Lời Chúa cnmc 5b _ chết để sinh hoa trái

CHẾT ĐỂ SINH HOA TRÁI
“Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đấy."
Lm. HK
Nobel là một trong những giải thưởng được đánh giá cao trong thế giới hôm nay. Thế nhưng giải thưởng đó đã có một lịch sử đặc biệt.
Giải thưởng đó mang tên nhà phát minh nổi tiếng người Thụy Điển, ông Alfred Nobel. Ông là một nhà phát minh có tài, đặc biệt trong lãnh vực chất nổ. Nửa cuối thế kỷ 19, chất nổ được nghiên cứu chế tạo để phục vụ cho nhiều công trình lớn, cũng cho cả vũ khí. Chết nổ rất nguy hiểm, ngay cả em trai của Alfred Nobel cũng tử nạn khi nghiên cứu chất nổ.
Sau cùng, năm 1866, Alfred Nobel đã chế tạo thành công Dynamite, một loại thuốc nổ nitroglycerin an toàn. Ông đã nhận bằng sáng chế từ hai nước Anh và Thụy Điển vào năm 1867. Sáng chế này đã mang lại cho ông rất nhiều lợi nhuận và danh tiếng.
Thế nhưng năm 1888, anh trai ông, Lugvic Nobel, đã qua đời. Một tờ báo Pháo đã nhầm lẫn Alfred Nobel với anh của ông và đã đăng cáo phó với tựa đề “nhà buôn cái chết đã chết” trong đó có mấy  lời bình luận: “Tiến sĩ Alfred Nobel, người đã trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết chết con người nhanh hơn bao giờ hết đã qua đời ngày hôm qua.”
Alfred Nobel như bị sét đánh khi đọc bản tin. Những lời bình luận cho ông thấy trước ông sẽ bị coi như một kẻ sát nhân đáng kinh sợ khi ông qua đời dù ông không dùng thuốc nổ để chế tạo vũ khi.
Ông đã sống trong phiền muộn những năm cuối đời. Thế nhưng, một năm trước khi qua đời, ông đã quyết định thành lập giải thưởng Nobel, và đã dành 94% tài sản mình nhằm đề cao và khích lệ mọi hoạt động sáng tạo cống hiến cho hạnh phúc chung của nhân loại.
Chất nổ, sáng chế của Nobel, có đáng bị coi thường không, có đáng bị nguyền rủa không?
Đúng là số người chết vì chất nổ là vô cùng lớn, và không thể tính hết được những thiệt hại kèm theo. Những bãi mìn làm cho bao nhiêu miếng đất màu mỡ phải bỏ hoang chỉ nói lên phần nào những thiệt hại kèm theo đó. Nhưng nếu không có chất nổ thì nhiều công trình lớn cho công ích của nhân loại không thể thực hiện được. Vấn đề không nằm ở chất nổ mà nằm ở người sử dụng chúng.
Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của công đồng Vatican II đã cho thấy mối nguy nằm ở tính kiêu ngạo và lòng vị kỷ: “Sự tiến bộ tuy là một lợi ích to lớn cho con người, nhưng cũng kéo theo một thử thách lớn lao. Thực thế, khi bậc thang giá trị bị đảo lộn, khi ác và thiện pha trộn vào nhau, thì cá nhân mỗi người cũng như cả tập thể chỉ còn quan tâm đến lợi ích riêng mình, chứ không để ý đến lợi ích của người khác.”
Thập giá Chúa Kitô được Công đồng đưa ra như phương thuốc cứu nhân loại khỏi tính kiêu ngạo và lòng vị kỷ, khỏi hiểm họa tự diệt vong: “Mọi hoạt động lo toan của con người đang bị đe dọa mỗi ngày do tính kiêu ngạo và lòng vị kỷ, nên chúng cần phải được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ thập giá và sự phục sinh của Đức Ki-tô.”
Năm 1846 đã xảy ra cuộc chiến tranh Mexicô, Henry Thoreau, một văn sĩ kiêm triết gia, đã cực lực phản đối cuộc chiến, vì ông tin rằng đó là biện pháp để mở rộng lãnh thổ chiếm giữ nô lệ.
Ông cương quyết, không chịu đóng thuế, bởi vì cho rằng số tiền ấy, sẽ được sử dụng vào cuộc chiến phi nghĩa. Sau cùng, ông thà chịu giam vào tù, còn hơn là chấp nhận đóng thuế.
Waldo Emerson, cũng là một văn sĩ kiêm triết gia, bạn thân của Thoreau và cũng là một nguoời kịch liệt chống đối cuộc chiến tranh và chế độ nô lệ, đã đến nhà tù để thăm ông.
Emerson hỏi Thoreau, "Này ông Henry, tại sao ông phải ở tù thế này?" Thoreau nhìn thẳng vào mắt của Emerson và hỏi: "Waldo, còn ông tại sao không ở trong này?"
Trước giờ tử nạn, Chúa công bố rõ ràng về chọn lựa của Chúa: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
Tình yêu đến quên mình là chọn lựa của Chúa, đó cũng là và phải là chọn lựa của những ai muốn theo Chúa: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.”
Đâu là chỗ đứng của tôi?