Lời Chúa cnmc 1b _ Người vào hoang địa

NGƯỜI VÀO HOANG ĐỊA
Hoang địa là những thử thách người ta cần trải qua để nhận biết rõ mình là ai, điều thiện hảo sau cùng của đời người là gì, và đâu là con đường phải đi, là việc phải làm.
Lm. HK
Bá tước Constantin Volney (1757-1820) vốn là một học giả, một văn hào nổi tiếng của Hàn lâm viện văn chương Pháp thời Cách mạng 1789 và thời đế chính của Napoléon. Ông là hiện thân cho phái tự do tư tưởng, vô tín ngưỡng và duy vật cực đoan.
Một ngày kia, trong một cuộc du ngoạn dọc bờ biển Hoa kỳ, chiếc du thuyền ông đi chợt gặp phải một cơn giông tố dữ dội, gần như bị nhận chìm. Các hành khách đều cầu nguyện và phó mình cho Chúa và Đức Mẹ phù hộ che chở. Thế rồi cơn bão cũng qua, mọi sự yên trở lại.
Có một hành khách thuộc giới trí thức trước đó có trông thấy ông Volney mượn của ai đó một xâu chuỗi và lần hạt trong lúc nguy biến. Biết rõ Volney là người vô thần nên ông tiến lại, mỉa mai và châm biếm: “Ông Volney kính mến, nếu được, xin ông cho biết lúc nãy ông cầu nguyện với ai mà sốt sắng thế?”
Ông Volney lúng túng một thoáng, rồi quyết định nói sự thật lòng mình: “Người ta chỉ có thể làm triết gia vô thần trong phòng làm việc, chứ không thể như thế khi gặp cơn giông tố nguy tử như lúc nãy được!”
Làm người, ai cũng luôn phải đối diện với câu hỏi tôi là ai, và một nhu cầu phải xác định chính mình. Nhưng chính trong khi tìm câu trả lời, người ta dễ trở nên vô thần khi muốn tự lập cách tuyệt đối, không chịu tùy thuộc vào bất cứ một quyền lực nào: “Tôi là tôi”.
Đó cũng chính là cám dỗ ma quỉ đã dùng để lừa gạt Ađam và Eva. Một cái biết không đúng về mình mà làm cho ông bà thành trắng tay.
Thế nên, ngay sau khi dân Do thái vượt qua Biển Đỏ, một chọn lựa không thể thay đổi như ơn gọi làm người, Chúa bắt họ phải đi trong hoang địa bốn mươi năm cho họ thấy rõ sự cô đơn và bất lực của con người luôn bị xâu xé với những thế lực u tối trong cuộc chọn lựa sống ơn gọi của mình: “Người làm cho thủ lãnh của dân ra ngu muội, bắt phải lang thang trong sa mạc không lối thoát. Chúng mò mẫm trong tăm tối mịt mù, lảo đảo như người thấm men say” (G 12,24-25);
Cũng trong hoang địa mà họ thấy rõ đâu là cái khát sâu thẳm trong lòng người, như lời cầu nguyện của vua Đavít trong nơi hoang địa: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63,2).
Vì thế, hoang địa là những thử thách người ta cần trải qua để nhận biết rõ mình là ai, điều thiện hảo sau cùng của đời người là gì, và đâu là con đường phải đi, là việc phải làm. Hoang địa là nơi dân Do thái bước vào trong bốn mươi năm, sau khi rẽ qua nước Biển Đỏ, chịu đựng thử thách cho danh hiệu là dân Thiên Chúa; là nơi Đức Kitô ngay lập tức đi vào, sau khi bước lên từ nước sông Gio-đan, chịu cám dỗ để định hình cho sứ mạng Cứu Thế; là những thử thách trong suốt đời mà hết mọi Kitô hữu phải vượt qua, sau khi chịu phép rửa, cho xứng với danh hiệu là con Thiên Chúa: “Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô” (1Pr 3,21).
Đúng thế, phép rửa hướng mỗi người đến những gì đã xảy ra trong cuộc đại hồng thủy thời ông Nô-ê: Vì là tình yêu nên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, cho họ chia sẻ sự sống của Ngài như một lời chúc lành, và muốn họ sống đúng với ơn gọi làm người và làm con Chúa. Nếu không, họ chỉ là những con vật đi bằng hai chân. Không hề muốn kẻ gian ác phải chết, cuộc đại hồng thủy chỉ cho mọi người thấy là để chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của mỗi người trong việc thanh tẩy chính mình, cách triệt để và toàn diện: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed 18,23).
Trong những đoàn quân La mã nổi tiếng ngày xưa, hành vi quyết định để trở thành một chiến binh được gọi là sacramentum, nghĩa là lời thề quân sự. Giáo hội thời sơ khai đã dùng từ đó để chỉ hành vi quyết định để trở nên một chiến binh của Đức Kitô; phép rửa tội, nhất là các lời thề khi lãnh nhận phép rửa tội, được gọi là sacramentum, bí tích.
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, tôi đã thề hứa từ bỏ tội lỗi để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa; từ bỏ những quyến rũ bất chính để khỏi làm nô lệ tội lỗi; và từ bỏ ma quỷ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi.
Hoang địa tôi phải vượt qua để được vào Đất Hứa là cuộc sống mỗi ngày với các thử thách của ơn gọi làm người và làm con Chúa.
Tôi đã giữ các lời thề khi chịu phép rửa tội như thế nào?