Thánh BLAISE
(c. 316)
Lược sử
Chúng ta biết nhiều về
sự sùng kính của Kitô Hữu đối với Thánh Blaise hơn là tiểu sử của
ngài. Trong Giáo Hội Đông Phương, ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ
lớn. Công Đồng Oxford, vào năm 1222 đã cấm làm việc xác trong ngày lễ Thánh
Blaise. Người Đức và người Đông Âu rất kính trọng thánh nhân, và trong nhiều
thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ
họng.
Chúng ta được biết Đức
Giám Mục Blaise chịu tử đạo ngay trong giáo phận của ngài ở Sebastea, Armenia,
năm 316. Mãi cho đến 400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài. Theo
đó, Thánh Blaise là một giám mục tốt lành, làm việc vất vả để khuyến khích giáo dân
sống lành mạnh về tinh thần và thể xác.
Mặc dầu Chỉ Dụ
Toleration, năm 311, đã cho phép tự do tôn giáo ở Đế Quốc Rôma hơn năm năm,
nhưng ở Armenia, việc bách hại vẫn còn dữ dội. Hiển nhiên là Thánh Blaise buộc
phải rời bỏ giáo phận và sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và
cầu nguyện, làm bạn với thú rừng.
Một ngày kia, có nhóm
thợ săn đi tìm thú dữ để sử dụng trong đấu trường và tình cờ họ đã thấy hang
động của Thánh Blaise. Từ kinh ngạc cho đến sợ hãi, họ thấy vị giám mục đi lại
giữa đám thú dữ một cách điềm tĩnh để chữa bệnh cho chúng. Nhận ra ngài là giám
mục, họ bắt ngài về để xét xử. Trên đường đi, ngài ra lệnh cho một con sói phải
thả con heo nó đang cắn giữ vì đó là của người đàn bà nghèo. Khi Thánh Blaise
bị giam trong tù và bị bỏ đói, người đàn bà này đã đền ơn ngài bằng cách lẻn
vào tù cung cấp thức ăn cho thánh nhân.
Ngoài ra, truyền
thuyết còn kể rằng, một bà mẹ có đứa con trai bị hóc xương đã chạy đến ngài xin
cứu giúp. Và sau lời truyền của Thánh Blaise, đứa bé đã khạc được chiếc xương
ra khỏi cổ.
Agricolaus, Thủ Hiến
xứ Cappadocia, tìm mọi cách để dụ dỗ Thánh Blaise bỏ đạo mà thờ tà thần. Lần
đầu tiên từ chối, ngài bị đánh đập. Lần kế tiếp, ngài bị treo trên cây và bị
tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể. Sau cùng ngài bị chém đầu.
Suy niệm 1: Sùng
kính
Chúng ta biết nhiều về sự sùng kính của
Kitô Hữu đối với Thánh Blaise hơn là tiểu sử của ngài. Trong Giáo Hội Đông Phương,
ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ lớn.
Trong mọi thời, cảm thức của dân thánh được
diễn đạt bằng những hình thức đa dạng, quy tụ quanh đời sống bí tích của Hội
Thánh, như lòng sùng kính các thánh (Sách Giáo Lý số 1674).
Óc thực tiễn của người dân Kitô có khả năng
nhận định tổng quát về cuộc sống. Do đó, họ có thể hòa hợp một cách sáng tạo
những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì thuộc về con người... Nguồn khôn ngoan
này là một nền nhân bản Kitô giáo khẳng định triệt để phẩm giá con Thiên Chúa
của từng người (Sách Giáo Lý số 1676).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khi thi hành các hình thức đạo đức, phải luôn
tuân theo các chỉ thị của Đấng Bản Quyền.
Suy niệm 2: Chữa
bệnh
Người Đức và người Đông Âu rất kính trọng
thánh nhân, và trong nhiều thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến
với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ họng.
Thánh Blaise được coi là một thí dụ điển
hình về quyền năng của những ai tận hiến cho Đức Kitô. Như Đức Kitô đã nói với
các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, "Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở
lại trong anh em, hãy xin bất cứ gì anh em muốn thì sẽ được ban cho" (Ga
15,7). Với đức tin, chúng ta có thể vâng theo sự dẫn dắt của Giáo Hội để được
sự che chở của Thánh Blaise.
Thánh Phêrô đã chữa lành một người què, chỉ
nhờ nhân danh Đức Giêsu (Cv 3,1-10; 4,10). Thế nhưng trong thực tế, lắm người
đã chẳng xin gì nhân danh Đức Giêsu (Ga 16,24). Quả là một thiếu sót trầm
trọng.
*
"Qua lời cầu bầu của Thánh Blaise, là giám mục và là vị tử đạo, xin Thiên
Chúa chữa con khỏi bệnh tật của cổ họng và khỏi mọi sự dữ. Nhân danh Cha, và
Con, và Thánh Thần" (Kinh cầu Thánh Blaise).
Suy niệm 3: Huyền
thoại
Chúng ta được biết Đức Giám Mục Blaise chịu
tử đạo ngay trong giáo phận của ngài ở Sebastea, Armenia, năm 316. Mãi cho đến
400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài.
Bốn thế kỷ đủ để những điều tưởng tượng xen
lẫn với những dữ kiện có thậThánh Ai dám đoan chắc tiểu sử Thánh Blaise là có
thật? Nhưng chi tiết của một đời người thì không cần thiếThánh
Do đó không nên bới lông tìm vết, càng
không nên vạch áo cho người xem lưng. Tốt hơn, hãy dành quyền xét đoán cho
Thiên Chúa (1Cr 4,4; Gc 4,12). Bằng không, hãy xét đoán ý ngay lành nơi tha
nhân. Sai lầm vì đoán ý ngay còn hơn là sai lầm vì đoán ý gian. Các phán đoán
đại lượng thường là những phán đoán gần sự thật hơn cả.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhìn mọi sự qua lăng kính của đức ái trọn
hảo, vì nếu có vì thế mà đôi khi sai lầm, cũng chẳng sao, vì sự sai lầm đó
không bao giờ gây nên một hậu quả đáng phàn nàn.
Suy niệm 4: Tốt lành
Thánh Blaise là một giám mục tốt lành, làm
việc vất vả để khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể
xác.
Một đặc điểm của Vị Mục Tử tốt lành theo
Đức Giêsu, đó là phải hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 4,11). Thánh
Blaise thật xứng để được tôn vinh là một giám mục tốt lành.
Thánh Blaise chẳng những khuyến khích giáo
dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác, mà nhất là ngài còn bị đánh
đập, bị treo trên cây và bị tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể, và
sau cùng ngài bị chém đầu vì đoàn chiên.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp các vị chủ chăn luôn sống tinh thần hiến tế vì đoàn chiên
theo gương Chúa, để cũng được xứng danh là Vị Mục Tử tốt lành.
Suy niệm 5: Bạn hữu
Thánh Blaise buộc phải rời bỏ giáo phận và
sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và cầu nguyện, làm bạn với thú
rừng.
Vốn là Thiên Chúa, Đức Giêsu đã hạ mình
xuống thế làm người và mặc lấy bản tính người để trở thành người trăm phần trăm
(Pl 2,7) ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15), đến mức làm bạn hữu với người (Lc 12,4;
Ga 15,15).
Theo gương đó, thánh Blaise lại hạ mình làm
bạn với thú rừng. Nhờ chữa bệnh cho chúng, ngài đã gần gũi và thân thiết với
chúng, đến mức ngài ra lệnh cho một con sói phải thả con heo nó đang cắn giữ,
vì đó là của người đàn bà nghèo, và nó đã vâng lệnh.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống
tự hạ chớ kiêu căng, để có thể gần gũi được với mọi hạng người, vốn là bạn và
là anh em với nhau.
Suy niệm 6: Tử
đạo
Agricolaus, Thủ Hiến xứ Cappadocia, tìm mọi
cách để dụ dỗ Thánh Blaise bỏ đạo mà thờ tà thần.
Ngoài phương cách thông thường là tra tấn,
người ta còn sử dụng đến cách thế dụ dỗ, cụ thể là được trả tự do và tha chết,
như trường hợp thánh Phó Tế Vinh Sơn tử đạo mừng ngày 22/1, dưới thời hoàng đế
Đaxianô.
Dưới thời hoàng đế Antiôkhô, vua dụ dỗ
người con trai út trong số 7 anh em của cùng một bà mẹ. Vua hứa làm cho anh
được giàu sang hạnh phúc, nếu anh bỏ tục lệ của tổ tiên. Ngoài ra, vua còn coi
anh là bạn hữu và trao cho anh những chức vụ quan trọng (2Mcb 7,24).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm thà chết chứ đừng sa vào chước dụ dỗ mà
bỏ Chúa, theo gương các vị anh hùng tử đạo.