LUÔN
LUÔN ÐỒNG HÀNH VỚI
CHÚA THÁNH THẦN
Chúa Thánh Thần được diễn tả ở đây như là
"ngón tay trỏ quyền năng của Thiên Chúa."
Một trong những
bức họa nổi tiếng nhất của thiên tài MichelAngelo còn lưu giữ nơi nhà Nguyện
Sixtine của Ðức Giáo Hoàng, trong nội thành Vatican, là bức tranh mô tả việc
Thiên Chúa Cha tạo dựng con người. Cần phải đích thân chiêm ngắm bức họa nổi tiếng
nầy, ta mới cảm nghiệm được trọn cả sức thu hút của nó. Ðể trình bày ý của mình
về việc Thiên Chúa tạo dựng con người như thế nào, thiên tài Michelangelo chọn
một biểu tượng, một cử chỉ đặc biệt của Thiên Chúa Cha. Và toàn bức họa chỉ hướng
về một cử chỉ duy nhất nầy mà thôi; đó là cử chỉ Thiên Chúa Cha, được mô tả như
một Cụ Già oai phong đưa thẳng cánh tay mặt về phía con người còn non yếu chưa
có sự sống, với ngón tay trỏ của bàn tay mặt chạm vào ngón tay trỏ của bàn tay
trái của con người, để thông ban sức sống của mình sang cho con người. Ðây là một
cử chỉ thật là hùng dũng, đầy ý nghĩa. Và nếu tập trung chú ý đến hình dạng của
hai ngón tay trỏ nầy, chúng ta cũng có thể quan sát một sự khác biệt. Ngón tay
trỏ của Thiên Chúa đưa thẳng ra, trông có vẻ đầy quyền lực, để nói lên sức sống
mạnh mẽ của Thiên Chúa. Còn ngón tay trỏ của con người thì trông thật yếu ớt,
chưa đủ sức chỉ thẳng ra, và được thả cho xệ xuống, để nói lên ý nghĩa con người
yếu đuối chưa có sự sống, cần lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa.
Ðó cũng là hình
ảnh cho tác động đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần trên con người. Chúa Thánh
Thần được diễn tả ở đây như là "ngón
tay trỏ quyền năng của Thiên Chúa." Trong lời kinh "Nguyện xin
Chúa Thánh Thần ngự đến", được sáng tác vào thế kỷ thứ 9, thì cách nói
"ngón tay trỏ của Thiên Chúa" cũng được dùng để chỉ về Chúa Thánh Thần.
"Chúa là ngón tay hữu Chúa Cha phép tắc,
(digitus paternae dextrae)
Mọi ơn phước, mặc thửa lượng Người liệu định
phân ban."
Hành động đầu
tiên của Chúa Thánh Thần, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, là trao ban sự sống
cho con người. Không có sức sống ban ban cho, con người có chi là cao trọng xứng
đáng! Trong kinh tin kính của công đồng Nicêa, chúng ta tuyên xưng: ”Tôi kính Ðức Chúa Thánh Thần, là Chúa và là
Ðấng ban sự sống." Chúa Thánh Thần là nguồn mạch sự sống, là chính sự
Sống. Trên bình diện thần học, chúng ta cần lưu ý thêm là chính Thiên Chúa Ba
Ngôi, Cha ,Con và Thánh Thần, là nguồn mạch sự Sống và cùng trao ban sự sống
cho con người. Nhưng một cách đặc biệt, trong ngôn ngữ chúng ta dùng, thì chúng
ta muốn phân biệt mỗi Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đều có một sứ mạng riêng,
và thường được chúng ta phân biệt nói đến như sau: Thiên Chúa Cha tạo dựng,
Thiên Chúa Con cứu chuộc, và Thiên Chúa Thánh Thần ban ơn thánh hóa.
Trong những
chia sẻ nầy, chúng ta hướng về Chúa Thánh Thần, trong sứ mạng riêng của Ngài, Ðấng
ban sự sống, Ðấng ban ơn thánh hóa con người, Ðấng làm cho ơn cứu chuộc đã được
Chúa Giêsu thực hiện, được hữu hiệu mỗi ngày một hơn nơi mọi tín hữu. Tuy sứ mạng
được nói riêng cho từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng nói cho cùng thì đều
quy về một Thiên Chúa Ba Ngôi, không có sự tách biệt phân rẽ nào cả.
Chúa Thánh Thần
là Ngón Tay hữu của Thiên Chúa quyền năng, chạm đến chúng ta để thông truyền
cho chúng ta sức sống của Thiên Chúa. Thật là một điều có ý nghĩa, khi Giáo Hội
chọn Thánh Thi cho giờ kinh thứ ba (tức lúc 9 giờ sáng trong ngày, giờ Chúa
Thánh Thần Ngự Xuống, trong Biến Cố Hiện Xuống khai sinh giáo hội) là một Thánh
Thi dâng lên Chúa Thánh Thần. Thánh Thi đó như sau:
Lúc nầy đây, lạy Thần Linh cực Thánh, dủ
tình thương ngự đến tâm hồn, cùng Chúa Cha và hợp với Chúa Con, tỏa bao la rạng
ngời muôn ánh sáng. Ðể chúng con, trong lòng như ngoài miệng, trót cuộc đời
cùng trót cả tấm thân, Bừng cháy lên lửa yêu Chúa vô ngần, mà sưởi ấm tha nhân
bằng thương mến. Xin nhận lời muôn lạy Chúa toàn năng, cậy nhờ Ðức Kitô Con Một
Chúa, Ðấng trị vì cùng với Chúa Thánh Thần, tự ngàn xưa tới muôn đời muôn thuở.
Amen.
Còn có lời Kinh
đầy ý nghĩa khác được Giáo Hội dùng trong những cử hành long trọng. Ðó là kinh
Veni Creator, Spiritus. Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng Sáng Tạo, xin hãy ngự đến.
Trong lời kinh
nầy, Giáo Hội hướng về Chúa Thánh Thần, Ðấng Sáng Tạo, Creator. Và thật vậy,
Chúa Thánh Thần đều có mặt và tác động trong hai công cuộc sáng tạo. Công cuộc
sáng tạo lần thứ nhất, sáng tạo vũ trụ và con người, như được nhắc đến nơi những
dòng đầu tiên của Sách Sáng Thế; và Ngài hiện diện và tác động trong công cuộc
sáng tạo lần thứ hai, được bắt đầu với Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên
Chúa, trong cung lòng Mẹ Maria, cho đến khi hoàn tất nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua, chết
và sống lại của Chúa Giêsu Kitô.
Chúng ta hãy
dành những phút hồi tâm chiêm ngắm sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần
trong công cuộc sáng tạo thứ nhất, lúc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và con người.
Ðó là giây phút quan trọng nhất, được linh ứng cho tác giả sách Sáng Thế để ghi
lại nơi những câu đầu tiên của sách Sáng Thế như sau: ”Khởi thủy Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất. Ðất thời trống không
mông quạnh, và tối tăm trên mặt uông mang. Và Thần Khí là là trên mặt nước,” (Stk
1,1-2).
Câu Kinh Thánh
diễn tả sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần nơi công cuộc tạo dựng đầu
tiên là câu: "Thần Khí là là trên mặt
nước." Nguyên ngữ Do Thái được dùng nơi đây là: RUAH, và có thể được
chuyển dịch theo hai từ hai nghĩa: là Gió, là Hơi Thở, là Thần Khí, là Thần Khí
của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, mạc
khải của Cựu Ước về Thiên Chúa Ba Ngôi nói chung và về Chúa Thánh Thần nói
riêng, chưa được rõ ràng. Chúng ta chỉ có được mạc khải rõ ràng về Thiên Chúa
Ba Ngôi, về Chúa Thánh Thần, nhờ qua mạc khải của Chúa Giêsu Kitô trong Tân Ước.
Nhưng những gì được linh ứng để nói ra nơi Cựu Ước, đều có hàm chứa những dấu
chỉ, những ý nghĩa cho phép ta hiểu trước về thực tại được mạc khải trọn vẹn
nơi Chúa Giêsu Kitô. Các nhà chú giải ngày nay, gần như đa số, đều công nhận những
câu đầu tiên của Sách Sáng Thế có hàm chứa ý nghĩa nói đến sự hiện diện tích cực
của Chúa Thánh Thần trong công cuộc tạo dựng lần thứ nhất. Vì thế các nhà chú
giải và dịch giả Kinh Thánh không dùng từ "Luồng Gió Mạnh" mà dùng từ
rõ ràng hơn là Thần Khí, hay Thánh Thần của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần, Ðấng
sáng tạo. Ðấng ban sự sống, Ngài hiện diện và tác động để vạn vật vũ trụ nầy được
sinh động trong trật tự, được lãnh nhận và phản ánh vinh quang Thiên Chúa.
Nguyện xin Chúa
Thánh Thần soi sáng cho chúng ta được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa nơi mọi
tạo vật. Ngài đã hiện diện và tác động ở đó trước chúng ta, trước khi chúng ta
hiện hữu. Xin Ngài giúp chúng ta được nhìn thấy ngài và dâng lời chúc tụng
Thiên Chúa.
Sáng Danh Cha
và Sáng Danh Con, Sáng Danh cả Thánh Linh Thiên Chúa. Từ muôn đời và chính hiện
nay. Và luôn mãi thiên thu vạn đại. Amen.