LỄ CHÚA
BA NGÔI
NĂM B
BÀI ĐỌC I: Dnl 4,32-34. 39-40
32
Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: Anh (em) cứ
hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con
người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã
xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?33
Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh (em) đã
nghe, mà vẫn còn sống không?34 Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn
lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu
lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn
táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập,
trước mắt anh (em) không?
39 Vậy hôm nay, anh
(em) phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất
thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. 40
Anh (em) phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền
cho anh (em); như vậy anh (em) và con cháu anh (em) sau này sẽ được hạnh phúc,
và anh (em) sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em),
vĩnh viễn ban cho anh (em).”
ĐÁP CA: Tv 32
Đ. Hạnh phúc thay dân nào,
Chúa chọn làm gia nghiệp. (c 12b)
4 Vì lời Chúa phán
quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. 5 Chúa yêu
thích điều công minh chính trực,tình thương Chúa chan hoà mặt đất.
6 Một lời Chúa phán
làm ra chín tầng trời,một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú. 9 Vì
Người đã phán, và muôn loài xuất hiện,Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng
nên.
18 Chúa để mắt trông
nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, 19
hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn.
20 Tâm hồn chúng tôi
đợi trông Chúa,bởi Người luôn che chở phù trì. 22 Xin đổ tình thương
xuống chúng con, lạy Chúa,như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
BÀI ĐỌC II: Rm 8,14-17
14
Thưa anh em, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn,
đều là con cái Thiên Chúa. 15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận
Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí
làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha
ơi!" 16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng
chúng ta là con cái Thiên Chúa. 17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa
kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì
một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với
Người.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Kh 1,8
Hall-Hall: Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến,
xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Hall.
TIN MỪNG: Mt 28,16-20
16 Hôm ấy, mười một
môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.
17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18
Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên
trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành
môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20
dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh
em mọi ngày cho đến tận thế.”
THIÊN
CHÚA MỚI CHÍNH LÀ CHA MẸ
Mầu
nhiệm Ba Ngôi là Mầu Nhiệm khó hiểu nhất, xem ra vượt lý trí con người, vượt
khoa học. Vì nhờ Thiên Chúa mạc khải cho ta biết Thiên Chúa có Ba Ngôi riêng
biệt: Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng lại là một Thiên Chúa duy
nhất, cùng một bản thể, cùng tự hữu: không bởi đâu sinh ra; cùng hằng hữu:
không có khởi sự và không tận cùng; cùng toàn năng: biến dữ ra lành; chết ra
sống, tội ra ơn; cùng là chân thiện mỹ; cùng là sự sống, cùng là tình yêu.
Tuy
nhiên, “Thiên Chúa đã muốn dùng Mạc Khải để bày tỏ và thông ban chính
mình Ngài, cùng những ý định muôn đời của Ngài liên quan đến phần rỗi nhân
loại, “nghĩa là cho họ được tham dự vào các ân thiêng hoàn toàn vượt khỏi trí
khôn loài người”. Chính nhờ Thiên Chúa mạc khải mà “tất cả những gì thuộc về
Thiên Chúa tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh
hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn mà không
lẫn lộn sai lầm” (Hiến Chế Mạc Khải số 6).
Trong
Bài đọc II, thánh Phaolô nói: “Nhờ Chúa
Thánh Thần dẫn đưa chúng ta là con Thiên Chúa, không phải là kẻ nô lệ sợ sệt,
nên chúng ta được gọi Thiên Chúa là “Abba, cha ơi!” (x Rm 8,14-15).
Tiếng
“Abba”, trong Hy-ngữ là âm thanh phát ra đầu tiên trên môi miệng một em bé sau
ngày tháng bé chào đời, đã từng được cha mẹ nựng, chăm sóc cho bú mớm, mà bé
chưa biết gì, tới ngày bé chớm nở trí khôn, bé bật miệng kêu “Abba”. Khi bé còn
đang nằm trên nôi, bé sống hoàn toàn lệ thuộc vào tình thương của cha mẹ, và
sau thời gian cha mẹ vất vả nuôi con, khi nghe tiếng con kêu “Abba”, cha mẹ vô
cùng sung sướng.
Do đó,
Chúa Thánh Thần dạy ta biết gọi Thiên Chúa là “Abba”, có nghĩa là Chúa muốn ta
sống hoàn toàn lệ thuộc vào tình thương của Ngài, như em bé còn nằm trên nôi lệ
thuộc vào tình thương của cha mẹ. Nhưng tình thương của cha mẹ trần thế vẫn còn
bị Chúa Giêsu xếp vào loại gian ác (x Mt 7,9-11), không sánh được với tình
thương của Chúa dành cho con cái Ngài khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy. Vì tình
thương của Chúa còn hơn tình thương của người Cha trong dụ ngôn “Con hoang
đàng” (x Lc 15,11t), và còn hơn tình người Mẹ đã cưu mang con. Vì thế Chúa nói:
“Cho dù người mẹ có quên đứa con mình cưu
mang, thì Ta không bao giờ quên ngươi!” (Is 49,15).
Trong
kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Đức Tin có một Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha,
và Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mạc khải cho chúng ta biết gọi
Thiên Chúa Ba Ngôi là “Abba: Cha ơi!” (Rm 8,15: Bài đọc II).
Thiên
Chúa Ba Ngôi mới thực là Cha Mẹ chúng ta, vì:
-
Ngài sinh ra chúng ta.
-
Ngài nuôi dưỡng chúng ta.
-
Ngài biến dữ ra lành cho chúng ta.
-
Ngài giáo dục chúng ta.
-
Ngài trao võ khí và huấn luyện chúng ta cùng với Ngài chiến
đấu chống lại ác thần, để đạt vinh quang hơn lòng mong ước!
I/ THIÊN CHÚA TÁC SINH CHÚNG TA.
Chúa
Giêsu Phục Sinh truyền lệnh cho các môn đệ của Ngài: “Chúng con hãy làm Phép Rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha và Chúa Con
và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19: Tin Mừng).
Làm
Phép Rửa cho ai nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, chính là người ấy được đặt vào
tay Thiên Chúa yêu thương và toàn năng, chính Ngài tái sinh họ trở thành con
Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Phục Sinh, họ không còn là một sinh vật như Ađam,
Evà xưa (x 1Cr 15,45), không còn là kẻ nô lệ phải sợ sệt (x Rm 8,15a). Do đó
người Kitô hữu không còn cầu xin với Chúa: “Cho con được ăn mày các ân xá!”
Nhưng đã là “con Thiên Chúa, thì được
thừa kế với Đức Kitô, vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, thì cùng được
hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,16-17: Bài đọc II).
Tuy
nhiên, Chúa không chỉ tái sinh chúng ta một lần bằng nước, mà sau nước Thánh
Tẩy, cuộc đời chúng ta còn được tiếp tục:
·
Tái
sinh bởi Lời Chúa : Như thánh Giacôbê nói: “Thiên Chúa dùng Lời Sự Thật mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như
của lễ đầu mùa trong các loài thụ tạo của Người” (Gc 1,18).
·
Tái
sinh bởi Thánh Thể (Chúa Giêsu Phục Sinh): Như thánh Phêrô kêu gọi: “Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu thanh tẩy
nhân Chúa Giêsu Kitô, để được thứ tha
tội lỗi, và anh em sẽ được lãnh ơn Thánh Thần” (Cv 2,38).
Vì suốt
đời người Kitô hữu hằng ngày được dự tiệc Thánh Thể là còn được tiếp tục tái
sinh bởi Lời Chúa và Chúa Giêsu Phục Sinh. Bởi thế, khi Đức Giêsu truyền Lệnh
cho các môn đệ phải nối dài và mở rộng con đường cứu độ loài người cho đến tận
thế, mà Ngài đã khởi sự từ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Ngài không nói: Dạy mọi
người tuân giữ Lời Chúa trước, rồi sau đó mới làm Phép Rửa cho, nhưng Ngài nói:
“Làm Phép Rửa bằng nước cho họ trước, sau đó mới dạy họ tuân giữ
Lời Chúa truyền” (x Mt 28,19-20: Tin Mừng). Chính vì vậy, mà sau khi một
người được đổ nước lúc lãnh Bí tích Thánh Tẩy, không ai thưa “Amen”. Vì chưa
được hoàn hảo như ý Chúa muốn. Bởi lẽ, nếu người đó còn sống, suốt đời họ còn
tiếp tục được thanh tẩy, nuôi dưỡng, giáo dục bởi Lời Chúa và Thánh Thể .
II/ THIÊN CHÚA NUÔI DƯỠNG CHÚNG TA.
1.
Nuôi
sống ta bằng Lời Chúa: Đức Giêsu nói: “Người
ta sống không chỉ nhờ bánh, nhưng là nhờ vào mọi Lời xuất từ miệng Thiên”
(Mt 4,4).
2.
Nuôi
sống ta bằng Thánh Thể Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói: “Bánh hằng sống từ trời xuống chính là Ta. Ai ăn bánh này thì sẽ được
sống đời đời. Vì thịt Ta là thật của ăn, và máu Ta là thật của uống. Ai ăn Ta
nó sống nhờ Ta, như Ta sống nhờ Cha Ta”(Ga 6,51. 55. 57).
Chính
vì các Kitô hữu hằng ngày phải được các chủ chăn trong Hội Thánh cho ăn Lời
Chúa và Mình Chúa trong Thánh Lễ, để các con cái Thiên Chúa được sống dồi dào
(x Ga 10,10), do đó thánh Phaolô nói: “Tôi
phó thác anh em cho Chúa (Thánh Thể) và cho Lời ân sủng của Người, Lời có sức
xây dựng và ban phần cơ nghiệp giữa những kẻ được tác thánh hết thảy” (Cv
20,32). Ông Phaolô rất chu đáo trong sứ mệnh này, đó là lý do ông hân hoan nói:
“Tôi hoàn toàn trong sạch về máu mọi
người. Vì tôi đã không e ngại mà giấu giếm đi, để không loan báo cho anh em tất
cả ý định của Thiên Chúa” (Cv 20,26-27). Ông Phaolô nói như thế để minh xác
rằng: Nếu ông thiếu sót trong nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa, ông đã chủ ý giết cả
hồn lẫn xác nhiều người. Tội này nặng hơn trước khi ông trở lại đạo Công giáo,
ông đã ôm áo cho nhiều người để động viên họ ném đá Stêphanô chết sớm! Và ông
còn xông vào các tư gia lôi đàn ông đàn bà đi tống ngục! (x Cv 7,58; 8, 1. 3)
3.
Về
cơm ăn áo mặc, chỉ có Chúa mới làm cho chúng ta không dư không thiếu. Vì
dư của, của sẽ lấp mắt không nhìn thấy Chúa; còn thiếu ăn thì sinh trộm cắp làm
ố danh Chúa (x Cn 30,9).
III/ THIÊN CHÚA BIẾN DỮ RA LÀNH CHO
CHÚNG TA.
Vào
thời Đức Giêsu, bất cứ bệnh nhân nào, kể cả người đã chết, chỉ cần được Đức Giêsu
động vào là bệnh tật và thần chết biến mất (x Mt 8,1-17; 9,18-34). Các phép lạ
ấy còn thua xa hôm nay chúng ta được rước Lễ. Xương thịt và sự sống của Chúa
Giêsu là của ta (x Dt 2,11. 14; Ga 6,57), đến nỗi ta được đồng hóa với Chúa
Giêsu (x Gl 2,20). Thánh Phaolô còn nói: “Nếu
Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm,
Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.”
(Rm 8,10). Vì “ai ở trong Đức Giêsu Kitô,
thì không còn bị lên án nữa!” (Rm 8,1). Và “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa gấp bội” (Rm
5,20).
IV/ THIÊN CHÚA GIÁO DỤC VÀ HUẤN LUYỆN
CHÚNG TA.
1. Chúa giáo dục hướng
dẫn chúng ta qua muôn vật kỳ diệu Ngài đã dựng nên (x Rm 1,18-21).
2. Qua các biến cố vui
mừng và đau thương chúng ta gặp trong đời, Chúa cũng dạy ta biết rút ra bài học
cho đời mình (x Lc 13,1-9).
3. Lời Chúa còn dạy
chúng ta luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt và ghê tởm những
chuyện bất công (x Kn 1,5). Vì “Kinh
Thánh đã được Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, khuyên
răn, giáo dục, để trở nên người công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên
hoàn thiện, cáng đáng được mọi việc lành!” (2Tm 3,16-17)
4. Đặc biệt nhất Con
Thiên Chúa đã làm người, để chúng ta được học nơi Ngài, hiệp nhất nên một Thân
Thể với Ngài nhờ lãnh Bí tích Khai Tâm, cho ta có khả năng làm những việc như
Ngài đã làm và còn làm những việc lớn lao hơn thế nữa! (x Ga 14,12).
V/ THIÊN CHÚA TRAO VŨ KHÍ VÀ HUẤN
LUYỆN CHÚNG TA CÙNG NGÀI CHIẾN ĐẤU VỚI MỌI ÁC THẦN, ĐẠT VINH QUANG HƠN LÒNG
MONG ƯỚC.
Khi
chúng ta lãnh nhận Bí tích Khai Tâm (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể), nhất là
mỗi ngày ta được hiệp dâng Thánh Lễ, là được trực tiếp nghe Chúa Giêsu dạy (x
Dt 1,1-2), để nhờ Lời Chúa, ta có thể nói: “Thanh
gươm hai lưỡi cầm chắc trong tay, để trả thù muôn nước, và trừng trị chư dân,
để xiềng chân vua chúa và xích cổ vương hầu, để thi hành án phạt, Chúa đã viết
từ xưa. Đó là niềm vinh dự cho mọi kẻ trung hiếu với Ngài” (Tv 149,6-9). Vì
thế, thánh Tông Đồ căn dặn chúng ta: “Hãy
đội lấy mũ chiến cứu rỗi và đeo gươm Thần Khí tức là Lời Chúa, để chiến đấu với
mọi ác thần!” (Ep 6,17). Một ác thần phải diệt nó trước nhất là: Tội hồ
nghi về giáo lý, hồ nghi Thiên Chúa! Chính các Tông Đồ được Thầy Giêsu sai đi
khắp thế gian, nhằm quy tụ đồng loại về cho Chúa, mà còn có những ông hồ nghi (x Mt 28,17: Tin Mừng). Nhưng nhờ các ông
lên đường loan báo Tin Mừng, mới diệt được tội hồ nghi, Đức Tin vững mạnh hơn
làm tâm hồn thêm phấn khởi. Chính vì vậy mà thánh Tông Đồ viết thư cám ơn giáo
đoàn Thessalônica: “Tôi được an ủi vì anh
em, vì Đức Tin của anh em, giữa mọi nỗi quẫn bách và gian truân chúng tôi phải
chịu. Phả, bây giờ, chúng tôi sống bởi anh em đứng vững trong Chúa” (1Tx 3,
7-8), nên “khiến chúng tôi cũng được hãnh
diện vì anh em trước mặt các Hội Thánh của Thiên Chúa, vì sự kiên nhẫn và Đức
Tin của anh em giữa tất cả những cấm cách bắt bớ và gian truân anh em phải chịu”
(2Tx 1,4). Và thánh Gioan Tông Đồ cũng nói: “Tôi không lấy gì làm vui bằng là được nghe biết con cái của tôi đi
trong sự thật” (3Ga câu 4).
Năm quà
tặng, hoặc năm việc làm của Thiên Chúa trên đây, đã nói lên tình yêu cụ thể
Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho những người biết nghe lời giảng dạy của Hội Thánh,
hầu họ làm ứng nghiệm lời ông Môsê đã nói trong Bài đọc I: “Có dân tộc nào đã được nghe Lời Chúa như ngươi đã được? Vì từ trời Chúa đã cho
ngươi được nghe tiếng Người sửa dạy, đem ngươi ra khỏi kiếp nô lệ, và nếu ngươi
biết tuân giữ Lời của Chúa, thì ngay hôm nay phúc lộc đến cho ngươi và con cháu
ngươi, để ngươi được trường thọ” (x Dnl 4, 32-40: Bài đọc I).
Vậy chỉ
có dân tộc nào có tâm nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, mới thực là dân Chúa
tuyển chọn, để được sống hạnh phúc sung mãn với Chúa. Quả thật, “hạnh phúc thay dân nào, Chúa chọn làm gia
nghiệp” (Tv 33/32,12b: Đáp ca), nên họ cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: “Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần và Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến, xin tôn
vinh chúc tụng muôn đời” (Kh 1,8: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG.
Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên
Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và đã sai Con của Người đến làm
của lễ đền tội cho chúng ta (1Ga 4,10).
http://phaolomoi.
net
Lm GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH