Lễ Chúa Ba Ngôi _ Ba Ngôi, mầu nhiệm tình yêu

BA NGÔI, MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
Dù là ba Ngôi Vị… Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn luôn luôn là một khối tình yêu mãnh liệt, chia sẻ và chan hòa khắp nơi.
Logos
Nói theo ngôn ngữ của “tín điều”, thì mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu loài người. Chúng ta chỉ có thể đón nhận mầu nhiệm ấy bằng niềm tin: chỉ có một Thiên Chúa mà là ba Ngôi Vị riêng biệt: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi đồng bản thể, vinh quang, danh dự, uy quyền nên chỉ là một Thiên Chúa mà thôi.
Tuy nhiên, dù nói theo ngôn ngữ nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng đều là bất toàn. Chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm được mầu nhiệm cao cả này bằng trái tim hơn là khối óc. Điều chúng ta có thể làm được khi đứng trước mầu nhiệm cao siêu này, là chúng ta chỉ còn biết buông mình vào vòng tay Ba Ngôi Thiên Chúa, như người ta thả mình vào đại dương tình yêu bao la.
Quả thật, dù là ba Ngôi Vị… Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn luôn luôn là một khối tình yêu mãnh liệt, chia sẻ và chan hòa khắp nơi.
Tình yêu Ba Ngôi, một tình yêu mãnh liệt
Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu thật mãnh liệt. Đó không phải là tình yêu nửa vời và giới hạn. Thiên Chúa luôn luôn là tình yêu tuyệt đối. Tuy là tuyệt đối nhưng không vị kỷ và đơn độc.
Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu mãnh liệt luôn trào dâng và lan tỏa ra bên ngoài, không giữ lại gì cho riêng mình. Vì thế, “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một.” Đến lượt Chúa Con đã hiến mạng sống mình để chứng tỏ một tình yêu cao cả: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu.” Còn Chúa Thánh Thần chính là ngọn lửa tình yêu luôn rực cháy trong lòng mọi người. Ngài là sức mạnh thúc đẩy tình yêu chan hòa khắp nơi.
Ba Ngôi Thiên Chúa như một khối lửa tình yêu luôn bừng cháy trong lòng mọi thế hệ. Bước vào qũy đạo tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể không “bốc cháy” với tình yêu mãnh liệt của Ngài.
Tình yêu Ba Ngôi, một tình yêu chia sẻ
Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu luôn chia sẻ. Thiên Chúa Ba Ngôi không tự khép mình lại với tình yêu vị kỷ, chỉ hướng về mình, nhưng luôn mở ra với một tình yêu trao hiến: Chúa Cha trao phó tất cả những gì mình có cho Chúa Con. Chúa Con dâng lại cho Chúa Cha tất cả những gì mình nhận lãnh. Mối tương quan tình yêu này giữa Cha và Con chính là Chúa Thánh Thần.
Hai chữ “tình yêu” luôn gợi lên trong tâm trí chúng ta hình ảnh của ít nhất là hai con người có một tương quan gắn bó mật thiết với nhau. Tình yêu đúng nghĩa luôn hàm chứa ý nghĩa trao tặng, chia sẻ cho đối tượng của tình yêu.
Ba Ngôi Thiên Chúa không lẻ loi cô độc. Nhưng Ngài luôn là ba: Cha, Con và Thánh Thần. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu ấy được cụ thể hóa một cách hiện sinh với ba khuôn mặt thật gần gũi và dễ hiểu đối với chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh, để yêu và được yêu. Ngài là Ba Ngôi để có thể ấp ủ mọi người và toàn thể vũ trụ.
Tình yêu Ba Ngôi, một tình yêu chan hòa
Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu chan hòa khắp nơi. Thiên Chúa Ba Ngôi không tự nhốt kín mình trong tháp ngà của tình yêu. Trái lại, tình yêu Ba Ngôi luôn phát xuất ra bên ngoài trong khắp vũ trụ và trên toàn nhân loại. Đó là một tình yêu không thể không cho đi, không thể không trải dài đến khắp nơi. Nếu gọi tình yêu Ba Ngôi là dòng sông, thì đó là dòng sông tuôn chảy không ngừng, nếu là con đường, thì luôn mở về muôn hướng.
Vì thế, trong bài kết thúc Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ ra đi, mang tình yêu đến cho mọi người: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”
Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi luôn là một lối mở, chứ không đóng kín mình lại. Cũng vậy, chúng ta được mời gọi để lên đường đến với tha nhân nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, nhân danh một tình yêu luôn biết hiến dâng và trao tặng.
Tuy nhiên, khi chúng ta ra khỏi chính mình để đến với tha nhân trong sứ vụ loan báo tình yêu, chúng ta không hề cô đơn lạc lõng. Chúa luôn ở với chúng ta, và đồng hành với chúng ta: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”
Vậy, để sống mầu nhiệm Ba Ngôi, chúng ta hãy thực hành những điều thánh Phaolô dạy trong bài đọc II, trích thư gửi tín hữu Rôma: chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, nhờ đó chúng ta có thể sống thân phận làm con như Chúa Giêsu và có thể gọi Thiên Chúa là Cha, “Abba.”
Để sống mầu nhiệm Ba Ngôi, chúng ta còn phải biết đi tới không ngừng, loại bỏ mọi hận thù ghen ghét, phá đi những hàng rào ngăn cách để đến với mọi người trong một tình yêu đại đồng.
Một trong những việc lớn lao mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực hiện trong cuộc đời mình là tổ chức Năm Thánh 2000. Ngài dành ba năm để chuẩn bị cho Năm Thánh bằng cách hướng lòng các tín hữu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: 1997 là năm của Chúa Con; 1998 là năm của Chúa Thánh Thần và 1999 là năm của Chúa Cha.
Cũng trong Năm Thánh 2000, người ta không thể quên được biểu tượng đầy ý nghĩa của Năm Thánh: một hình tròn với năm cánh chim mang năm mầu sắc khác nhau, tượng trưng cho năm châu lục. Năm cánh chim đang tung cánh bay về bốn phương trời được cách điệu bằng hình bốn cánh Thánh Giá với hàng chữ: “Đức Kitô, hôm qua, hôm nay, mãi mãi.”
Phải chăng biểu tượng đó cũng đang nhắc nhớ chúng ta về lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Mỗi người tín hữu hãy là một cánh chim tung bay khắp bốn phương trời, đem Tin Mừng tình thương đến cho mọi người.