Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ bảy tuần 2 thường niên

THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN
NĂM LẺ
 Dt 9, 2-3. 11-14; Mc 3, 20-21
BÀI ĐỌC: Dt 9, 2-3. 11-14
2 Thưa anh em, một cái lều, cái lều thứ nhất, đã được dựng lên; lều này được gọi là Nơi Thánh, có cây đèn bảy ngọn, có bàn và bánh dâng tiến. 3 Đằng sau bức màn thứ hai, có một cái lều gọi là Nơi Cực Thánh.
11 Nhưng Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. 12 Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. 13 Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, 14 thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.
ĐÁP CA: 46
Đ. Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
 Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và
. (c 6)
2 Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! 3 Vì ĐỨC CHÚA là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.
6 Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo, CHÚA ngự lên, vang dội tiếng tù và. 7 Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa, đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta!
8 Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu, hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ. 9 Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân, Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Cv 16, 14b
Hall-Hall: Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe Lời của Con Chúa. Hall.
TIN MỪNG: Mc 3, 20-21
20 Một hôm, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

SỐNG VÌ CHÂN LÝ PHẢI CHẤP NHẬN “BẢN ÁN” ĐIÊN!
Đức Giêsu đau đớn nhất không phải là những khổ hình giáng trên Ngài trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Vì những khổ hình ấy, dù có gây kinh hoàng, thì cũng chỉ ba ngày sau là hết, rồi Ngài tiến vào vinh quang vĩnh viễn. Nhưng điều làm cho Đức Giêsu đau khổ nhất, và xem ra càng ngày càng gia tăng cho đến tận thế, đó là thái độ khinh dể, coi thường, không muốn đón nhận Chân Lý.
Tin Mừng Marcô ghi lại hoạt động của Đức Giêsu vô cùng vất vả, vì muốn đáp ứng mọi nhu cầu của những người tuốn đến với Ngài, cụ thể như từ chương 1 đến 3 mà Tin Mừng hôm nay dừng lại, thánh sử Marcô đã ghi lại cho chúng ta những việc Đức Giêsu làm:
-             Ngài vào hội đường giảng dạy và trừ thần ô uế xuất khỏi một người, rồi Ngài về nhà mẹ vợ của ông Phêrô, thấy bà bị cảm sốt nặng, Ngài chữa lành bà tức khắc. Từ bấy giờ dân chúng khắp nơi tuốn đến, nào là kẻ bệnh tật, nào là kẻ bị quỷ ám, Ngài chữa lành họ hết thảy, đến tối mịt mà người ta vẫn còn lũ lượt kéo nhau đến (x Mc 1, 21-34).
-             Ngài phải trốn nhu cầu của họ đi cầu nguyện để tiếp tục công việc giảng dạy (x Mc 1, 35t).
-             Gặp người phung hủi kêu xin Ngài chữa lành, Ngài đáp cứu ngay (x Mc 1, 40t).
-             Ngài đến cư ngụ tại một căn nhà ở Capharnaum, trong lúc Ngài giảng dạy, có biết bao nhiêu người tuốn đến xin hết ơn này đến ơn nọ. Hôm đó có bốn người khiêng một người bất toại, không tìm được lối vào nhà để đưa bệnh nhân đến cho Đức Giêsu, họ phải leo lên mái nhà khoét lỗ rồi thả ngay người bất toại xuống trước mặt Ngài, anh được Ngài chữa lành mạnh tức khắc và vác chõng ra về (x Mc 2, 1t).
Biết bao ơn Ngài làm cho mọi người như thế, nên được nhiều người khen, nhưng lại càng gia tăng kẻ ghét, những kẻ căm phẫn với Ngài muốn giết Ngài, làm Ngài phải đi tắt ngang qua thửa ruộng mà trốn (x Mc 2, 23t).
-             Thế rồi Ngài vào hội đường giảng dạy, một người bất toại lại được chữa lành (x Mc 3, 1t).
-             Dân từ nam chí bắc, cả dân ngoại, biết Ngài ở đâu là họ lại tuốn đến xin ơn (x Mc 3, 7t).
-             Ngài phải trở về nhà tìm chỗ nghỉ ngơi, thì dân lại kéo đến đông hơn nữa, Ngài phải ra tiếp mọi người đến nỗi không còn giờ nghỉ ngơi ăn uống. Thế mà những người trong thân tộc của Ngài không lấy làm hãnh diện, họ đến bắt Ngài lôi đi và nói với mọi người: “Ông này mất trí rồi!” (x Mc 3, 21: Tin Mừng).
Nếu người xa lạ hay kẻ thù của Đức Giêsu làm điều đó, Ngài đỡ nhục. Nhưng đây lại là người trong dòng tộc với Ngài, nói Ngài khùng, mất trí, ai mà không tin?!
Phúc Âm thánh Ga 6, 27-66 cũng ghi nhận: Đức Giêsu giảng một bài quan trọng nhất về mầu nhiệm Thánh Thể, thì bị mọi người, kể cả một số môn đệ Đức Giêsu đều chê bai: Lời gì mà sống sượng thế, ai nghe cho nổi! Thế là cả đoàn lũ ấy quay gót bỏ đi!
Nói tóm lại, những điều tốt nơi Đức Giêsu luôn luôn bị trù dập, ít ai muốn tin theo Ngài là Thiên Chúa để được cứu độ. Bởi vì người ta chỉ lo tìm lợi ích cho thân xác, và một khi họ có quyền bính trong tay, thì ai cũng lo bảo vệ quyền bính mình, không muốn người khác chiếm đoạt.
Bài đọc trong Phụng Vụ hôm nay đã minh chứng điều đau lòng trên đây: Vua Saolê cũng chỉ vì sợ Đavid tước mất quyền bính của mình, nên ông dùng mọi mưu mô thủ đoạn để quyết tâm giết Đavid cho bằng được. Bởi thế Đavid phải lẩn tránh. Khi giặc đến nhà, Đavid không dám ra nghênh chiến vì sợ vua. Vua Saolê biết mình không thể chống cự lại quân Philitinh, ông đã tự rút gươm kết liễu cuộc đời! Vua Saolê lo bảo vệ quyền bính của mình, cuối cùng mất cả quyền, cả mạng sống!
Đavid nghe được tin ấy, ông rất đau lòng, òa lên khóc như con nít, không phải vì thương Saolê đã chết mà thôi, mà còn khóc như đền tội mình vì sợ vua giết mà không dám ra nghênh chiến để đem chiến thắng về cho dân tộc và cho vua, khiến vua phải chết nhục! (x 2 Sm 1, 1-27: Bài đọc năm chẵn).
Dầu sao tình yêu của Đavid dành cho vua Saolê cũng minh chứng cho con người công chính của Đavid có một không hai trên đời. Nhưng vẫn còn thua xa Đức Giêsu, Ngài đã nghênh chiến với sự ác, đến nỗi Ngài phải mất mạng cho ta được sống! Thế mà loài người vẫn thờ ơ lãnh đạm trước tình thương của Ngài dành cho, làm Ngài phải bật khóc đến hai lần (x Lc 19, 41; Ga 11, 35), còn Đavid chỉ khóc vua Saolê có một lần.
Đavid khóc vua Saolê chỉ làm nổi bật tình thương của Chúa Giêsu dành cho ta hơn gấp bội, nhưng chắc chắn Đavid không khóc vì vua Saolê có nếp sống nhân ái tuyệt vời nay đã mất, mà trái lại!
Ta cứ nhìn đời phục vụ của Đức Giêsu, Ngài bị giết chết không phải vì các phép lạ Ngài chữa lành bệnh, hay trừ quỷ, mà Ngài chết chỉ vì không đồng lõa, không thỏa hiệp, không toa rập với những người lãnh đạo tôn giáo thiếu gương mẫu. Cụ thể đã tám lần Ngài nặng lời kết án các Ký lục và Biệt phái: “Khốn cho các ngươi, vì các ngươi khóa cửa Nước Trời không muốn cho ai vào; giả bộ đọc kinh để ngốn tài sản bà góa, làm cho người tòng giáo biến thành con cái hỏa ngục gấp đôi các ngươi; thề thốt mà không giữ lời thề; đòi mọi người nộp thuế mà chính mình lại thiếu lòng dạ chính trực; rửa tay, rửa chén đĩa trước khi dùng bữa mà không tẩy rửa tâm hồn; tỏ cử chỉ nhân nghĩa: trang hoàng mộ các vị ngôn sứ, nhưng chính các ngươi đã nhúng tay vào giết các ngôn sứ” (Mt 23, 13-32); trong khi đó Ngài rất nhẹ nhàng sửa lỗi cá nhân về mặt luân lý. Đan cử: Ngài chỉ nhẹ nhàng nói với người: “Ta không xử tội con đâu! Đi đi! Và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 1-11).
Hỏi mấy người trong chúng ta khi biết Bề trên có điều sai lỗi, thì phải cầu nguyện cho các ngài trước, góp ý riêng, không được thì thưa với người có trách nhiệm cao hơn, còn đột xuất ở giữa cộng đoàn, ta thấy Bề trên nói hay làm điều gì trái ý Chúa, ta có can đảm đứng lên ra đi hay không? Âu chỉ vì sợ mà cứ ngồi nán lại để nghe và chứng kiến những điều sai quấy! Trong khi đó ta đã biết Chúa đặt ta làm người lính canh anh em (x Ed 33, 7-9). Khi ta không chu toàn nhiệm vụ lính canh, để cho kẻ thù là tội lỗi đột nhập vào nhà tâm hồn anh em, thì ta phải trả lẽ trước mặt Chúa. Nếu ta cứ sống đức vâng lời gật gù ấu trĩ, nhắm mắt làm ngơ trước điều sai trái của anh em, thì sự dữ càng gia tăng biết mấy!
Ai cũng phải công nhận rằng dân Mỹ đáng cho mọi người phải khâm phục mà học hỏi. Đan cử như toàn dân đã bỏ phiếu bầu chọn ông Bill Clinton làm Tổng thống, nhưng khi người ta biết ông dan díu bất chính với cô Monica Luinki, không ai tha cho ông, người ta tận dụng mọi phương tiện truyền thông để nói lên điều sai trái của ông; hoặc biết bao nhiêu người biểu tình chống đối Tổng thống Obama, lý do ông cho phép lấy quỹ Liên Bang để yểm trợ cho chương trình phá thai! Thế mà có ai kết án dân Mỹ thiếu kính trọng thủ lãnh của mình đâu?!
Vua Saolê xử ác với Đavid, nếu Đavid làm cho mọi người nhận biết lòng độc ác của vua, chắc chắn không ai muốn ủng hộ Saolê để tìm diệt Đavid. Tưởng rằng những người tiếp tay với Saolê để giết Đavid, cũng chỉ vì sợ mất quyền lợi bởi tay Saolê mà thôi!
Đức Giêsu không tìm cách bảo vệ danh dự, uy quyền của mình, chỉ muốn dốc hết tâm lực phục vụ phàm nhân theo ý Cha trên trời, đến nỗi làm cho những người thân tộc không chấp nhận, nên họ liệt Ngài vào loại điên khùng (x Mc 3, 21), nhưng chính “cái điên khùng” của Ngài lại chinh phục được nhiều người, khiến những đầu mục Do Thái sợ mất mối lợi, mất danh dự, nên họ quyết tâm giết Ngài, và khi Ngài bị treo trên thập giá, cả rừng người, trong đó có cả kẻ thụ ơn Ngài cũng đồng thanh kết án: “Đúng thật tên này điên!” Nhưng “sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn thế gian” (1Cr 1, 18-25). Nhất là nhờ sự “điên rồ” của Đức Giêsu nơi thập giá, Ngài trở thành Vị Thượng Tế đích thực và duy nhất, tiến thẳng vào cung thánh Giêrusalem trên trời, chứ không như các tư tế phàm nhân tiến vào cung thánh Giêrusalem trần thế đã bị bãi bỏ:
Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta, nếu máu các con dê, con bò cùng với nước tro của nước bò cái đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế về thân xác theo Luật Môsê, còn thánh hóa được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9, 1-3. 11-14; Bài đọc năm lẻ).
Ngài tiến vào cung thánh “đem theo đám tù nhân (kẻ có tội được tha thứ), Ngài ban ân huệ cho loài người” (Ep 4, 8), là những người biết cất lời cầu: “Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe Lời của Con Chúa” (Cv 16, 14b: Tung Hô Tin Mừng). Để có thể hô lên rằng: “Thiên Chúa ngự, lên rộn rã tiếng hò reo, Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và” (Tv 47/46, 6: ĐC năm lẻ).
Ông Andersen kể chuyện: Một ông vua vô cùng giàu có chẳng thiếu thốn gì, lần kia ông nói với mấy người thợ may:
-             Ta muốn các ngươi may chiếc áo đẹp nhất thế gian không ai có.
Thế là ba anh thợ may bàn tính với nhau:
-             Vua đâu có thiếu kiểu áo nào đâu, bây giờ chúng ta hãy may cho vua một chiếc áo khôn ngoan.
Ít ngày sau vua hỏi mấy anh thợ may:
-             Áo may xong chưa?
-             Dạ thưa ngài đã xong. Nhưng áo khôn ngoan này chỉ có những ai khôn ngoan mới nhìn thấy mà thôi, đứa ngu đần không thể thấy được. Xin vua cởi bỏ hết y phục để mặc thử chiếc áo khôn ngoan này.
Thế rồi ba anh thợ may ngắm nghía vuốt ve chiếc áo vô hình, như lời ba anh thợ may đã nói: chiếc áo này chỉ có người khôn ngoan mới nhìn thấy, còn kẻ ngu thì không thấy gì, nhà vua muốn chứng minh mình là người khôn ngoan, chứ không phải là tên ngu đần, nên nói:
-             Ồ tuyệt đẹp!
Vua quay sang hỏi các quan trong triều đình:
-             Các ngươi có thấy áo khôn ngoan của trẫm đẹp không?
Vì ông nào cũng muốn chứng tỏ mình là người khôn ngoan, ai dại gì nhận mình ngu, nên đều khen:
-             Dạ thưa vua, đẹp tuyệt vời.
Thế rồi những kẻ nịnh thần mời vua ngồi lên kiệu rồng để toàn dân chiêm ngưỡng áo khôn ngoan của vua chưa từng ai có. Nhưng khi kiệu vua ra đường mấy, lũ trẻ chỉ trỏ nhau nói:
-             Ô vua cởi truồng!
Mấy phụ nữ nghe được, nói nhỏ:
-             Im đi! chớ nói kẻo mất mạng đấy!
Nhưng mấy đứa trẻ càng cười khúc khích nói to hơn:
-             Ồ vua cởi truồng thật mà!
Té ra chỉ có mấy đứa bé không có gì để mất mới nói lên sự thật!
Vậy để đón nhận được chân lý và dám liều mạng nói lên sự thật, người Kitô hữu chân chính phải có chút điên khùng (Kierkegaard), như người ta nói về Đức Giêsu: “Ông này mất trí rồi!” Chỉ có những ai tin yêu, nghe và làm theo Lời Đức Giêsu mới cất lời cầu: “Lạy Chúa, xin tỏa ánh Tôn Nhan rạng ngời trên chúng con, để chúng con được ơn cứu độ” (Tv 80/79, 4b: ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Dù nước lũ có dâng lên, dù sóng thần có ập tới, cũng không thể vùi lấp được tình yêu, ai đem hết già tài sự nghiệp đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể! (Dc 8, 7)
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh