7 CHỮ T:
thật thà thẳng thắn thường thua thiệt
Ước gì con người có thể đón nhận nhau hơn, có
thể chân thật hơn, tốt lành hơn.
Câu nói khá
thông dụng ngày nay là: “thật thà thẳng
thắn thường thua thiệt.” Nếu thế, phải chăng gian dối dù không hợp tình hợp
lý, nhưng lại hợp thực tế? Thế nhưng, thực tế là gì? Nó là cái do con người tạo
ra hay nó điều kiện hóa con người?
Trong học đường, thật và giả dễ nhận thấy và thậm chí dễ
được chấp nhận, dù được chấp nhận trong vui vẻ hay trong ưu tư.
Một em học sinh
cấp hai chia sẻ: Bạn ấy là người thân nhất của em. Khi không hiểu bài, em thường
hỏi bạn ấy. Khi thi, bạn chỉ bài cho em. Em rất vui vì được bạn giúp đỡ. Nhờ bạn
mà em có thể lên lớp.
Một bạn học
sinh cấp ba kể: Mẹ em là giáo viên. Khi coi thi, thấy các bạn học sinh làm bài
không nghiêm túc, mẹ chỉ nhắc nhở và thu tài liệu mà không đánh dấu bài. Vì nếu
đánh dấu bài, thì thật “bất công” cho các bạn ấy trong hoàn cảnh rối ren của
phòng thi. Khi tan thi, xe của mẹ em bị xì hơi.
Một bạn sinh
viên sư phạm tâm sự: Mình không phải là sinh viên giỏi. Thấy nhiều bạn khác
quay cóp, mình không hài lòng. Đôi khi mình cũng chép bài từ bạn khác khi thi.
Nhưng lần nọ, mình quyết định sẽ không chép bài nữa, mình thà trượt còn hơn.
Mình thấy hổ thẹn với lương tâm. Mình sẽ làm thầy mà còn gian dối, còn hữu danh
vô thực, làm sao có thể hy vọng giúp đỡ trò về kiến thức, về nhân cách sống.
Một bậc phụ
huynh, thấy con mình đi ra phòng thi, thì hỏi ngay: Con ơi, thầy cô coi thi hôm
nay dễ hay khó.
Trong xã hội, thật và giả càng khó lường.
Chị bán hàng
nói với khách: anh mua em “để vốn” cho. Thực ra, giá cả gấp nhiều lần giá thật.
Phép nhân kiểu này càng dễ gặp và khó thấy trong mặt hàng dược phẩm.
Người ta nói
“thuận mua vừa bán” là được, nhưng sự thường, người tiêu dùng là chịu thiệt.
Người ta nói “mọi người cùng đồng thuận” để tạo ra các hiệp ước, nhưng sự thường,
hiệp ước ấy chỉ có lợi cho một nhóm lợi ích.
Người ta nói,
pháp luật nghiêm minh và công bằng, nhưng cái nghiêm minh và công bằng ấy trên
giấy nhiều hơn. Ví như luật giao thông, người tham gia giao thông mà biết mọi
khoản luật thì “chết liền”.
Có một tiến
trình ngược: tìm cách làm cho luật đi vào đời sống, mà không phải là cuộc sống
tạo nên luật? Tại sao không? Hơn nữa, những người ở “ngoài luật” thì thế nào? Vấn
đề là do luật hay do con người?
Khi thanh toán
hóa đơn, người bán hàng chủ động hỏi: anh muốn viết hóa đơn kiểu nào? Cao hơn
hay thấp hơn giá thật?
Số tiền “khó tưởng
tượng” được đầu tư cho ngành giáo dục, khi bị chất vấn, chỉ được trả lời tỉnh
queo là “nhầm lẫn”. Các công trình công cộng, khi không thể nghiệm thu, chỉ được
giải thích đơn giản là thiếu tiền, là giải ngân chưa kịp.
Khi hai người
va chạm gây ra tai nạn giao thông, thì việc đầu tiên người “sống sót” nghĩ tới
không phải là đem người bị nạn đi bệnh viện, mà là “chuồn cho nhanh”.
Như thế, nếu
không đặt câu hỏi về con người, về trách nhiệm, thì tương lai tươi sáng cho cá
nhân, cho cộng đồng chỉ là thiên đường ảo tưởng mà thôi.
Trong gia đình, thật và giả có vẻ “thân quen” hơn.
Cha mẹ ít học
có thể thu mình lại trước con cái học nhiều. Có bậc cha mẹ chê bai “mớ lý thuyết”
của con cái, và cho rằng, kinh nghiệm trường đời mới quan trọng. Cha mẹ học cao
có thể gây sức ép lên định hướng tương lai của con cái, có thể áp đặt tiêu chuẩn
và ước mơ của mình lên con cái. Có bậc cha mẹ “bỏ mặc” con cái.
Ngược lại, nhiều
người con chê bai cha mẹ quê mùa. Nhiều người con muốn “thoát khỏi vòng tay” của
cha mẹ. Nhiều người con muốn “chối bỏ” cha mẹ mình.
Ước gì con người
có thể đón nhận nhau hơn, có thể chân thật hơn, tốt lành hơn. Ước mơ chỉ là ước
mơ nếu thiếu hành động. Hành động “khẳng định” là biến ước mơ, biến tiềm năng
thành hiện thực. Thế nhưng, nếu “khẳng định mình” mà loại trừ người khác, loại
trừ cộng đồng, thì thật nguy hiểm. “Tiến bộ” như thế thì tụt lùi là lẽ đương
nhiên. Thấy cây mà không thấy rừng, thì con người chỉ là những hòn đảo cô độc.
Thấy rừng mà không thấy cây, thì xã hội loài người chỉ là một xã hội vô hồn.