CẦN XÁC ĐỊNH LẠI
BẬC THANG GIÁ TRỊ
Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con “gắn lại bảng
giá cho đúng với giá trị thật của mỗi món hàng.”
Một người thù
ghét chủ tiệm buôn lớn, đã lợi dụng sơ hở của chủ nhân nên lẻn vào cửa tiệm giữa
đêm khuya để tìm cách phá hoại.
Thấy trong cửa
hàng có một bàn thờ bằng gỗ quý, chạm khắc rất mỹ thuật ghi giá bán 30 triệu đồng
và một cái thùng rác ghi giá bán 10.000 đồng, người đột nhập gỡ miếng giấy ghi
giá 30 triệu ở bàn thờ gắn vào thùng rác và gỡ miếng giấy ghi giá 10.000 đồng ở
thùng rác dán vào bàn thờ. Thế là bàn thờ gỗ quý chạm khắc công phu chỉ có giá
10.000 đồng trong khi thùng rác hèn hạ được nâng giá trị lên đến 30 triệu đồng
và y tiếp tục thực hiện như thế với những món hàng khác.
Thế là các món
hàng quý báu bị mất giá nghiêm trọng còn những món hàng rẻ mạt thì được nâng
cao giá trị gấp trăm lần.
Hành động quái
ác nầy khiến khách hàng không thể nhận ra đâu là giá trị đích thực của các món
hàng nên có thể mua lầm một cách tai hại. (dựa theo ý tưởng của Frère Phong
trong cuốn “Mắm muối cho bữa cơm hằng ngày”)
Các giá trị của đời
sống con người hôm nay cũng đang bị đảo lộn y hệt như thế, khiến rất nhiều người tôn
vinh tiền tài của cải mà xem thường luân thường đạo lý, đánh giá cao những gì phù phiếm bên ngoài
mà coi rẻ phẩm chất cao đẹp của con người. Thế là những điều phù phiếm được lên
ngôi trong khi những phẩm chất cao đẹp của con người bị đẩy xuống hạng thấp
kém.
Qua Tin Mừng
hôm nay, thánh Mác-cô cho thấy người dân thành Na-da-rét cũng đánh giá Chúa
Giê-su theo nhãn quan đó.
Mặc dù danh tiếng
Chúa Giê-su đã vang dội nhiều nơi nhờ những lời rao giảng khôn ngoan, nhờ việc
chữa lành nhiều bệnh nhân và nhờ những phép lạ Ngài làm, thế nhưng khi trở về
quê quán, những người đồng hương nhìn vào gia thế thanh bần của Chúa Giê-su,
nhìn đến anh chị em họ hàng của Ngài thuộc hàng dân dã, và ngay cả bản thân
Ngài trước đây cũng chỉ là một anh thợ mộc bình dị trong làng, nên họ không còn
quý trọng và đặt niềm tin vào Ngài nữa.
Họ xì xào bàn
tán với nhau: "Ông ta không phải là
bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và
Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ
vấp ngã vì Ngài." (Mc 6,3)
Bấy giờ Chúa
Giê-su nêu lên một nhận định có phần chua xót: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình,
hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi."
Thế là Chúa Giê-su chẳng làm được phép lạ nào tại Na-da-rét (Mc 6, 5) cho người đồng
hương. Ngài rời bỏ quê nhà đi rao giảng nơi
khác.
Tiếc thay, vì
đánh giá Chúa Giê-su theo lớp vỏ bên ngoài, dựa vào gia thế, nghề nghiệp… mà
không dựa vào phẩm chất của Ngài nên dân làng Na-da-rét đánh mất dịp may đón nhận
những hồng phúc mà Chúa Giê-su ưu ái dành cho họ. Cách đánh giá như thế khá phổ
biến trong xã hội hôm nay.
Vì đề cao giá
trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên giới trẻ ngày nay đua đòi ăn mặc hợp thời trang, dù phải mặc những loại y phục thiếu nết
na và quái đản, và cho rằng có như thế mới khẳng định được giá trị và đẳng cấp
của mình!
Vì đề cao giá
trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên nhiều người sẵn sàng hiến thân
làm nô lệ cho tiền bạc, cố tìm cách trở nên giàu sang bằng mọi
giá, cho dù phải bán rẻ lương tâm, danh dự và ngay cả thân xác mình!
Vì đề cao giá
trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên người ta đánh giá con người dựa theo số lượng của cải mà người đó sở hữu chứ không dựa vào phẩm
chất cao đẹp bên trong.
Trước thực trạng
đó, Công Đồng Vaticano II nhắc nhở mọi người: “Giá trị con người không hệ tại
những gì người ta sở hữu nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người"
Lạy Chúa
Giê-su,
Xin giúp chúng
con “gắn lại bảng giá cho đúng với giá trị thật của mỗi món hàng”, biết thẩm định giá trị con người dựa vào
phẩm chất của họ, chứ không phải dựa vào những thứ “bao bì”, vỏ bọc bên ngoài.
Và xin cho nhân
loại hôm nay biết nhận ra đâu là giá trị tinh thần cao quý đáng theo đuổi suốt
đời và đâu là điều xa hoa phù phiếm không nên quyến luyến ham mê.