Ngày hôm nay ta biết cố gắng, biết
nhẫn nại, biết tự chủ, biết hy sinh chấp nhận thánh giá, chấp nhận gian nan,
thì rồi chúng ta cũng sẽ sống lại cùng Chúa Giêsu…
Chúa Giêsu xuống thế
gian, chịu chết, sống lại để cứu chuộc chúng ta do Giao Ước của Thiên Chúa ngay
từ lúc tạo dựng loài người. Vì thế ba Chúa Nhật mùa chay liên tiếp, Giáo Hội
nhắc nhở chúng ta Giao Ước của Thiên Chúa:
Chúa Nhật I, nhắc tới
Giao Ước của Thiên Chúa với Noe, sau đại hồng thuỷ,
Chúa Nhật II nhắc tới
Giao Ước của Thiên Chúa với Abraham, sau khi Abraham đã vâng lời Thiên Chúa tế
lễ Isaac, và
Chúa Nhật III này nhắc
tới Giao Ước của Chúa với dân Isrel tại núi Sinai, sau khi dân được Thiên Chúa
giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Như vậy Giáo Hội nhắc
nhở ta kỷ niệm mừng Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, bằng cách nhớ tới lời
Giao Ước của Thiên Chúa, nhớ tới sự trung thành của Thiên Chúa, và đồng thời
chúng ta cũng phải nhớ tới lời đã cam kết với Chúa, lúc ta chịu phép Thánh Tẩy,
trung thành với lời cam kết này. Bài thư của Thánh Phaolô nhắc tới một sự kiện
bất hủ: Niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô bị treo trên thập giá. Sự kiện này là việc
điên rồ, là cớ vấp phạm cho những người không có đức tin, nhưng lại chính là sự
khôn ngoan của Thiên Chúa, là nguồn hạnh phúc, nguồn ơn huệ cho chúng ta, là
những người đang tin vào Chúa. Bài tin Mừng nhắc tới việc Chúa Giêsu xua đuổi
những người buôn bán ra khỏi đền thờ, và khi những luật sĩ và biệt phái hỏi
ngài lấy quyền nào mà hành động như thế, thì Chúa Giêsu đã nói, việc ngài có
thể xây lại đền thờ trong ba ngày. Ngài tiên báo việc ngài sẽ chết và ba ngày
sẽ sống lại. Trong những ngày sau cùng cuộc đời Chúa, mặc dầu các môn đệ cũng
như dân chúng chưa am hiểu tường tận, Chúa Giêsu đã luôn luôn nhắc tới cuộc tử
nạn, nhưng rồi ngài cũng sẽ sống lại. Căn bản tín điều của đạo là, Chúa Giêsu, Ngôi
Hai của Thiên Chúa, xuống thế làm người, đã chịu chết, và đã sống lại. Đạo
chúng ta không phải là tôn giáo bi quan, chỉ biết khóc lóc bên ngôi mộ của Chúa,
mà là tôn giáo lúc nào cũng dậy ta hy phải biết hy vọng, lạc quan với sự kiện
Chúa Giêsu đã sống lại, ngoài 14 đàng thánh giá ta quen suy gẫm, thì chúng ta
cũng phải suy gẫm “Nơi thứ 15” Chúa đã vinh quang sống lại rời khỏi mồ. Ngày
hôm nay ta có gặp cảnh đau khổ, ngày hôm nay ta có bị rủi ro, ngày hôm nay ta
thấy như bị thất bại hoàn toàn, nhưng rồi ngày mai cuộc đời ta sẽ đổi khác. Quả
thật Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và chịu chết thê thảm, nhưng rồi ngài sống lại
trong vinh quang. Ngày hôm nay ta biết cố gắng, biết nhẫn nại, biết tự chủ, biết
hy sinh chấp nhận thánh giá, chấp nhận gian nan, thì rồi chúng ta cũng sẽ sống
lại cùng Chúa Giêsu, được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa.
Một số câu truyện
trong cuốn 1.001 đêm, vừa đọc coi như là câu truyện để mua vui, kích thích tính
tò mò, nhưng nó cũng chứa đựng những bài học dậy đời: muốn đạt tới mục đích
không được quản ngại vất vả, chịu đựng, hy sinh. Sau đây là một câu truyện
thuộc loại đó.
Nước Banxôra có một
Ông vua cực kỳ giầu có, vua được trăm họ mến yêu, nhưng lại không có con. Điều
này làm vua rất buồn phiền. Vua khấn vái các đấng thần linh giúp, va lời khẩn
cầu có kết quả. Hoàng Hậu thụ thai và sinh được một hoàng tử, đặt tên là Zein
Alasman, có nghĩa là “đẹp như tượng.”
Nhưng tính tình của
hoàng tử làm vua lo sợ, vì vua tiên đoán, con mình chỉ khi đã lâm cảnh cùng
quẫn, mới nghĩ tới việc làm lại cuộc đời, và mới biết cai trị nước. Qủa thực, khi
nhà vua chết, Zein Alasman lên ngôi. Zein say sưa tửu sắc, chơi bời với những
chàng trai xấu, được vua cất nhắc vào những cương vị chủ chốt của triều đình, chẳng
còn có lề luật nào cả. Theo tính hào phóng, vua ban thưởng, không hạn chế, thế
là kho tàng của vua cha để lại và của toàn quốc đã hết cạn, mà vua không hay
biết.
Thấy bao nhiêu của cải
mình bay biến, Zein hối hận là đã không biết sử dụng những của cải cho tốt hơn.
Vua đâm buồn phiền quá, không gì có thể làm nhà vua khuây nguôi. Bỗng một đêm
vua nằm mơ thấy một cụ già đáng kính, bước tới gần mình vừa cười, vừa bảo: “Hỡi Zein dũng cảm! Giờ phồn vinh đã tới, sáng
sớm mai, con hãy lấy một cái quốc và đào bới phòng làm việc của tiên vương, con
sẽ tìm thấy một kho tàng lớn.” Sáng sớm hôm sau, vua lấy quốc, đào bới hơn
một nửa gian phòng làm việc của vua cha, mà không tìm thấy dấu vết nào của kho
tàng. Đột nhiên vua phát hiện một phiến đá trắng, vua rỡ lên, vua thấy có một
cánh cửa được khoá bằng một khoá thép, vua dùng cuốc đập vỡ khoá, cửa mở ra, vua
thấy một cầu thang bằng cẩm thạch dẫn xuống dưới, vua liền đốt một ngọn nến
theo cầu thang đó xuống một căn phòng, lát bằng sứ Trung Quốc, tường và trần
thì ốp thuỷ tinh. Vua đặc biệt nhìn chăm chú tới mười cái bệ, mỗi bệ đặt bốn
cái vò , vua nghĩ những chiếc vò này đựng rượu quý, nhưng khi mở nắp ra thì
trong toàn là tiền vàng. Vua bốc một nắm, đưa lên cho hoàng thái hậu xem. Bà
ngạc nhiên không thể tưởng tượng, khi nghe con thuật lại những điều vừa trông
thấy, bà liền nói:
“Con ơi! Hãy chú ý, đừng tiêu hoang phí của cải đó như trước đây,
chớ để cho những kẻ thù của con có dịp vui mừng.” Vua thưa: “Thưa mẹ, lối
sống của con từ nay sẽ làm cho mẹ hài lòng, và vong linh cha con cũng được toại
nguyện.” Vua đưa bà tới phòng kho tàng, bà tò mò nhìn vào một chiếc vò nhỏ
để ở góc phòng, khi mở nắp vò này ra, thì thấy một chiếc chìa khoá bằng vàng. Rồi
khi lục lọc căn phòng rất cẩn thận, lại tìm thấy một lỗ khoá, ăn vào vách tường,
khi tra chìa khoá vàng này vào, thì một cánh cửa khác được mở ra, một căn phòng
sáng rực vì trong căn phòng có chín bệ bằng vàng, trên tám chiếc bệ đó là những
pho tượng được tạc bằng cả một khối kim cương, ánh sáng toả sáng rực căn phòng.
Cái bệ vàng thứ chín, làm vua ngạc nhiên vì trên bệ có đặt một miếng vải sa
tanh trắng: trên vải viết những dòng chữ sau đây: “Hỡi con yêu quý của ta! Ta đã khó nhọc biết bao, để có được tám tượng
kim cương này, tuy tám tượng này đã quý và đẹp, nhưng trên đời còn một pho
tượng thứ chín đẹp hơn gấp ngàn lần những pho tượng này. Nếu con muốn có pho
tượng thứ chín đó, con hãy lên đường, sang thành phố Cai Rô bên Ai Cập, gặp
người đầy tớ cũ của ta tên là Môbarec, người này sẽ nhận ra con và sẽ dẫn con
tới nơi có pho tượng thứ chín kỳ diệu này.”
Nhà vua liền trao
quyền cho vị tể tướng đạo đức, từ giã mẹ và lên đường đi gặp Môbarec. Khi
Môbarec nhận ra hoàng tử Zein, Môbarec sẵn sàng đưa Zein đi lấy pho tượng thứ
chín. Nhưng Môbarec cho vua biết là phải qua nhiều gian lao, vất vả, qua nhiều
núi rừng, sông ngòi hiểm trở, rồi phải vượt biển ra giữa trùng khơi để gặp vị
Chúa Tể các thần linh, mới hy vọng có được pho tượng thứ chín này.
Vì nóng lòng, nhìn
thấy bức tượng quý lạ, nên Zein sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan nguy hiểm. Rồi
khi gặp được vị Chúa Tể các thần linh, thì vị Chúa Tể này lại bắt Zein trở vể, tìm
lấy một cô gái nết na đức hạnh để dâng lên vị Chúa Tể này, thì rồi mới được pho
tượng quý báu ấy. Vị Chúa Tể cũng ban cho Zein một tấm gương, để khi soi vào
một cô gái nào, thấy hình hiện ra thật rõ ràng, thì đó là con người nết na đức
hạnh, còn nếu chỉ thấy hình lờ mờ thì là những con người thiếu đức hạnh.
Khi Zein và Môbarec trở
về Cai Rô, tìm khắp trong thành phố, không gặp được một cô gái nào có hình rõ
trong bức gương, cả hai đành phải sang thành phố Bát Đa: ở đây, nhờ một vị tiến
sĩ tên là Bubekia giới thiệu, Zein và Môbarec tới nhà một vị thượng thư đã về
hưu; vị này có một người con gái được mọi người ca tụng là người nết na đức
hạnh. Mà quả thật, hình ảnh cô trong bức gương, trông thật rõ ràng. Zein xin vị
thượng thư cho mình cưới cô gái về làm hoàng hậu (nhưng thực ra là để dâng cho
Chúa Tể các thần linh). Quan thượng thư đồng ý. Thực ra Zein cũng say mê cô gái
này, không phải chỉ vì đức hạnh của cô, nhưng còn vì sắc đẹp nghiêng nước, nghiêng
thành của cô nữa. Nhưng vì muốn tìm cho được pho tượng thứ chín, lại vì đã hứa
với Chúa Tể các thần linh, chàng sợ bị sa ngã, nên đã bắt Môbarec phải giấu cô
gái đẹp này đi, trong lúc đi đường để về gặp lại vị Chúa Tể thần linh. Khi cô
gái này biết là Zein chỉ giả vờ cưới mình, nhằm mục đích đưa dâng cho vị Chúa
Tể thần linh, cô khóc than thảm thiết. Nhưng việc khóc than của cô cũng vô ích,
người ta vẫn dâng này cho Chúa Tể các vị thần linh. Sau khi chăm chú nhìn nàng,
vị Chúa Tể các thần linh bảo chàng: “Này
hoàng tử, ta rất hài lòng về con, cô gái con đưa đến cho ta thật đáng yêu và
trong trắng, và ta vui lòng vị sự tìm kiếm của con, để giữ lời hứa với ta. Con
hãy trở về nước, xuống căn phòng dưới hầm, con sẽ nhìn thấy đã có pho tượng thứ
chín dành cho con. Ta sẽ sai các thần linh của ta mang tới đó.”
Zein cám ơn vị Chúa Tể
thần linh rồi cùng Môbarec trở về Cairô, nhưng chàng lại vội vã về Banxôra, tuy
lòng vẫn thương nhớ thiếu nữ, và ân hận rất nhiều vì mình đã lừa dối cô gái.
Khi về tới Banxôra, toàn
dân vui mừng vì nhà vua trở về, vua vội đến trình với mẹ về chuyến đi, hoàng
thái hậu vui mừng, vì biết vua đã có bức tượng thứ chín, bà nói: “Nào con, chúng ta hãy đi xem vì chắc nó đã
có ở dưới hầm rồi.” Nhà vua trẻ và hoàng thái hậu vội vã xuống gian phòng
dưới hầm. Bước vào căn phòng, cả hai người, đều xiết bao kinh ngạc, thấy trên
bệ vàng thứ chín không phải là một pho tượng, mà là người con gái xinh đẹp
truyệt trần. Nhà vua nhận ra đó chính là người con gái vua đã đưa dâng cho vị
Chúa Tể các thần linh. Rôi bỗng nhiên một tiếng sét nổ làm rung chuyển cả căn
hầm. Nhà vua và hoàng thái hậu kinh hoàng. Vị Chúa Tể các thần linh hiện ra, chấn
an Hoàng thái hậu: “Ta che chở và yêu con
trai của bà, ta muốn thử xem ở lứa tuổi này, chàng có khả năng thắng dục vọng
hay không, và ta hài lòng về sự tự kiềm chế của chàng. Đây chính là bức tượng
thứ chín mà ta dành cho chàng, nó quý hơn mọi bức tượng khác. Này Zein, con hãy
sống hạnh phúc với người thiếu nữ này. Nàng chính là vợ con; và nếu con muốn
nàng luôn luôn trong trắng và chung thuỷ, thì hãy yêu nàng mãi mãi, và chỉ yêu
mỗi một nàng mà thôi, con chớ đem lòng thương yêu ai khác, thì ta sẽ đảm bảo
cho con lòng chung thuỷ của nàng.” Dứt lời, vị Chúa Tể thần linh biến mất.
Câu truyện trên đây, gợi
một số tư tưởng: Người phụ nữ nết na, đức hạnh thật là một bảo vật giá trị; con
người phải biết tự chủ, mới tới thành công; tìm một kho tàng (một pho tượng quý
giá tuy tượng đó chỉ là người bạn trăm năm lý tưởng) phải qua bao gian nan vất
vả, biết tự chủ lướt thắng đam mê dục vọng xấu... Chúng ta là những con người
được sinh ra để tiến tới kho tàng quý báu bất diệt, là việc sống lại vinh hiển,
và cuộc sống đời đời, hiển nhiên chúng ta phải biết tự chủ, lướt thắng đam mê
dục vọng xấu, và kiên nhẫn chịu đựng...
Đề
tựa của Lm. HK