ĐỀN THỜ MỚI
Nếu Đền thờ Giêrusalem là trọng tâm của Do
Thái Giáo, thì Chúa Giêsu Kitô là trung tâm của tôn giáo mới.
Năm 1979, vài tháng trước khi nhận
giải Nobel hòa bình, Mẹ Têrêxa Calcutta đã được ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
P. Cuellar giới thiệu với đại diện các quốc gia như sau: “Đây là con người quyền lực nhất thế giới.”
Được gọi là người có quyền lực nhất,
bởi vì Mẹ Têrêxa có thể vượt qua mọi rào cản về ý thức hệ, tôn giáo, chủng tộc
và chính trị.
Người ta vẫn còn nhớ sau một trận động
đất dữ dội, chính phủ Liên Xô (cũ) đã mời Mẹ Têrêxa đến mở một trung tâm cứu trợ
các nạn nhân. Mẹ Têrêxa nhận lời, nhưng đưa ra một điều kiện: “Chúng tôi không thể sống mà không có sự hiện
diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Do đó, chúng tôi chỉ đến Liên Xô với
điều kiện có một linh mục cử hành thánh lễ hàng ngày cho chúng tôi.” Thế là
một ngôi nhà thờ đã bị Lênin đóng cửa suốt 70 năm, nay được mở cửa trở lại và Mẹ
Têrêxa có thể đón tiếp bất cứ ai Mẹ muốn.
Là một người phụ nữ thấp bé, nghèo
nàn, giản đơn, nhưng Mẹ Têrêxa lại có một quyền lực thật lớn lao: với nhiệt tâm
vì nhà Chúa, Mẹ đã mở được cánh cửa nhà thờ trong một đất nước vô thần. Bởi vì
lòng nhiệt thành đối với những con người bất hạnh và lòng yêu mến đối với Thiên
Chúa, Mẹ đã mở được cánh cửa của những tâm hồn cứng tin.
Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Gioan
thuật lại việc Chúa Giêsu đánh đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Chính
lòng nhiệt thành vì nhà Chúa đã thiêu đốt Ngài và thúc đẩy Ngài làm việc ấy. Người
Do Thái thấy vậy đã chất vấn Chúa xem Ngài đã lấy quyền nào mà làm như vậy.
Chúa Giêsu đã trả lời: “Hãy phá hủy đền
thờ này đi, nội trong 3 ngày, Ta sẽ xây dựng lại.” Chúa Giêsu muốn ám chỉ
đó chính là thân thể Ngài. Sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn dẫn đưa chúng ta đi từ
ngôi đền thờ vật chất đến ngôi đền thờ siêu nhiên.
Từ đền thờ vật chất…
Đền thờ Giêrusalem được xây dựng dưới
triều đại vua Salomon. Trải qua thời gian, đền thờ Giêrusalem đã bị tàn phá và
được vua Hêrôđê Cả trùng tu từ năm 20 trước công nguyên và kéo dài tới thời tổng
trấn Rôma Albinus khoảng năm 63 sau công nguyên mới hoàn thành. Biến cố mà Tin
Mừng Gioan ghi lại xảy ra vào khoảng năm 27 sau công nguyên. Lúc đó, những phần
chính yếu của đền thờ đã làm xong. Đền thờ gồm có cung thánh, sân tư tế, sân
đàn ông, sân đàn bà và sân ngoại giáo. Người Do Thái luôn tự hào về đền thờ của
họ vì nó được xây dựng nguy nga, to lớn, xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị và
là nơi mọi người đến cầu nguyện, dâng lễ vật.
Sự việc Chúa Giêsu xua đuổi những người
buôn bán xảy ra tại sân ngoại giáo. Đây là nơi dành cho người chư dân lui tới
và cũng là nơi buôn bán đổi chác hàng hóa và tiền bạc. Bởi vì khách hành hương
từ xa đến mang theo lễ vật rất bất tiện, nên đã phát sinh những “dịch vụ” buôn
bán đổi chác tại chỗ. Cũng từ đó, nơi đây đã diễn ra việc buôn bán trục lợi với
những thủ đoạn bất chính và lừa lọc, gian trá. Việc buôn bán này do những tư tế
Đền thờ cầm đầu, con cháu họ giữ việc buôn bán thu lợi, thậm chí họ sẵn sàng
hành hung những ai cản trở họ. Tất cả như một cái chợ “bát nháo”!
Khi thấy Đền thờ bị tục hóa và mất
đi sự linh thánh, với lòng nhiệt thành thiêu đốt, Chúa Giêsu đã mạnh bạo xua đuổi
những kẻ làm ô uế Đền thờ. Khi làm thế, Chúa Giêsu không những chứng tỏ quyền của
“Con Thiên Chúa” luôn giữ gìn bảo vệ “Nhà Cha”, mà Ngài còn muốn thực hiện một
hành động biểu trưng: súc vật và tiền bạc là dấu hiệu của một nền phụng tự cũ,
đã lỗi thời. Khi Chúa Giêsu đến, một nền phụng tự mới xuất hiện. Do đó, cần phải
đánh đổ và thay thế nền phụng tự cũ bằng nền phụng tự mới với đền thờ mới.
… đến đền thờ thiêng liêng
Hôm nay, với lời loan báo của Chúa
Giêsu: “Hãy phá hủy đền thờ này đi, nội
trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”, Ngài muốn ám chỉ đến thân thể Phục sinh
của Ngài. Chúa Giêsu chính là đền thờ đích thực của Thiên Chúa. Mọi sự thờ phượng,
dâng lễ, cầu nguyện của kitô hữu hôm nay phải hướng về Ngài, phải được thực hiện
nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần để tôn vinh
Thiên Chúa Cha. Nếu Đền thờ Giêrusalem là trọng tâm của Do Thái Giáo, thì Chúa
Giêsu Kitô là trung tâm của tôn giáo mới. Vì thế, mỗi ngày khi chúng ta đến với
Chúa Giêsu là đền thờ đích thực, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau
trong tình yêu chan hòa.
Nhờ bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể,
mỗi kitô hữu được trở nên những chi thể sống động của Đức Kitô. Vì thế, kitô hữu
cũng là đền thờ đích thực của Thiên Chúa. Là đền thờ của Thiên Chúa, nghĩa là nơi
Chúa ngự trị, và cũng là nơi mà anh chị em chung quanh có thể gặp gỡ Thiên
Chúa. Muốn được thế, tâm hồn của chúng ta phải luôn trong sạch và thánh thiện,
là nơi dễ đến và hoàn toàn thân thiện. Đền thờ ấy luôn mở rộng cửa đón mọi người.
Chúa Giêsu đã thanh tẩy đền thờ
Giêrusalem. Chúng ta hãy xin Ngài cũng đến để thanh tẩy đền thờ tâm hồn chúng
ta. Chính tội lỗi đã biến tâm hồn chúng ta thành nơi buôn bán gian lận, bất
chính. Chính tiền bạc cũng làm vấy bẩn lòng trí chúng ta, khiến tâm hồn chúng
ta xuống cấp và suy tàn. Thanh tẩy đền thờ tâm hồn nghĩa là loại bỏ khỏi lòng
trí những gian tham bất công, những oán ghét hận thù.
Tha nhân chung quanh chúng ta cũng
là những đền thờ. Có nhiều đền thờ đang bị chiếm đoạt, sụp đổ và hoang tàn. Mùa
Chay chính là mùa tu sửa các đền thờ, để mọi đền thờ đều dẫn đến đền thờ Giêsu.
Trên tờ báo Thanh Niên số ra ngày
02/3/2006 có một bài phóng sự mang tựa đề: Nữ “chủ hộ” anh hùng của gia đình hơn
300 người.
Bài báo viết về nữ tu Mai Thị Mậu được
vinh dự là nữ tu Công Giáo đầu tiên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh
Hùng Lao Động. Năm nay, người nữ tu ấy bước vào tuổi 65 và là “chủ hộ” của một
“đại gia đình” trên 300 con người, với 95% là người dân tộc K’ho và Nùng. Trong
số đó, một nửa lại là những người mắc bệnh phong cùi. Mái nhà tràn ngập tình thương
ấy ở rất gần chúng ta. Đó chính là trại cùi Di Linh, Lâm Đồng.
Năm 27 tuổi, sau khi tốt nghiệp
trung cấp y tá, nữ tu Mai Thị Mậu đã tình nguyện về phục vụ những người cùi ở
Di Linh. Có thể nói: sau Đức cha Caissaigne, người có công thành lập trại phong
Di Linh, thì nữ tu Mai Thị Mậu là người gắn bó lâu nhất với những người cùi: chị
đã phục vụ người cùi trong suốt 38 năm trường!
Với tình yêu cao cả, người nữ tu ấy
đã dùng đôi tay hiền dịu để chăm sóc những đền thờ thân xác đã bị hủy hoại, lở
loét vì căn bệnh khủng khiếp. Gương mẫu của chị nữ tu nhắc nhở chúng ta: ở bên
cạnh chúng ta đây, còn có biết bao đền thờ thân xác đang hao mòn vì bệnh tật,
vì đói khát, vì thương tật. Chúng ta hãy biết trân trọng, cứu giúp và đỡ nâng
xác thân của những người khác vì đó là đền thờ của Chúa.