KẺ GÀN DỞ TRONG NGÀNH Y
Bác sĩ Khanh sẵn sàng phản biện, rẽ ngang,
hành xử khác, chấp nhận mang tiếng gàn dở hay bị ganh ghét… Cuộc sống cần những
người gàn dở như thế!
Nếu chọn một
nhân vật của ngành y được đề cập nhiều nhất trên báo chí trong năm qua thì có lẽ
bác sĩ Trương Hữu Khanh dẫn đầu. Bởi đơn giản anh là Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện
Nhi Đồng 1 - TPHCM, điểm nóng của dịch tay chân miệng, và là người không ngại
phát biểu với giới truyền thông để đưa ra những nhận xét “khó nghe” về dịch bệnh
Một bác sĩ tôi
quen từng kể câu chuyện xảy ra khá lâu về bác sĩ Trương Hữu Khanh: Trong một buổi
giao ban của Bệnh viện Nhi Đồng 1, vị giám đốc tiền nhiệm mang một ca tử vong
vì viêm não hôm trước ra bàn luận và hỏi: “Làm
sao biết chắc em bé này bị viêm não?” Nhiều ý kiến nêu ra nhưng bác sĩ
Khanh có ý kiến khác: “Theo tôi, chỉ có một
cách chắc chắn nhất đó là mổ sọ vì chỉ có nhìn thì mới biết!” Mọi người ồ
lên vì ý tưởng kỳ quặc, nhưng rồi ngẫm ra ai cũng thấy có lý bởi nghĩ cho cùng “trăm nghe không bằng một thấy” và chắc
chắn nhất vẫn là “thực mục sở thị”!
Có người nói
bác sĩ Khanh là người “gàn dở”, “kỳ kỳ.” Ở khía cạnh nào đó có lẽ đúng vì anh
không có vẻ bề ngoài của một bác sĩ. Nhìn anh với mái tóc xoăn rậm rạp, áo luôn
bỏ ngoài quần, chân mang sandal hay dép khiến không ít người xem anh là một gã
lang bạt hay kẻ vô công rỗi nghề nào đó. Thế nhưng có lẽ chính cách sống
ít-theo-lẽ-thường, thẳng tính và hay phản biện của anh mà anh mới bị nhiều người
xem là “gàn dở.” Học xong 6 năm y khoa, hăm hở chuẩn bị thi nội trú với bạn bè,
đột nhiên anh bỏ ý định để đi tìm việc ở bệnh viện vì nghĩ rằng chỉ có va chạm
thực tế thì tay nghề mới nâng lên. Có thầy dạy về tâm thần nhìn bảng điểm nhận
ngay về bệnh viện làm vì thấy anh phù hợp, nhưng anh lại chọn làm việc cho Khoa
Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1: một công việc... không
công!
Anh nói: “Đó là năm 1989, tôi là một trong những bác
sĩ làm không công đầu tiên của cả nước. Thích tư duy tìm tòi, nên tôi nghĩ nếu
một đứa bé không biết nói mà mình tìm ra bệnh thì mới hay. Tôi cũng mê ngành
truyền nhiễm, vì nghĩ rằng nhiều bệnh có thể không chữa khỏi. Nào dè thời nay
có nhiều bệnh nhiễm chữa khó quá, thậm chí có bệnh thầy thuốc cũng phải bó
tay.”
Sự thẳng tính và phản biện của anh thì khỏi bàn. Có lần đang dự một
cuộc họp thấy anh bỏ ra ngoài, tôi hỏi lý do, anh trả lời: “Tôi phát biểu rồi, nhưng người ta không chịu nghe, nói xạo quá, chịu
không được nên tôi phải về.” Nói thẳng và phản biện dường như đã ăn sâu vào
trong máu của bác sĩ Khanh. Những năm mới vào nghề, vì cái tính này mà không ít
bậc đàn anh đã cho anh là hỗn láo, nhưng anh lại nói: “Y khoa mà không phản biện thì hết sức nguy hiểm. Nhưng được cái tôi
không cố chấp, ai nói đúng thì tôi nghe. Với lại tôi nói vì cái chung, chứ
không phải cho bản thân mình, nên từ từ người ta cũng hiểu.”
Tháng 7 năm
qua, khi dịch tay chân miệng có chiều hướng xấu, báo chí nêu dự báo của anh: “Phải tính đến kịch bản xấu nhất”, nếu
không hành động kịp thì “ngành y tế chỉ
có nước tung cờ trắng.” Lúc đó có lãnh đạo phê bình anh “ăn nói lung tung trên báo chí”, một bác
sĩ khác lại nói “năm nào cũng có tay chân
miệng, cần gì phải nói sốc như thế.” Nói sốc, lung tung hay không thì phải
bàn nhưng diễn tiến sau đó cho thấy cảnh báo của anh là có lý. Bốn tháng sau, cả
nước có gần 90.000 ca bệnh tay chân miệng, 147 ca tử vong, chưa năm nào Việt
Nam bị “te tua” vì tay chân miệng như năm 2011.
Nghiệp thầy thuốc
Thật ra y khoa
không phải là giấc mơ ban đầu của bác sĩ Trương Hữu Khanh. Có lần anh tâm sự
thuở nhỏ rất thích vật lý, say mê những định luật lý thú của nó và quyết tâm
sau này trở thành một nhà vật lý giỏi. Thế nhưng có một định luật mà có lẽ khi
đó anh không biết, đó là: nghề chọn người chứ người không chọn nghề. Anh cho biết
khi thi đại học anh chọn y khoa theo lời rủ của bạn bè. Về hỏi gia đình, người
nhà cũng thấy hay, nên anh quyết định đi thi. Sự trái khoáy trong chọn lựa đó
đã vô tình mang lại cho ngành y một kẻ “gàn dở” tài năng.
Không thích những
từ hoa mỹ, nhìn lại hơn 20 năm làm một bác sĩ nhi nhiễm, anh nói ngắn gọn và
khiêm tốn: “Thật ra tôi thấy mình cũng
không hay ho gì. Tôi nghĩ mình đã lỡ mang cái nghiệp bác sĩ thì phải sống hết
mình và làm tròn trách nhiệm thôi.” Làm-tròn-trách-nhiệm, chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng lại
không dễ thực hiện, nhất là với những người làm việc trong ngành y thời nay. Hỏi
anh vậy trách nhiệm của một bác sĩ là gì, anh đáp: “Phải hết mình với bệnh nhân, đừng “chặt chém” họ và tìm tòi, học hỏi để
chữa bệnh cho tốt.”
Ở Khoa Nhiễm Bệnh
viện Nhi Đồng 1, nơi “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện về dịch bệnh trong nhiều
năm qua, các thầy thuốc trẻ và nhân viên vốn quá quen với hình ảnh một đàn anh
luôn sát cánh với họ trong mọi công việc. Khám bệnh, hội chẩn, giảng dạy, quản
lý y khoa, “nghiệp bác sĩ” bắt anh xoay vòng vòng như thế hết 12 tháng. “Cả chục năm nay tôi không biết nghỉ phép
năm. Thỉnh thoảng tôi lại đi công tác, xem đó như dịp xả bớt căng thẳng của
công việc thường nhật. Các em trong khoa làm cực lắm, tôi lấy ngày phép của
mình cho họ để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi.”
Hai ngày trong
tuần, bác sĩ Trương Hữu Khanh lại khám phòng mạch tư, một phòng khám xa trung
tâm, cách nhà gần 20 km đi về. Trước đây, anh khám đủ 6 ngày/tuần, nhưng dần dần
giảm bớt. Anh tâm sự: “Tôi lớn lên ở đó
và có được ngày hôm nay cũng nhờ người dân chung quanh. Khám bệnh cho họ cũng
là cách trả ơn. Thế nhưng vài năm nữa tôi cũng nghỉ hẳn vì quá mệt, với lại
chung quanh bây giờ cũng đã có nhiều bác sĩ nhi rồi.”
Với tiếng tăm của
anh, mỗi bữa 200 - 300 bệnh nhân ngồi chờ để được anh khám. Có người thắc mắc,
khám như thế làm sao kỹ được, anh trả lời: “Bệnh
trẻ con coi thế chứ không phức tạp, mùa nào bệnh đó. Dĩ nhiên cũng phải lưu ý đến
một số trường hợp đặc biệt, cái đó thì làm lâu năm mới có kinh nghiệm được.”
Dĩ nhiên cũng có lúc rầy rà. Năm qua có người phản ánh anh trên báo, cho rằng
anh khám nhanh, không dành nhiều thời gian tư vấn cho gia đình. Anh đáp: “Tôi khám bệnh cho số đông người, không phải
cho vài trường hợp cá biệt. Khám kỹ một người sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm người
khác ngồi chờ bên ngoài. Nếu ai cần tư vấn kỹ, họ có thể đến những phòng khám
khác. Tôi nghĩ mình đã làm hết trách nhiệm với bệnh nhân.”
Trách-nhiệm-với-bệnh-nhân,
khái niệm này cần được quan sát từ nhiều góc cạnh và mối liên quan, nào phải
đơn giản bó khung trong việc khám lâu hay tư vấn nhiều. Nhưng trên hết,
trách-nhiệm-với-bệnh-nhân vẫn là sống hết mình với
cái nghiệp của người thầy thuốc. Vì cái nghiệp đó, bác sĩ Khanh sẵn sàng phản biện, rẽ ngang, hành xử
khác, chấp nhận mang tiếng gàn dở hay bị ganh ghét. Với khả năng chuyên môn của
mình, tôi luôn nghĩ anh thừa sức có những học hàm, học vị trong y khoa, nhưng
anh không màng. “Kẻ gàn dở” nói: “Làm bác sĩ bình thường là khó rồi huống gì
làm chuyện lớn lao hơn.” Cuộc sống cần những người gàn dở như thế!
Bác sĩ dẹp phòng khám,
lập Facebook 'chữa' miễn phí cho trẻ
lập Facebook 'chữa' miễn phí cho trẻ
Câu chuyện về một
bác sĩ trưởng khoa tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM nghỉ phòng mạch tư, dành thời
gian lập facebook để tư vấn miễn phí cho phụ huynh về sức khỏe trẻ em thực sự
khiến nhiều người bất ngờ, cảm động.
Mới chỉ hoạt động
được chục ngày nhưng trang Fanpage "Hỏi bác sĩ nhi đồng” trên facebook của
bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh đã có khoảng 4.000 lượt
người quan tâm và gần 1.000 câu hỏi.
Các chủ đề được
hỏi nhiều nhất về hô hấp, dinh dưỡng và tiêm chủng. Ngoài ra có những thắc mắc
phức tạp hơn liên quan tới triệu chứng bệnh lý thần kinh, can thiệp ngoại khoa.
Từ đó cho thấy,
phụ huynh hiện rất rất thiếu thông tin nhận biết bệnh lý cũng như chăm sóc trẻ,
và việc ra đời của trang Fanpage "Hỏi bác sĩ nhi đồng" đang phần nào
hỗ trợ được nhu cầu bức thiết đó.
Các trăn trở của
những bà mẹ từ đơn giản tới phức tạp đã được bác sĩ Khanh giải đáp rất gãy gọn,
súc tích, hiệu quả.
Một bà mẹ có
nick name Ha Mit hỏi: “Bé 3 tháng bị rụng
nhiều tóc có phải thiếu canxi ko? Nếu bổ sung thì dùng loại nào? Hằng ngày cháu
vẫn cho uống 2 giọt thôi. Trẻ bú mẹ ạ.”
Ngay lập tức bà
mẹ này nhận được câu trả lời: “Nếu rụng
tóc mà lên cân tốt thì không thiếu gì đâu.”
Một số bà mẹ rất
quan tâm về cách xử trí khi trẻ co giật, sốt cao, được bác sĩ Khanh khuyên: “Khi trẻ co giật do sốt, cho bé nằm nơi
thoáng, nghiêng mặt sang 1 bên, lâu mát nhanh, dùng nước thường thôi, không
dùng nước quá nóng. Đây là sai lầm của phụ huynh (nếu nước mà nhúng tay vào có
cảm giác nóng thì lau không hiệu quả). Nhớ đừng vắt khăn quá khô khi lau. Nhanh
chóng dùng thuốc nhét hậu môn. Trẻ đã từng co giật do sốt sẽ bị lại cho đến 7
tuổi. Uống thuốc không hạ nên xem lại liều dùng.”
Ngoài giải đáp
thắc mắc bệnh tật trẻ em, “Hỏi bác sĩ nhi đồng” còn đưa ra cảnh báo, định hướng
dư luận y khoa, hướng dẫn cách chăm trẻ đúng cách.
Một đoạn chỉ dẫn
cách chăm sóc trẻ rất gần gũi: “Người mẹ
mang con đến khám với tâm trạng lo lắng vì bé bị da vàng. Lòng bàn tay vàng nhiều,
chóp mũi là vùng vàng nhất trên khuôn mặt, Bé vẫn bú, ngủ, chơi đùa bình thường.
Dư carotene đó mà. Nguyên nhân không gì ngoài việc mẹ cho bé ăn nhiều cà rốt hoặc
bí đỏ. Carotene là tiền chất của vitamine A. Khi dư sẽ ngấm ra da. Đổi qua ăn
rau xanh, da sẽ giảm vàng dần.”
Góp sức cho cộng đồng
Trong 7 năm
qua, tiếp xúc, phỏng vấn bác sĩ Khanh nhiều lần, khi biết tin bác sĩ dẹp phòng
mạch tư để có thời gian viết facebook tư vấn miễn phí cho cộng đồng, chúng tôi
không quá bất ngờ.
Bác sĩ Trương Hữu
Khanh giữ cương vị Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 hơn
chục năm nay, luôn được đồng nghiệp, giới báo chí nhắc đến với các đức tính
như: mộc mạc, hiền lành, tốt bụng, tính thẳng ruột
ngựa và đặc biệt...
giỏi chuyên môn.
Khi được hỏi, tại
sao lại có ý tưởng dẹp phòng mạch, viết facebook tư vấn miễn phí, vị bác sĩ tâm
sự: “Tôi có ý định này lâu rồi. Bắt nguồn
từ thực tế thôi. Trong lúc tôi đang khám bệnh thường xuyên nhận được tin nhắn,
điện thoại nhờ giải đáp. Hoặc bản thân tôi thấy cách chăm sóc bệnh nhi của phụ
huynh là sai nhưng không có thời gian để giải thích, nhắc nhở. Những chương
trình giao lưu về bệnh tật trên báo đài tốt đấy nhưng lại bị giới hạn về thời
lượng, chủ đề, trong khi nhu cầu được cung cấp thông tin của người dân thì nhiều
quá….”
Trong một lần
đang hội chẩn, bác sĩ Khanh nhận được cú điện thoại. Đầu dây là giọng phụ nữ ngập
ngừng: “Xin lỗi vì tôi làm phiền bác sĩ,
nhưng quả tình tôi không biết hỏi ai. Tôi ở Đắc Lắc, chỗ tôi sống không có bác
sĩ, bệnh viện, hiệu thuốc mà chỉ có mỗi mạng internet. Con tôi 10 tháng tuổi,
cháu ho nhiều, khò khè, xổ mũi xanh. Bác sĩ khuyên giúp, với triệu chứng trên
có cần thiết tôi phải đưa bé vượt vài trăm cây số về TP.HCM khám hay tự điều trị
tại nhà cũng được?….”
“Tôi cảm nhận được sự lo lắng, hoang mang
trong các câu hỏi, tin nhắn của những bà mẹ. Thôi thì thương các cháu, tôi dẹp
phòng mạch tư, dành thời gian trả lời câu hỏi cho các mẹ vậy”, bác sĩ Khanh cười hiền, giải thích
Ban đầu bác sĩ
Khanh định lập trang web, tuy nhiên khi suy nghĩ kỹ, ông cảm thấy facebook có
tính tương tác, dễ tiếp cận người dân hơn cả. Cách tư vấn, trả lời trên “hỏi
bác sĩ nhi đồng” cũng được cân nhắc câu chữ
sao cho dân dã, dễ hiểu và súc tích nhất.
Bác sĩ Khanh
cho biết, thời gian đầu lập trang facebook này ông gặp không ít khó khăn vì các
vấn đề kỹ thuật, ứng dụng.
Một số đồng nghiệp
đã ủng hộ, hướng dẫn cách sử dụng ứng dụng trên facebook, thậm chí có bác sĩ
tình nguyện mỗi ngày thu thập các câu hỏi để bác sĩ Khanh tiết kiệm được nhiều
thời gian, tập trung cho tư vấn chuyên môn.
Với thắc mắc
ngoài chuyên môn của mình, bác sĩ Khanh hỏi các đồng nghiệp, đọc thêm sách để
trả lời. Theo ông, việc này rất hữu ích, vừa giúp được mọi người, mà bản thân
cũng tự trau dồi thêm nhiều kiến thức y khoa.
Thanh Huyền
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh
viện Nhi Đồng lập trang web và Facebook để tư vấn miễn phí cho phụ huynh về sức
khỏe trẻ em thực sự khiến nhiều người bất ngờ, cảm động.