BÔNG HOA “TRỞ VỀ”
Hãy biết từ bỏ mình và hãy biết xót thương, để trở thành
bông hoa “trở về” đẹp thơm. Mẹ dạy tôi như vậy, để Mẹ được vui, dâng tôi lên
Chúa.
1. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nói rõ: “Ai có 100 con chiên, mà có một con đi lạc, lại không để 99 con kia
trên núi, mà đi tìm con chiên lạc đó sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo
thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên lạc đó, hơn là vì 99 con không bị lạc.
Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn một ai trong những kẻ
bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,12-14).
Qua lời Chúa phán trên đây,
tôi hiểu được phần nào sự vui mừng của Chúa khi tìm được một người trở về với
Chúa. Sự vui mừng đó được diễn tả một cách tỉ mỉ trong Phúc Âm thánh Luca. Con
chiên lạc được Chúa vác trên vai, đưa về nhà, khoe với hàng xóm rồi ăn mừng. Đặc
biệt là toàn thể trên trời đều vui mừng hớn hở đón tiếp con chiên đó (x. Lc
15,5-7).
2. Riêng Cha trên trời đã rất vui
mừng dành cho người con trở về những ưu ái đặc biệt. Chúa Giêsu diễn tả cảnh đó
trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15,11-24).
3. Khi suy gẫm những cảnh đón tiếp
trên đây đầy yêu thương dành cho kẻ tội lỗi trở về, tôi thấy mình được an ủi hết
sức, vì tôi chính là kẻ tội lỗi đang trở về với Chúa.
Tôi xin Đức Mẹ “cầu cho tôi là kẻ có tội, khi nay và trong
giờ lâm tử”. Đức Mẹ đã gọi tôi là bông hoa trở về. Tôi là bông hoa vì tôi đang trở về.
4. Trở về là một bông hoa, khi biết
mình tội lỗi cần trở về.
Trở về là một bông hoa, khi biết
cầu xin ơn trở về, vì nhận biết trở về là việc không dễ.
Trở về là một bông hoa, khi
người tội lỗi khiêm tốn, để Mẹ dắt dìu từng bước, trên con đường trở về đầy trắc
trở.
5. Hôm nay, khi dâng lên Mẹ bông
hoa trở về là bản thân tôi, để Mẹ dâng nó cho Chúa, tôi chỉ xin chia sẻ chút ít
về hai việc mà Mẹ hằng ngày dạy tôi trên đường trở về với Chúa. Việc thứ nhất
là sự từ bỏ.
6. Mọi từ bỏ, mà Mẹ dạy tôi, đều
nhấn mạnh đến tình yêu. Từ bỏ mình, từ bỏ những tội lỗi, những tư lợi vv... Chỉ
vì yêu Chúa. Vì tình yêu, cho tình yêu và nhờ tình yêu, mà tôi từ bỏ. Do vậy, mà khi từ bỏ, tôi cảm thấy nhẹ
nhàng, đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa: “Ách
của Ta thì dễ chịu, gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,30).
Tôi từ bỏ, để chứng tỏ tôi yêu
mến Chúa. Yêu mến Chúa chính là động lực để tôi từ bỏ. Chính vì thế, mà dù từ bỏ
đòi phấn đấu, nó vẫn sản sinh ra một sự ngọt ngào riêng của tình yêu.
7. Do vậy, tôi dần dần ưa thích thực
hiện sự từ bỏ trong mọi giờ phút, ở bất cứ cơ hội nào, cho dù rất nhỏ. Hy
sinh nhỏ, hãm mình nhỏ đều là những dịp từ bỏ đốt nóng lên lửa yêu mến trong
tôi.
Từ bỏ như thế là không sống
cho mình, mà là sống cho Chúa. Sống cho Chúa bằng những hy sinh nhỏ thường
ngày. Làm những việc nhỏ nhưng với lòng yêu mến lớn.
8. Từ bỏ vì tình yêu, đó là một
thái độ nội tâm không nặng lòng tìm chút gì cho mình, không coi mình là trung
tâm, không quan tâm tìm thoả mãn những sở thích riêng, nhưng chỉ nhìn về phía
Chúa, với mong muốn yêu mến Người hết lòng hết sức mà thôi.
9. Cùng với việc từ bỏ vừa diễn tả
vắn tắt trên đây, Mẹ còn dạy tôi một việc thứ hai, mà tôi phải làm, việc đó là biết thương xót.
Mẹ nhắc lại cho tôi một lời
Chúa Giêsu phán xưa. Lời đó ảnh hưởng lớn đến việc tôi trở về với Chúa. Lời đó
là: “Khi nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu động
lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”
(Mt 9,36).
Cùng với việc đưa tôi vào Lời
Chúa Giêsu trên đây, Mẹ cũng đưa tôi nhìn vào thực tế đám đông hôm nay. Họ là
những kẻ tội lỗi, những người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người bị bỏ
rơi, những kẻ sống ngoài lề xã hội.
Mẹ dạy tôi hãy biết xót thương
họ. Xót thương họ,
đó là một cách tôi trở về với Chúa.
10. Có nghĩa là tôi là kẻ được Chúa sai đi, để sống liên đới với đồng
bào tôi, ưu tiên là để chia sẻ với những người khổ đau. Tôi được mời gọi chia sẻ
bằng cách hạ mình xuống, theo gương Chúa Giêsu.
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết
duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Nhưng
đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống
như người trần thế.
Người
lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá” (Pl 2,5-8).
11. Chúa Giêsu đã xót thương nhân loại bằng cách hạ mình xuống, chia sẻ thân phận những người khổ đau, hy
sinh cho họ, cứu họ. Chúa Giêsu đã xót thương cụ thể là như thế. Để rồi Người
trở về với Chúa Cha, với những thành tích cũng chính là thương tích do tình yêu.
Mẹ dạy tôi hãy bước theo Chúa
Giêsu. Con đường trở về với Chúa cũng phải là con đường xót thương cứu độ.
12. Hãy biết từ bỏ mình và hãy biết xót thương, để trở thành
bông hoa “trở về” đẹp thơm. Mẹ dạy tôi như vậy, để Mẹ được vui, dâng
tôi lên Chúa.
Tôi hết lòng cảm ơn Mẹ đã dạy
tôi, và đã dắt tôi đi từng bước trên đường trở về.
Mỗi ngày của tôi đều là những
bước tôi trở về với Chúa. Bước từ bỏ và bước xót thương bên Mẹ nhân lành.
Tôi bước đi bằng những bước nhỏ.
Mẹ cầm tay tôi. Tôi dựa mình bên Mẹ. Tôi nghe Mẹ giới thiệu với Chúa: Đây là
bông hoa trở về. Xin Cha thương nhận.
Mẹ ơi, con xin cảm tạ Mẹ. Xin
Mẹ mãi ở bên con.
Long Xuyên, ngày 7.5.2015