Lời Chúa cnmc 5b _ giờ của lòng xót thương

GIỜ CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG
Đó là “giờ” Ngài bước vào vinh quang. Đó là “giờ” Ngài hoàn tất sứ mệnh Thiên Chúa Cha trao phó, là “giờ” Ngài uống cạn chén đắng khổ sầu.  
Logos
Ngày xưa, có một vị ẩn tu sống ẩn dật bên một khu rừng hoang vắng. Vị ẩn tu này rất thánh thiện đạo đức, đêm ngày ăn chay cầu nguyện và có lòng thương người.
Ngày nọ, một cô gái giang hồ sống ở ngôi làng gần đó quyết tâm đến cám dỗ vị ẩn tu thánh thiện kia. Thế nhưng, lần nào đến cám dỗ, cô gái cũng bị vị ẩn tu cự tuyệt một cách mạnh mẽ. Sau nhiều lần thất bại, một ngày nọ, cô gái đã kêu lên:
-      Ông không phải là người đàn ông sao? Ông không biết yêu ư?
Vị ẩn tu đáp:
-      Có chứ! Nhưng chưa đến giờ!
Thế rồi, một ngày nọ, trên đường trở về túp lều của mình, vị ẩn sĩ bắt gặp cô gái giang hồ kia bị bọn cướp đánh dở sống dở chết bên lề đường, sau khi cướp sạch tiền bạc và tư trang. Vị ẩn tu vội vàng vác cô gái lên vai đưa đi cấp cứu. Trên đường đi, vị ẩn tu nói nhỏ vào tai cô gái:
-      Đã đến giờ rồi đó! Giờ của lòng xót thương!
Câu nói đầy ý nghĩa của vị ẩn tu đã dẫn đưa chúng ta vào sứ điệp lời Chúa hôm nay. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại lời Chúa Giêsu: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh.” Phải chăng đó cũng là giờ của sự đau thương? Giờ của hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, giờ của một vị Thiên Chúa được treo lên cao? Và phải chăng chúng ta cũng có thể nói một cách quả quyết: đó chính là giờ của lòng xót thương?
Giờ của sự vinh quang
Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã kể lại sự kiện: có mấy người ngoại giáo Hy Lạp nhờ tông đồ Philipphê và Anrê dẫn đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Trước sự việc đó, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh.” Chính sự kiện các người ngoại giáo đến với Chúa cho thấy: “giờ” Chúa đã điểm.
Đây không phải là giờ của đồng hồ, giờ được phân chia để tính toán thời khắc của ngày đêm. Nhưng “giờ” chính là thời điểm thích hợp để ơn cứu độ được hoàn thành. “Giờ” là “cột mốc” đánh dấu một thời đại mới bắt đầu. Có những lúc Chúa Giêsu nhắc đến “giờ” của Ngài. Nhưng đó là những lúc Chúa Giêsu xác nhận “giờ” của Ngài chưa đến (Ga 2, 4.7, 30), là lúc phải thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần (Ga 4, 21-23)….
Chỉ có lúc này, Ngài mới khẳng định đó là “giờ” Ngài bước vào vinh quang. Đó là “giờ” Ngài hoàn tất sứ mệnh Thiên Chúa Cha trao phó, là “giờ” Ngài uống cạn chén đắng khổ sầu. Thế nhưng, “vinh quang” ở đây không hiểu theo nghĩa thường tình. “Vinh quang” ở đây đòi hỏi phải trải qua khổ nhục và đớn đau. Chỉ qua khổ giá và cuộc tử nạn, Chúa Giêsu mới được Chúa Cha tôn vinh trong sự phục sinh rạng ngời.
Giờ của sự đau thương
Trong giây phút Chúa tuyên bố đã đến “giờ” Ngài được tôn vinh, cũng là lúc Ngài cảm nhận đó chính là “giờ” Ngài bắt đầu bước vào cuộc hành trình đau khổ. Vì thế, Ngài đã phải thốt lên: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này.” Chúa Giêsu đã có những lúc bị cám dỗ từ chối thập giá: xin Chúa Cha giải thoát Ngài khỏi “giờ” đen tối, hay cất xa “chén đắng” khỏi Ngài.
Trong bài đọc II, trích thư gửi tín hữu Do Thái, thánh Phaolô còn kể lại cho chúng ta nghe tâm trạng rất đỗi “con người” của Chúa Giêsu khi Ngài đứng trước “giờ” của thập giá: “Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết.” Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn can đảm “đến trong giờ này” để hoàn tất thánh ý Chúa Cha, và vì thế, Ngài đã làm vinh danh Chúa Cha.
Để củng cố cho chân lý: phải trải qua đau khổ mới đến được vinh quang, Chúa Giêsu đã phác họa hai hình ảnh sâu sắc:
Hạt lúa mì rơi xuống đất phải thối mục đi mới sinh nhiều bông hạt.
Khi Chúa Giêsu bị đưa lên cao khỏi đất, Ngài sẽ kéo mọi người lên cùng Ngài.
Đó chính là con đường tất yếu chúng ta phải đi để đạt tới sự sống đời đời, như lời Chúa đã quả quyết: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.”
Giờ của lòng xót thương
Hơn lúc nào hết, sứ điệp lời Chúa hôm nay thật gần gũi với cuộc sống đời thường của chúng ta. Đã nhiều lần chúng ta cũng phải trải qua những “giờ” đen tối đầy đau thương. Và có lẽ nhiều lúc chúng ta cũng đã phải thốt lên: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này.”
Nếu Chúa Giêsu đã vượt qua “giờ thập giá” để bước vào “giờ vinh quang”, thì Ngài cũng sẽ giúp chúng ta vượt qua được những nẻo đường khổ giá để bước vào ánh sáng vinh quang.
Hơn lúc nào hết, sứ điệp lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta thấy “giờ của Chúa đã đến.” Đó là giờ của lòng xót thương, giờ dành cho những ai đang chìm đắm trong lo âu phiền muộn. Đó cũng là “giờ” dành cho những kẻ đang cô đơn và tuyệt vọng, những tội nhân không còn biết bám víu vào đâu.
Hôm nay, chúng ta cũng bước vào “giờ” của giao ước mới, giao ước không phải khắc trên bia đá, nhưng được ghi tận đáy lòng con người. Giao ước đó xuất phát từ tình thương và lòng tha thứ của Thiên Chúa (Bài đọc I, trích sách tiên tri Giêrêmia).
Đức Cố Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận đã gọi cha Charles de Foucauld là “hạt giống trong sa mạc.” Ngài sống suốt đời ở giữa lòng sa mạc Sahara để tu thân tích đức, chiêm niệm, chầu Thánh Thể và sống bác ái với dân tộc Touareg. Suốt đời, ngài tha thiết cầu xin Chúa gửi đến một ai đó để cùng sống một lý tưởng với ngài. Cầu nguyện mãi mà chẳng thấy ai, nhưng ngài vẫn bền chí cầu nguyện. Đến khi ngài qua đời, thân xác chôn vùi giữa lòng sa mạc mênh mông. Nhưng vẫn không thấy một bóng người như ngài hằng mong ước. Xét theo khía cạnh con người, thì quả là một thất bại!
Thế nhưng, sau một thời gian chôn vùi, hạt giống ấy đã nảy mầm vươn lên. Hội dòng theo tinh thần của cha Charles de Foucauld đã mọc lên khắp nơi. Ngài chỉ xin một người, thì Chúa đã cho hàng trăm, hàng nghìn Tiểu Đệ, Tiểu Muội có mặt trên khắp thế giới.
Bài học của “hạt lúa mì” hôm nay thật quý giá cho đời sống đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy trở thành hạt lúa mì được gieo vào lòng trần thế, biết thối mục đi trong hy sinh quên mình, để vươn lên, sinh bông hạt và hoa trái tốt tươi cho cuộc đời. Hạnh phúc vĩnh cửu của cuộc sống mai sau tùy thuộc vào cuộc sống hiện tại. Cuộc sống mai sau ấy phải được bắt đầu từ bây giờ. Vì thế, chúng ta hãy sống như lời bài hát “Hát về cây lúa hôm nay”:
Đường lên đã mở, đi tới tương lai, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay… ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…”