Học làm người _ tuổi biết yêu, tuổi hết yêu


TUỔI BIẾT YÊU, TUỔI HẾT YÊU
Chính nhờ những hy sinh cho nhau và vì nhau mà tình yêu mỗi ngày một trở nên tinh ròng và nồng thắm.
Gã Siêu
TUỔI BIẾT YÊU
Xét về tuồi tác, các cụ vốn thường chủ trương: Nữ thập tam, nam thập lục. Gái mười ba, trai mười sáu. Trong khi đó, giáo luật cũ khoản 1067 đã qui định: Nam mười sáu, nữ mười bốn. Nếu dưới lứa tuổi này thì cuộc hôn nhân bị coi là bất hợp pháp. Còn theo luật nhà nước hiện nay thì gái mười tám, trai hai mươi. Bởi vậy, cụ thể là nên tuân theo luật của nhà nước. Tuy nhiên, để thuyền tình được cặp bến hạnh phúc, theo gã nghĩ cần phải có sự trưởng thành về sinh lý, về tình cảm và về xã hội.
Trước hết, sự trưởng thành về sinh lý
Nghĩa là cơ thể của đôi bên phải được phát triển đầy đủ để đón nhận thiên chức làm cha và làm mẹ. Mức độ trưởng thành này tương đối đến rất sớm, có thể vào khoảng mười ba, mười bốn hay mười lăm, mười sáu. Dấu chỉ của sự trưởng thành sinh lý nơi người nam là việc xuất tinh, còn nơi người nữ là việc có kinh. Thế nhưng, cần phải đợi thêm một thời gian nữa cho cơ thể được phát triển trọn vẹn.
Đây là một điều kiện cần phải lưu ý, nhất là đối với những bậc làm cha làm mẹ. Nhiều khi vì quá lo lắng cho con cái, đặc biệt là con gái lớn trong nhà, muốn gả sớm chừng nào hay chừng ấy, vì như người ta vốn so sánh một cách khôi hài: Có con gái lớn như chứa một quả bom nổ chậm, không biết nó sẽ phát nổ lúc nào? Hơn nữa, các ông các bà thường nghĩ: Con gái có thời. Và khi cái thời ấy đã qua đi thì khó mà trở lại.
Lo lắng cho con cái là điều tốt, nhưng cha mẹ cần phải ý thức những hậu quả tai hại do việc kết hôn quá sớm gây nên. Những cặp vợ chồng trẻ con này, rất có thể vì bồng bột mà lấy nhau, để rồi được dăm bữa nửa tháng lại chán nhau. Ngoài ra, vì chưa ý thức đầy đủ về những bổn phận và trách nhiệm của mình, nên dễ giận hờn và cãi vã bởi những chuyện nhỏ mọn không đâu. Chưa biết làm ăn để bảo đảm một đời sống vật chất tương đối ấm no. Chưa giáo dục nổi bản thân thì làm sao giáo dục được con cái. Ấy là chưa nói tới những tai hại về sức khoẻ cho con cái và cho chính những bố mẹ trẻ con này. Tình yêu giống như một nụ hồng, đừng để nó nở vội và nhất là đừng thưởng thức nó quá sớm, như thế nó sẽ chóng tàn và chóng héo.
Tiếp đến, sự trưởng thành về tình cảm
Người xưa đã bảo: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Ngay cả những cái thật tầm thường, thật đơn sơ mà chúng ta còn phải học, huống nữa là tình yêu, một vấn đề vừa khó khăn, vừa phức tạp, lại vừa tế nhị nhất trong cuộc sống. Tình yêu của chúng ta phải được phát triển từ ấu trĩ đến trưởng thành, nhờ đó mỗi ngày một thêm đằm thắm.
Tình trạng ấu trĩ là một tình yêu khép kín. Một tình yêu vị kỷ, một tình yêu vì mình. Chúng ta bắt người khác phải phục vụ hầu thoả mãn những đòi hỏi riêng tư và chúng ta đi tìm kiếm nơi họ những cảm xúc của bản năng, như một câu danh ngôn đã bảo: Chúng ta nhìn vào cặp mắt của người chúng ta yêu, không phải để thấy rằng cặp mắt ấy đẹp, dễ thương và dễ mến, nhưng là để thấy hình ảnh mình được in trên cặp mắt ấy. Chính khuynh hướng ích kỷ này sẽ giết chết tình yêu hay ít nữa sẽ làm cho tình yêu bị tàn lụi.
Sự trưởng thành trong tình yêu đòi buộc chúng ta phải ra khỏi cái tháp ngà của bản thân để đến với người khác, hầu giúp đỡ và đem lại hạnh phúc cho họ. Thay vì một tình yêu vì mình, chúng ta phải đạt tới một tình yêu vì người. Thay vì một tình yêu khép kín, chúng ta phải có được một tình yêu rộng mở.
Hướng tới người khác đã đành, mà hơn thế nữa, chúng ta còn phải quản lý con tim mình một cách chặt chẽ để nó khỏi đập lỗi nhịp và trật đường rầy. Thực vậy, tiến đến hôn nhân là chúng ta chính thức bày tỏ sự chọn lựa. Và theo gã nghĩ: chọn lựa có nghĩa là chấp nhận và từ bỏ. Chấp nhận người tôi yêu với tất cả những ưu điểm và khuyết điểm, để rồi cộng tác và giúp đỡ lẫn nhau hầu thăng tiến. Đồng thời phải từ bỏ tất cả những gì khả dĩ làm cho tình yêu bị suy giảm và hạnh phúc bị rạn vỡ.
Đó có thể là những hình ảnh vàng son của một dĩ vãng “hoàng thị.” Nhưng dĩ vãng thì đã qua đi, chỉ có hiện tại mới là nỗi bận tâm duy nhất. Bởi vì nếu cứ so sánh dĩ vãng với hiện tại, chắc chắn chúng ta sẽ thấy hiện tại không được bằng dĩ vãng. Và như thế, tình yêu sẽ bị chết dần chết mòn. Đó có thể là những chia sẻ bất chính, những giao du thầm lén, những liên hệ vụng trộm, khả dĩ đem tới những ghen tương và làm cho gia đình bị đổ vỡ. Bởi vậy, phải tìm hiểu nhau cho thấu đáo, rồi mới chọn lựa và tiến tới hôn nhân. Và một khi đã chọn lựa, thì phải dứt khoát trung thành với nhau mãi mãi, chứ không được chạy theo những bóng hình nào khác, theo kiểu chán cơm thèm phở!
Sau cùng, sự trưởng thành về xã hội
Nghĩa là phải ý thức trách nhiệm của mình để rồi cố gắng chu toàn một cách tối đa. Kể từ ngày kết hôn, chúng ta đã rẽ vào một khúc quanh mới của cuộc đời. Chúng ta kề vai gánh lấy những bổn phận của nếp sống lứa đôi. Bởi đó, phải nhìn rõ những bổn phận của mình: Bổn phận vợ chồng và bổn phận cha mẹ, để rồi cố gắng tuân giữ, vì một cuộc hôn nhân thành công hay thất bại, không phải chỉ đem lại hạnh phúc hay đau khổ cho riêng mình, mà còn cho con cái cháu chắt, cho xã hội và Giáo Hội nữa. Việc chu toàn những trách nhiệm này đòi hỏi chúng ta phải hy sinh nhiều lắm. Nhưng chính nhờ những hy sinh cho nhau và vì nhau mà tình yêu mỗi ngày một trở nên tinh ròng và nồng thắm.
Tuy nhiên, sự trưởng thành về tình cảm và xã hội lại không lệ thuộc vào tuổi tác, nhưng phải tập luyện mỗi ngày. Có những người đã già mà còn bê tha vợ nọ con kia, rượu chè cờ bạc, biến gia đình trở thành một địa ngục. Đó là dấu chỉ chắc chắn nhất để nói lên rằng: Họ chưa thực sự trưởng thành về tình cảm và xã hội. Những sự trưởng thành kể trên chính là những hành trang cần thiết để đi vào tình yêu.
TUỔI HẾT YÊU
Gã không nhớ một nhà thơ nào đó đã viết:
Bà già đã bảy mươi tư,
Ngồi trong cửa sổ viết thư cho bồ.
Còn Nguyễn Công Trứ, đã bảy mươi ba rồi mà vẫn khoái cưới thêm một nàng hầu, tổng cộng ông có tất cả 14 bà vợ. Vì thế, trong đêm tân hôn, giai nhân bèn hỏi ông bao nhiêu tuổi? Không chút ngần ngại, ông đã trả lời: “Ngũ thập niên tiền nhị thập tam.” Nghĩa là năm mươi năm trước, anh mới hăm ba thôi!
Tất cả những sự việc trên chứng tỏ con người luôn muốn yêu và được yêu. Tuy nhiên, tình yêu không chỉ đóng khung trong phạm vi vợ chồng, mà còn phải được mở rộng sang nhiều phạm vi khác nữa như cha mẹ, con cái, thầy trò, bè bạn, tha nhân… bởi vì biên giới của yêu thương là thương yêu không biên giới.
Hơn thế nữa, là con nhà có đạo, vốn được nghe giảng dạy: Thiên Chúa là Tình yêu. Đồng thời, con người được dựng nên theo hình ảnh Ngài. Như thế, con người mang trong trái tim mình một giọt tình, xuất phát tự biển tình của Thiên Chúa. Con người được sinh ra và lớn lên trong tình yêu. Con người sống và hoạt động cho tình yêu. Con người cứ yêu mãi, yêu hoài, yêu từ đời này, rồi bắc cầu vượt qua cái chết, để yêu luôn suốt cả đời sau.
Gã Siêu