Lời Chúa thứ năm tuần thánh _ yêu thương đến cùng

YÊU THƯƠNG ĐẾN CÙNG
Một vị Thiên Chúa cao cả đã cúi xuống phục vụ cho con người, thì tại sao con người chúng ta lại không biết phục vụ lẫn nhau?
Logos
Trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 07/4/2006, người ta đã đăng một mẩu tin ngắn: “Cần gấp máu B- (B trừ) cho một em bé Việt Nam.”
Mẩu tin nhắn trên là lời kêu gọi của một tổ chức bảo trợ trẻ em, một tổ chức phi chính phủ mang tên Christina Noble Foundation. Tổ chức này đang giúp phẫu thuật tim cho em bé tên Nguyễn Thị Hồng Cẩm, 4 tuổi, thuộc một gia đình rất nghèo ở Sóc Trăng.
Em bé được đưa đến Viện Tim Thành Phố Hồ Chí Minh để mổ tim. Nhưng em bé lại là một người thuộc một nhóm máu rất hiếm, đó là nhóm máu B- (B trừ). Để phẫu thuật cho em, người ta cần đến 6 người có nhóm máu B- hiến máu.
Tin vừa đăng trên báo, hằng trăm người từ khắp nơi đã gọi điện thoại về tòa soạn xin hiến máu. Những người này thuộc đủ mọi thành phần, có cả những người ngoại quốc đang công tác tại Việt Nam.
Người ta chọn được 6 người có nhóm máu hiếm kể trên: trong số đó có 4 người Việt Nam và 2 người ngoại quốc. Bài báo đã kết luận bằng một lời nói đầy ý nghĩa: “máu hiếm, nhưng tấm lòng không hiếm.”
Câu chuyện về những người hiến máu trên đây cho chúng ta một suy nghĩ: quả thật, con người có nhiều nhóm máu khác nhau. Nhưng dù là loại máu nào, tất cả đều có chung một yếu tố: đó là lòng yêu thương và tình nhân ái luôn chảy trong huyết mạch của con người.
Câu chuyện về những người hiến máu trên đây cũng còn dẫn đưa chúng ta đến với lời tường thuật đầy xúc cảm của thánh Gioan trong bài Tin Mừng: “Trước ngày lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng.”
Để yêu thương đến cùng, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể.
Quả thật, trong giờ phút ấy, Chúa đã yêu thương các môn đệ đến cùng. Để yêu thương đến cùng, không phải Chúa chỉ “hiến máu” cho con người, như người ta vẫn làm cho nhau để tỏ lòng nhân đạo. Nhưng để yêu thương đến cùng, Ngài đã lấy chính Thịt Máu mình để nuôi nhân loại qua bí tích Thánh Thể.
Thánh lễ chiều nay được gọi là Lễ Tiệc Ly, bữa tiệc của tình yêu. Trong buổi tiệc ly, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể. Đó là cách diễn tả tình yêu vừa độc đáo vừa sâu xa nhất.
Quả thực, Chúa đã yêu thương đến cùng, nên để biểu lộ tình yêu vô cùng vô tận đó, Chúa đã trao ban chính Thịt và Máu mình để nên lương thực nuôi dưỡng nhân loại. Chỉ có cách thức ấy, Chúa mới có thể hòa nhập trọn vẹn vào trong con người. Ôi! Tình yêu ấy sâu thẳm biết bao! Cho dẫu tình yêu vợ chồng “một xương một thịt” cũng không thể sánh bằng.
Hôm nay, bài đọc I, trích sách Xuất Hành, kể lại bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái: trong bữa ăn ấy, dân Do Thái dùng bánh không men, ăn với thịt chiên nướng, rau diếp đắng và uống rượu nho. Có điều đặc biệt là họ lấy máu chiên bôi lên cửa. Đó là dấu hiệu để thiên thần Chúa vượt qua và tha không giết chết con trai đầu lòng của họ.
Chúa Giêsu chính là Chiên Vượt Qua, nhưng Máu Thánh Ngài không chỉ là dấu hiệu, nhưng đã trở thành giao ước đem đến ơn cứu độ cho mọi người. Máu của Chúa đã nên giá cứu chuộc cho nhân loại.
Để yêu thương đến cùng, Chúa Giêsu đã lập chức Linh Mục
Tình yêu của Chúa thật vô biên. Tình yêu ấy không muốn dừng lại, nhưng kéo dài mãi mãi. Để diễn tả tình yêu vô tận ấy, Chúa Giêsu đã lập bí tích Truyền Chức Thánh. Chính trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh và rượu, trao cho các môn đệ và căn dặn:
“… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.” Các linh mục chính là những nhịp cầu thiêng liêng tiếp nối tình yêu thương của Chúa Giêsu đến tận cùng thế giới.
Đôi tay linh mục sẽ là bàn tay nối dài của Chúa Giêsu, bẻ tấm bánh đời Ngài để thông chia cho anh em mình. Đôi chân linh mục sẽ là bước chân nối dài của Chúa Giêsu, tiếp tục đi gieo vãi Tin Mừng tình yêu. Trái tim linh mục sẽ tiếp nối nhịp đập của trái tim Chúa Giêsu, sẻ chia tình yêu đến giọt máu cuối cùng.
Vì thế, có thể nói, Thứ Năm Tuần Thánh là “ngày của linh mục”, ngày sinh nhật của thiên chức linh mục. Chớ gì các linh mục luôn cảm nhận được hồng ân đó để luôn cảm tạ Chúa và nhất là luôn trở nên linh mục như lòng Chúa mong ước, linh mục luôn biết yêu và yêu đến cùng theo gương Chúa Giêsu Linh Mục.
Để yêu thương đến cùng, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cử hành hai nghi thức thật trang trọng: đó là lập bí tích Thánh Thể và rửa chân cho các môn đệ. Cả hai cử chỉ đều bộc lộ tình yêu đến tột cùng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ.
Trong bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và rượu trao cho các môn đệ một cách trang trọng như trao một của gia bảo. Đó chính là Mình và Máu Thánh Chúa được trao ban cho các môn đệ thân yêu. Cử hành bí tích Thánh Thể thật trang trọng là một điều dễ hiểu. Nhưng thật lạ lùng, ngay cả việc rửa chân cho các môn đệ, một việc làm của các nô lệ, cũng được Chúa cử hành một cách trang trọng không kém.
Sau bữa ăn, Chúa Giêsu trỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu, Ngài rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
Khi Chúa Giêsu cử hành việc rửa chân một cách trang trọng như vậy, Ngài có ý muốn dạy các môn đệ một bài học thật quý giá:
- Chúa Giêsu là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các môn đệ, thì các môn đệ cũng phải rửa chân cho nhau. Quả thật, bài học đó vẫn còn giá trị cho chúng ta ngày hôm nay. Một vị Thiên Chúa cao cả đã cúi xuống phục vụ cho con người, thì tại sao con người chúng ta lại không biết phục vụ lẫn nhau?
- Cử hành bí tích Thánh Thể là một việc làm thiết yếu trong đời sống đạo của người kitô hữu. Nhưng việc rửa chân cho nhau cũng là một việc làm quan trọng không kém trong đời sống đức tin của mỗi người. Vì vậy, mỗi ngày chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể để hướng về Chúa và “cử hành” việc rửa chân để hướng về con người.
Ngày kia, Mẹ Têrêxa Calcutta hỏi một chị nữ tu thuộc dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ:
-       Suốt buổi sáng con đã làm gì?
Chị nữ tu thưa:
-       Thưa Mẹ con đã tắm rửa cho Chúa Giêsu.
Thì ra, chị nữ tu đó mới bước ra từ nhà hấp hối, một căn phòng dành cho các bệnh nhân sắp qua đời. Chị mới tắm rửa cho một bệnh nhân phong cùi đang hấp hối. Chị gọi việc tắm rửa cho người ấy là tắm rửa cho Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã yêu thương đến cùng, đến nỗi đã cúi xuống để phục vụ chúng ta, phục vụ đến hy sinh mạng sống vì chúng ta. Chúng ta hãy bắt chước Ngài để cũng biết phục vụ Chúa trong anh chị em mình, phục vụ như Chúa đã phục vụ.