TÔI BIẾT CHÚNG VÀ
CHÚNG THEO TÔI
Đừng nói tôi biết Đức Kitô nếu tôi không có
một đời sống mới!
Một thảm
kịch kinh hoàng xảy ra vào ngày 16/4/2007 tại trường đại học Virginia, Hoa kỳ:
Cho Seung Hui, một sinh viên Đại hàn cãi nhau dữ dội với bạn gái, nghi rằng cô
đã đi với một người đàn ông khác.
Trong cơn
giận, anh rút súng đã được lắp sẵn rất nhiều đạn để bắn bạn gái, bắn luôn người
cố vấn được mời đến để giúp cả hai anh chị; rồi anh đi sang các phòng khác
thinh lặng, không nói một lời, bắn xối xả vào sinh viên bạn bè, giáo sư, làm 32
người gục chết trước khi tự sát. Mọi sinh viên hoảng sợ cho cơn điên của Cho
Seung Hui, ai cũng chạy trốn, trong lúc sợ hãi có người nhảy xuống từ cửa sổ lầu
bốn.
Cơn hoảng
sợ của mọi người càng làm nổi lên vẻ đẹp của tình yêu vị tha nơi ông Liviu
Librescu, một giáo sư hàng không của trường đại học. Khi nghe tiếng súng nổ và
tiếng la hét ngày càng đến gần trong lúc giảng bài, ông đến bên cửa ra vào, giữ
cửa đóng kín cho các sinh viên trong lớp tẩu thoát bất chấp kẻ sát nhân có đập
cửa và bắn đạn xuyên qua cánh cửa để đòi vào. Chịu năm phát đạn, ông gục ngã để
rồi không bao giờ chết nữa trong tâm hồn mọi người.
Ông đã bị
giết, nhưng nhờ ông mà nhiều sinh viên được cứu sống.
Ông chọn
cái chết không phải là để được một thế hệ sinh viên hoài niệm, vì chính họ cũng
sẽ qua đi; nhưng chính khi chết vì người khác là lúc ông sống mãi cái nhịp sống
thần linh được gieo vào cuộc sống con người từ ngàn xưa, và trong thời sau hết,
chính Chúa đã nhập thể để trao ban cho con người trong Đức Kitô: “Thật vậy, Đức Kitô đã lấy thần lực của Người
mà ban tặng chúng ta tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức,
khi Người cho chúng ta biết Đấng đã dùng vinh quang và sức mạnh của mình mà kêu
gọi chúng ta. Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những
gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản
tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần
gian.” (2Pr 1,3-4)
Vâng, Đức
Kitô đã chết, nhưng đó chính là lúc sự sống đời đời được chuyển giao cho nhân
loại đang chết vì tội lỗi: “Nếu chúng ta
đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm
tin của chúng ta. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy
coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong
Đức Kitô Giêsu.” (Rm 6,8.11)
Đức Kitô
gọi những người tin theo Ngài là ‘chiên của tôi’, vì rời tay Chúa ra mỗi người
sẽ thấy lại ngay bản tính yếu đuối và mong manh của mình giữa cuộc đời giăng mắc
nhiều cạm bẫy, như một con chiên non giữa bầy sói dữ; trái lại, trong vòng tay
yêu thương của Chúa, họ được trở nên một với Thiên Chúa của mình, mang nơi mình
sức mạnh của Thiên Chúa và cũng là Đấng chăn dắt họ: “Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng
tôi. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng tôi.” (Tv 23,4)
Sự hiểu
biết là điểm liên kết được nhấn mạnh trong mối tương quan giữa Đức Kitô và những
kẻ theo Ngài: “Chiên tôi thì nghe tiếng
tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”
Một nhóm
người ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe những ký ức vui buồn. Sau một lúc
trao đổi, họ đưa ra một số vấn đề thách đố nhau về hiểu biết Thánh Kinh.
Một thanh
niên đứng lên đọc: “Chúa là Mục tử tôi,
tôi không còn thiếu gì…” Anh đọc cả thánh vịnh ấy một cách thành thạo lần
thứ hai và thứ ba giữa tiếng vỗ tay của hoan hô của mọi người.
Người thứ
hai lên tiếng là một ông cụ, lưng đã gù và giọng yếu ớt, nghe rất khó. Ông cụ
khom cả người, đứng trong góc nhà và chỉ đọc một câu: “Thiên Chúa là Mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì.”
Khi ông cụ
vừa dứt lời, cả gian phòng bỗng im lặng như tờ, mọi người đều cúi đầu, chìm lắng
trong bầu khí cầu nguyện.
Anh thanh
niên có học lúc đó mới lên tiếng giải thích về hai cách hiểu thánh vịnh: “Quả thật, tôi cũng có hiểu biết thánh vịnh ấy;
tuy nhiên, chính ông cụ đây mới là người hiểu biết vị Mục tử.”
Tôi là đạo
mới hay đạo gốc? Điều đáng kể không nằm ở đó.
“Anh em không biết rằng: khi chúng ta được
dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào
trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng
ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ
cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một
đời sống mới.” (Rm 6,3-4)
Đừng nói
tôi biết Đức Kitô nếu tôi không có một đời sống mới!