LỄ
THÁNH TÂM
NĂM
B
BÀI ĐỌC I:
Hs 11,1. 3-4. 5c. 8ac-9
1 Đức Chúa phán thế này: Khi Ít-ra-en còn là
non trẻ, Ta đã yêu nó,từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. 3 Ta đã tập đi
cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. 4
Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như
người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn. 5c
nhưng nó không chịu về với Ta. 8ac Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi
sao nổi!Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột
gan Ta bồi hồi. 9 Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không
tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa
ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.
ĐÁP CA:
Is 12
Đ. Các
bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ. (c 3)
2 Đây
chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Đức
Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. 3
Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
4 Hãy tạ
ơn Đức Chúa, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân,
và nhắc nhở: danh Người siêu việt.
5 Đàn ca
lên mừng Đức Chúa , vì Người đã thực hiện bao kỳ công; điều đó, phải cho toàn
cõi đất được tường. 6 Dân Xi-on, hãy reo hò mừng rỡ, vì giữa ngươi,
Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại!
BÀI ĐỌC
II: Ep 3,8-12. 14-19
8 Thưa anh em, tôi là kẻ rốt hết trong toàn
thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các
dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, 9 và
soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu
nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn
vật,10 để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được
biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. 11 Thiên
Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực
hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. 12 Trong Đức Ki-tô và nhờ
tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa.
14 Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha,15
là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. 16 Tôi nguyện xin Chúa
Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được
củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được
vững vàng. 17 Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong
tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái,18
để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao
sâu,19 và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt
quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên
Chúa.
TUNG HÔ
TIN MỪNG: Mt 11,29ab
Hall-Hall: Chúa nói:
Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và
khiêm nhường. Hall.
TIN MỪNG:
Ga 19,31-37
31 Hôm đó là ngày áp lễ Vượt Qua, người Do Thái
không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại
là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị
đóng đinh và lấy xác xuống. 32 Quân lính đến, đánh giập ống chân
người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. 33
Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người.
34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì,
máu cùng nước chảy ra. 35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và
lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả
anh em nữa cũng tin. 36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời
Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. 37
Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
THÁNH
TÂM CHÚA CỨU TA THOÁT TỬ THẦN
Chúng ta biết Phụng Vụ của Hội Thánh đã làm hiện tại hóa
cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, qua mùa Chay và mùa Phục Sinh, lần
lượt Hội Thánh cử hành các Lễ: Chúa Phục Sinh,Chúa Lên Trời, Chúa Thánh Thần
Hiện Xuống,Chúa Ba Ngôi, Mình Máu Thánh Chúa, và hôm nay lễ Thánh Tâm làm nổi
bật tình yêu của Thiên Chúa trong chương trình cứu chuộc loài người:
·
Ngài ban cho ta ơn nhưng không.
·
Ngài ban ơn nhưng không lớn nhất là cứu ta
thoát tay tử thần.
·
Ngài sai ta đi loan báo Tin Mừng cứu độ.
I. THIÊN CHÚA BAN CHO TA ƠN NHƯNG
KHÔNG.
“Ơn nhưng không” là ơn
không bởi công đức của con người. Ơn Ngài ban hoàn toàn bởi tình thương của Thiên
Chúa. Thực vậy
-
Sau khi Adam, Eva phạm tội, Chúa biết họ xấu
hổ phải lấy lá vả làm khố che thân mà không ổn (x St 3,7), thì Ngài tự làm áo
bằng da thú mặc cho họ (x St 3,21).
-
Sau khi nguyên tổ lỗi luật Chúa, họ sợ nghe
tiếng Chúa nên tìm nơi ẩn núp; thì Chúa lại tự ý tìm kiếm họ, Ngài dò hỏi: “Ngươi ở đâu?” Khi Chúa thấy họ, thì họ lại
đổ lỗi cho nhau, nhằm quy tội tại Chúa tạo cớ cho họ phạm tội! Thế mà Chúa lại
đứng về phía họ chống lại Satan, Ngài hứa ban Đấng Cứu Độ khi ra hình phạt cho
con rắn (Satan): “Ta sẽ đặt hận thù giữa
ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ
đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân” (St 3,8-15).
-
Nhất là khi dân Israel còn cư ngụ bên đất Ai
Cập, ông Giuse con trưởng chính thức của ông Giacob, sinh hai người con trai,
đứa cả tên là Manasê, đứa em là Ephraim (x St 41,51), thì ông Giacob (Israel)
trước giờ chết, thay vì ông đặt tay phải trên đầu Manassê là cháu đích tôn của
ông để chúc phúc cho nó, thì Chúa lại xui khiến ông Giacob đặt tay phải lên đầu
Ephraim (đứa út) để xin Chúa tuôn đổ phúc lành trên nó (ơn nhưng không) [x St
48]. Phúc lành đó Chúa thực hiện vào thời đầu Israel thoát khỏi nô lệ Ai Cập
cách oai hùng, lên đường đi vào sa mạc, và được trực tiếp “Chúa lấy dây nhân nghĩa”, tức là lòng nhân ái và dịu hiền; “đút cho
chúng ăn”: Chúa cho chim cút bay đến ngập trại của họ, họ tha hồ bắt làm thịt;
và manna hằng ngày từ trời mưa xuống, dân chỉ việc ra lượm mà ăn no thỏa (x Xh
16; Dnl 8,16; Hs 13,5-6). Bởi thế Chúa dùng miệng ngôn sứ Hôsê nhắc lại cho dân
nhớ đến lòng thương xót của Ngài đã ra tay cứu dân Israel thoát nô lệ Ai Cập:
“Đức Chúa phán thế này: Khi Ít-ra-en còn là
non trẻ, Ta đã yêu nó,từ Ai Cập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Ép-ra-im,
đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây
nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ
thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn, nhưng nó không
chịu về với Ta. Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi!Hỡi Ít-ra-en, Ta trao
nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không
hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên
Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không
đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11,1. 3-4. 5c. 8ac-9: Bài đọc I).
Tức là Chúa thực hiện lời chúc phúc của ông Giacob cho giống
nòi của ông, khi ông đặt tay phải trên đầu Ephraim mà cầu phước. Phúc lộc này
khởi đi từ lúc Chúa dùng bàn tay ông Môsê cứu dân thoát nô lệ Ai Cập, lại trở
thành dấu chỉ chính Con Một Thiên Chúa cứu loài người thoát nô lệ Satan, đánh
gục thần chết (x Mt 2,19t).
II. THIÊN CHÚA BAN ƠN NHƯNG KHÔNG LỚN
NHẤT LÀ CỨU TA THOÁT TAY TỬ THẦN.
Người Do Thái quan niệm bệnh là hậu quả bởi tội do Satan
xúi giục (x Ga 9,2). Trong số 33 phép lạ Chúa Giêsu làm được cả bốn Tin Mừng
ghi lại, thì có mười loại phép lạ người Do Thái hiểu Ngài cứu người ta khỏi tay
Satan. Mười phép
lạ ông Môsê thực hiện trên đất Ai Cập làm cho cả đế quốc Ai Cập hoảng sợ, để
ông Môsê dẫn dân thoát nô lệ về miền đất Chúa hứa; Mười phép lạ ấy thua xa mười
loại phép lạ Đức Giêsu thực hiện trước khi Ngài dẫn loài người thoát nô lệ
Satan, thoát tay tử thần:
1- Mọi nguồn nước
sông rạch hồ ao bên Ai Cập hóa thánh máu, dân Ai Cập không có nước uống, mọi
sinh vật dưới nước đều bị diệt (x Xh 7,14t).
Chúa
Giêsu trừ quỷ xuất khỏi một người (x Mt 8,28t).
2- Ếch nhái tràn
ngập đế quốc Ai Cập, nhảy cả vào cung cấm nhà vua (x Xh 7,26t).
Chúa
Giêsu chữa lành kẻ bất toại (x Mt 9,1t).
3- Ruồi muỗi tràn
ngập Ai Cập (x Xh 8,12t).
Chúa
Giêsu chữa lành em bé bị kinh phong (x Mt 17,14t).
4- Ruồi mòng tràn
ngập đế quốc Ai Cập (x Xh 8,16t).
Chúa
Giêsu chữa lành kẻ câm điếc (x Mc 7,31t).
5- Ôn dịch khắp đế quốc Ai Cập, mọi sinh vật đều bị chết (x
Xh 9,1t).
Chúa
Giêsu cứu sống người đàn bà bị bệnh loạn huyết (x Lc 8,43t).
6- Ung nhọt lở loét khắp
hết mọi người Ai Cập (x Xh 9,8t).
Chúa
Giêsu cho người đàn bà bị còng lưng đứng thẳng (x Lc 13,10t).
7- Mưa đá phá hoại mùa
màng cây cối của người Ai Cập (x Xh 9,13t).
Chúa
Giêsu chữa lành kẻ bị phong hủi (x Lc 17,11t).
8- Châu chấu tràn
ngập Ai Cập, chúng phá hoại mùa màng (x Xh 10,1t).
Chúa
Giêsu cứu người phụ nữ ngoại tình khỏi bị ném đá chết (x Ga 8,1t).
9- Tối tăm bao trùm
toàn đế quốc Ai Cập (x Xh 10, 21t).
Chúa
Giêsu cho kẻ mù được sáng mắt (x Ga 9,1t).
10- Con trai đầu
lòng của người Ai Cập, kể cả con vua và loài vật đều bị giết chết (x Xh 11,1t).
Chúa
Giêsu cho kẻ chết sống lại (x Ga 11,1t).
11- ÔNG MÔSÊ DẪN DÂN
ISRAEL VƯỢT QUA BIỂN ĐỎ, THOÁT NÔ LỆ AI CẬP (x Xh 12-15).
CHÚA GIÊSU BỊ ĐÂM TRÊN THẬP GIÁ, NƯỚC VÀ MÁU TỪ TIM ĐỔ XUỐNG, KHƠI
NGUỒN CÁC BÍ TÍCH, ĐẶC BIỆT AI LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÁNH TẨY VÀ THÁNH THỂ, NGƯỜI ẤY
ĐƯỢC NGÀI GIẢI THOÁT KHỎI TAY SATAN, ĐÁNH GỤC THẦN CHẾT! (x Ga 19,33: Tin Mừng).
Như thế, Chúa dùng ông Môsê thực hiện mười một phép lạ để cứu Israel
thoát nô lệ Ai Cập và dẫn dân về miền đất chảy sữa và mật (x Xh 3,8). Đó là dấu
chỉ Chúa Cha sai Con Một của Người đến trần gian để cứu những ai đang làm nô lệ
cho Satan được tự do gia nhập Hội Thánh, mới thực là miền đất chảy sữa và mật. Chân
lý này được Đức Giêsu thực hiện khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá mà không
một xương nào bị đánh gãy, Ngài chính là Con Chiên giải thoát loài người tội
lỗi, làm ứng nghiệm con chiên của người Do Thái giết bên Ai Cập, ông Môsê cũng
ra lệnh cho họ không được đánh gãy xương nó, mọi người ăn thịt chiên và mau mắn
lên đường về miền đất Hứa để được tự do thờ phượng Thiên Chúa (x Xh 12,13. 46 =
Ga 19,33-34: Tin Mừng). Để không phải riêng cho dân tộc Israel mà bất cứ ai
trên trần gian đã lãnh Bí tích Thánh Tẩy bằng nước, để có điều kiện được rước
Lễ: ăn Thịt và uống Máu Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa bị sát tế, mới được
thoát án phạt là sự chết do tội đã gây nên.
Hôm nay trong ngày Lễ Thánh Tâm, Chúa Giêsu nhấn mạnh Thiên
Chúa muốn cứu hết thảy mọi người thoát nô lệ Satan. Thế mà trong thực tế có
nhiều người lại muốn làm nô lệ cho cái bụng, tôn nó làm chúa, vinh quang đặt
nơi điều đáng xấu hổ, vì chỉ nghĩ đến những điều ở dưới đất (x Pl 3,19), hậu
quả là tự lên án tử cho mình cả hồn lẫn xác!
Vậy những ai muốn canh tân đời sống, chỗi dậy
về với Chúa, thì phải biết chạy đến tòa Hòa Giải, năng đọc Thánh Kinh, năng
tham dự Thánh Lễ, để được Chúa Giêsu Thánh Thể giải thoát ta khỏi mọi thứ nô lệ
để được sống tự do làm con cái Thiên Chúa. Vì Bí tích Thánh Thể là nguồn ơn tha
tội bậc nhất. Sách GLHT số 1416 dạy: “Việc
rước Mình và Máu Thánh Chúa Kitô gia tăng sự kết hợp của người rước Lễ với
Chúa, tha thứ cho họ các tội nhẹ và gìn giữ họ khỏi các tội trọng. Vì việc rước
Lễ củng cố mối liên hệ tình yêu giữa người rước Lễ với Chúa Kitô, nên việc lãnh
Bí tích này cũng củng cố sự hiệp nhất của Hội Thánh là Thân Thể Mầu Nhiệm của
Đức Kitô”. Sự hiệp nhất này sách GLHT số 1419 nói tiếp: “Nhờ tham dự Bí tích Thánh Thể là bảo chứng
cho chúng ta được chung hưởng vinh quang với Chúa. Việc tham dự Thánh Lễ uốn
lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa, nâng đỡ sức lực chúng ta trên đường lữ
hành tại thế, làm cho chúng ta khao khát cuộc sống vĩnh cửu và ngay từ bây giờ
liên kết chúng ta với Hội Thánh trên trời, với Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh”.
Vì thế xét về mặt thần học, không có tội nào ngăn cản
người Công Giáo rước Lễ. Nhưng kỷ luật của Hội Thánh đòi buộc những ai mắc tội
trọng có điều kiện đi xưng tội, mà không xưng, thì không được rước Lễ. Trừ
trường hợp quan trọng, mang tội trọng mà cần phải rước Lễ, lại không gặp được
Linh mục giải tội, thì ăn năn sám hối tội mình, hàm ý sẽ xưng tội càng sớm càng
tốt khi có thể, thì vẫn được rước Lễ (x Giáo Luật 916).
Mẹ tôi đã sinh được bốn người con thì bố tôi
mất! Theo luật làng khi một gia đình không có người nam nào từ 18 tuổi trở lên,
thì làng lấy lại hết ruộng đất, chỉ để cho gia đình ấy một sào ruộng mà thôi!
Mỗi năm mẹ và các anh chị tôi làm cật lực may mắn trúng mùa cũng chỉ thâu hoạch
được khoảng 200 kg thóc! Bởi đó gia đình tôi thuộc hạng nghèo nhất làng!
Mẹ tôi có tật nghiện trầu từ nhỏ, nhiều lần
bà muốn bỏ trầu để có thêm ít tiền lẻ mua rau cho con. Nhưng không sao chừa
được. Có lần mẹ tôi bị bệnh rất nặng, chẳng ăn uống gì được, và dĩ nhiên là
không nhai được trầu, tóc đầu rụng gần hết, chỉ còn chờ chết, nhưng Chúa thương
cho gặp thầy gặp thuốc, và mẹ tôi đã khỏe lại. Nhưng suốt thời gian đau bệnh,
bà đã tưởng sẽ bỏ được trầu, thế mà vừa khỏi bệnh bà đã nghĩ ngay đến trầu và
xem ra còn nghiện hơn trước! Mẹ tôi rất buồn, chỉ còn biết thưa với Chúa mỗi
khi rước Lễ: “Lạy Chúa, con nghèo lắm,
muốn có thêm chút tiền nuôi con, xin Chúa giúp con chừa được tật nghiện trầu,
vừa cho miệng con sạch sẽ để rước Chúa!”
Thời gian sau tôi thấy mẹ không ăn trầu nữa,
tôi ngạc nhiên hỏi, thì mẹ tôi nói nhờ cầu nguyện với Chúa sau khi rước Lễ, mà
Chúa đã cho mẹ bỏ trầu lúc nào mẹ không biết.
III. CHÚA SAI TA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG
CỨU ĐỘ.
Ơn nhưng không đặc biệt nữa là Chúa tín nhiệm
sai ta đi loan báo Tin Mừng cứu độ, dù Ngài biết ta vốn dĩ là kẻ tội lỗi. Căn
tính của người Công Giáo là loan báo Tin Mừng cho mọi người, nên giáo huấn Công
Đồng Vat. II trong Hiến Chế Hội Thánh số 35 dạy: “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng
cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế!” Người Công Giáo
chính danh, ai cũng phải nói như thánh Tông Đồ: “Tôi rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để vinh vang, nhưng đó là sự
khẩn thiết giáng xuống trên tôi, khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng.
Giả như tôi tự ý mình mà làm việc ấy, ắt tôi có công, nhưng nếu là ngoài ý tôi,
thì đó là trách nhiệm đã ký thác cho tôi” (1Cr 9,16-17).
Rao giảng Lời Chúa không nhất thiết là phải
đi tu, mà mỗi khi ta làm “bất cứ việc gì,
hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa chứ không phải cho người đời” (Cl
3,23), để nói với mọi người như thánh Phaolô dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn
vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Ơn gọi rao giảng Tin Mừng của mỗi Kitô hữu,
phải ý thức như ông Phaolô được Chúa sai đi, ông vốn dĩ là kẻ khốn nạn bách hại
đạo Chúa (x Cv 9), nhưng khi ông đã tin theo Chúa Giêsu thì ông nói: “Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh,
thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho dân ngoại Tin Mừng
về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, và soi sáng cho mọi người được thấy
đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài, để nhờ Thần Khí của Người, con người nội
tâm anh em được vững vàng. Nhờ lòng tin được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn, hầu
anh em được bén rễ sâu mà xây dựng vững chắc trên đức ái, anh em có đủ sức thấu
hiểu mọi chiều kích dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô,
là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được dẫy tràn tất cả sự
viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,8-9. 16-19: Bài đọc II).
Vậy có tích cực với lòng mến loan báo Tin
Mừng, ít là qua cách sống Đạo, ta mới có thể nói với mọi người: “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn
cứu độ” (Is 12,3: Đáp ca), một khi giúp người anh em thực hành Lời Chúa
Giêsu dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của
tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt
11,29ab: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG.
Chúa phán: “Trái tim Ta
thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi, Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, vì Ta
là Thiên Chúa chứ không phải phàm nhân” (Hs 11,8-9).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH