THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN
TRONG ĐỜI NGƯỜI
Trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, sự hiện
diện của Ba Ngôi Thiên Chúa quyện chặt với đời sống con người.
Trong câu truyện có tựa đề là “Ngỗng
tuyết”, Paul Gallico kể chuyện quân đội Anh lâm cảnh khó khăn ở Dunkink vào đầu
mùa hè 1940. Khi bị phát-xít Đức tấn công và đánh chìm một chiếc tàu, đoàn tàu
nhỏ đưa quân lính đến các khu trục hạm và tàu vận tải ngoài khơi đành bỏ lại
hai người lính trên bãi biển. Cả hai đều là người vô tín ngưỡng. Lúc đó họ chỉ mong
lên được một tàu tiếp viện.
Sau một lúc chờ đợi, họ thấy từ xa một
chiếc tàu nhỏ đến gần bờ, một ông già trên tàu vẫy tay với họ. Vóc dáng ốm yếu,
khẳng khiu, ông lái tàu một cách khó khăn nhưng cương quyết, và đưa được cả hai
lên chiếc tàu đang đợi chuyển họ an toàn về nước Anh.
Ông không nghĩ rằng mình có thể thực
hiện công việc vừa rồi, nhưng vào giờ chót lại quyết định thử vận. Ông không cần
những lời cám ơn, ngoài nỗi vui mừng đã xoay xở được trên con tàu cứu nạn.
Một người lính cho rằng việc đó xảy
ra một cách ngẫu nhiên, như mọi sự may rủi khác. Còn người kia lại thấy như có
một điều gì chạm đến đáy sâu tâm hồn anh. Một bàn tay cứu giúp khi anh thấy rõ
mình bất lực. Đó là bàn tay ông già và còn hơn nữa,... bàn tay Thiên Chúa.
Bạn anh nói: “Có gì đâu, đơn giản là chúng ta gặp được một ông già đến trễ vì lúc đầu
ông cảm thấy không đủ sức đưa tàu đến.” Anh trả lời: “Vẫn biết thế, nhưng còn hơn như vậy nữa. Tôi đã được cứu khỏi một tình huống vô vọng bởi Đấng còn vĩ đại hơn
người hoa tiêu già. Bây giờ tôi đã bắt đầu cầu nguyện, và tôi nhìn cuộc đời một
cách khác. Tôi không còn là kẻ vô tín nữa. Sau chuyện xảy ra tại Dunkirk, tôi
không thể làm gì ngoài việc tin vào Thiên Chúa.”
Không có niềm tin, người ta sẽ rất
lúng túng khi phải đối diện với câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc đời khi
đó chẳng khác gì một chuỗi những biến cố vô vị và nhạt nhẽo xảy ra cách ngẫu
nhiên.
Còn người có niềm tin lại sẽ lúng
túng trước câu hỏi về Thiên Chúa. Cần tin vào một Thiên Chúa, nhưng chẳng ai đưa
ra được một định nghĩa về Thiên Chúa, vì làm sao có thể gói điều vô biên trong
từ ngữ được. Theo thánh Augustinô: “Thiên
Chúa là một cái vòng tròn vô hạn mà tâm điểm nằm ở mọi nơi, và không có chỗ nào
là đường biên.”
Thế nên, Thiên Chúa được bày tỏ
trong lịch sử ơn cứu độ không như một ý niệm mà chỉ đơn giản là sự hiện diện: “Có dân nào được nghe tiếng Thiên Chúa phán
từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?” (Đnl 4,33). Rất
siêu việt, mà cũng gần gũi! Ở đây lý trí thuần túy không làm được gì, người ta
chỉ có thể nhận ra Thiên Chúa bằng cảm nghiệm, bằng trái tim, và bằng niềm tin.
Nói đến hiện diện là nói đến tương
quan, đến ngôi vị. Sự hiện diện của Thiên Chúa làm nảy sinh câu hỏi Ngài là ai,
câu hỏi về tương quan, về ngôi vị. Trong lời sai các tông đồ đi loan báo ơn cứu
độ, Đức Kitô đã mạc khải về chân lý nền tảng của niềm tin Kitô giáo đó: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành
môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”
(Mt 28,19).
Đây đó trong Phúc âm có nhiều mạc khải
về mối tương quan giữa Ba Ngôi, nhưng làm sao nói cho hết được cái vinh hạnh mà
tình thương Chúa dành cho phận người hèn mọn khi thấy bên cạnh những tương quan
nội tại giữa Ba Ngôi là tương quan cao quý con người có được với Thiên Chúa: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng
dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí
khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho
anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi!
"(…). Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế,
thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô” (Rm 8,14-17).
Nhà vật lý Louis de Broglie nói với
triết gia Jean Guitton rằng “vật lý và
siêu hình học, sự kiện và ý tưởng, vật chất và ý thức chỉ là một mà thôi”
và Jean Guitton còn nhớ mãi hình ảnh Broglie đã đưa ra để minh hoạ cho tư tưởng
đó: “ở một khoảng cách nào đó, người ta
phân biệt rất rõ nước bị cơn lốc khuấy động với dòng sông êm hơn. Hai làn nước ấy
được hiểu như hai vật tách rời nhau. Nhưng khi đến gần, thì không thể nào nói được
cơn lốc kết thúc ở đâu và dòng sông bắt đầu từ đâu: sự phân tích thành những bộ
phận khác nhau và tách rời nhau không còn ý nghĩa nữa: cơn lốc thật ra không phải
là cái gì tách rời, mà là một mặt của cái toàn thể” (Thượng đế và khoa học,
nxb Đà Nẵng, 2002).
Trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, sự
hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa quyện chặt với đời sống con người. Ước gì tôi
sống bằng sự sống của Chúa và nên một với Thiên Chúa của tôi.