THẤY VÀ TIN
Khi
“cúi mình xuống” trong chân thành và khiêm tốn, thánh Gioan đã được Chúa ban
cho niềm tin mạnh mẽ. Ngài đã “thấy và đã tin.”
Văn hào Nga nổi tiếng Lev Tolstoi viết
một tác phẩm văn học được nhiều người biết đến mang tên “phục sinh”
(Resurrection). Có người nghĩ rằng đây là một tác phẩm thần học Kitô giáo. Thật
sự đây chỉ là một tiểu thuyết xã hội, nhưng tác giả đã mượn từ ngữ “phục sinh”
để diễn tả sự “hồi sinh” của 2 tâm hồn tội lỗi, cũng là 2 nhân vật chính trong
tác phẩm:
Nhêkhơ Liuđốp là một quí tộc thời
Nga Hoàng. Khi còn là một sinh viên đã đem lòng yêu thương nàng con gái nhà
nghèo tên Maslôva. Sau đó Nhêkhơ Liuđốp đã nhẫn tâm bỏ rơi cô gái vào đúng lúc
cô gái đang mang thai. Cô gái đã bị xô đẩy vào con đường cùng cực và tội lỗi của
xã hội. Mang tội giết người, Maslôva phải ra toà ngay lúc Nhêkhơ Liuđốp ngồi
trên ghế thẩm phán. Nhận ra được cô gái mình đã bỏ rơi, Nhêkhơ Liuđốp đã ăn năn
sám hối, cứu giúp cô gái rồi từ bỏ tất cả cuộc sống giàu sang và tội lỗi để trở
lại làm một con người chân chính với mục đích chuộc lại tội lỗi ngày xưa.
Moslôva cũng được hoán cải để trở
thành một người tốt và có ích cho xã hội.
Lev Tolstoi đã nói lên một phần nào
ý nghĩa cốt lõi của sự “phục sinh”: “phục sinh” là chỗi dậy từ nấm mồ của sự chết,
là “sống lại” từ con người cũ tội lỗi để trở thành con người mới tràn đầy ân sủng
của Đức Kitô Phục Sinh.
Trong ngày đại lễ Phục Sinh, dưới
ánh sáng Thánh Linh chiếu soi, chúng ta lần lượt gặp gỡ những nhân vật đã đến
trước “ngôi mộ trống” để tìm được ý nghĩa “phục sinh” trong cuộc đời chúng ta.
Ba nhân vật, ba tính cách
- Nhân vật thứ nhất ra thăm mồ Chúa từ sáng sớm, khi trời còn tối, vào ngày
đầu tuần là bà Maria Mađalêna. Phụ nữ luôn sống với những cảm xúc và luôn để
cho tình cảm dẫn dắt. Bởi vậy, vì thương nhớ Thầy Chí Thánh, bà Maria đã vội vã
ra thăm mồ Chúa vào lúc trời vừa hừng sáng. Hai sự kiện lạ đã đập vào mắt bà
khi vừa tới mồ: đó là tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ và xác Chúa không còn nữa.
Cũng chính tình cảm và trực giác đã dẫn bà đến chỗ sợ hãi và hoang mang. Bà vội
vàng chạy về báo tin cho tông đồ Phêrô và Gioan, với một kết luận: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng
tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu.”
Chính tình cảm nông cạn đã che khuất tầm nhìn đức tin của bà Maria. Phải chờ đến khi Chúa Giêsu
Phục Sinh hiện ra với bà, bà mới tin Ngài sống lại.
- Nhân vật thứ hai chạy ra mồ là một nhân vật quan trọng: tông đồ trưởng
Phêrô. Thật ra, cả tông đồ Phêrô và Gioan cùng chạy ra mộ Chúa. Nhưng Phêrô với
tuổi khá cao, và đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương của sự vấp ngã, nên hầu
như luôn dè dặt và nghi ngại. Vì thế,
ngài chỉ nhìn những hiện tượng trước mắt nhưng chưa có phản ứng nào cả. Chính sự
nghi nan đã làm cho ngài chưa dám tỏ lộ niềm tin. Chỉ sau khi đón nhận ánh sáng
Phục Sinh, ngài mới tin và tin một cách mạnh mẽ.
- Nhân vật thứ ba được mệnh danh là “người môn đệ Chúa yêu” đó là tông đồ
Gioan. Với người tông đồ trẻ trung này, tình yêu luôn là động lực thúc đẩy ngài
tiến tới trước và khám phá ra Thầy Chí Thánh trước những người khác. Cùng chạy
với Phêrô, nhưng tông đồ Gioan đã tới trước. Tuy vậy ngài vẫn nhường bước cho
tông đồ trưởng Phêrô. Chính tình yêu đã dẫn đến niềm tin. Chính lòng
yêu mến đã soi sáng cho Gioan nhớ lại những
lời Thầy nói trước kia. Vì thế ngài đã thấy và đã tin.
Qua đó chúng ta luôn nhận ra một điều
quan trọng trong đời sống đức tin: chính những giọt nước mắt tình cảm đã làm mờ
đôi mắt đức tin của bà Maria Mađalêna. Và chính sự mặc cảm tội lỗi, lòng nghi
nan làm chậm bước chân niềm tin của tông đồ Phêrô. Chỉ có lòng yêu mến, sự hăng
hái quả cảm, sẵn sàng vượt qua mọi gian khó, mới thúc đẩy chúng ta vững bước
trên cuộc hành trình đức tin, theo kinh nghiệm của thánh Gioan tông đồ.
Thấy và tin
Trước “ngôi mộ trống” của Chúa Giêsu
có hai cái “nhìn” dẫn đến hai thái độ “tin.”
- Cái nhìn của bà Maria Mađalêna là cái nhìn thoáng qua, nghĩa là bà chỉ đứng
ngoài nhìn vào cửa mộ. Bà không bước vào mộ dù tảng đá đã được lăn ra khỏi mộ.
Hơn nữa, lúc ấy là sáng sớm “trời còn tối”, khiến bà bị ngộ nhận là người ta đã
lấy xác Chúa ra khỏi mồ. Chính cái nhìn hời hợt này không làm cho bà thấy được sự thật, nên không dẫn bà đến niềm tin
đích thật vào sự sống lại của Chúa.
- Cái nhìn của thánh Gioan là cái nhìn của trái tim, nghĩa là cái nhìn xuất phát từ lòng yêu mến và sự chân thành. Thánh
Gioan đã vào bên trong ngôi mộ, cúi mình xuống để nhìn những tấm khăn liệm. Khi
“cúi mình xuống” trong chân thành và khiêm tốn, thánh Gioan đã được Chúa ban
cho niềm tin mạnh mẽ. Ngài đã “thấy và đã tin.”
Để thấy được Chúa Phục Sinh, chúng
ta cũng hãy nhìn bằng đôi mắt tin yêu, chân thành và khiêm tốn. Đó là cái nhìn
luôn hướng về Chúa và về tha nhân. Như thánh Gioan khi chạy đến mộ, ngài hướng
mắt về Chúa nên chạy thật nhanh, nhưng vẫn nhìn sang thánh Phêrô, để chờ đợi
trong cảm thông và kính trọng.
Xin Chúa ban cho chúng ta đôi mắt đức
tin thật sáng để nhận ra Chúa Phục Sinh đang trỗi dậy trong cuộc đời chúng ta.
Có những tảng đá đang che lấp giữa lòng ta, khiến đời ta như ngôi mộ đóng kín.
Từ nấm mộ tối tăm chết chóc của tâm
hồn chúng ta, Chúa đã cho sự sống vươn dậy như ánh sáng của ngày mới. Chớ gì
chúng ta luôn biết sống lại với Chúa từ nơi huyệt sâu của tội lỗi và gian tà.
Tại giáo xứ kia có một thanh niên hư
hỏng và hay quậy phá, là con của một người phụ nữ đạo đức tốt lành trong xứ. Bà
mẹ này thường đến tâm sự và xin cha xứ khuyên bảo người con hư đốn. Mỗi lần cha
xứ đến khuyên răn, chàng thanh niên thường không nghe, lại còn bướng bỉnh kéo
tay áo lên để lộ hàng chữ xâm trên tay “đã
chơi, chơi tới cùng.”
Một ngày nọ, vì say xỉn, anh ta dùng
xăng tính đốt nhà, bị chính quyền bắt giữ. Bà mẹ lên hỏi cha xứ có nên làm đơn
gửi con đi cải tạo không, cha xứ trả lời: môi trường cải tạo sẽ giúp cho anh ta
nên người.
Thế là anh ta bị cải tạo hai năm. Vị
linh mục nghĩ rằng; sau này khi trở về, có lẽ anh ta sẽ oán hận mình lắm. Nhưng
không, khi ra trại, người đầu tiên mà anh ta tìm đến để xin lỗi chính là vị
linh mục. Và cũng từ đó anh ta trở thành một con người tốt.
Chính những lời khuyên bảo của vị
linh mục như những hạt giống tốt đã sinh hoa kết quả trong lòng anh ta, và làm
cho tâm hồn anh ta được hồi sinh.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban
cho chúng con sự sống của Chúa và làm cho cuộc đời chúng con được đâm chồi nảy
lộc trong sự hồi sinh.