chúa cũng đã theo sự an bài từ muôn thuở muốn con người chúng ta được cộng tác vào công việc của Chúa; Từ công việc vật chất, như làm cho cây cối, hoa màu sinh sôi nảy nở, cho tới công việc thiêng liêng như, đem tới hằng sống của Chúa cho người khác, hoán cải họ bỏ đường sai lạc, trở lại chính lộ, nhận biết Chúa, tôn thờ và yêu mến Chúa.
2. Mỗi người chúng ta phải cộng tác với Chúa trong việc tự mình cố gắng thánh hóa bản thân, còn được hân hạnh cộng tác với Chúa để giúp đỡ người khác trở lại với Chúa, thống hối tội lỗi và thánh hóa cuộc đời.
3. Do sự Chúa an bài, ta phải cố gắng hoạt động cho chính bản thân, cũng như cho những người khác, nhưng phải luôn luôn nhận ra kết quả sau cùng là của Chúa. Chúng ta chỉ là phương tiện Chúa dùng, Chúa muốn ta cùng hoạt động để thưởng công cho ta, còn kết quả hay không vẫn là do uy quyền của Chúa.
Việc cộng tác với Chúa đã được chứng minh trong Cựu Ước: Chúa dùng các tiên tri Chúa, để cảnh cáo dân chúng, giúp họ nhận ra Chúa, để chỉ đường cho họ, và đặc biệt để loan báo vị cứu tinh là Chúa Giêsu sẽ xuống thế cứu chuộc dân Israel cũng như cứu chuộc toàn thể nhân loại. Còn trong Tân Ước ta vừa nghe chính Chúa Giêsu sai môn đệ đi rao giảng tin mừng. Công việc rao giảng này không hạn hữu trong thời của Chúa, trong dân tộc của ngài, mà phải rao giảng cho khắp thế giới, cũng như cho tới ngày thế mạt.
Riêng chúng ta: Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho chúng ta được cộng tác với Chúa trong việc cứu rỗi; mỗi người chúng ta trong bất cứ địa vị nào, sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể cộng tác với Chúa để mở mang nước Chúa. Nếu chúng ta không thể đi rao giảng, thì ít ra chúng ta cũng có thể dùng tới lời cầu nguyện, dùng những hy sinh ta chịu đựng hằng ngày, dâng cho Chúa, và nhất là sống công bình, bác ái để người xung quanh ta, nhờ gương sáng của ta, mà nhận ra sự hiện diện của Chúa, để trở lại với Chúa.
Một hôm: vào dịp lễ Phục Sinh, một vị tổng thanh tra giáo dục đi săn tại miền Di linh. Lúc đó Di linh mà một khu rừng, chỉ có dân tộc thiểu số Kô Hô sinh sống. Hổ, nai, các thú rừng khác có rất nhiều. Vị tổng thanh tra này chưa biết đã có một làng cùi, do Cha Gioan B. Sanh thành lập. Nghe tiếng súng nổ, Cha Sanh ra gặp vị tổng thanh tra (Người Pháp) và nói cho Ông biết là không một ai được lai vãng tới khu vực này. Vị thanh tra bỡ ngỡ, và ra oai hỏi: “Ông lấy quyền nào mà ngăn cản chúng tôi”, Cha Sanh chỉ vào làng cùi và dẫn Ông vào coi. Vừa thấy những người cùi, Ông ghê sợ vội bỏ đi, và không cần ai ngăn cấm, Ông cũng không giám bén mảng đến khu vực đầy sợ hãi này. Tuy nhiên khi bỏ đi, Ông cũng tỏ thái độ bực bội với linh mục Sanh, và tỏ ra mình cũng có quyền giải tán làng cùi này. Nhưng rồi mấy tuần lễ sau: Cha Sanh đã nhận được một bưu kiện lớn, trong đó có nhiều thuốc men và dụng cụ y tế… kèm theo một mảnh giấy: “Tôi tặng Cha món quà này, để giải đáp câu hỏi, mà sự hiện diện những người cùi Di Linh, luôn gợi lại trong trí óc tôi.” Dưới ký tên Tổng thanh tra.
Cách bốn năm sau, khi Cha Sanh đã về nhận chức Giám Mục Sàigòn, thì vào một buổi trưa, ngài nhận được một bức điện: “Xin Đức Cha cấp tốc tới bệnh viện trung ương Nam Vang: Một bệnh nhận liệt nặng muốn gặp. Có xe tới đón.”
Xe đưa Đức Cha Sanh khởi hành từ Sàigòn lúc 6 giờ chiều, tới 10 giờ đêm mới tới Nam Vang. Ngài vào trọ đêm tại tòa giám mục Nam Vang. Sáng sớm hôm sau vào bệnh viện. Bệnh nhân liệt nặng này chính là vị tổng thanh tra, trước đây vẫn ác cảm với đạo. Tuy có rửa tội, nhưng đã bỏ đạo từ lâu. Từ ngày gặp linh mục Sanh ở Di Linh: hình ảnh một linh mục sống giữa những con người cùi ghê tởm, hy sinh băng bó vết thương cho họ, đã ghi sâu vào đầu óc Ông. Đó là một nhân chứng sống động của đức bác ái Kitô giáo. Ông đã tìm về với Chúa. Ông xin Đức Cha giải tội cho Ông, trước khi Ông từ giã cõi đời.