ĐẤNG GÁNH TỘI TRẦN GIAN
Chúa
Giêsu đã xác nhận vương quyền của Ngài... Nhưng đó là một vị Vua với hai tay bị
trói chặt sau lưng, khuôn mặt đầm đìa máu và thân thể nát tan. Ngài muốn cho
mọi người thấy: Ngài chính là vị Vua “gánh tội trần gian.”
Thành ngữ Việt Nam có câu: “Nợ như chúa chổm.” Câu thành ngữ này ám
chỉ những kẻ nợ nần “ngập đầu ngập cổ.”
Thành ngữ xuất phát từ câu chuyện dã sử sau đây:
Ngày xưa, vào thời nhà Lê, có một vị
quan lớn trong triều tên Mạc Đăng Dung âm mưu làm phản và cướp ngôi vua. Vua Lê
bị Mạc Đăng Dung bắt giam vào ngục.
Trong thời gian bị giam cầm, nhà vua
quen với một cô hàng rượu thường gánh rượu đến bán cho lính canh ngục. Nàng thường
chuốc rượu cho lính canh say mềm rồi vào thăm vua. Dần dần giữa hai người nảy nở
một mối tình thắm thiết, đến nỗi một ngày kia cô hàng rượu có thai.
Vì biết mình không thể thoát khỏi
bàn tay tàn bạo của họ Mạc, vua trao ấn ngọc lại cho cô nàng bán rượu, để sau
này nàng sinh con trai thì nó sẽ phục thù cho cha. Quả thật, sau đó nhà vua và
cả hoàng tộc bị Mạc Đăng Dung giết chết.
Sau đó, cô hàng rượu sinh được một
con trai đặt tên là Chổm. Chổm lớn lên rất thông minh sáng sủa, được mọi người
quý mến, nên sinh tật ăn nhậu, đến nỗi nợ nần rất nhiều người.
Trong thời gian đó, có một vị quan
phò vua Lê là Nguyễn Kim nổi lên chống Mạc Đăng Dung. Biết rõ thân phận của Chổm
nên Nguyễn Kim gọi chàng đến giao nhiệm vụ đem quân đánh họ Mạc.
Quân của Chổm chiến thắng vẻ vang.
Chổm được tôn lên làm chúa và được dân chúng gọi là “Chúa Chổm.” Nhưng cũng vào
lúc ấy, các con nợ tuốn đến đòi nợ Chúa Chổm. Chúa Chổm phải mở kho bạc để trả
cho xong những món nợ thuở hàn vi.
Từ đó những kẻ mắc nợ nhiều được dân
gian gọi là “nợ như chúa chổm.” (Nguyễn
Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam).
Chúa Chổm là kẻ mắc nợ, nhưng Vua
Giêsu, một vị Vua đã mang trên vai mình “món nợ” tội lụy to lớn của nhân loại.
Ngài đã trả nợ thay cho nhân loại. Ngài chính là vị Vua “gánh tội trần gian” (Ga 1, 29).
Với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, chúng
ta bước vào tuần lễ trọng đại nhất của năm phụng vụ: đó là Tuần Thánh. Hôm nay,
Chúa Giêsu long trọng tiến vào thành Giêrusalem như một vị Vua. Thật ra, Ngài
chính là vị Vua hiền lành và khiêm tốn, Đấng đã đến để “gánh tội trần gian.”
Vị Vua hiền lành và khiêm tốn
Phụng vụ hôm nay dẫn đưa chúng ta đến
việc tưởng niệm Chúa Giêsu tiến vào thành Thánh Giêrusalem trên lưng một con lừa.
Hình ảnh vừa độc đáo vừa đáng ghi nhớ ấy nhắc nhở dân Do Thái: Ngài là Đấng
Mêsia mà dân Chúa hằng mong đợi (Dcr 9, 9-10). Ngài đến một cách khiêm nhu trên
lưng một con lừa.
Tuy nhiên, hình ảnh Chúa Giêsu ngồi
trên lưng con lừa cũng còn gợi lên hình ảnh Salomon ngồi trên lưng con la cái để
đi đến nơi được phong vương. Như thế, hình ảnh Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa tiến
vào thành Giêrusalem cũng làm sáng lên hình ảnh vương giả của Ngài. Chúa Giêsu
được dân chúng chặt cành lá rải lối đi, trải áo xuống đường để đón tiếp và tung
hô như một “vị vua.”
Thật lạ lùng, Chúa Giêsu, một vị Vua
cao cả, đã vào thành không phải trên lưng con ngựa chiến, với vó ngựa dập dồn,
bụi bay mịt mù, với đoàn quân hộ tống và cờ xí rợp trời. Trái lại, Ngài ngồi
trên lưng một con lừa con mượn của người khác. Thật là một vị Vua khiêm tốn và hiền
lành!
Có một chi tiết đáng cho chúng ta
chú ý: đó là Chúa Giêsu cỡi con lừa con “chưa
ai cỡi bao giờ.” Chi tiết này, làm nổi bật tư cách linh thánh của Đấng ngồi
trên lưng lừa. Ngài chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến, là “Đấng nhân danh Chúa mà đến”, như lời
tung hô của dân chúng.
Vậy, việc Chúa Giêsu vào thành
Giêrusalem chính là hành vi Chúa long trọng tiến vào Thành Thánh trong tư cách
là Vua dân Do Thái, cho dù Ngài không phải làm Vua để thống trị, nhưng làm Vua
để phục vụ và hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.
Khi chứng tỏ vương quyền của Đấng
Mêsia qua hình ảnh của một vị Vua hiền lành và khiêm tốn, Chúa Giêsu còn muốn
loan báo Ngài chính là vị Vua sẵn sàng chết thay cho nhân loại qua cuộc thương
khó của Ngài.
Vị Vua gánh tội trần gian
Bài Thương Khó Chúa Giêsu theo thánh
Marcô hôm nay nhiều lần nhắc đến hình ảnh Chúa Giêsu là “Vua.”
- Khi Chúa Giêsu bị điệu đến dinh tổng trấn Philatô, ông ta đã hỏi Ngài: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?”
Chúa Giêsu trả lời: “Ông nói đúng!”
Chúa Giêsu đã xác nhận vương quyền của Ngài và chứng tỏ Ngài là Vua. Nhưng đó
là một vị Vua với hai tay bị trói chặt sau lưng, khuôn mặt đầm đìa máu và thân
thể nát tan. Ngài muốn cho mọi người thấy: Ngài chính là vị Vua “gánh tội trần gian.”
- Quan tổng trấn Philatô dẫn Chúa Giêsu ra trước dân Do Thái và hỏi: “Các ngươi muốn ta làm gì cho Vua dân Do
Thái?” Dân chúng la to: “Đóng đinh nó
đi! Đóng đinh nó đi!” Lời tung hô khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem đã
thay thế bằng những lời kết án đóng đinh Ngài vào thập giá.
- Quân lính mặc áo choàng đỏ cho Chúa Giêsu, quấn một vòng gai đặt trên đầu
Ngài, rồi nhạo báng: “Tâu Vua dân Do Thái.”
Chiếc áo choàng tầm thường thay cho áo cẩm bào, vòng gai nhọn thay cho vương miện
uy quyền. Tất cả đều cho thấy dung mạo của một vị Vua đau khổ, vị Vua sẵn sàng
chết thay cho mọi người.
- Quân lính điệu Chúa Giêsu đi đóng đinh vào thập giá với bản án ghi trên
đầu: “Vua dân Do Thái.” Quả thật, đó
chính là phút giây Chúa Giêsu nhục nhã nhất. Ngài đã bị treo trên thập giá như
một tử tội xấu xa. Chính vào lúc đó, Ngài được gọi là Vua, một vị Vua hoàn toàn
thất bại và thua cuộc. Nhưng trong chính sự ô nhục nhất, thập giá đã nở hoa cứu
độ. Trong chính sự thất vọng ê chề, Ngài đã trở thành niềm vui ơn cứu độ.
Một trong những bức tranh nổi tiếng
nhất của danh họa Rembrandt, người Hà Lan, đó là bức tranh “Ba Thập Giá.” Bức
tranh diễn tả Chúa Giêsu bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp. Dưới chân thập
giá là một đám đông, mà gương mặt người nào cũng biểu lộ sự hận thù ghen ghét.
Thế nhưng, khi tiến lại gần bức
tranh và nhìn kỹ, người ta khám phá thấy một khuôn mặt gần như mất hút trong
bóng tối, một khuôn mặt dường như chứa đầy sự đau khổ. Các nhà chuyên môn phỏng
đoán đó là khuôn mặt của chính tác giả.
Khi vẽ khuôn mặt mình ở đó, họa sĩ
Rembrandt muốn thú nhận rằng: ông là một người trong đám đông kia và chính tội
lỗi của ông cũng góp phần vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá.
Hôm nay, chúng ta cũng đang nhìn vào
bức tranh toàn cảnh của cuộc thương khó Chúa Giêsu. Có lẽ trong đám đông dưới
chân cây thập giá cũng có chúng ta. Khi phạm tội, chúng ta cũng dự phần vào việc
đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.