Mười
điểm “rút ra” từ
LAUDATO SI’
Linh mục James Martin, S.J, biên tập viên tự
do của tạp chí America đã tóm tắt Thông điệp mới của Đức giáo hoàng Phanxicô
trong bài viết Mười điểm “rút ra” từ Laudato Si’.
WHĐ (21.06.2015)
– Thông điệp mới mang tính cách mạng của Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi một
“cuộc cách mạng văn hóa rộng rãi” để đương đầu với cuộc khủng hoảng môi trường.
Laudato Si’ khá dài. Có thể tóm tắt được không? Nói cách khác, đâu là những sứ
điệp chính, hoặc “những điểm rút ra” từ Laudato Si’ ?
Linh mục James
Martin, S.J, biên tập viên tự do của tạp chí America đã tóm tắt Thông điệp mới
của Đức giáo hoàng Phanxicô trong bài viết Mười điểm “rút ra” từ Laudato Si’.
Chúng tôi xin
giới thiệu với bạn đọc bài viết này.
***
1) Viễn tượng tâm linh hiện là một phần của các cuộc thảo
luận về môi trường
Theo tôi, đóng
góp lớn nhất của Laudato Si’ cho cuộc đối thoại về môi trường là đã tóm lược có
hệ thống về cuộc khủng hoảng theo quan điểm tôn giáo. Cho đến nay, cuộc đối thoại
về môi trường chủ yếu đóng khung trong ngôn ngữ chính trị, khoa học và kinh tế.
Với Thông điệp mới này, ngôn ngữ của đức tin đã bước vào
cuộc thảo luận, rõ ràng,
dứt khoát và có hệ thống. Điều này không có nghĩa là Đức giáo hoàng Phanxicô áp
đặt niềm tin của mình vào những mối quan tâm ấy về môi trường. Ngài nói, “tôi biết rõ rằng không phải mọi người đều
là tín hữu” (số 62). Tuy nhiên, Thông điệp đặt cuộc thảo luận cách chắc chắn
vào một viễn tượng tâm linh và mời gọi mọi người khác lắng nghe quan điểm tôn
giáo, đặc biệt là quan niệm về sáng tạo như một món quà thánh thiêng và quý giá
của Thiên Chúa, được mọi người nam nữ quý trọng. Nhưng Đức giáo hoàng cũng hy vọng
sẽ tiếp thêm “động lực dồi dào” cho
các Kitô hữu và tín hữu khác trong việc “chăm
sóc thiên nhiên” (số 64). Điều này cũng không có nghĩa là các vị giáo hoàng
khác (và các cơ quan khác của Giáo hội) đã không nói về cuộc khủng hoảng – Đức
giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến giáo huấn của các vị tiền nhiệm của ngài, đặc
biệt là Thánh Gioan Phaolô II và Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô. Nhưng với
cách tiếp cận có hệ thống về phương diện tâm linh, đây là một văn kiện mang
tính đột phá nhằm mở rộng cuộc bàn luận bằng cách mời các tín hữu tham gia đối
thoại và cung cấp những hiểu biết mới mẻ cho những người đã tham gia.
2) Người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề vì biến đổi khí hậu
Hậu quả không
cân xứng của sự thay đổi môi trường đối với người nghèo và các nước đang phát
triển được nhấn mạnh trong hầu hết các phần của Thông điệp. Thật vậy, ở gần phần
mở đầu của Laudato Si’, Đức giáo hoàng xác định rằng một trong các chủ đề trung
tâm của Thông điệp là tập trung vào người nghèo, và ngài đưa ra nhiều ví dụ về
các hậu quả tai hại của biến đổi khí hậu, gây ra “tác động xấu” cho những những người sống tại các nước đang phát
triển. Đây không chỉ đơn giản là kết quả của việc những người giàu có quyền lực
đã đưa ra những quyết định không quan tâm đến người nghèo, mà còn vì bản thân
người nghèo có ít nguồn lực tài chính giúp họ thích ứng với việc biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của các nước nghèo lại làm giàu thêm
sự phát triển của các nước giàu và “phải
trả giá bằng chính hiện tại và tương lai của chính mình” (số 52). Trong suốt
Thông điệp, Đức giáo hoàng đã dùng Phúc Âm, giáo huấn xã hội Công giáo và các
phát biểu của các vị giáo hoàng gần đây để phê phán việc loại
trừ bất cứ ai khỏi phúc lợi của thiên nhiên. Nói chung, trong các quyết định liên quan
đến môi trường và việc sử dụng các nguồn tài nguyên chung của trái đất, ngài lặp
đi lặp lại lời kêu gọi phải quý trọng “phẩm
giá lớn lao của người nghèo” (số 158).
3) Ít đi tức là nhiều hơn
Đức giáo hoàng
Phanxicô nhắm vào điều mà ngài gọi là tư duy “kỹ trị”, trong đó công nghệ được
coi là “chiếc chìa khóa chính” cho đời
sống con người (số 110). Ngài phê phán sự lệ thuộc thiếu suy xét vào sức mạnh
thị trường, trong đó người ta chấp nhận mọi tiến bộ công nghệ, khoa học, công
nghiệp mà không xét xem nó có ảnh hưởng đến môi trường như thế nào và “không quan tâm đến việc nó có thể gây ra
tác động tiêu cực cho con người” (số 109). Đây không phải là quan điểm của
một người thủ cựu –thật vậy, Đức Phanxicô đã không theo lối mòn chỉ biết ca ngợi
các tiến bộ công nghệ– nhưng là quan điểm của một tín hữu phản đối ý tưởng cho
rằng mọi tiến bộ về công nghệ đều tốt đẹp cho trái đất và cho nhân loại.
Laudato Si’ cũng chẩn đoán một xã hội của “chủ
nghĩa tiêu thụ cực đoan”, trong đó người ta không thể chống lại những gì thị
trường bày ra cho họ, trái đất bị bóc lột và hàng tỷ người bị bần cùng hóa (số
203). Ngài nói, đó là lý do tại sao bây giờ là lúc phải chấp nhận “giảm phát triển ở một số nơi trên thế giới,
để những nơi khác được phát triển lành mạnh” (số 193). Ngược với não trạng
tiêu thụ, linh đạo Kitô giáo đề nghị một sự tăng trưởng mang tính “điều độ và có khả năng sống hạnh phúc với điều
ít ỏi” (số 222). Đây hoàn toàn là vấn đề định nghĩa lại khái niệm của chúng ta về
sự tiến bộ.
4) Ngày nay giáo huấn xã hội Công giáo gồm cả giáo huấn về
môi trường
Phản bác những
ai cho rằng một Thông điệp của giáo hoàng về môi trường là không có thẩm quyền
thực sự, Đức giáo hoàng Phanxicô tuyên bố rõ ràng rằng Laudato Si’ nay sẽ
được đưa vào nội dung giáo huấn xã hội của Giáo hội” (số 15). Theo
đó, Thông điệp là hình thức giáo huấn ở mức cao nhất của thẩm quyền Giáo hội,
chỉ sau Phúc Âm và các Công đồng như Công đồng Vatican II. Như vậy, Thông điệp
này tiếp nối suy tư về các vấn đề hiện đại đã bắt đầu với Rerum Novarum (Tân sự)
của Đức giáo hoàng Leo XIII ban hành năm 1891 về tư bản và lao động. Đức giáo
hoàng Phanxicô sử dụng một số nền tảng truyền thống của giáo huấn Công giáo về
xã hội, đặc biệt là khái niệm “công ích”, để trình bày tư tưởng của ngài. Phù hợp
với các thực hành của giáo huấn xã hội Công giáo, Đức giáo hoàng kết hợp tính
phong phú của nền thần học của Giáo hội với những kết luận của các chuyên gia
trong nhiều lĩnh vực, để suy tư về các vấn đề hiện nay. Để đạt được điều này,
ngài nối kết một cách rõ ràng Thông điệp Pacem in Terris của Thánh Gioan XXIII
– nói về cuộc khủng hoảng chiến tranh hạt nhân, với Laudato Si’ – nói về cuộc
khủng hoảng mới hơn này.
5) Thảo luận về sinh thái học có nền tảng trong Kinh
Thánh và truyền thống Giáo Hội
Một cách khôn
ngoan, Đức giáo hoàng Phanxicô không mở đầu Thông điệp với một tư tưởng Kinh
Thánh và truyền thống (hai cột trụ của giáo huấn Công giáo), khiến cho những
người không tin có thể gạt Thông điệp sang một bên, nhưng với một cái nhìn tổng
quan về cuộc khủng hoảng, gồm cả vấn đề nước, đa dạng sinh học v.v… Chỉ đến
Chương Hai ngài mới trở về với “Phúc Âm của
Sáng tạo”, trong đó ngài dẫn dắt độc giả, từng bước, qua lời kêu gọi chăm
sóc thiên nhiên đã được nói đến trong sách Sáng Thế, khi con người được kêu gọi
“trồng trọt và gìn giữ” trái đất.
Nhưng có thể nói chúng ta đã cày bừa quá nhiều và không gìn giữ đủ. Trong một
cái nhìn rất tổng quát, Đức giáo hoàng Phanxicô đã vạch ra chủ đề yêu mến các thụ tạo bằng cả Cựu Ước và Tân Ước. Chẳng hạn,
ngài nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, không chỉ trở nên
con người, mà còn là một phần của thế giới tự nhiên. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu
cũng đề cao thế giới tự nhiên, như trong các đoạn Tin Mừng mà Người ca ngợi thụ
tạo. Những hiểu biết của các thánh cũng được Đức giáo hoàng Phanxicô nhắc lại,
đặc biệt nhất là Thánh Phanxicô Assisi, là kim chỉ nam tinh thần của Thông điệp
này. Ngoài ra, để giúp những người không tin hiểu được Kinh Thánh và truyền thống
của Giáo hội, Đức giáo hoàng rõ ràng cố gắng truyền cảm hứng cho các tín hữu
chăm sóc thiên nhiên và môi trường.
6) Mọi sự đều liên kết với nhau, kể cả kinh tế
Một trong những
đóng góp lớn nhất của Laudato Si’ là đưa ra điều mà các nhà thần học gọi là tiếp
cận “có hệ thống” một vấn đề. Trước hết, Đức giáo hoàng nối kết tất cả chúng ta
với thiên nhiên: “Chúng ta là một phần của
thiên nhiên, ở trong thiên nhiên, và vì thế thường xuyên tương tác với thiên
nhiên” (số 139). Nhưng quyết định của chúng ta, đặc biệt là về sản xuất và
tiêu thụ, có tác động không thể tránh khỏi đối với môi trường. Đức Phanxicô
liên kết một “quan niệm ma thuật của thị trường”
–vốn ưu tiên cho lợi nhuận hơn là tác động đến người nghèo–, với việc lạm dụng
môi trường (số 190). Khỏi phải nói, việc chạy theo tiền bạc và gạt sang một bên
lợi ích của những người sống bên lề xã hội sẽ dẫn đến sự huỷ hoại
hành tinh này. Ngay từ đầu,
Đức giáo hoàng đã nói đến Thánh Phanxicô Assisi, là người khẳng định “mối liên kết không thể tách rời của việc
quan tâm đến thiên nhiên, công lý cho người nghèo, dấn thân cho xã hội với sự
bình an nội tâm” (số 10). Không hề lên án chủ nghĩa tư bản một cách ngây
thơ, Đức giáo hoàng Phanxicô đưa ra lời phê bình thông minh về các giới hạn của
thị trường, đặc biệt là khi nó không chu cấp cho người nghèo. Đức giáo hoàng
nói, “Lợi nhuận không thể là tiêu chuẩn
duy nhất của các quyết định của chúng ta” (số 187).
7) Nghiên cứu khoa học về môi trường phải được đề cao và
áp dụng
Trong Thông điệp
này Đức giáo hoàng Phanxicô không cố gắng “chứng minh” điều gì về thay đổi khí
hậu. Ngài thẳng thắn thừa nhận rằng Giáo hội không “định giải quyết các vấn đề khoa học” (số 188). Và đang khi nêu rõ
rằng có những tranh luận về khoa học hiện nay, Thông điệp của ngài chấp nhận “nghiên cứu khoa học tốt nhất hiện nay”
và dựa trên cơ sở đó, chứ không đi vào cuộc tranh luận của các chuyên gia (số
15). Chẳng hạn, khi nói về những khu rừng lớn ở Amazon và Congo, các băng hà và
các mạch nước ngầm, Đức giáo hoàng chỉ nói đơn giản: “Chúng tôi biết những thứ đó quan trọng đối với trái đất như thế
nào...” (số 38). Cũng như các Thông điệp Công giáo khác về xã hội đã phân
tích các vấn đề như tư bản, công đoàn và tiền lương công bằng, Laudato Si’ dựa
trên cả giáo huấn của Giáo hội và các nghiên cứu hiện đại trong các lĩnh vực
khác –đặc biệt trong trường hợp này là khoa học–, để giúp con người ngày nay
suy tư về những vấn đề này.
8) Thói dửng dưng và ích kỷ lan rộng làm cho vấn đề môi
trường thêm trầm trọng
Đức giáo hoàng
Phanxicô dành những lời phê phán mạnh mẽ nhất cho những người giàu không quan
tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, và nhất là ảnh hưởng của nó đối với người
nghèo. “Nhiều người trong số những người
sở hữu nhiều tài nguyên hơn dường như quan tâm chủ yếu đến việc che đậy các vấn
đề hay giấu giếm các triệu chứng của các vấn đề ấy...” (số 26). Đức giáo
hoàng đặt câu hỏi, tại sao có quá nhiều người giàu ngoảnh mặt với người nghèo? Không
chỉ vì “một số người tự xem mình là xứng
đáng hơn hơn những người khác”, nhưng vì thông thường những người ra quyết định lại sống “cách biệt với người nghèo”, không gặp gỡ thực sự anh chị em mình (số
90, 49). Ích kỷ cũng dẫn đến sự bốc hơi các khái niệm về công ích. Điều này
không đơn giản chỉ ảnh hưởng đến những người ở các nước đang phát triển, mà còn
ở ngay trong các thành phố của các nước phát triển, nơi mà ngài kêu gọi thực hiện
điều có thể đặt tên là một “nền sinh thái
của đô thị”. Trong thế giới của Laudato Si’ không có chỗ cho thói ích kỷ
hay dửng dưng. Chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên “nếu cõi lòng chúng ta thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến
người đồng loại của chúng ta” (số 91).
9) Cần thiết phải có sự đối thoại và đoàn kết trên quy mô
toàn cầu
Có lẽ hơn bất kỳ
Thông điệp nào khác, Đức giáo hoàng Phanxicô dựa vào kinh nghiệm của nhiều người
trên khắp thế giới, khi sử dụng những hiểu biết của các Hội đồng Giám mục như Hội
đồng Giám mục Brazil, New Zealand, Nam Phi, Bolivia, Bồ Đào Nha, Đức,
Argentina, Cộng hòa Dominica, Philippines, Australia và Hoa Kỳ. (Theo cách này,
ngài cũng cho thấy nguyên tắc bổ trợ của Công giáo; nguyên tắc này phần nào dựa
vào các kinh nghiệm và giải pháp địa phương). Hơn nữa, “cuộc đối thoại mới” và
“cuộc tranh luận trung thực” mà ngài kêu gọi không phải là duy nhất trong Giáo
hội Công giáo (số 14, 16). Trong Thông điệp, Đức giáo hoàng Phanxicô đã trích dẫn
Đức Thượng phụ Bartholomaios, vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống Đông phương,
cũng như ý tưởng của một nhà thơ Sufi nữa. Thực tế, Đức Phanxicô kêu gọi đối
thoại và tranh luận với “mọi người” về “ngôi nhà chung” của chúng ta (số 62,
155). Một cuộc đối thoại toàn cầu cũng là cần thiết bởi vì “không có những công thức như nhau”. Điều
thích hợp ở vùng này lại không thích hợp ở vùng khác (số 180). Phạm vi toàn cầu
của Thông điệp (trái với hình thức quy châu Âu) sẽ dễ dàng mời gọi cộng đồng thế
giới hơn.
10) Phải thay đổi tâm hồn
Thực chất,
Thông điệp này –được gửi đến “tất cả mọi người trên hành tinh”– là lời kêu gọi
hãy có cái nhìn mới về sự vật, hãy thực hiện “cách mạng văn hoá triệt để” (số 3, 114). Chúng ta đang đối mặt với
một cuộc khủng hoảng cấp bách, khi mà, vì những hành động của chúng ta, trái đất
đã bắt đầu ngày càng trở nên, theo kiểu nói sống động của Đức Phanxicô, “một bãi rác khổng lồ” (số 21). Tuy
nhiên, Thông điệp vẫn hy vọng, khi nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa luôn ở với
chúng ta, rằng chúng ta có thể nỗ lực cả về phương diện cá nhân lẫn cùng nhau hợp tác để thay đổi tình hình. Chúng ta có thể thức tỉnh tâm hồn minh và
hướng tới một “hoán cải về sinh thái”, trong đó chúng
ta thấy được sự liên kết mật thiết giữa Thiên Chúa và mọi sinh vật, để sẵn sàng
lắng nghe “tiếng kêu cứu của trái đất và
tiếng khóc than của người nghèo” (số 49).
Để nói bằng
ngôn ngữ tôn giáo, điều Đức giáo hoàng kêu gọi là phải hoán cải.
Huy Hoàng chuyển
ngữ