Một chút suy tư _ tôi có thể trở lại công giáo

“Tôi có thể trở lại Công Giáo”
 “Nếu ngài tiếp tục đường lối như thế, sớm hay muộn tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện trở lại và tôi sẽ trở lại với Giáo Hội Công Giáo.” (ông Raul nói với ĐTC Phanxicô)
Sáng Chúa nhật ngày 10/05, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và ông Raul Castro, chủ tịch Cuba đã hội đàm riêng trong khoảng 55 phút, một quãng thời gian dài bất thường mà không cần đến sự trợ giúp của người phiên dịch. “Bienvenido!”, Đức Phanxicô ngỏ lời chào chủ tịch Raul bằng tiếng Tây Ban Nha. Ông Castro đã đáp lại rằng: “Cám ơn ngài rất nhiều, tôi rất vinh dự.” Sau cuộc gặp, ông Raul đã tiết lộ ông đã nói với Đức Giáo hoàng rằng: “Nếu ngài tiếp tục đường lối như thế, sớm hay muộn tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện trở lại và tôi sẽ trở lại với Giáo Hội Công Giáo.”
Sau khi kết thúc cuộc gặp với Đức Giáo hoàng, ông Castro đã chào các phóng viên đang chờ ở ngoài và nói với họ rằng: “Tôi muốn cảm ơn Đức Thánh cha về vai trò tích cực của ngài trong việc giúp cải thiện quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ” và mô tả về “cảm xúc của người dân Cuba” khi họ đang chờ đợi và chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng đến đảo quốc này vào tháng 9 tới.
Cuộc gặp giữa ông Castro và Đức Giáo hoàng diễn ra tại phòng làm việc của ngài trong đại thính đường Phaolô VI. Cha Federico Lombardi, S.J. cho giới báo chí hay rằng đó là một cuộc gặp diện đối diện “rất thân tình.” Ông Castro đến Vatican sau khi tham dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II tại Moscow, Nga.
Sau khi rời Vatican, ông đã đến gặp Thủ tướng Ý Matteo Renzi và tại cuộc họp báo diễn ra sau đó, nhà lãnh đạo Cuba đã kể về cuộc trò chuyện dài của ngài với vị giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Latinh và cho biết ông “rất mãn nguyện.”
 “Tôi rất ấn tượng trước sự khôn ngoan, giản dị và mọi đức tính mà chúng ta biết nơi ngài.”
 “Tôi đã nói với ngài rằng ở Cuba, giới lãnh đạo và tôi đã đọc tất cả những bài phát biểu hằng ngày của ngài,” vị tổng thống 83 tuổi của Cuba nói. Sau đó, ông cũng tiết lộ ông đã nói với Đức Giáo hoàng Phanxicô rằng: “Nếu ngài tiếp tục đường lối như thế, sớm hay muộn tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện trở lại và tôi sẽ trở lại với Giáo Hội Công Giáo. Tôi không đùa đâu.” Khi nhìn thấy sự ngỡ ngàng trên khuôn mặt các phóng viên, ông thêm rằng: “Tôi có thể trở lại với Đạo Công Giáo ngay cả khi tôi là một người Cộng sản.” Ông nhắc lại rằng suốt một thời gian dài một người không thể trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Cuba nếu người đó là người Công Giáo, nhưng điều này bây giờ đã không còn nữa.
 “Đức Giáo hoàng Phanxicô là một tu sĩ Dòng Tên và tôi cũng đã học trong trường của Dòng Tên,” ông Castro nhấn mạnh. Ông nói rằng ông có “một người bạn làm linh mục tên là Frei Betto, trẻ hơn tôi và tôi đã nói với ông rằng, ‘Frei Betto, khi Đức Giáo hoàng tới Cuba tôi sẽ tham dự Thánh lễ của ngài với lòng mãn nguyện.” (Chú thích: Frei Betto là một linh mục dòng Đaminh người Brazin và là một nhà thần học giải phóng.)
Nhà lãnh đạo Cuba đã đến Vatican cùng với 1 phái đoàn tháp tùng gồm 10 người trong đó có Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Ricardo Cabrizas Ruiz, Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez và Đại sứ Cuba cạnh Tòa Thánh Rodney Alejandro Lopez Clemente. Trong lúc Đức Giáo hoàng và tổng thống nói chuyện riêng, phái đoàn Cuba đã gặp các viên chức ngoại giao của Vatican gồm Đức Tổng Giám mục Angelo Becciu, đại diện phủ Quốc vụ khanh, cựu khâm sứ Tòa Thánh tại Cuba (2009-2011) và Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, thư ký phụ trách quan hệ với các quốc gia của Vatican.
Kết thúc cuộc hội đàm riêng, tổng thống Cuba đã giới thiệu phái đoàn của ông với Đức Giáo hoàng và sau đó hai nhà lãnh đạo đã trao quà lưu niệm cho nhau.
Tổng thống Cuba đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một huy chương có hình Vương Cung Thánh Đường Havana nhân dịp kỷ niệm 200 năm và một tranh vẽ theo lối nghệ thuật đương đại, trong đó mô tả một Thánh Giá lớn được hình thành từ các mảnh vỡ của một chiếc thuyền bị đắm, quỳ trước thánh giá là một người di cư đang cầu nguyện. Ông Kcho, tác giả bức tranh này, đã có mặt trong buổi tiếp kiến và đã giải thích với Đức Giáo Hoàng rằng ông đã lấy cảm hứng từ sự dấn thân tuyệt vời của Đức Thánh Cha trong việc làm cho thế giới chú ý hơn đến hoàn cảnh của người nhập cư và tị nạn, đặc biệt là qua chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến đảo Lampedusa thuộc Địa Trung Hải.
Về phần mình, Đức Giáo Hoàng đã tặng cho tổng thống một bản sao của Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng và một huy chương lớn khắc hình Thánh Martin thành Tours đang bao bọc người nghèo với chiếc áo choàng của mình.
Đức Giáo hoàng đã tiễn nhà lãnh đạo Cuba đến tận cửa và không quên đề nghị ông Castro “xin hãy cầu nguyện cho tôi.” Ông Castro cũng xin Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho ông:
“Cả ngài nữa, xin cũng hãy cầu nguyện cho tôi.”
Chỉnh Trần, S.J. chuyển ngữ (America Magazine)
”Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.” Câu nói từ ngàn xưa mà nay vẫn ứng nghiệm về sức mạnh của tình yêu. Tình yêu không chỉ nối kết hai tâm hồn nên một với nhau mà còn nối liền cả trời với đất.
Sức mạnh của tình yêu đến từ sự quên mình phục vụ. Bông hoa kia không cần phải gào lên, ”Hãy đến với tôi”, mà chỉ cần nhẹ nhàng tỏa hương thơm là có sức thu hút mọi người. Tại sao? Vì ai cũng thấy dễ chịu hơn khi đến gần bông hoa mà hương thơm của nó là cho họ.
Thánh Vianney đã nói, ”Thế giới này thuộc về những ai yêu mến nó.” Đó là sự khôn ngoan ngài học được từ giáo lý yêu thương của Chúa Giêsu, Đấng vì lòng nhân hậu mà không bẻ gãy cây lau đã dập cũng không dập tắt tim đèn còn khói, Đấng đã không đến để tìm kiếm người công chính mà là tìm người tội lỗi, Đấng đã không đến để được phục vụ mà là để phục vụ.
ĐTC Phanxicô đã cho mọi người thấy họ là mối quan tâm của ngài, và họ đến gần ngài. Sức thu hút đó đến từ Thiên Chúa – Tình Yêu, và có sức lôi kéo người ta đến với Thiên Chúa. Lời ông Raul đã nói lên điều đó, “Nếu ngài tiếp tục đường lối như thế, sớm hay muộn tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện trở lại và tôi sẽ trở lại với Giáo Hội Công Giáo. Tôi không đùa đâu.”
Cũng như bông hoa nhẹ nhàng thu hút người ta. Tôi hãy để tình yêu Chúa thu hút tôi, và khi đã nên một với tình yêu Chúa, tôi có thể lôi kéo mọi người vào hạnh phúc tuyệt vời Chúa đã dọn sẵn cho mỗi người từ muôn thuở muôn đời.