DÃ THÚ
Phúc âm của Máccô, thay vì diễn tả những chi
tiết của sự cám dỗ, chỉ nói vắn tắt trong câu: [Chúa Giêsu] “Sống chung với dã
thú.” Dã thú là những con thú nào?
Một ngày nọ, lạc đà con nói chuyện với lạc
đà mẹ như sau, “Mom! Tại sao bàn chân của
mẹ con mình lại có 3 ngón chân to quá vậy?” Lạc đà mẹ trả lời, “Để chúng mình băng qua sa mạc cát mềm mà
không bị lún chứ làm sao!
- Và tại sao chúng mình có bộ lông mi dài lượt
thượt và nặng nề quá vậy?
- Để cát khỏi rơi vào mắt trên những hành
trình dài trong sa mạc đó con!
- Và Mom, tại sao chúng mình lại phải mang những
cái bướu quá bự trên lưng vậy?
Bây giờ thì lạc đà mẹ không còn kiên nhẫn nổi
để trả lời những câu hỏi vớ vẩn của thằng con nữa, nhưng cũng cố trả lời, “Chúng nó giúp chúng mình dự trữ những chất
béo cho những cuộc du hành dài, nhờ đó mà mẹ con mình không cần nước trong một
thời gian rất lâu ở sa mạc!”
“Đúng
vậy, con biết rồi!” lạc đà con nói, “Chúng mình có ngón chân bự để không bị lún dưới cát, lông mi dài để
tránh cát bụi khỏi rơi vào mắt, và những cái bướu trên lưng để chứa nước.
- Vậy thì, Mom! Tại sao chúng ta lại ở đây,
trong cái sở thú của Toronto này?”
Đời sống văn minh hiện đại làm cho chúng ta
có cảm giác giống như con lạc đà trong sở thú. Chúa ban cho ta khối óc để suy
nghĩ, nhưng bây giờ đã có máy computer nghĩ hộ chúng ta rồi! Chúa ban cho ta
con tim để yêu thương tha nhân, nhưng đã có những cơ quan từ thiện làm việc bác
ái rồi! Đôi khi chúng ta cần đi vào trong “sa mạc” để khám phá lại chúng ta thực
sự là ai? Mùa chay mời gọi chúng ta đi vào trong cái cảm nghiệm của loại “sa mạc”
này.
Sa mạc hay hoang địa là nơi sinh trưởng của
dân Thiên Chúa. Dân Do Thái, là những bộ lạc tản mác tha phương đã trốn thoát
khỏi đất Ai cập trở về miền Đất Hứa như một quốc gia dưới quyền lực của Thiên
Chúa. Chính ở trong sa mạc mà họ đã trở thành dân Thiên Chúa với lời giao ước. Trong
dòng lịch sử, khi nào tình yêu và lòng trung thành của họ đối với Thiên Chúa trở
nên lạnh nhạt, thì các tiên tri đề nghị họ trở về sa mạc để khám phá lại cái
căn tính của mình là ai, giúp họ ý thức về ơn gọi và sứ mệnh của mình, làm thức
tỉnh đức tin và củng cố sự liên hệ đã giao ước giữa họ với Thiên Chúa. Những đại
tiên tri như Elijah và Gioan Tẩy giả là những vị tiên tri của sa mạc: họ sống
trong sa mạc, ăn thức ăn sa mạc, và chấp nhận một lối sống đơn sơ và khắc nghiệt
trong sa mạc. Sa mạc là trường đại học nơi Thiên Chúa dạy dỗ dân Ngài.
Lời Chúa hôm nay trích từ Phúc âm của thánh
Máccô. Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, “Thánh
Thần thúc đẩy Ngài vào hoang địa, và Ngài ở đó suốt 40 đêm ngày, chịu Satan cám
dỗ, sống chung với dã thú; và các thiên thần hầu hạ Ngài.” Phúc âm của
Matthêu và Luca diễn tả quỷ dữ cám dỗ và thách thức Chúa Giêsu dùng quyền lực
phục vụ cho nhu cầu riêng tư của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu đã khước từ và nói, “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Chúa của
ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi.” Còn Phúc âm của Máccô,
thay vì diễn tả những chi tiết của sự cám dỗ, chỉ nói vắn tắt trong câu: “Sống chung với dã thú.” Dã thú là những
con thú nào?
Theo các nhà tu đức thì những con dã thú đó
không phải là những con dã thú ở bên ngoài chúng ta, nhưng ở trong lòng ta. Chúng là những con dã thú của bẩy mối tội
đầu như kiêu ngạo, hà tiện, ghen tuông, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, và lười biếng
hay nguội lạnh.
Những quyền lực này đè nặng trên chúng ta
khi chúng ta quyết định làm bất cứ việc gì. Đời người giống như cuộc sống giữa
sa mạc với đầy những “dã thú.” Chúng ta bị vây hãm xung quanh bởi một bên là những
hoàn cảnh khó khăn, còn một bên là những cám dỗ mời gọi. Chúng ta cần sức mạnh
để chống lại những thù nghịch, những gì đang tạo ra cho chúng ta một cảm giác
an bình giả tạo. Hôm nay chúng ta thử đối diện với “những con dã thú” mà chúng
ta thường xuyên phải chiến đấu trong đời sống tâm linh.
1. Sự ngã lòng.
Nếu ví cuộc đời giống như sa mạc, nơi hoang
địa với nhiều dã thú, khó khăn và chông gai, thì chúng ta cảm thấy phải chiến đấu thường xuyên và liên tục. Cuộc
đời chất đầy những gánh nặng và đòi hỏi. Không bao giờ giải quyết hết các chuyện
rắc rối. Lúc nào cũng có vấn đề. Nhưng chúng ta phải lưu ý rằng trong khi Chúa
Giêsu sống với các dã thú thì Thánh Kinh nói rằng “các thiên thần hầu hạ Ngài.”
Nói cách khác, Chúa Giêsu không cô đơn, một
mình. Ngài đã chiến đấu với dã thú bằng sự hiện diện và sức mạnh của Thiên
Chúa. Ngài có sức mạnh, tràn đầy sức mạnh. Sức mạnh của Thiên Chúa hướng dẫn:
“Thánh Thần thúc đẩy Ngài vào hoang địa.” Chính Chúa Thánh Thần và các lực lượng
thiên thần cũng sẽ hướng dẫn và gia tăng sức mạnh cho chúng ta chiến đấu kiên
trì với những khó khăn và cám dỗ trong cuộc đời.
Selma Lagerloeff trong huyền thoại “The Flanme”,
đã kể câu chuyện về chàng hiệp sĩ, sau cuộc chiến thành công vào Thánh Địa, anh
đã làm một lời thề hứa. Anh thắp lên một cây nến lấy từ ngọn lửa thánh tại ngôi
mộ của Chúa Giêsu, và mang nó trở về quê quán của anh ở tỉnh Florence, nước Ý Đại
Lợi mà vẫn còn cháy sáng. Quyết định này đã biến đổi anh trở thành một con người
mới. Nó biến đổi anh từ một người lính hiếu chiến thích đánh nhau trở thành một
con người yêu chuộng hòa bình.
Trên đường trở về nhà chàng hiệp sĩ đã bị bọn
cướp bóc lột, anh đã không rút gươm ra chống cự. Anh đã hứa cho chúng bất cứ những
gì anh có miễn là chúng không dập tắt ngọn nến cháy của anh. Bọn cướp đã tước
đoạt áo giáp, thanh gươm, con ngựa yêu quý và tiền bạc của anh. Chúng chỉ để lại
cho anh một con ngựa già. Sau khi đã trải qua tất cả các kinh nghiệm của sự
nguy khốn, anh đã cưỡi con ngựa già về đến Florence. Để bảo vệ ngọn lửa không bị
tắt bởi những cơn gió trong sa mạc, anh đã phải ngồi quay lưng lại với con ngựa,
và dùng thân mình để che chở cho ngọn lửa.
Khi những tên đểu cáng trong thị xã trông
thấy anh cưỡi ngựa ngược như vậy, chúng nghĩ anh là một tên điên khùng, và ra sức
đùa nghịch để dập tắt ngọn lửa. Nhưng anh đã làm tất cả sức mình để có thể giữ
ngọn lửa cháy sáng. Và sau cùng, anh đã mang nó về đến nhà thờ chính tòa, và
dùng nó để thắp lên tất cả những cây nến trên bàn thờ của nhà thờ chính tòa
Florence. Khi người đốt đèn ở nhà thờ hỏi anh đã phải làm gì để giữ ngọn lửa khỏi
tắt, anh trả lời, “Ngọn lửa nhỏ bé này sẽ đòi hỏi tất cả sự chú tâm của
anh; nó sẽ không cho phép anh nghĩ về bất cứ điều gì khác. Và anh sẽ không có
thể cảm thấy an toàn một giây phút nào cả. Anh phải luôn luôn chiến đấu. Bất kể là ngọn lửa có thể đã bảo vệ anh
tránh khỏi biết bao nhiêu nguy hiểm, anh phải luôn tỉnh thức để
ngăn ngừa ngọn lửa không bị đánh cắp mất khỏi anh”.
2. Sợ hãi
Nỗi sợ hãi lớn nhất cho người bộ hành trong
sa mạc là mất phương hướng, không biết đường đi. Cái nhìn của họ trở nên mờ ảo
. Họ nhìn ánh nắng chói chan trước mắt như là những ao hồ mông mênh ngập nước. Ảo giác làm cho con người trở nên nghi ngờ, mất niềm
tin, và sau cùng dẫn đến hoang mang sợ hãi. Chỉ có đức tin và lòng
trông cậy phó thác mới chiến thắng được sợ hãi. Tin rằng
Thiên Chúa luôn yêu thương ta và muốn điều tốt đẹp nhất cho ta. Tin vào một
Thiên Chúa luôn ở bên ta, đi với ta cho dù gian nguy. Tin rằng quỷ dữ không có
quyền lực gì trên ta, nó chỉ có quyền vì ta ban cho nó mà thôi. Nó không thể bắt
chúng ta làm điều gì được, ngoài sự cám dỗ cho chính chúng ta phạm tội. Chúng
ta có tự do để từ chối, có sức mạnh để chống trả.
“Đừng
sợ!” là sứ điệp nhắc đến trên 300 lần trong Phúc âm. Khi Chúa
Giêsu bước đi trên mặt nước đến với các môn đệ, các ông hoảng sợ, Ngài nói: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Thiên thần
Gabriel đã nói với Đức Maria: “Hỡi Maria,
xin đừng sợ!” Thiên thần cũng đã nói với Giuse: “Đừng sợ đón Maria vợ ông về.” Vào ngày sống lại, Chúa Giêsu cũng
đã hiện ra với các tông đồ và nói: “Sao
anh em lại hoảng sợ… Chính Thầy đây mà!”
3. Sự tiêu cực
Đây chính là thái độ khiến chúng ta không
thể thành công khi làm bất cứ việc gì, hay bất cứ việc gì chúng ta đang làm
cũng sẽ đi sai lệch. Gần đây tôi lắng nghe một cuốn băng cát-sét do một nhà giảng
thuyết nổi tiếng tên là Zig Ziglar. Ziglar nói rằng điều ngăn ngừa chúng ta khỏi
niềm hy vọng và sự tích cực về cuộc đời chính là thái độ của chúng ta. Thái độ tiêu cực có tính cách truyền
nhiễm giống như cơn bệnh nhiễm trùng. Chúng ta càng tiêu cực
bao nhiêu thì tình huống càng trở nên thống khổ và hỗn loạn bấy nhiêu. Thái độ tích cực lúc khởi sự của một
ngày, hay của bất cứ công việc gì sẽ định hình cho tất
cả phần còn lại của trọn cả một ngày hay sự thành công của
công việc sẽ kéo dài về sau.
Mùa chay là thời gian để cảm nghiệm về sa mạc
hay hoang địa. Chúng ta không cần phải có lạc đà đi vào sa mạc, nhưng chúng ta
có thể tạo ra một khoảng không gian hoang địa cho chúng ta ngay giữa những xô bồ
ồn ào của cuộc sống. Hằng ngày chúng ta có thể tìm ra một chỗ, dành ra một chút
thời gian một mình với Thiên Chúa. Nơi yên tĩnh chúng ta sẽ biết mình là ai, biết
những điểm mạnh và điểm yếu, biết “thiên thần” xung quanh cùng “những con dã
thú”, lắng nghe tiếng Chúa gọi và lời cám dỗ của Satan, khám phá lại chúng ta
là ai trước mặt Thiên Chúa.
Sưu tầm