Lời Chúa cnps 2b _ phúc cho những ai không thấy mà tin

“Phúc cho những ai không thấy mà tin"
“Chúa làm cho tâm hồn được yên bình, đưa lại bình an cũng như hoan lạc lớn lao" (Gương Chúa Giêsu cuốn III, c. 34)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Bài Tin Mừng hôm nay thuật hai lần Chúa hiện ra cách nhau một tuần lễ: lần trước vào chính chiều ngày Chúa sống lại, không có sự hiện diện tông đồ Tôma, lần sau có Tôma hiện diện. Sau đây là mấy chi tiết ta cần ghi nhớ:
I.            VIỆC CHÚA SỐNG LẠI LÀ MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Khi các phụ nữ đưa tin cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã sống lại, thì các ngài vẫn không tin. Thánh Phêrô và Gioan chạy ra mồ xem sự việc xẩy ra. Tông đồ Tôma buồn bã, bỏ đi. Hai môn đệ quê thành Emmaus, cũng như một số môn đệ khác, dù đã nghe các phụ nữ nói, cũng không tin và thất vọng bỏ về gia đình. Như vậy các môn đệ sau này tin Chúa sống lại, là do chính các ông đã thấy Chúa tỏ tường, sau khi Chúa đã sống lại, chứ không phải vì các ông đã sẵn nghĩ trước, để rồi sau tạo nên câu truyện Chúa sống lại. Các ông cũng không phải là những con người dễ tin, bị mê hoặc. Vậy việc Chúa sống lại là một sự kiện lịch sử. Chính Pascal, nhà đại tư tưởng cũng quả quyết việc Chúa sống lại, lý do không bao giờ con người sẵn sàng chết để chứng minh một việc không có. Thế mà các Tông Đồ Chúa đã chết chỉ vì rao giảng việc Chúa đã sống lại.
Một nhân viên thượng hội đồng quốc gia Pháp, Larevellière Lepaux, lập một đạo mới, với đầy đủ lý thuyết dựa trên triết học và khoa học. Ông tuyển chọn nhiều đồ đệ học rộng, để đi truyền bá đạo ông khắp nước Pháp. Nhưng kết quả thực khiêm nhượng, rất ít ai để ý. Ông than phiền với một người bạn tên là Barras: “Tôi không hiểu tại sao , tôn giáo của tôi là một công trình triết học, khoa học, cán bộ của tôi lại là những người có học, có huấn luyện, mà không được mấy người theo. Còn ông Giêsu dùng mấy người chài lưới, thất học, mà Giáo Hội Ông lập lan tràn cả thế giới?" Barras trả lời: “Thưa ngài, nếu ngài muốn người ta để ý tới tôn giáo của ngài, và theo tôn giáo của ngài thì ngài chỉ có việc để người ta đóng đinh ngài, ngày thứ sáu, rồi sáng chúa nhật, ngài cố mà sống lại."
II.          LỜI CHÀO BÌNH AN CỦA CHÚA
Sau khi Chúa sống lại, mỗi lần có dịp hiện ra vớ các môn đệ, Chúa mở đầu bằng lời chào: “Bình an cho các con" Đây không phải là một thứ bình an tạm bợ, bình an bên ngoài, mà là kết quả của một đức tin mạnh mẽ luôn luôn được sống với Chúa, luôn luôn kết hợp với Chúa, đồng thời bình an này cũng là kết quả của lòng mến Chúa, của tinh thần biết tự chủ, biết hy sinh chịu đựng.
Sách "Gương Chúa Giêsu" có nói: “Chúa làm cho tâm hồn được yên bình, đưa lại bình an cũng như hoan lạc lớn lao" (Gương Chúa Giêsu cuốn III, c. 34) Sách "Gương Chúa Giêsu" còn chủ trương: “Không có gì êm dịu hơn tình yêu Chúa, không có gì trên đời dưới đất ngọt ngào hoàn hảo bằng tình yêu Chúa"
Kinh nghiệm bản thân cho ta thấy, mỗi lần ta biết xa lánh tội lỗi, mỗi lần ta biết hy sinh chịu đựng, liền sau đó, ta cảm thấy tâm hồn bình an, còn mỗi lần ta theo sự nóng nẩy bột phát, không biết kìm hãn chính bản thân ta, thì ta dễ bị mất bình an.
Chúa chúc bình an cho các môn đệ, để đề cao sự bình an của tâm hồn, thật là quý báu và ích lợi. Chúng ta sẽ mất sự bình an này khi ta cố tình làm mất lòng Chúa.
III.        SỰ QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC TIN
Bài tin Mừng cũng nhắc tới tầm quan trọng của Đức tin. Chúa phán với Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin", và lời thánh Gioan kết thúc bài Tin Mừng: “Những điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng: Chúa Giêsu là đấng Kitô con Thiên Chúa, và để anh em tin và được sống nhờ danh người."
Cũng vì đức tin quan trọng, cần thiết như thế, nên Chúa đã để hầu hết các thánh của ngài chịu thử thánh về đức tin. Thánh nữ Têrêsa sau lần thổ huyết vào đêm thứ năm tuần thánh 2 tháng tư năm 1896. Ngài tràn trề sung sướng nghĩ tới giây phút mình sẽ được bỏ cõi đời để về thiên đàng hưởng hạnh phúc với Chúa. Nhưng rồi chỉ ba ngày sau, kể từ ngày Chúa Nhật Phục Sinh năm 1896 cho tới lúc ngài tắt thở ngày 30 tháng 9 năm 1896, dòng dã một năm rưỡi: Tâm hồn ngài không còn cảm thấy một chút vui nào, khi nghĩ tới cõi đời bên kia. Luôn luôn có tiếng nói vào tai ngài: chết rồi ngài sẽ trở thành hư vô. Lý trí ngài như có một đám mây đầy đặc che phủ không cho ngài nhìn thấy Chúa và vui vẻ như trước nữa. Suốt năm rưỡi trời: ngài phải đi trong hầm tối cửa đức tin. Nhưng, như ngài viết trong năm rưỡi trời đó, ngài đã giục lòng tin cây Chúa nhiều hơn tất cả các năm trong đời sống ngài góp lại.
Thánh nữ Margarita, tuy được xem thấy Chúa hiện ra nhiều lần, được Chúa giao sứ mệnh lớn lao truyền bá lòng sùng kính thánh tâm Chúa, nhưng rồi trước khi chết, cũng đã bị thử thách về đức tin rất nặng nề.
Chúng ta hãy luôn luôn giục lòng tin vào Chúa, cậy trông Chúa, ta tin Chúa ngự trên bàn thờ khi ta dự thánh lễ; ta tin Chúa ngự trong tâm hồn ta, sau khi ta rước Chúa; ta tin Chúa thực sự đang ngự trong nhà tạm; chúng ta giục lòng tin Chúa đang nhìn xem ta, đang ở bên ta, thương yêu che chở, dìu đắt ta, trong mọi hoàng cảnh sống. Gặp bất cứ biến cố may, rủi ta cũng giục lòng tin vào Chúa, đó là đức tin sống động, đức tin lập công phúc, và đó cũng là đức tin cho ta sự sồng đời đời.
Đề tựa của Lm. HK