Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ ba sau lễ hiển linh


THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
1Ga 4, 7-10; Mc 6, 34-44
BÀI ĐỌC: 1Ga 4, 7-10
7 Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. 8 Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. 9 Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. 10 Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
ĐÁP CA:
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài. (x c 11)
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử, 2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
3 Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ, đồi rước về nền công lý vạn dân. 4ab Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ, ra tay cứu độ kẻ khó nghèo.
7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
8 Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lc 4, 18
Hall-Hall: Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Hall.
TIN MỪNG: Mc 6, 34-44
34 Khi Đức Giê-su thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. 35 Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: "Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. 36 Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.”37 Người đáp: "Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!" Các ông nói với Người: "Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? "38 Người bảo các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem! " Khi biết rồi, các ông thưa: "Có năm chiếc bánh và hai con cá.”39 Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. 40 Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. 41 Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. 42 Ai nấy đều ăn và được no nê. 43 Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. 44 Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.

Quà tẶng là mẶt NỔI CỦA tình yêu
Muôn loài Chúa dựng nên đều tốt đẹp, nhưng không có tạo vật nào đẹp tuyệt vời bằng con người, vì chỉ có con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x st 1, 26-27). con người chỉ thực sự giống Thiên Chúa khi được tái sinh nhờ, bởi, trong Chúa Giêsu, để sống yêu như Ngài, vì Thiên Chúa là tình yêu. Đỉnh cao tình yêu của Thiên Chúa là Chúa Cha hiến tặng Con Một Người cho thế gian, hầu ta được sống nhờ Ngài (x 1Ga 4, 7-10: Bài đọc). Chúa Giêsu muốn ta phải sống và nói được như Ngài: “ai thấy tôi là thấy Cha tôi trên trời” (Ga 14, 9b). Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu của Ngài qua trình thuật hóa bánh. Để nhận ra tình yêu của Chúa Giêsu, ta phải đặt trình thuật này trong bối cảnh lịch sử và trong cơ cấu của Tin Mừng Marcô chương 6:
1-     Đức Giêsu muốn tặng ban ân huệ đầu tiên cho người đồng hương của Ngài qua việc giảng dạy, nhưng họ quyết liệt chống đối Ngài. Điều ấy báo trước Ngài sẽ bị giết vì sứ mệnh ngôn sứ bởi bàn tay “người nhà” của Ngài ( x Mc 6, 1-6).
2-     Đức Giêsu biết trước người ta sẽ giết Ngài giống như Gioan Tẩy Giả chết vì chân lý, nên Ngài cần tuyển chọn 12 môn đệ nối tiếp sứ mệnh cứu độ phàm nhân mà Chúa Cha đã trao phó (x Mc 6, 7-29).
3-     Các môn đệ tích cực lên đường phục vụ giống như Thầy Giêsu: làm rồi mới dạy, đến nỗi không còn giờ nghỉ ngơi ăn uống, Đức Giêsu thương và bảo họ: “Anh em hãy tìm nơi hiu quạnh để nghỉ ngơi đôi chút”, nhưng kế hoạch đó bị bể: dân chúng lũ lượt tuốn đến xin các ngài giúp đỡ nhu cầu của họ. Thế mà Chúa Giêsu không la rầy họ, dù Ngài và các môn đệ đã tận tụy giúp họ suốt ngày mà họ không cho nghỉ ngơi! Thế rồi Ngài giục các môn đệ đi nghỉ còn Ngài ra đón tiếp dân cách ân cần, lên tiếng dạy họ nhiều điều (x Mc 6, 30-34).
4-     Dân chúng ngồi nghe Đức Giêsu giảng dạy lâu giờ, khiến họ đói lả gần xỉu mà Ngài vẫn thao thao!! Các môn đệ lên tiếng thưa Thầy: “chốn này hiu quạnh, giờ lại quá muộn, xin Thầy giải tán để dân vào làng mua gì ăn” (x Mc 6, 34-36).
5-     Đức Giêsu lại bảo các môn đệ: anh em hãy cho họ ăn đi.” Lúc đó các ông chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá, mà trong nhóm 13 Thầy trò các ông cũng đang đói, thế mà họ phải dâng bánh cho Thầy Giêsu, để Ngài ban lại cho dân trên năm ngàn người đàn ông không kể đàn bà con nít, dân chúng ăn no nê lại còn dư 12 thúng (x Mc 6, 37-44)
Qua 5 điểm ghi nhận trên đây, ta nhận ra 5 việc làm của Đức Giêsu diễn tả tình yêu của Ngài:
1’ Đức Giêsu ưu tiên và tha thiết giảng nhiều điều, dù Ngài biết dân đang đói, họ đã bỏ công việc đến với Ngài để nghe Ngài giảng! Dù Ngài biết họ phẫn nộ đòi giết Ngài (x Lc 4, 29), như Hêrôđê đã cắt đầu Gioan Tẩy Giả, hoặc họ chê bai khinh dể lời Ngài giảng, rồi cả đoàn lũ quay gót bỏ đi! (x Ga 6, 60-66).
Rất tiếc ngày nay hầu hết các chủ chăn trong Hội Thánh không còn ai dám can đảm kéo dài giờ giảng để nói NHIỂU ĐIỀU giống Chúa Giêsu, dù làm cho người nghe bực mình, thì làm sao bắt chước được ông Phaolô giảng từ chiều cho đến sáng, khiến cậu Êutykhô ngồi nghe giảng ngủ gật, lộn đầu từ lầu ba xuống đất! Thế mà ông Phaolô không cho ai đứng lên giúp Êutykhô, mà chính ông đến ôm xác cậu đặt nằm dưới bục giảng, rồi tiếp tục giảng cho đến sáng (x Cv 20, 7t). Đây là chuyện Thiên Chúa mạc khải, chứ không phải là ông Phaolô làm theo ý loài người, bởi đó ông nói: “Nếu tôi luôn luôn làm hài lòng người đời, tôi không phải là nô lệ của Đức Kitô” (Gl 1, 10). Còn ngày nay, nhiều Linh mục, kể cả Giám mục chỉ cổ võ giảng 10 hoặc 15 phút là dài rồi, ai mà giảng dài tất yếu bị lên án!? Thì dựa vào chỗ nào trong Sách Thánh để kết án!? Trong khi đó thánh Phaolô rất hãnh diện nói với các tín hữu: “Tôi cam đoan rằng tôi hoàn toàn trong sạch về máu mọi người. Vì tôi đã không e ngại mà giấu giếm đi, để không loan báo cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa” (Cv 20, 26-27).
Dĩ nhiên tất yếu không phải là cứ giảng dài hoặc giảng ngắn là đạt yêu cầu, mà đòi hỏi bài giảng phải có nội dung, dựa vào “các Bài đọc mà Hội Thánh đã chọn đọc trong Phụng Vụ để trình bày các mầu nhiệm Đức Tin và các quy tắc cho đời sống Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ” (x HCPV số 24 và 52). Với tinh thần giảng mà Chúa đã mạc khải cho ông Phaolô: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng, tự ý làm việc đó thì tôi có công, còn nếu ngoài ý tôi thì đó là trách nhiệm Chúa đã ký thác cho tôi” (1Cr 9, 16-17). Nên “tôi có sự thật về Đức Kitô không ai bịt miệng tôi được” (2 Cr 11, 10).
Một giáo dân phê bình Linh mục:
-         Bài giảng của cha ngắn quá!
-         Đúng, vì tôi không thích nói lung tung.
-         Nhưng bài giảng của cha đề cập lung tung nhiều điều ngoài Bài đọc!
Chúa Giêsu và các Tông Đồ đã chết vì lời giảng, mới trở thành tấm bánh hằng sống để nuôi muôn người được sự sống dồi dào! (Ga 10, 10).
2’ Đức Giêsu dạy ta tinh thần phục vụ: Chấp nhận bị quấy rầy, đến nỗi không còn giờ nghỉ ngơi ăn uống. Bởi vì phải đặt nhu cầu của đồng loại trên nhu cầu của mình, đến nỗi phải nhịn đói chấp nhận chết để có bánh chia sẻ cho đồng loại. Vì thế thánh Phaolô đã dạy các tín hữu:
-         Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích của kẻ khác, vì lợi ích của họ và để xây dựng. Thật vậy Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình, trái lại như có lời chép: “lời kẻ thóa mạ Ngài này chính con hứng chịu” (Rm 15, 2-3).
-         “Hãy coi kẻ khác trổi trang hơn mình, mỗi người đừng chỉ dán mắt vào quyền lợi riêng mình, song cả vào quyền lợi người khác nữa” (x Pl 2, 3-4 )
3’ Đức Giêsu vì yêu và tín nhiệm các môn đệ, dù Ngài là Đấng toàn năng có dư quyền phép làm mưa bánh xuống cho dân ăn, nhưng Ngài lại muốn các môn đệ góp của cải cộng tác với Ngài: nhịn đói để nhường bánh cho dân, đây là dấu chỉ các ông còn phải mất mạng sống vì Tin Mừng, vì Thầy. Thậm chí Đức Giêsu và các môn đệ không có bổn phận đóng thuế Đền Thờ, vậy mà Ngài bảo ông Phêrô ra biển câu cá, móc miệng cá lấy hai đồng tiền nộp vào Đền Thờ: phần Thầy và phần con (Mt 17, 24t).
4’ Đức Giêsu vì tha thiết giảng giải, Ngài nói cả những điều họ không ưa thích, đó là lý do Ngài biết trước họ sẽ giết Ngài! Nhưng khi Ngài bị giết, lại trở nên Thần Lương để tha tội và nuôi dưỡng họ được sống dồi dào hạnh phúc như Thiên Chúa, đối với những ai biết sám hối và tin vào Ngài (x Ga 6, 22t).
5’ Đức Giêsu lấy bánh cá nuôi dân là dấu chỉ Ngài sẽ ban lương thực bất tử là Bí Tích Thánh Thể, để ai đón nhận thì được sống đời đời, dù họ có chết, thì ngày cánh chung hồn xác cũng được sống lại vinh quang như Ngài. Nhưng Ngài không muốn độc diễn cử hành tiệc Thánh Thể, mà Ngài muốn môn đệ của Ngài cùng cộng tác, để Ngài và ta trở nên bánh hằng sống nuôi mọi người được sống dồi dào như Thiên Chúa (Ga 6, 57; Ga 10, 10 ). Đó là lý do Ngài truyền lệnh cho các môn đệ: “Chúng con phải cho dân ăn”. Hỏi vị tư tế thời Tân Ước khi dâng Lễ họ lấy gì là bánh của họ để cộng tác với Chúa Giêsu cho mọi người được sống dồi dào, nếu không phải là được cộng tác với Chúa Giêu qua bài giảng trong Thánh Lễ, mà vị tư tế Tân Ước đã vất vả tìm hiểu Lời Chúa, để nói được như thánh Phaolô: “Tôi chịu đau khổ để đền bù vào những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì Thân Mình Ngài là Hội Thánh” (Cl 1, 24), và đem ra thực hành, rồi loan báo cho dân Tin Mừng Cứu Độ, khởi đi từ các bản văn Thánh Kinh mà Hội Thánh đã chọn đọc trong mỗi thánh Lễ. Nếu vị tư tế dâng Lễ mà không cho dân ăn bài giảng của mình, chỉ dùng quyền của Chúa trao qua Hội Thánh, đọc lời Truyền Phép trên bánh rượu, tức khắc bánh rượu được mọi người tin nhận là Chúa Giêsu phục sinh để ban cho dân, thì đó chỉ là Chúa Giêsu “cà thọt”. Vì Chúa Giêsu không chỉ muốn một mình Ngài nuôi dân, mà Ngài còn muốn vị tư tế cùng với Ngài nuôi dân: khởi đi từ lúc Ngài ra lệnh cho các môn đệ: “Hãy cho dân ăn” trong trình thuật hóa bánh. Có thế các ông mới xứng danh là Tông Đồ, vì đã “làm rồi mới dạy” giống Thầy Giêsu (Cv 1, 1 =Mc 6, 30).
Bởi vậy, vị tư tế thời Tân Ước khi dâng Lễ phải chu toàn sứ mệnh ngôn sứ như Hội Thánh đã dạy:
-         Khi cử hành Phụng Vụ, Kinh Thánh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, Hội Thánh đã trích từ Thánh Kinh những Bài đọc để dẫn giải trong bài giảng” (HCPV số 24)
-         Bài giảng phải căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm Đức Tin và các qui tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ. Bài giảng rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ ( HCPV số 52).
-         Bài giảng thuộc phần hoạt động của Phụng Vụ, nên phải có thời giờ thích hợp để giảng giải…Phải hết sức trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng giải đúng với nghi lễ. Tiên vàn bài giảng phải múc lấy từ nguồn Kinh Thánh và Phụng Vụ, vì như thế là rao truyền việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ” ( HCPV số 35 ).
Cụ thể:
-         Theo HCPV số 24: Bài giảng phải liên kết các bài đọc đã được công bố trong thánh lễ để cho giáo dân thấy một sợi dây Giáo Lý xuyên suốt và thống nhất qua các thời đại, đúng với giáo huấn của HCMK số 16 nói: Giá trị Cựu Ước được thể hiện trong Tân ước, giá trị Tân Ước đã tiềm ẩn trong Cựu Ước”.
Bởi vì nếu bài giảng chỉ khai triển một câu Kinh Thánh, hoặc một bài trong các Bài đọc, thì đã là cách cắt xén lời Thiên Chúa, không đúng vời lời Hội Thánh dạy: “Những Bài đọc để dẫn giải trong bài giảng”. Cắt xén lời một người nào, chính là làm xuyên tạc ý người đã nói!
-         Theo HCPV số 52: Bài giảng phải dựa vào Kinh Thánh để giảng giải. Thánh Phaolô rất giỏi về văn hóa, mà ông đã nói về sứ mệnh ngôn sứ của ông: “Tôi giảng chẳng cần lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Lời Chúa và quyền năng Thiên Chúa” (1Cr. 2, 4).
-         Theo HCPV số 35: Không dựa vào các bài đọc Giáo Hội đã chọn trong Phụng Vụ để giảng giải, là không đúng với Nghi lễ!
Đức Giêsu trong đời chỉ có một lần Ngài thịnh nộ: bện dây thừng làm roi, xua đuổi mọi kẻ buôn bán ra khỏi khu sân Đền Thờ, vì Ngài không muốn các tư tế dâng của vật chất lên Thiên Chúa nữa. Nếu họ không dâng lễ theo đúng nghi thức Ngài muốn, thì Ngài lên tiếng trách họ: các ngươi đã biến nhà Cha Ta thành hang trộn cướp” (Mc 11, 27).
Thánh Phaolô vì đã hết lòng chu toàn sứ mệnh ngôn sứ, ông đã bị bắt, án tử đang chờ ông. Giáo dân thấy ông, ai cũng ngậm ngùi thương tiếc, thì ông hướng về họ và nói: “Tôi cam đoan không nhúng tay vào việc đổ máu người nào, vì tôi không thiếu sót trong việc rao giảng Tin Mừng” (Cv 20, 26-27).
Thánh Tông Đồ quả quyết như thế không phải vì ông quên quá khứ: đã có lần ông mù quáng đi bách hại những người Công Giáo ở Đamas (x Cv 9), nhất là ông đã ôm áo và động viên cho nhóm người ném đá Stêphanô chết sớm! (x Cv 7; Cv 8)
Nhưng thánh Phaolô ý thức rằng nếu ông không chu toàn sứ mệnh ngôn sứ đã được Chúa trao phó, là ông chủ ý giết cả hồn lẫn xác người ta và quăng xuống Hỏa ngục!
Vậy từ chủ chăn đến giáo dân biết sống năm điều yêu như Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay, mới xác tín về ơn gọi của mình: “Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha” (Lc 4, 18: Tung Hô Tin Mừng). Có như thế mới nói lên giá trị ý nghĩa năm chiếc bánh Đức Giêsu mượn để nuôi dân, làm mọi người cất lời ca tụng Thiên Chúa: “Triều đại Ngài đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn. Lạy Chúa muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài” (Tv 72/71, 7. 11: Đáp ca ).
THUỘC LÒNG
Đừng ai yêu bằng đầu lưỡi nhưng yêu bằng việc làm thực sự ! (1Ga. 3, 18)
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh