Suy niệm hạnh thánh _ 23/4

Thánh GEORGE
 (c. 304)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.
Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Đế La Mã Diocletian (245 -- 313), và là người được Hoàng Đế mến mộ.
Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Đức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Đế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.
Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Đặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.
Ngài được phong thánh năm 494, Đức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người "mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa."
Thánh George được đặt làm quan thầy của nước Anh, Bồ Đào Nha, Đức, Aragon, Genoa và Venice.
Suy niệm 1: Con rồng
Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp.
Con rồng tượng trưng cho sự dữ, vì nó cũng có những hành động thù nghịch đối với người Phụ Nữ như con Mãng Xà vốn đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai... Từ miệng, Con Rắn phun nước ra đằng sau bà như một dòng sông, để cuốn bà đi. Nhưng đất cứu giúp bà... Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chưng của Đức Giêsu. (Kh 12, 13-18).
Tất cả chúng ta đều có những "con rồng" để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những "con rồng" đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Đức Kitô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn công tác với ơn Chúa, để chiến thắng được những con rồng đang hoành hành nơi chúng con.
Suy niệm 2: Phụ nữ
Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp.
Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa, với nhiều vẻ đẹp khác nhau. Chẳng hạn bà Rút diễn đạt đạo hiếu của Thiên Chúa (R 1,16-17), còn bà Giuđích thì lòng yêu thương thủy chung (Gđt 16,22), bà Tabitha có nghĩa là Linh Dương thì lòng nhân ái và phục vụ (Cv 9,36).
Riêng Đức Maria là người nữ tin yêu tuyệt vời (Lc 1,45), luôn sống và thực hành lời Chúa (Mt 12,50;Lc 11,28), say mê đời sống cầu nguyện được biểu lộ đậm nét qua bài ca Ngợi Khen (Lc 1,46tt), cũng như quan tâm hết mình đến nhu cầu tha nhân (Ga 2,3).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp giới phụ nữ sống trọn chức năng làm khí cụ biểu lộ nét đẹp của Thiên Chúa.
Suy niệm 3: Chính quyền
Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Đế La Mã Diocletian (245 -- 313), và là người được Hoàng Đế mến mộ.
Dầu được Hoàng Đế mến mộ, nhưng Thánh George đến gặp Hoàng Đế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.
Thánh Gioan Tiền Hô cũng không hề nể sợ uy quyền của vua Hêrôđê. Thấy đức vua vi phạm luật hôn nhân, ngài thẳng thắn ra lệnh cấm đoán đức vua như một kẻ có uy quyền: “Vua không được phép lấy vợ của anh” (Mc 6,18) dầu sau đó phải chuốc lấy hậu quả khốc liệt cho mình là bị bỏ tù và bị chém đầu (Mc 6,17.27).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng sợ kẻ giết được thân xác mà phải sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục (Mt 10,28).
Suy niệm 4: Lính Đức Kitô
Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Đức Kitô.
Ngài là lính nhưng là người lính đích thực của Đức Kitô, vì ngài đã chẳng những nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của hòang đế mà còn từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã, cho dầu phải bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu, để nói lên lòng trung tín với Đức Kitô.
"Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Đức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai" (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn trung tín với Chúa hơn bất cứ một ai hoặc một điều gì khác.
Suy niệm 5: Phấn khởi
Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy.
Xét về mặt đời, một con én không làm nên mùa xuân, nhưng xét về mặt thiêng liêng thì khác. Duy chỉ đời sống mẫu gương của thánh Georges trong việc tuyên xưng đức tin đã tạo nên nguồn phấn khích cho mọi Kitô Hữu thời ấy.
Cũng thế, duy chỉ một mình cậu trẻ Đavít can đảm tuyên chiến và hạ gục được tướng khổng lồ Gôliát cũng đem lại an bình cho cả toàn quân dân Ítraen, khiến các phụ nữ trong hết mọi thành ca hát nhảy múa mừng reo: “Vua Saun hạ được hàng ngàn, ông Đavít hàng vạn” (1Sm 18,6-7).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn can đảm sống tốt như đóa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Suy niệm 6: Sùng kính
Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Đặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính Thánh George.
Vì Thánh George xuất thân từ quân đội nên các quân nhân sùng kính ngài với niềm vinh dự là điều dễ hiểu. Nhưng lý do mà Thánh George được sùng kính không phải vì là quận nhân mà nhất là vì đời sống mẫu gương về việc tuyên xưng đức tin.
Chính vì thế các Kitô Hữu thời ấy chứ không riêng gì các quân nhân đều phấn khởi khi thấy sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George. Nếu đã thế thì không chỉ các Kitô Hữu thời ấy mà ở mọi thời đều phải nêu cao mẫu gương ấy, do đó năm 494, Đức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người "mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đang để dâng lên Thiên Chúa".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấu hiểu tâm ý của Tòa Thánh để luôn sùng kính Thánh George bằng việc sống theo gương sáng của ngài.