Học làm người _ chuyện phiếm của gã siêu


Trước hết, đờn ông muốn hư, thì phải có tiền. Tiếp đến, đờn bà muốn có tiền, thì phải hư.
Gã Siêu
Theo những nhận định về nam châm, gã được biết: Khác cực thì hút nhau, đồng cực thì đẩy nhau. Âm với dương thì hút nhau và ngược lại cũng vậy. Còn dương với dương thì đẩy nhau và ngược lại cũng thế.
Trong lãnh vực con người, gã thấy chẳng khác bao nhiêu: Nam với nam thì nhiều khi đánh nhau phun cả máu đầu. Còn nam với nữ thì lôi cuốn lẫn nhau, quyện lẫn vào nhau, như tục ngữ đã diễn tả:
-      Trai thấy gái lạ, như quạ thấy gà con.
Tuy nhiên, khi phe đờn bà con gái ngồi lại với nhau, thì thường hay nói xấu và dí mũi vào cánh đờn ông con trai. Và cánh đờn ông con trai, khi trà dư tửu hậu, cũng thường hay bới móc và chõ mõm vào chuyện đờn bà con gái.
Trong một tiệc nhậu lai rai, khi các ”chiến hữu” bắt đầu tửu nhập ngôn xuất, một đấng mày râu đã lớn tiếng so sánh:
Nếu so sánh con gái với con nai, ta thấy có những điểm khác nhau như sau:
Một là nai luôn ngơ ngác suốt cả đời, còn con gái thì chỉ ngơ ngác mỗi khi cần ngơ ngác.
Hai là nai không bao giờ giả nai cả, còn con gái thì nhiều lúc lại thích giả nai.
Ba là nai có sừng trên đầu, còn con gái thì có sừng trong ánh mắt.
Bốn là nai luôn ăn cỏ, còn con gái thì đôi lúc lại ăn cả thịt nai.
Năm là khi gặp tai nạn, nai biến thành khô nai, còn con gái thì biến thành mít ướt.
Sáu là nai nhảy tưng tưng trong rừng, còn con gái thì nhảy tưng tưng trong shop.
Một đấng tu mi khác đã so sánh sự giống nhau giữa đờn bà và con cọp như sau:
Một là cọp thì gầm, đờn bà nhiều lúc cũng gầm.
Hai là cọp thì uyển chuyền, đờn bà đôi khi cũng uyển chuyển.
Ba là cọp thì được gọi bằng ông ba mươi, còn đờn bà lắm khi được gọi là sư tử Hà Đông.
Bốn là cọp rất oai phong, còn đờn bà cũng rất lẫm liệt, chẳng thế mà người xưa đã bảo: Nhất vợ nhì giời, lệnh ông không bằng cồng bà.
Năm là cọp rất quan tâm tới móng vuốt, còn đờn bà cũng rất quan tâm tới móng chân móng tay.
Sáu là cọp nổi tiếng về da, đờn bà cũng chăm chút về làn da cùng với áo quần của mình.
Bảy là cọp đôi khi chỉ vồ chứ không ăn, đờn bà đôi khi chỉ yêu mà không lấy.
(Báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 8 ra ngày 4.3.2007)
Giữa lúc bầu khí đang hồ hởi, thì bỗng anh chàng chiến hữu, sắp sửa đi vào tình trạng ngắc ngư con tàu đi, đã phát biểu một câu xanh lè, khiến cho bàn dân thiên hạ ngẩn tò te:
-      Còn tớ ấy hả, tớ vừa mới khám phá ra một chân lý, mới nghiệm một qui luật của muôn đời, đó là: Đờn ông, muốn hư thì phải có tiền, còn đờn bà, muốn có tiền thì phải hư.
Câu nói trên đây đã làm cho gã đi từ chỗ ngẩn tò te, đến chỗ cúi đầu và suy gẫm.
Dĩ nhiên, câu nói này không hoàn toàn đúng “một chăm phần chăm đâu em ơi”, bởi vì nhiều ông có tiền, được liệt vào hàng đại gia, giàu nứt đố đổ vách mà đâu có hư, đồng thời cũng có nhiều bà đã kiếm được tiền bằng chính công sức, mô hôi, nước mắt của mình và họ cũng chẳng bao giờ hư đốn cả.
Tuy nhiên, câu nói trên cũng phản ảnh phần nào sự thật, nhất là sự thật về một hạng người nào đó trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Gã xin bình loạn thêm về câu nói này.
TRƯỚC HẾT, ĐỜN ÔNG MUỐN HƯ, THÌ PHẢI CÓ TIỀN.
Kinh nghiệm cho gã thấy: Khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn, người ta dễ dàng đạo đức ăn ra, trái lại khi khó khăn đã qua đi và hoàn cảnh trở nên tươi sáng hơn, người ta trở về nếp sống cũ và lại khô khan nguội lạnh, nếu không muốn nói là còn xấu xa hơn trước nữa.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đờn ông con giai thì sợ phải đi tù và học tập cải tạo, còn đờn bà con gái thì sợ phải đi lấy thương phế binh ”Việt Cộng”, thành thử người ta vội vã tới nhà thờ xưng tội rước lễ, như để dọn mình chết lành vậy, nhà thờ lúc nào cũng đầy ắp những người.
Sau đó, những sinh hoạt tôn giáo trong nước bị hạn chế tới mức tối đa: không còn các hội đoàn, không còn các chủng viện, việc đi lại của các linh mục tu sĩ từ nơi này tới nơi khác cũng khó khăn… Tuy nhiên, càng bị hạn chế, càng gặp nhiều khó khăn, thì dường như người ta lại càng sốt sắng hơn.
Còn bây giờ, chính sách của nhà nước phần nào thông thoáng và hoàn cảnh cũng sáng sủa hơn, người ta lao mình vào công ăn việc làm, người ta ra sức tìm tiền kiếm bạc và đầu tư mọi công sức cho vấn đề cơm áo gạo tiền và làm giàu đã trở thành nỗi ưu tư số một, hay cái lý tưởng sáng chói cần phải thực hiện. Tôn giáo và đạo đức bị tụt hạng, nếu không nói là đã bị một số người xếp xó.
Nước Mỹ, ngay sau biến cố 11.9 với tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế bị sụp đổ tan tành, thì dường như chỗ nào cũng dấy lên một phong trào đạo đức: Người ta thắp nến để cầu nguyện, người ta xác nhận lại niềm tin vào Thượng Đế, người ta tôn vinh những hành động can đảm của những người đã dám hy sinh mạng sống… Nhưng rồi những cảm tình đạo đức này dần dần bị chìm vào quên lãng, khi người ta thấy mình vẫn được sống trong bình an, đất nước mình vẫn liên tục phát triển và bọn khủng bố chưa dám tái xuất giang hồ, sờ đến gáy hay đá động tới quê hương mình.
Biến cố đau thương này, không phải chỉ là như viên sỏi nhỏ, nhưng là như một tảng đá lớn ném xuống mặt hồ, tạo được những chao đảo, những làn sóng trên làn nước vốn đã từ lâu êm ả. Tuy nhiên, dù sóng có to, thì cũng sẽ tới một lúc nào đó, tảng đá chìm xuống đáy nước và mặt hồ trở lại với tình trạng phẳng lặng và yên tĩnh của mình.
Cùng với nhận định này, gã xin đi xuống lãnh vực cá nhân và gia đình. Sách Cổ Học Tinh Hoa kể lại rằng:
Vua Cảnh Công có cô con gái yêu, muốn gả cho Án Tử. Một hôm nhà vua đến ăn tiệc tại nhà Án Tử, thấy vợ Án Tử bèn hỏi:
-      Phu nhân đấy phải không?
Án Tử thưa:
-      Vâng, phải ạ.
Nhà vua nói:
-      Ôi, phu nhân trông sao vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có đứa con gái trẻ đẹp muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?
Án Tử đứng dậy thưa rằng:
-      Nội tử tôi nay thật già và xấu, nhưng lấy tôi và cùng tôi ăn ở đã lâu, kể từ lúc còn trẻ và đẹp. Xưa nay đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lúc đẹp lấy cốt để nhờ cậy lúc xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi mà tôi cũng đã nhận sự nhờ cậy ấy. Nay nhà vua tuy muốn ban ơn chắc cũng không nỡ để cho tôi ăn ở bội bạc với những điều nội tử tôi đã nhờ cậy bấy lâu nay.
Nói đoạn Án Tử lạy hai lạy, xin từ không lấy.
Đọc xong mẩu chuyện này, hẳn có nhiều người cho rằng: Án Tử sao mà khờ quá vậy, chẳng bù cho những con người thời nay.
Thực vậy, có anh chàng “Hai Lúa” được cha mẹ cho lên Saigon… du học. Trước khi khăn gói quả mướp lên đường, anh ta đã thề độc thề địa với người yêu bé bỏng của mình rằng:
-      Nếu không lấy được em thì anh sẽ chết. Em ráng chờ đợi anh nhé.
Và trong đầu óc đơn sơ của anh chàng Hai Lúa này đã vẽ nên một cảnh tương huy hoàng như người xưa đã diễn tả:
-      Võng anh đi trước, võng nàng theo sau.
Nhưng rồi sau khi đã khều được mảnh bằng, anh chàng Hai Lúa năm nào đã trở thành dân Saigon chính hiệu con nai vàng. Vì cần phải có hộ khẩu ở thành phố, vì cần phải có ô dù che chắn trước sau, vì cần phải mở ra con đường tiến thân, vì cần phải bảo đảm cho công danh sự nghiệp… nên anh ta đã lấy một cô vợ mà nhà thì giàu, bố thì thế lực và quên béng mất cô gái miền quê năm xửa năm xưa. Thật đúng với lời bàn của tác giả Cổ Học Tinh Hoa:
“Ngán thay thói đời giàu hay quên bạn, sang hay phụ vợ. Lắm kẻ lúc còn hàn vi, vợ nuôi cho ăn đi học, một mai được chút tiền của, chức tước, đã phụ ngay vợ cũ mà kiếm vợ mới, hoặc kiếm vào chỗ giàu, chỗ sang hay người trẻ tuổi xinh đẹp hơn. Những kẻ như thế dù viện lẽ gì, cũng chỉ là kẻ phụ bạc cả mà thôi.”
Nhiều ông chồng, khi còn là “bần cố nông”, khi còn nghèo túng, khố rách áo ôm, thì lại sống rất chung thủy và hạnh phúc với vợ với con, thiếu điều như ca dao đã từng diễn tả:
-      Trên đồng cạn dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
-      Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.
Thế nhưng, khi đã có một địa vị với cái ghế ngồi khá vững chắc và nhất là khi đã có sẵn tiền trong tay, thì bỗng quay phắt 180 độ và bị… hư đi. Dĩ nhiên ở đây gã xin miễn bàn đến chuyện kiếm cho ra nhiều tiền, chẳng hạn như: làm ăn chân chỉ hạt bột, điêu ngoa xảo trá hay tham nhũng hối lộ… mà chỉ bàn tới việc tiêu tiền thế nào khiến cho mình chóng bị hư đi.
Nếu kiếm được tiền mang về nuôi vợ nuôi con, trang bị cho gia đình những tiện nghi thì chả cần phải nói. Nhưng đàng này thì khác, kiếm được tiền và chi cho những cuộc du hí riêng tư của mình, để rồi nhiều khi thân bại danh liệt và gia đình đổ vỡ tan hoang.
Kinh nghiệm cũng cho thấy: có tiền, người ta sẽ dễ dàng “rửng mỡ”, mà lao mình vào những cuộc chơi bời trác táng. Hay nói cách khác, muốn chơi bời thỏa thích thì phải có sẵn tiền trong túi.
Bình thường, sau một ngày lao động mệt mỏi hay căng thẳng, khi chiều xuống, bè bạn thường rủ nhau tới quán nhậu, làm một chầu để mở mang trí hóa, cũng như giải bớt cơn sầu. Chẳng thế mà các tụ điểm ăn nhậu, các nhà hàng cao cấp, các làng nướng cũng như các phố… chó, mọc lên như nấm ở Saigon và ở khắp nơi trên đất nước này. Còn thức uống thì đủ loại từ rượu ta đến rượu tây, từ nước ngọt đến bia bọt, với các thứ nhãn hiệu trình tòa, từ đẳng cấp địa phương cho tới đẳng cấp quốc tế, thôi thì… đủ cả.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhậu tăng một, thì dù có say một tí, cũng vẫn là chuyện thường ngày ở huyện. Thế nhưng, người ta lại tiếp tục tăng hai và ở tăng hai này, người ta nhậu ở đâu và nhậu như thế nào thì chỉ có ông trời mới biết được mà thôi. Cũng vì tăng hai ấy mà người ta phải chi ra không biết bao nhiêu tiền và cũng dễ bị hư đi.
Ngoài những người đã hư đi vì chuyện ăn uống, thì trong thực tế, còn có người hư đi vì chuyện hút sách. Khẩu hiệu được họ đưa ra, đó là:
-      Có tiền làm tiên cũng được.
Nếu chỉ bắn thuốc lào, hay hút thuốc lá, thì vẫn là những chuyện thường ngày ở huyện, nhưng đàng này họ lại thích chơi những thứ hàng độc, như bạch phiến, xì ke ma túy. Họ muốn làm bạn với nàng tiên nâu và bản thân muốn được trở thành một… ông tiên, đi mây về gió. Giấc mơ phù du này đòi phải chi những số tiền lớn và cũng chóng kết thúc bằng sự hư đi.
Sau cùng, có tiền mua tiên cũng được. Một số người lại thích cầm tiền đi mua những cô tiên qua những cuộc tình thầm lén và vụng trộm, những cuộc tình chớp nhoáng và ngoài luồng, bằng cách chơi bời trác táng hay đèo bòng bồ nhí.
Có những ông già đang bước vào cảnh hoàng hôn của cuộc đời, thế mà vẫn cứ anh dũng bỏ vợ trốn con, bỏ tiền ra xây tổ ấm và trang bị những tiện nghi hiện đại cho cô bồ nhí trẻ măng của mình, để rồi nhiều lúc đã phải chịu nỗi đắng cay như ngậm bồ hòn trong miệng:
-      Bắc thang lên hỏi ông trời,
Mang tiền cho gái, có đòi được không?
Có những ông ở nước ngoài về, đã lợi dụng cái “mác” việt kiều, cũng như cái ưu thế của đồng đô la, để rồi chơi bời vung vít và mua đứt không những một, mà có khi cả hai ba cô gái trong nước làm vợ hờ. Vừa đỡ tốn kém, vừa được cưng chiều, lại vừa bảo đảm an toàn giữa thời buổi căn bệnh HIV bùng nổ như một cơn ác mộng.
Từ những sự việc kể trên, gã có thể kết luận: Đờn ông muốn hư thì phải có tiền. Chứ nghèo rớt mồng tơi thì làm sao dám bước chân vào những nhà hàng cao cấp, những chốn chơi bời du hí và dù có nằm mơ thì cũng chẳng thấy được những người đẹp chân dài.
TIẾP ĐẾN, ĐỜN BÀ MUỐN CÓ TIỀN, THÌ PHẢI HƯ.
Sống trên đời, ai mà chẳng muốn có được nhiều tiền. Nhưng để thực hiện ước muốn hoành tráng này, nhiều người đã cố gắng phấn đấu để vươn lên. Và họ trở thành những người tốt lành, cũng như đã giúp ích cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, cũng có những kẻ đã rơi tõm xuống vực thẳm tội lỗi và đã hư đi. Ở đây, gã chỉ xin bàn đến phe đờn bà con gái đã hư đi vì muốn có nhiều tiền một cách dễ dàng mà thôi. Gã xin tạm chia thành hai loại.
Loại thứ nhất là vì hoàn cảnh.
Họ có thể là những cô gái nông thôn, muốn thoát khỏi cảnh nghèo túng của miền quê bằng cách lên thành phố tìm việc làm, vừa để đổi đời, vừa để kiếm tiền giúp đỡ gia đình, nhưng rồi bị lừa gạt. Lúc đầu chỉ là phụ giúp bán cà phê, rồi bị ép bán cà phê ôm và sau cùng là bán tất cả cái vốn mình tự có.
Họ có thể là những sinh viên nghèo, nhưng lại muốn theo đuổi việc học, vì thế ngoài những giờ đến trường hay lên lớp, họ phải tìm việc làm để kiếm thêm chút tiền còm, bù lỗ cho những chi phí của mình.
Những việc làm thêm này, chẳng hạn như dạy kèm cho trẻ, bán hàng tại cửa tiệm, rửa chén bát cho các nhà hàng… lắm lúc thật vất vả mà lương bổng, thù lao lại chẳng bao nhiêu.
Vì thế, có những cô đã vào làm trong quán cà phê đèn mờ, những vũ trường hay cam phận với kiếp sống tầm gửi, làm vợ hờ, làm bồ nhí. Sở dĩ như vậy, vì những dịch vụ này thu nhập vừa cao, lại vừa nhàn hạ. Và rồi từ đó bị trượt chân, như viên bi lăn mãi lăn hoài cho tới tận cùng con dốc mới thôi. Gã xin đưa ra một vài chứng từ sống động cho vấn đề này.
Để có tiền trang trải cho chuyện ăn, chuyện ở và chuyện học, Hằng quyết định làm thêm công việc tiếp thị bia vào ban đêm tại một quán nhậu. Vơi thân hình khá bắt mắt của một cô gái đương thì, cộng với tính tình nhanh nhẹn vui vẻ, Hằng nhanh chóng được lòng rất nhiều anh lẫn… ”ông” nhậu lui tới quán.
Trong số những khách hàng thường xuyên uống bia ủng hộ cô, có Khánh, một dược sĩ 32 tuổi, chủ nhân tiệm thuốc tây tọa lạc gần nơi Hằng tiếp thị bán bia mỗi đêm. Sau vài lần gặp gỡ, trò chuyện, Hằng bằng lòng cho chàng dược sĩ này đưa đón, đi ăn uống và về nhà trọ khi hết giờ làm việc ở quán nhậu.
Chỉ sau một tháng đưa đón, Hằng đã sẵn sàng ngã vào vòng tay của chàng dược sĩ, mà cô nghĩ có thể bao bọc được cho mình trong những tháng ngày ăn học khó khăn. Đúng như Hằng nghĩ, để tiện bề lui tới, Khánh thuê hẳn cho Hằng một căn nhà nhỏ trong hẻm…
Tuy nhiên, sự cung phụng của Khánh dành cho Hằng chỉ được một năm thì người thứ ba xuất hiện. Đó là một ông nhà thầu xây dựng, cũng là bạn nhậu của Khánh. Ông nhà thầu 42 tuổi này đã có vợ con đề huề. Sau vài lần gặp Hằng, ông đâm ra “kết” cô.
Sau đó không lâu, đã diễn ra một thỏa thuận rành mạch giữa ba người: Ông nhà thầu bỏ tiền ra cho Hằng mướn nhà trọ và ăn học. Anh chàng dược sĩ cung phụng cho cô mua sắm. Phần cô sinh viên Hằng tự chia lịch: 2-4-6 dành “tiếp ông thầu”, còn 3-7-5 thì ”đi chơi” cùng anh dược sĩ. Chủ nhật là ngày cô được tự do… (Báo Phụ nữ Chủ nhật, số 7 ra ngày 19.2.2006).
Loại thứ hai là vì đua đòi
Có những cô gái, đua đòi cách ăn chơi của bè bạn, chạy theo những mốt áo quần hàng hiệu, theo kiểu bóc ngắn cắn dài, vung tay quá trán, con nhà lính tính nhà quan… vì thiếu tiền chi ra, nên sẵn sàng chấp nhận thân phận làm bồ nhí, làm gái bao…
Thanh xuất thân trong một gia đình khá giả. Thi đậu đại học. Bất chấp lời khuyên của những người thân, Thanh dọn ra ở riêng trong một căn phòng cho thuê khá tiện nghi. Không có sự kiểm soát của người thân, Thanh tự do bay nhảy, đàn đúm.
Để có tiền ăn chơi, Thanh không ngần ngại cặp bồ với nhiều người đàn ông lớn tuổi nhưng có tiền. Trong số các “đại gia” ấy, Thanh chọn ông Phát đã có vợ con, nhưng lại là ông chủ cửa hàng kinh doanh xe gắn máy làm “bến đậu lâu dài” vì mọi chi phí thuê nhà, sắm sửa đều được ông Phát chu cấp hậu hĩ. (Báo Phụ nữ Chủ nhật, số 7, ra ngày 19.2.2006).
Có những cô gái khác vì cám dỗ của đồng tiền, hay vì một cuộc sống buông thả, sẵn sàng đánh đổi cả thân xác và không ngần ngại kinh doanh bằng cái vốn tự có, bằng cái vẻ tươi mát trời cho.
Lúc ban đầu, có thể chỉ lâu mới nhảy dù, tiếp khách một lần để có phương tiện tiếp tục nếp sống chơi bời quậy phá của mình. Nhưng rồi thấy việc kiếm tiền bằng phương cách này quá dễ dàng, nên bỗng trở thành chuyên nghiệp lúc nào không hay.
Và khi hàng đã quá đát, thì chỉ còn nước đứng ra ngoài vỉa hè và trở thành một loại bướm đêm, mà thiên hạ vốn thường thấy bay lượn dọc theo những quãng đường vắng hay tại những công viên, khi thành phố đã lên đèn.
Và cuối cùng, đờn ông cũng như đờn bà, tất cả đều phải cúi đầu lãnh nhận một kết thúc đáng buồn!!!
Gã Siêu