MÙA CHAY,
MÙA ĐỔI MỚI
Đối với người kitô
hữu, đổi mới là quy luật của sự nên thánh… Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải đổi
mới triệt để từ bên trong, đổi mới toàn bộ con người và đời sống của chúng ta.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện nhất để mỗi
người kitô hữu đổi mới con người và đời sống của mình. Đổi mới là quy luật của
sự phát triển và tiến bộ. Chúng ta quan sát thiên nhiên trong những ngày mùa
đông giá lạnh, cây cối trở nên cằn cỗi, trơ trụi và xem ra như không còn sức sống.
Nhưng khi mùa xuân về, khí trời ấm áp, cây cối bừng dậy sức sống, chúng đâm chồi
nảy lộc, trổ hoa muôn màu sắc trông thật đẹp mắt. Thiên nhiên và sự sống xung
quanh chúng ta thật kỳ diệu! Qua sự kiện này, chúng ta nhận thấy rằng đổi mới
là quy luật của phát triển nơi thiên nhiên.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện nhất để mỗi
người kitô hữu đổi mới con người và đời sống của mình. Đổi mới là quy luật của
sự phát triển và tiến bộ. Chúng ta quan sát thiên nhiên trong những ngày mùa
đông giá lạnh, cây cối trở nên cằn cỗi, trơ trụi và xem ra như không còn sức sống.
Nhưng khi mùa xuân về, khí trời ấm áp, cây cối bừng dậy sức sống, chúng đâm chồi
nảy lộc, trổ hoa muôn màu sắc trông thật đẹp mắt. Thiên nhiên và sự sống xung
quanh chúng ta thật kỳ diệu! Qua sự kiện này, chúng ta nhận thấy rằng đổi mới
là quy luật của phát triển nơi thiên nhiên.
Đối với người kitô hữu, đổi mới là quy luật
của sự nên thánh. Vì thế, Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải đổi mới mỗi ngày, đổi
mới liên lỉ, đặc biệt khi chúng ta bước vào một năm mới và nhất là bước vào Mùa
Chay thánh. Tuy nhiên, chúng ta thử hỏi rằng chúng ta cần phải đổi mới như thế
nào?
Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ đổi mới ở
bên ngoài như thay đổi dáng dấp, cách ăn mặc, hay nơi chốn sinh sống, nhưng
Ngài mời gọi chúng ta phải đổi mới triệt để từ bên trong, đổi mới toàn bộ con
người và đời sống của chúng ta.
Để thực hiện được điều đó, thánh Phaolô
trình bày về sự đổi mới triệt để và toàn vẹn mà chúng ta có thể tóm tắt qua 3
bước sau đây:
1/ Bước thứ nhất, đổi
mới là cởi bỏ con người cũ
Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư
nát vì bị những ham hố lừa dối” (Eph 4, 22). Theo thánh Phaolô, cởi bỏ con
người cũ là cởi bỏ “con người thuộc hạ giới,” con người sống theo xác thịt với
những hành vi: “Dâm bôn, ô uế, phóng
đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ,
bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống vậy. Tôi bảo trước
cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa
hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5, 20-21).
Danh sách các thói xấu mà thánh Phaolô đưa
ra ở đây chỉ có tính cách tượng trưng, nhưng các tính hư tật xấu này cũng đủ để
cản ngăn con người tiến lên với Thiên Chúa. Chúng là các dây xích cầm buộc con
người trong vòng tục lụy và gây ra biết bao nhiêu hậu quả khổ đau cho cuộc sống
mỗi người.
Mùa Chay là cơ hội quý báu để chúng ta cởi
bỏ con người cũ, từ bỏ các thói hư tật xấu này trong chúng ta. Nếu không từ bỏ
chúng, sẽ không có sự tiến bộ về nhân đức, và như thế chúng ta sẽ không được thừa
hưởng hạnh phúc Nước Trời. Chính vì thế, Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải lột bỏ
con người cũ với các tội lỗi và đam mê xấu xa nguy hại ấy để mặc lấy đời sống mới
theo Thánh Thần hướng dẫn.
2/ Bước thứ hai là
“phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4, 23)
Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba quyền năng và
cùng một bản tính như Ngôi Cha và Ngôi Con. Ngài là Đấng đồng hành với chúng ta
“mọi ngày cho đến tận thế.” Ngài hoạt động trong chúng ta trong mọi trạng huống:
như cuồng phong biến đổi, như nước thanh tẩy, như hơi thở ban sự sống, như lửa
“đốt cháy” tâm can, như dầu tăng sức mạnh.
Chúng ta cần Chúa Thánh Thần biến đổi con
người yếu hèn của mình, đổi mới tâm trí của chúng ta. Bởi vì mọi sai lầm bắt
nguồn từ suy nghĩ sai và thiếu hiểu biết của chúng ta đối với đường lối của
Thiên Chúa. Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần biến đổi tâm trí, nghĩa là biến
đổi cái nhìn, tư tưởng, quan điểm, nghĩ suy của con người cũ, để có cái nhìn và
suy nghĩ của Thiên Chúa, hướng tới sự thật và tình yêu, để thăng hoa trở nên
người mới mạnh mẽ, hăng say, đầy tràn nhiệt huyết hơn.
3/ Bước thứ ba là mặc
lấy con người mới trong Chúa Kitô
“Anh
em hãy mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên
Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”
(Eph 4, 24). Thánh Phaolô quả quyết rằng: “Quả
thế, bất cứ ai trong anh em được Rửa tội để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức
Kitô” (Gl 3, 27). Ngài cũng mời gọi: “Anh
em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13, 14).
Quả thế, Đức Giêsu là con người mới và kiểu
mẫu cho chúng ta. Mỗi người kitô hữu được tạo dựng và tiền định để trở nên giống
Chúa Kitô. Nếu cởi bỏ con người cũ là lột bỏ những thói hư tật xấu, thì trở nên
con người mới là mặc lấy Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, mặc lấy
trong mình những tâm tình của Chúa Kitô, đó là lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm
nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và tha thứ cho nhau (x. Cl 3,
12-14).
Vì thế, chúng ta được mời gọi từ bỏ đời sống
cũ, mặc lấy đời sống mới bằng cách rèn luyện các nhân đức, thực hành những giá
trị Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã dạy, sống như Chúa đã sống. Chỉ bằng cách đó,
chúng ta mới có thể được biến đổi toàn bộ con người chúng ta theo khuôn mẫu là
Chúa Kitô, từ suy nghĩ, phán đoán, tình cảm, con tim, động lực sống và cả cách
hành xử của chúng ta. Đó là con người mới, nhân cách mới, đời sống mới trong
Chúa Kitô.
Kết luận
Cha Anthony de Mello trong cuốn “The Song
of the Bird” có kể câu truyện về Sufi Bayazid, ông nói về chính mình như sau:
Tôi là nhà cách mạng, khi tôi còn trẻ và tất cả lời cầu nguyện của tôi với Chúa
là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để
con thay đổi thế giới.” Khi tôi tới tuổi trung tuần và nhận thấy rằng nửa đời
người đã qua đi mà không đổi thay được một tâm hồn nào. Tôi đã thay đổi lời cầu
nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để
thay đổi những người liên hệ và gặp gỡ con, như gia đình và bạn bè của con và
con sẽ được an lòng.” Bây giờ, tôi đã già và ngày giờ sắp hết, lời cầu của
tôi: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để
thay đổi chính con.” Nếu tôi cầu nguyện điều này ngay từ khởi đầu, tôi đã
không phí uổng cuộc đời của mình.
Câu chuyện trên đây muốn nói với chúng ta rằng:
sự thay đổi chính mình là sự thay đổi quan trọng nhất. Nếu muốn thay đổi thế giới,
chúng ta phải bắt đầu từ sự thay đổi chính mình. Mùa Chay là mùa đổi mới. Hội
Thánh kêu gọi các tín hữu canh tân cuộc sống, từ bỏ lối sống cũ, con người cũ,
để sống đời sống mới, công chính và thiện hảo hơn theo mẫu gương Chúa Kitô.
Ước mong mỗi người kitô hữu biết sử dụng và
sống thời gian Mùa Chay thánh này như là cơ hội để đổi mới chính mình trở nên
thành con người mới trong Chúa Kitô.
LM Phêrô Nguyễn Văn Hương
Mùa chay 2015