Suy niệm hạnh thánh _ 22/4

Chân phước GILES ASSISI
 (1190-1262)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Chân Phước Giles, một môn đệ của Thánh Phanxicô, là người đơn giản và siêng năng cầu nguyện.
Vào ngày 23 tháng Tư, 1208, một người tá điền tên Giles đã phân phát tài sản cho người nghèo và đi theo Thánh Phanxicô. Trong phần giới thiệu ông Giles, Thánh Phanxicô nói: "Đây là một người anh em tốt lành mà Thiên Chúa đã gửi đến cho chúng ta! Hãy ngồi vào bàn và ăn mừng."
Vào năm 1219, ngài đến Tunis để rao giảng cho người Hồi Giáo, nhưng người Kitô Giáo ở đây, sợ rằng ngài sẽ gây khó khăn cho họ, nên đã đưa ngài lên thuyền trở về Ý. Sau đó, Thầy Giles làm việc lao động trong vài năm. Vào năm 1234, ngài di chuyển đến Monte Rapido gần Perugia để theo đuổi đời sống chiêm niệm. Thầy sống ở đây cho đến khi từ trần.
Thầy Giles luôn luôn làm việc để có miếng ăn hàng ngày ngay cả khi ngài là khách.
Là một trong những môn đệ tiên khởi của Thánh Phanxicô, Thầy Giles khước từ mọi dễ dãi về kỷ luật trong Quy Luật Thánh Phanxicô. Thầy được phong chân phước năm 1777.
Suy niệm 1:  Môn đệ
Chân Phước Giles, một môn đệ của Thánh Phanxicô, là người đơn giản và siêng năng cầu nguyện.
Trong thời gian đầu sau khi là một tu sĩ dòng Phanxicô và là một môn đệ của Thánh Phanxicô, Thầy Giles tháp tùng Thánh Phanxicô trong nhiều công tác truyền giáo ở chung quanh Assisi, cũng như hành hương đến Rôma, Đất Thánh và đền nổi tiếng của Thánh Giacôbê ở Compostela, Tây Ban Nha.
Là môn đệ của Đức Giêsu, các tông đồ cũng luôn tháp tùng Ngài trên khắp mọi nẻo đường truyền giáo ở đất nước Dothái, đến mức sống tam cùng với Ngài: cùng ăn cùng ở cùng làm việc.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn theo sát Chúa trên đường thập giá để xứng là môn đệ Chúa.
Suy niệm 2:  Đơn giản
Chân Phước Giles, một môn đe của Thánh Phanxicô, là người đơn giản và siêng năng cầu nguyện.
Chi tiết sau đây cho thấy Thầy Giles quả là một con người đơn giản. Khi Thánh Bonaventura đến Perugia, Thầy Giles hỏi ngài rằng: một người ngu dốt có thể yêu mến Thiên Chúa nhiều như một học giả không. Thánh Bonaventura, lúc ấy là một thần học gia nổi tiếng xuất thân từ Đại Học Balê và là bề trên tổng quyền, trả lời: "Một bà già tầm thường có thể yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn là một bậc thầy về thần học."
Ngay lập tức, Thầy Giles chạy đi gặp một bà già và nói, "Bà ơi, dù bà đơn sơ và không có học thức, nhưng nếu bà yêu mến Thiên Chúa thì bà có thể cao trọng hơn cả Bonaventura".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú tâm sống đơn giản là chỉ biết yêu mến Thiên Chúa.
Suy niệm 3:  Cầu nguyện
Chân Phước Giles, một môn đệ của Thánh Phanxicô, là người đơn giản và siêng năng cầu nguyện.
Là con người cầu nguyện, Thầy Giles ưa thích nói về chuyện thiên đàng cách say sưa đến mức ngất trí như mẫu chuyện kể sau đây, để rồi như đức giáo hoàng Grêgôriô IX và Thánh Bonaventura đồng ý, Thầy Giles là một bậc thầy về đời sống tâm linh.
Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX, trước đây là Hồng Y Hugolinô và là một người ái mộ Thánh Phanxicô, đã có lần đưa Thầy Giles đến Viterbo để ngài có thể tận mắt chứng kiến sự thánh thiện của thầy. Cả hai bắt đầu nói chuyện về thiên đàng, và Thầy Giles đã hai lần rơi vào tình trạng ngất trí trong một thời gian khá lâu.
Một lần khác, đức giáo hoàng yêu cầu thầy khuyên bảo về nhiệm vụ của một giáo hoàng. Thầy nói với đức giáo hoàng là ngài phải có hai đôi mắt trong linh hồn: một đôi để chiêm ngắm những sự trên trời, và một đôi để nhìn đến những sự dưới đất.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dầu sống ở dưới thế nhưng luôn tưởng nghĩ đến những sự trên trời.
Suy niệm 4:  Mục đích
Vào ngày 23 tháng Tư, 1208, một người tá điền tên Giles đã phân phát tài sản cho người nghèo và đi theo Thánh Phanxicô.
Chúng ta được dựng nên với một mục đích. Chân Phước Giles biết rằng mục đích của đời sống chúng ta là sống với Thiên Chúa, và ngài đã vui vẻ chuẩn bị cho đời sống ấy, bằng việc phân phát tài sản cho người nghèo và đi theo chân Thánh Phanxicô, để rồi sống đời thánh thiện và được làm chân phước.
Không như chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng (Lc 18,18-23). Dầu có thiện chí muốn được sự sống đời đời, nên đã tuân giữ các điều răn từ thuở nhỏ, nhưng không bán được tài sản để giúp kẻ nghèo và đi theo Đức Giêsu, nên không được liệt vào danh sách những người lành thánh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vượt qua rào cản của vật chất, để sống cho Thiên Chúa như mục đích duy nhất của đời mình.
Suy niệm 5:  Bác ái
Vào năm 1219, ngài đến Tunis để rao giảng cho người Hồi Giáo, nhưng người Kitô Giáo ở đây, sợ rằng ngài sẽ gây khó khăn cho họ, nên đã đưa ngài lên thuyền trở về Ý.
Vì bác ái, Thầy Giles không sống cho chính mình mà sống cho tha nhân. Vì thế ngài đến Tunis để muốn chia sẻ hồng ân làm con Chúa cho người Hồi Giáo. Và rồi cũng vì bác ái, ngài không muốn gây khó khăn cho người Kitô Giáo đang sống ở đây nên lại bằng lòng lên thuyền trở về Ý, đúng như tâm tình ngài ghi lại ở cuốn Lời Vàng:
"Chim chóc trên trời, muông thú dưới đất và cá dưới biển đều thỏa mãn khi chúng có đủ thức ăn. Nhưng con người thì không thỏa mãn với những sự trần thế và luôn luôn khao khát những điều khác, do đó hiển nhiên là con người được tạo dựng không chỉ cho chính mình mà còn cho tha nhân. Vì thân xác được tạo dựng là cho linh hồn, và thế giới này được tạo dựng là cho thế giới khác".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tập sống bác ái đừng vì mình mà vì người.    
Suy niệm 6:  Làm việc
Thầy Giles luôn luôn làm việc để có miếng ăn hàng ngày ngay cả khi ngài là khách.
Thật vậy, có lần khi đang ở nhà một vị hồng y, và buổi sáng hôm ấy trời mưa tầm tã. Vị hồng y vui mừng nghĩ rằng Thầy Giles sẽ không thể nào làm việc lao động được, và thầy sẽ phải nhận lòng bác ái của đức hồng y. Tuy nhiên, người tu sĩ khéo léo này đã đi vào bếp để lau chùi, quét dọn và giúp người đầu bếp chuẩn bị bữa ăn tối!
Đức Giêsu cũng nêu gương làm việc để sinh sống nên được gọi là bác thợ (Mc 6,3) và con của bác thợ (Mt 13,55). Thánh Phaolô cũng sống bằng nghề dệt lụa (Cv 18,3) và tự hào về điều đó (Cv 20,34;1Cr 4,12), nên cũng mạnh mẽ nói lên: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn (2Tx 3,10).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng lười biếng ăn bám kẻo bị chê trách (Hc 29,23), nhưng hãy luôn siêng năng làm việc để có cái ăn.