ĐƯỜNG LÊN TRỜI
Chiếu ánh sáng niềm tin và tình yêu cho người
thế. Đó chính là con đường ngắn nhất dẫn đưa chúng ta về trời.
Han Christian Andersen (1805-1875)
là nhà văn lớn và là người viết truyện cổ tích nổi tiếng của xứ sở Đan Mạch. Một
trong những truyện được ưa thích nhất của ông là truyện “Cô Bé Bán Diêm.” Truyện
kể về một bé gái nghèo đói đi bán diêm trong đêm giao thừa lạnh lẽo đầy băng
tuyết.
Trong đêm đông rét buốt ấy, cô bé
không bán được bao diêm nào, giữa lúc bụng thì đói, thân xác thì giá lạnh. Cô
bé đành nép vào một góc tường giữa phố để trốn những cơn gió lạnh. Vì lạnh quá,
cô bé đành phải đánh lên những que diêm để sưởi ấm mình. Que diêm thứ nhất sáng
lên, cô bé nhìn thấy một cái lò sưởi ấm áp. Que diêm thứ hai bùng lên, cô nhìn
thấy một bàn ăn thơm phức. Que diêm thứ ba lóe lên, cô bé nhìn thấy một cây
noel rực rỡ. Cứ thế, cô đánh hết que diêm này đến que diêm khác để nhìn thấy những
ảo ảnh xuất hiện. Que diêm cuối cùng sáng lên, cô bé nhìn thấy bà nội hiền hậu
đã mất của cô hiện ra, cầm lấy tay cô, rồi hai bà cháu bay vút lên cao, cao mãi
tới nơi không còn giá lạnh, không còn đói khát, không còn sợ hãi nữa.
Sáng hôm sau, người ta tìm thấy cô
bé đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa, bên cạnh là những que diêm cháy dở
mà cô đã đánh lên để sưởi ấm mình.
Hình ảnh đẹp nhất trong câu truyện
là cảnh hai bà cháu bay lên trời cao để thoát khỏi những đau khổ ở đời này. Có
lẽ, đó cũng là ước muốn của nhiều người. Tuy nhiên, hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy
chúng ta một chân lý cao cả hơn: lên trời không phải là một cuộc chạy trốn,
cũng không phải là một giấc mơ hão huyền, nhưng là một hiện thực đang được khởi đầu ngay từ
trần thế này. Con đường lên trời được nối dài từ
con đường loan báo Tin Mừng. Đó chính là sứ vụ Chúa trao cho các môn đệ trước
khi về trời: “Các con hãy đi khắp thế
gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.”
Thăng Thiên, lối mở về thiên quốc
Hằng năm, khi đến lễ Thăng Thiên,
chúng ta được chiêm ngưỡng một mầu nhiệm vừa cao cả lại vừa gần gũi với con người:
đó là mầu nhiệm Chúa Giêsu “lên trời và
ngự bên hữu Thiên Chúa”, như lời thánh Marcô vừa kể lại trong Tin Mừng. Cao
cả, vì Thăng Thiên là một mầu nhiệm vượt trên trí hiểu của con người, một vấn đề
thuộc lãnh vực của niềm tin. Nhưng đây cũng là một biến cố hết sức gần gũi với
chúng ta. Trước khi về trời, Chúa đã ân cần trao cho các môn đệ sứ mạng loan
báo Tin Mừng và hứa luôn hoạt động cùng các ông mọi nơi mọi lúc.
Trước hết, từ ngữ “Chúa lên trời” chỉ
là một cách diễn tả của con người, ám chỉ việc Chúa Giêsu đi
vào vinh quang với Chúa Cha, được đặt bên hữu Chúa Cha. Vì
thế, “Chúa lên trời” không hiểu theo nghĩa đen là Chúa được đưa lên cao xuyên
qua các tầng trời để hiển trị trên Thiên Quốc.”Chúa lên trời” là từ ngữ của
Thánh Kinh nhằm diễn tả Chúa Phục Sinh từ giã trần gian để về cùng Chúa Cha. Ngài
từ Cha mà đến, và nay trở về với Cha: “Không
ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống” (Ga 3, 13).
Có một điều đáng lưu ý: Chúa lên trời
không phải là một cuộc chia ly giữa Chúa Giêsu và các môn đệ.”Chúa lên trời”
không có nghĩa là Ngài cắt đứt mối tương quan với người thế. Ngài rời khỏi dương
gian là để đưa con người vào một mối thâm giao sâu xa hơn.
Là người thế, chúng ta không còn
nhìn thấy Ngài, tiếp xúc với Ngài bằng giác quan tự nhiên, nhưng chúng ta vẫn gặp
gỡ Ngài bằng giác quan siêu nhiên của lòng tin. Ngài rời khỏi chúng ta về phương
diện thể xác, nhưng vẫn hiện diện qua Thánh Thần, qua lời hằng sống, qua các bí
tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Ngài vẫn ở mãi với chúng ta như lời Ngài hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”
(Mt 28, 20).
Như thế, “Chúa lên trời” là để mở
ra cho ta một con đường hướng về Thiên Quốc. Chúa muốn
dạy chúng ta: đang khi xây dựng trần thế, chúng ta vẫn phải hướng về quê hương
đích thật là quê hương trên trời.
Thăng Thiên, con đường khởi đi từ trần thế
“Chúa lên trời” không phải là để mở
ra cho con người một cuộc chạy trốn khỏi gian trần với biết bao đa đoan và khổ
đau. Được lên trời cũng không phải là “một liều thuốc ru ngủ” của Chúa Giêsu đưa
ra cho các môn đệ và mọi người đi theo Chúa. Nhưng mầu nhiệm Thăng Thiên chính
là con đường được khởi đầu ngay từ trần thế này để dẫn về Thiên Quốc. Trong khi
con người được mời gọi hướng về trời cao, họ cũng được mời gọi để “vào đời” và lao vào “cuộc hiện sinh” cam go tại trần gian này.
Câu chuyện Chúa lên trời được sách
Tông Đồ Công Vụ kể lại trong bài đọc I hôm nay đã chứng minh điều đó: khi Chúa
Giêsu được cất lên trời giữa đám mây, các môn đệ đã ngẩn ngơ nhìn theo. Lúc ấy,
có hai thiên thần áo trắng hiện ra nhắc nhở các môn đệ: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời?” Các thiên
thần có ý nhắc nhở các môn đệ: đừng mải mê nhìn lên trời, nhưng hãy trở về với
thực tại trần gian để thi hành lệnh truyền của Chúa: làm chứng nhân cho Chúa tại
Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất.
“Chúa lên trời” cũng không phải là một
dấu chấm hết cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu tại trần thế. Nhưng
thăng thiên chính là cánh cửa mở rộng để các môn đệ được sai đi loan báo Tin Mừng khắp nơi. Chúa từ giã các môn đệ để về trời không phải là kết thúc những
hoạt động của Chúa. Nhưng khi Chúa về trời, các môn đệ đã được mời gọi mang lấy
trái tim của Chúa để yêu thương nhiều hơn, mang lấy đôi tay của Chúa để phục vụ
quảng đại hơn, mang lấy đôi chân của Chúa để đi xa hơn trên bước đường gieo vãi
Tin Mừng yêu thương.
“Chúa lên trời” để từ đây, với ngọn
gió Thánh Thần, các môn đệ được thúc đẩy bước ra khỏi ranh giới Israel hạn hẹp
để “đi khắp thế gian” rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Cho dù các môn đệ đi
đến đâu, ở nơi đâu, Chúa đều đồng hành và hoạt động với các ông.
Như thế, “Chúa lên trời” không phải
là một biến cố “giải thể” các tông đồ, nhưng đó chính là khởi điểm cho một cuộc
lên đường đầy nhiệt tâm và dũng cảm: lên đường xông pha vào thử thách gian nan,
lên đường để mang tình yêu đến cho mọi người.
Như vậy, con đường lên trời của mỗi
người tín hữu cũng phải được bắt đầu từ trần thế này. Để lên trời, chúng ta
không thể chạy trốn trần thế, nhưng phải “nhập thế” để gánh vác lấy trách nhiệm
của một chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa giữa thế gian này.
Con đường lên trời của chúng ta khởi
đi từ những hy sinh và phục vụ, từ những vất
vả và cần lao. Chúa vẫn ở cùng ta, hoạt động cùng ta để giúp ta đạt đến đích điểm chúng ta mong chờ.
Năm 1917, tại Fatima, Đức Mẹ hiện ra
với ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta. Ba em đã đơn sơ hỏi Đức Mẹ: “Thưa Bà, Bà ở đâu đến?” Đức Mẹ đưa tay
lên cao và nói: “Từ trời xuống.” Ba
em liền xin với Đức Mẹ: “Xin Bà cho chúng
con cũng được lên trời.” Đức Mẹ mỉm cười đáp: “Phanxicô và Giaxinta sẽ được về trời trong một ngày gần đây. Còn
Luxia thì hãy chịu khó ở lại trần thế này một thời gian nữa.”
Quả thật, sau đó, Phanxicô và
Giaxinta đã được về trời sớm. Còn Luxia trở thành một nữ tu trong tu viện kín. Bà
sống rất thọ và chỉ qua đời cách đây ít năm.”Luxia” có nghĩa là “ánh sáng.” Vì
thế, Luxia đã được mời gọi để trở nên ánh sáng chứng nhân cho Chúa ở trần gian.