RỬA CHÂN CHO NHAU
Tình
yêu là căn tính của niềm tin Kitô giáo… “Chính khi hiến thân là khi được nhận
lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”
Đức Khổng tử đi chơi núi Thái sơn, gặp
ông Vinh Khải Kỳ ngao du ở ngoài đồng, mặc áo cừu thắt lưng dây, tay gảy đàn cầm,
vừa đi vừa hát. Đức Khổng tử hỏi: “Tiên
sinh làm thế nào mà thường vui vẻ thế?”
Ông Vinh Khải Kỳ nói: “Trời sinh muôn vật, loài người quý nhất, mà
ta được làm người, đó là một điều đáng vui. Trong loài người, đàn ông quý hơn
đàn bà, mà ta được làm đàn ông, đó là hai điều đáng vui. Người ta sinh ra có người
đui què, có người non yểu, mà ta hoàn toàn khoẻ mạnh nay đã chín mươi tuổi; thế
là ba điều đáng vui… Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là sự hết
của đời người. Ta nay xử cảnh thường, đợi lúc hết, thì có gì là lo buồn?”
Đức Khổng tử nói: “Phải lắm! Tiên sinh thế là biết cách tự làm
cho khoan khoái mà hưởng sự vui thú ở đời.”
Xưa nay người ta thường thán phục
ông Vinh Khải Kỳ vì đã có một quan niệm sống rất lạc quan, coi đó như là một
sáng kiến thực sự đem lại hạnh phúc cho cuộc sống nhân loại có nhiều bất toàn.
Nhưng để ý một chút ta thấy cái đáng vui của ông vẫn bị “hổng chân”, vì đó là
những cái vui dựa trên sự trổi vượt của mình so với người khác, ngay cả khi sự trổi vượt đó bao hàm cả sự bất hạnh của
người khác.
Cái vui, cái phúc thật là hài lòng,
thoả mãn về những gì mình là và mình có: “Ngươi
không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng
ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (Đnl
5,21).
Còn hơn thế nữa, vì được dựng nên
theo hình ảnh Thiên Chúa, cái phúc thật nơi con người không dựa trên một điều
gì khác ngoài sự hiệp thông với Thiên Chúa, chia sẻ sự sống Thiên Chúa bằng đời
sống yêu thương: “Thiên Chúa là tình yêu,
và ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người
ấy” (1Ga 4,16).
ĐGH Bênêđíctô XVI đã dùng câu Lời
Chúa trên để mở đầu thông điệp đầu tiên cho triều đại Giáo hoàng của ngài: “Những lời từ thư thứ nhất của thánh Gioan
này diễn tả một cách hết sức rõ ràng tâm điểm của đức tin Kitô giáo: chúng ta
đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, để nhờ đó chúng ta có thể phản ảnh
tình yêu Thiên Chúa và đó là lý do tại sao chúng ta được dựng nên (…) Qua những
lời này người Kitô hữu có thể bày tỏ một quyết định căn bản về cuộc đời của
mình.”
Nói cách khác, tình yêu là căn tính
của niềm tin Kitô giáo. Đó là lý do tại sao những lời nói sau hết và những việc
làm cuối cùng của Đức Kitô đều hướng lòng trí các môn đệ về đời sống yêu thương,
một tình yêu sẵn lòng thí mạng vì người mình
yêu.
Lời nói và việc làm sau cùng của Đức
Kitô trước cuộc khổ nạn trình bày một cách rõ ràng và đầy sức thuyết phục vẻ đẹp
linh thánh của tình yêu đó. Là Thầy và là Chúa, Đức Kitô rửa chân các môn đệ, kể
cả cho Giuđa mà Chúa biết rõ sự phản bội, cho Phêrô mà Chúa đã thấy sự yếu đuối.
Tất cả cho thấy điểm đặc biệt của tình yêu Kitô giáo là
dung hòa vị kỷ với vị tha: người ta sống cho mình nhiều nhất
khi hướng đến tha nhân, cũng như không ai có thể yêu người khác mà lại không
yêu mình. Thánh Phanxicô Assisi đã cô đọng tinh thần đó trong lời Kinh Hoà
bình: “Chính khi hiến thân là khi được nhận
lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”
Tình yêu đó lên đến tột đỉnh trong
việc thiết lập bí tích Thánh Thể, khi Đức Kitô coi sự sống và hạnh phúc của phàm
nhân như là hạnh phúc và ý nghĩa sống của Ngài: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì
anh em… Chén này là Giao ước mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy
làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24-25).
Tình yêu Đức Kitô còn đó giữa trần
gian mãi cho đến tận thế nhờ bí tích Truyền Chức. Cho đến ngàn sau, chức linh mục
vẫn là hồng ân và phép lạ Chúa đã và đang thực hiện cho cả thế giới, cho mỗi
tín hữu: Đức Kitô không còn là một câu chuyện xúc động đã qua mà là phúc lành đến
từ trời cao, nằm trong tầm tay với của mỗi người.
Trong cuốn “Lời kinh thắp sáng cuộc
đời”, cha Michel Quoist đã diễn tả tình yêu vị tha Chúa đòi hỏi nơi mỗi linh mục,
qua lời nguyện chiều Chúa nhật của một linh mục:
“Lạy Chúa, chiều nay con trơ trọi,
những tiếng động trong nhà thờ lịm tắt dần. Những người đi chầu đi lễ đã về hết
rồi và con cũng lủi thủi trở về nhà xứ, một thân, một bóng…
“Yên lặng làm con ngạt thở, cô đơn
làm con bực dọc.
“Lạy Chúa, con cũng có một thân xác
như bao nhiêu người khác, với những bàn tay để làm việc, với một quả tim được dành
để yêu thương.”
Kỳ diệu làm sao cái tình yêu Chúa
mang xuống trần gian! Với tình yêu, Chúa đã thực hiện một phép rửa không phải bằng
nước, mà bằng lửa, một phép rửa thanh tẩy tôi sạch hẳn mọi vết nhơ tội lỗi: “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh
Thần và lửa.” (Mt 3,11)
Chúa đã “mang lửa xuống trần gian” để
thực hiện phép rửa đó. Ngọn lửa được trao cho tôi. Tôi có tiếp lửa đó, yêu như
Chúa yêu, hay để lụi tàn?