Ơn thiên triệu _ cây thánh giá nhỏ

Nhân ngày giỗ Đức Cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ 
CÂY THÁNH GIÁ NHỎ
Chúa Giêsu trên cây thánh giá đã luôn ở bên Đức Cha Cố. Người là nguồn sức mạnh thiêng liêng cho Đức Cha Cố, nhất là những năm cuối đời đầy thử thách của Ngài.
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Trên chiếc bàn nhỏ kê ở đầu giường tôi, có một cây thánh giá nhỏ bằng nhôm rất nhẹ. Nhưng đối với tôi, đó là một kỷ vật rất nặng về ý nghĩa, rất nặng về nhắc nhở, rất nặng về niềm tin và hy vọng.
     Cây thánh giá nhỏ đó đã để trên giường Đức Cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ nhiều năm. Chúa Giêsu trên cây thánh giá đã luôn ở bên Đức Cha Cố. Người là nguồn sức mạnh thiêng liêng cho Đức Cha Cố, nhất là những năm cuối đời đầy thử thách của Ngài. Người nữ tu chăm sóc cho Đức Cha Cố đã đem cây thánh giá ấy đến cho tôi, khi Đức Cha Cố vừa qua đời.
     Tạ ơn Chúa vì kỷ vật này.
2.  Tôi thường nhìn vào kỷ vật này, để sống ơn gọi. Tôi nhìn Chúa Giêsu trên thánh giá, rồi nhìn Đức Cha Cố Micae.
     Khi nhìn vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá, tôi thường được Người nhắc cho tôi nhớ lại những lời xưa Người đã nói về tình yêu nơi Người. Dưới đây là mấy lời quan trọng của Người đã và đang dẫn đưa tôi sống ơn gọi theo Người. Đức Cha Cố cũng âm thầm khuyên tôi.
3.  Lời thứ nhất là: “Thầy là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
     Cùng với lời đó, Chúa Giêsu cho tôi nhận ra dung mạo của Chúa Giêsu đang ở bên tôi. Dung mạo đó là: mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình vì chiên. Dung mạo đó được in vào lòng tôi. Chúa Giêsu với dung mạo đó đang ở trong tôi. Người biến đổi tôi nên một chút nào đó giống như Người.
     Tự nhiên, tôi cảm nhận được điều Chúa Giêsu muốn nơi tôi, đó là tôi cũng hãy chia sẻ với Người chức vụ mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
     Tôi hỏi Chúa, thế nào là nhân lành, và thế nào là hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, như Chúa đã làm và muốn tôi chia sẻ. Thì Chúa trả lời là hãy cầu nguyện và chiêm niệm mới rõ được, chứ lý thuyết trên sách và căn cứ vào các hội thảo sẽ không đảm bảo. Rồi, Chúa cho tôi nhớ lại gương Đức Cha Cố Micae. Ngài quan tâm nhiều đến cầu nguyện và chiêm niệm, nên Ngài sống rất yêu thương và hy sinh cho đoàn chiên với những chi tiết nhỏ thường ngày.
4.  Lời thứ hai là: “Chúa Cha đã yêu thương Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu thương các con như vậy” (Ga 15,9).
     Với lời đó, Chúa Giêsu cho tôi hiểu: Người yêu thương đến hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, chính là vâng phục Chúa Cha. Yêu thương với hy sinh của Người có giá trị cứu rỗi các linh hồn là do vâng phục ý Chúa Cha. Vâng phục là yếu tố rất cần trong ơn gọi mục tử.
     Rồi, Chúa cho tôi nhìn vào đời sống mục tử của Đức Cha Cố Micae. Ngài luôn vâng phục ý Chúa. Ngài luôn vâng phục các đấng bề trên thay mặt Chúa.
     Đời sống mục tử của Ngài có một chiều hướng bước xuống, đó là yêu thương đoàn chiên đến hy sinh tất cả, kể cả mạng sống mình. Cùng một lúc, đời sống mục tử của Ngài có một chiều hướng đi lên, đó là vâng phục ý Chúa, một cách tuyệt đối.
6.  Lời thứ ba là: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,18).
     Với lời đó, Chúa dạy tôi là khi được sai đến thế gian, Chúa Giêsu đã có những chọn lựa nhất định¸đó là: Cuộc sống nghèo và lo cho người nghèo, cuộc sống tấm mối phúc thật, cuộc sống cứu người ta khỏi đàng tội, để họ được lên thiên đàng với Chúa Cha. Đức Cha Cố Micae cũng đã có những lựa chọn như vậy, khi ý thức mình được Chúa sai đi. Ngài ra đi sống những lựa chọn đó, nhưng đồng thời vẫn giữ tinh thần cầu nguyện, để luôn “ở lại trong tình yêu của Chúa” (Ga 15,9), và kết hợp với Chúa, như “cành nho gắn liền với thân cây nho” (Ga 15,5).
7. Lời thứ bốn là: “Lạy Cha, con xin phó dâng linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
     Với lời đó, Chúa Giêsu dạy tôi hãy hoàn toàn phó thác đời sống ơn gọi của tôi cho Chúa. Dù là một đời sống yêu thương hy sinh, dù là một đời sống vâng phục, dù là một cái chết đau khổ. Nhưng tất cả cuộc sống và cái chết của tôi đều sẽ là của lễ dâng hiến âm thầm, kín đáo. Chúa Giêsu đã là như thế. Đức Cha Cố Micae cũng đã phần nào như vậy. Tôi vui, vì được phó thác tất cả trong tay Chúa.
8.  Tuy nhiên, xin thú thực là tính tôi hay lo, nên tuy phó thác, mà cũng nhiều lúc rất lo hết chuyện này đến chuyện khác.
     Chúa thương tôi. Ngài đã cứu tôi. Cũng từ cây thánh giá, Chúa nhắc cho tôi nhớ lại lời Người đã phán xưa, khi còn tại thế: “Hãy nhìn các con chim. Chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý hơn loài chim biết bao! Hãy nhìn hoa ngoài đồng. Chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà ngay cả vua Salomon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa ngoài đồng, nay còn mai mất, mà Chúa còn cho mặc đẹp như thế, huống hồ là anh em” (Lc 12,24-28).
9. Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã dạy tôi thêm về điều đó, khi Người nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Với lời đó, Chúa Giêsu dạy tôi là Người đã chu toàn việc mà Chúa Cha trao cho Người, chứ không phải là Người đã hoàn tất hết mọi việc, mà Chúa Cha còn dành cho những người khác.
     Đức Cha Cố Micae cũng đã có lần nhắc nhở cho tôi nhớ là: Theo ý Chúa, ơn gọi của tôi có những giới hạn do lòng thương xót Chúa. Tôi hiểu là tôi không nên ôm đồm, nóng vội. Tất nhiên là phải biết lo. Nhưng hãy tập trung làm thực tốt những gì trong phạm vi có giới hạn của mình.
10. Bây giờ, tôi nhìn cây thánh giá nhỏ, và nhận thấy rằng: Không phải những gì lớn lao đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi, mà là những kỷ vật nhỏ, như cây thánh giá nhỏ của Đức Cha Cố Micae thân yêu. Tự nhiên, tôi cầm lấy chuỗi tràng hạt, để cùng với Đức Cha Cố, đọc kinh tạ ơn Đức Mẹ, cầu cho Hội Thánh, cho Quê Hương Việt Nam, cho giáo phận Long Xuyên và cho chính bản thân tôi.
Long Xuyên, ngày 10.6.2015
ĐGM GB Bùi Tuần