Nếu Chúa Kitô không đến trong thế
gian, thì chúng ta là những con người, suốt đời sống trong bóng tối
tử thần, và Chúa đã đến, Chúa đã chịu chết, Chúa đã sống lại để
giải thoát ta.
Suốt mùa Phục Sinh,
từ Chúa Nhật Chúa sống lại cho tới hết tuần lễ Chúa về trời (Lễ
Thăng Thiên): Một cây nến cao, bằng sáp ong, đặt cạnh bàn thờ chính,
cây nến này đã được thắp sáng trong đêm thánh vọng Phục Sinh. Lúc cả
thánh đường chìm trong bóng tối, linh mục cùng anh chị em giáo hữu
long trọng rước cây nến này vào thánh đường. Vừa khi ngọn nến được
thắp lên, linh mục đọc lớn tiếng: “Ánh
sáng Chúa Kitô”, khi vào tới cửa nhà thờ linh mục lại xướng to: “Ánh sáng Chúa Kitô”, và rồi khi
lên tới bàn thờ, linh mục còn đọc lớn tiếng một lần nữa: “Ánh sáng Chúa Kitô.”
Cây nến được thắp
sáng đó, tượng trưng Chúa Kitô đã sống lại, Ngài là ánh sáng chiếu
giọi vào thế gian, Ngài là ánh sáng soi dẫn cuộc sống ta, Ngài là
ánh sáng soi đàng cho ta về quê trời.
Chúa Kitô được ví
như ánh sáng chiếu dọi trong đêm tối: tuy đó là hình ảnh tươi đẹp;
nhưng còn một hình ảnh tươi đẹp hơn nhiều: Chúa Kitô là ánh sáng
bùng lên chiếu giọi cho những ai đang ngồi trong bóng tối tử thần.
Matthêô chương 4 câu
16: “Những kẻ đang ngồi trong bóng
tối tử thần được ánh sáng bừng lên chiếu dọi.”
Luca chương 1 câu 79
(nhắc lại Isaia chương 9 câu 1): “Soi
sáng những ai ngồi nơi tối tăm và trong bóng tử thần.”
Có lẽ anh chị em
không thể tưởng tượng và hiểu rõ thế nào là: ngồi trong bóng tối
tử thần, và rồi được ánh sáng soi dọi cứu thoát khỏi cảnh chết
chóc ghê sợ đó. Sau đây là câu truyện người ngồi trong bóng tối tử
thần, được ánh sáng giải thoát. Câu truyện này giúp ta hiểu được sự
đau khổ con người ở trong bóng tối tử thần, và nỗi vui mừng khi họ
được ánh sáng giải thoát.
Bộ truyện 1.001 đêm
tả chuyến đi thứ bốn của ông Xinbát (người đi biển): Ông Xinbát thoát
nạn, được người Ả Rập chở về một hòn đảo. Đảo này rất đông dân cư:
Ông được giới thiệu với nhà vua cai trị đảo đó, và nhà vua truyền
cho cả triều đình cũng như dân chúng phải đối xử tử tế với ông. Rồi
nhà vua lại giúp ông cưới vợ, để Ông ở lại đảo đó suốt đời.
Nhưng phong tục của
vương quốc này là, nếu người chồng chết thì người vợ phải chôn sống
với chồng, và nếu người vợ chết thì người chồng cũng phải chôn
sống với vợ. Nghĩa trang của họ là một giếng sâu trên ngọn núi cao:
có một tảng đá lớn che miệng giếng đó…
Ông Xinbát sống với
vợ được ít lâu, thì vợ Ông lâm trọng bệnh và qua đời. Ông lo sợ, đến
xin nhà vua và triều đình cho mình được chuẩn chước luật lệ bị chôn
sống này. Nhưng nhà vua và cả triều đình đã khước từ lời xin của
ông.
Ông Xinbát kể: “Khi
mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, thì bắt đầu buổi lễ. Người ta đặt
thi hài vợ tôi vào một chiếc quan tài, với tất cả đồ trang sức, áo
quần đẹp nhất của nàng. Cuộc chôn táng được cử hành trên ngọn núi.
Là nhân vật thứ hai của tấm bi kịch thảm thương ấy, tôi phải đi ngay
sau quan tài vợ tôi, dù tôi khóc lóc kêu la thảm thiết, xin mọi người
cho tôi được sống, nhưng không một ai mủi lòng. Ngược lại người ta còn
vội vã hạ thi hài vợ tôi xuống giếng, rồi lát sau dòng tôi xuống,
trong một chiếc quan tài mở nắp khác; cùng một vò đầy nước và bảy
chiếc bánh. Cuối cùng, buổi lễ tai hại cho tôi ấy kết thúc. Người ta
đặt lại tảng đá, lấp miệng giếng, trước sự đau đớn cùng cực và
tiếng kêu gào thảm thiết của tôi. Trong lúc xuống dần tới đáy, nhờ
chút ánh sáng từ bên trên lọt xuống, tôi nhận ra được hình thể các
nơi dưới mặt đất ấy. Đó là một cái hang rất rộng và sâu. Một mùi
hôi thối không thể nào chịu nổi bốc lên từ cơ man xác chết bên phải
và bên trái xông vào mũi tôi, và hình như còn nghe được tiếng một
vài người trong số những người bị chôn sống gần đây nhất, thở những
hơi cuối cùng. Tuy nhiên khi xuống tới nơi, tôi mau chóng bước ra khỏi
quan tài vừa đưa tay bịt mũi, tôi nằm dài ra đất và cứ vậy mà khóc
một hồi lâu, trong chốn tối tăm âm u này… Những lời than vãn vô ích
của tôi làm chấn động cả hang, Tôi đập đầu, đấm bụng vì tức giận
điên cuồng và tuyệt vọng. Tôi hoàn toàn mê mẩn trong những ý nghĩ bi
thương nhất. Tuy nhiên dù khốn khổ đến đâu, lòng yêu cuộc sống vẫn
còn ở trong tôi, nó thúc đẩy tôi kéo dài số kiếp của mình, chứ
không tìm cách chết ngay đi cho nhẹ tội: tôi vừa đưa tay bịt mũi, vừa
dò dẫm bước đi, lấy bánh mì và nước để ăn cho qua cơn đói khát, mặc
dầu trong hang tối như bưng, đến mức không phân biệt được ngày đêm, tôi
vẫn tìm lại được chiếc quan tài của tôi, và hình như cái hang rộng
hơn, chứa nhiều xác chết hơn là tôi tưởng lúc đầu. Tôi sống mấy ngày
bằng bánh mì và nước của mình… Nhưng rồi bỗng tôi nghe có tiếng thở
và bước chân đi, tôi tiến đến chỗ phát ra tiếng động. Tôi nghe tiếng
thở mạnh hơn, rồi hình như xem thấy một vật gì đang chạy trốn. Tôi đi
theo cái bóng ấy, thỉnh thoảng nó dừng lại, rồi lại vừa thở vừa
chạy trốn, khi tối đến gần. Tôi theo nó rất lâu và đi rất xa; cuối
cùng trông thấy một đốm sáng như một ngôi sao. Tôi tiếp tục đi về
phía ánh sáng ấy, lúc ẩn, lúc hiện, do vị trí những vật cản trở,
nhưng lần nào tôi cũng tìm lại được, cuối cùng tôi phát hiện ra ánh
sáng ấy lọt qua một lỗ trống trong núi đá, khá rộng, một người có
thẻ chui qua lọt.”
“Phát hiện được
chỗ đó rồi, tôi vui mừng khôn xiết, tôi đứng lại một lúc, chờ bớt
nỗi xúc động khi đang đi, rồi tiến tới chỗ lỗ trống. Tôi chui qua và
thấy mình đứng trên bờ biển. Nỗi vui mừng của tôi, được ra ánh sáng,
thật là tột độ, đến nỗi tôi phải khó khăn lắm, mới tin được rằng
không phải là cõi mộng. Khi đã tin đây là điều có thật và mọi giác
quan tôi đã trở lại bình thường, tôi hiểu ra cái vật tôi nghe thở phì
phò, mà tôi đã đi theo và một con vật từ dưới biển lên, nó có thói
quen chui vào hang để ăn xác chết. Tôi quan sát ngọn núi, và thấy nó
nằm giữa thành phố và biển, không có một con đường nào thông thương
với nhau, bởi vì núi quá hiểm trở, đến nỗi thiên nhiên cũng không
tạo được thành đường. Tôi quỳ xuống bờ biển để cảm tạ Thượng Đế…”
(Sau đó ông Xinbát
gặp được một chiếc tàu đem Ông về quê hương… )
Quả thực nếu Chúa
Kitô không đến trong thế gian, thì chúng ta là những con người, suốt
đời sống trong bóng tối tử thần, và Chúa đã đến, Chúa đã chịu
chết, Chúa đã sống lại để giải thoát ta: Ngài chính là ánh sáng soi
giọi cho cuộc sống ta, và soi giọi cho ta biết đường về quê trời. Mỗi
khi nhìn vào cây nến Phục Sinh, ta hãy cảm tạ Chúa đã xuống thế, đã
chịu chết, đã sống lại, Chúa còn đang thực sự sống, với chúng ta,
trong Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta hãy xin Chúa luôn luôn soi sáng cuộc
đời ta và nhất là đừng để ta lạc vào cõi chết, mà được theo ánh
sáng của Chúa đi vào niềm hân hoan bất diệt.
Đề
tựa của Lm. HK