BỤI TRẦN
Với những tâm hồn còn mang nhiều cát bụi của
đam mê và lòng họ đang hướng về những gì họ cho là trên hết thì họ sẽ chẳng bao
giờ thấy và đón nhận các môn đệ [của Chúa Giêsu] vì các ngài không có những gì
con tim của họ đang tìm kiếm.
"Nếu chúng ta có thể hiểu và cảm nhận được những điều cao trọng chứa đựng
trong Bí Tích Thánh Thể thì không có gì có thể làm cho con tim của chúng ta được
thoả mãn hơn. Con người nhỏ mọn của chúng ta sẽ không chạy theo của cải, hoặc
tham vọng danh tiếng, nhưng sẽ rũ bỏ những bụi đất của thế gian, trả lại cho nó
những gì là của nó, và bay bổng về Thiên Đàng.” – Thánh John Vianney
Chuyện kể rằng:
Một ngày nọ, một thầy giáo bước vào lớp và thấy ngay lớp đầy những giấy vụn
và lớp thì rất dơ bẩn. Thay vì tức giận các em học sinh, người thầy tự đi dọn lớp
cho sạch sẽ và sắp xếp mọi thứ ngăn nắp. Sau đó ông bắt đầu dạy cho các học
sinh về tầm quan trọng để giữ gìn cho lớp được sạch sẽ và ngăn nắp. Sạch sẽ là
bước đầu tiên của con người dịu dàng. Sạch sẽ là điều mà mọi người ưa thích, và
chúng ta tìm được niềm vui và thoải mái trong môi trường sạch sẽ. Con người được
tôn trọng nếu chúng ta biết giữ sạch sẽ và biết giữ kỷ luật trong cuộc sống của
mình. Sạch sẽ bảo vệ sức khoẻ vì vậy tất cả chúng ta nên ý thức về tầm quan trọng
của nó và thực hành là điều cần thiết cho mỗi ngày chúng ta sống.
Vị thầy dạy cho các học sinh về quy luật trong lớp và các em đã biết ý thức
hơn và cố gắng giữ cho lớp học của mình được sạch sẽ.
Câu chuyện trên có lẽ rất quen thuộc với chúng ta vì ai cũng muốn sống
trong một môi trường vệ sinh, và ngay từ nhỏ chúng ta đã được nhắc nhở về việc
giữ gìn vệ sinh để bảo toàn sức khoẻ cho bản thân và những người xung quanh. Nhất
là ở những nước văn minh, sự sạch sẽ là điều rất là cần thiết và con người họ hầu
như bị chiếm hữu bởi sự sạch sẽ.
Trong câu chuyện Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng được thuật lại
trong Phúc Âm Luca chương mười, chúng ta cũng nhận ra được Chúa Giêsu dạy cho
các môn đệ của Ngài về sự sạch sẽ.
Sự sạch sẽ ở đây không phải là bên ngoài nhưng là trong tâm hồn. Trước khi đi Ngài dặn dò các ông, khi đến làng nào mà họ đón tiếp các ông
thì ở lại đó với họ, nhưng khi ai đó từ chối các ông thì hãy rời nơi đó và phủi
trả những gì là của họ kể cả bụi đất. Thoạt đầu nghe câu chuyện này, có lẽ
chúng ta cảm thấy hình như lời dặn dò này không mấy tế nhị, nhưng khi nhìn sâu
hơn chúng ta sẽ nhận ra sự khôn ngoan của Thầy Giêsu và những giáo huấn Ngài muốn
truyền đến các môn đệ của Ngài.
Nếu chúng ta nhìn lại bối cảnh của câu chuyện, chúng ta sẽ nhận ra ngay các
môn đệ đến với mọi người với hai bàn tay trắng vì khi ra đi các ông không mang
theo một cái gì, không tiền, không bị, và ngay cả đôi dép cũng không có. Vậy
thì ai là người sẽ đón tiếp các ông? Đó là những ai có tâm hồn trong sạch, họ
biết nhìn và đón nhận các ông với con mắt của con tim trong sạch chứ không phải
với con mắt còn vướng bận danh vọng, của cải, và những quyến rũ của thế gian. Với
những tâm hồn đó, Thầy Giêsu đã dặn các môn đệ ở lại và sự bình an của nước
Thiên Chúa sẽ ở cùng họ. Ngược lại với những tâm hồn còn mang nhiều cát bụi của
đam mê và lòng họ đang hướng về những gì họ cho là trên hết thì họ sẽ chẳng bao giờ thấy và đón nhận các môn đệ vì các ngài không có những gì con tim của họ
đang tìm kiếm. Và với những con người như vậy, Thầy Giêsu đã dặn các ông đừng để
lối sống và cách cư xử của họ làm cho lòng các ông bị giao động, nhưng hãy rời
bỏ tất cả, đừng quay lại, đừng trách móc, và cũng đừng nuối tiếc.
Tương tự, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng vậy, chúng ta cần giữ
vệ sinh để bảo toàn sức khoẻ cho cơ thể mình và những người xung quanh, nhưng
chúng ta cũng cần giữ cho tâm hồn mình được trong sạch khỏi mọi vết nhơ của cuộc
sống. Làm sao chúng ta có thể giữ cho tâm hồn mình được sạch và ai sẽ là người
rửa sạch tâm hồn chúng ta? Để có một tâm hồn sạch, chúng ta phải dành thời gian cho việc cầu nguyện giống như là chúng ta dành thời gian để
làm vệ sinh cho cá nhân cũng như môi trường mình đang ở. Hãy xin ơn để nhìn ra
được những dơ bẩn trong tâm hồn và đón nhận một sự thật mà lắm lúc chúng ta
không muốn đối diện: chúng ta là một cục đất, và cục đất ấy đang muốn được
thánh hoá và gội rửa trong ân sủng của Ngôi Lời Nhập Thể.
Chúng ta dành bao nhiêu thời gian trong ngày để làm vệ sinh, thì cũng hãy
dành bấy nhiêu thời gian hoặc nhiều hơn để cầu nguyện và xin ơn để được thánh
hoá. Thời gian riêng mỗi ngày để cầu nguyện và nhìn lại chính mình là điều cần
thiết, nhưng khi dọn dẹp hay làm vệ sinh, thay vì chỉ làm những việc ấy thôi, chúng
ta có thể vừa làm và vừa thầm thì với Chúa xin Ngài làm cho tâm hồn mình được sạch
sẽ. Chẳng hạn như khi đi tắm, thay vì hát nghêu ngao thì chúng ta có thể lắng đọng
và xin ơn để được Chúa tắm cho tâm hồn mình luôn. Tự chúng ta không thể tắm cho
tâm hồn mình nhưng chính Chúa sẽ gội rửa
tâm hồn chúng ta. Cũng như
tóc không tự nó có thể làm sạch nhưng chúng ta là người chủ sẽ gội cho tóc sạch
như ý chúng ta muốn. Chúng ta sẽ là người quyết định gội tóc giờ nào, cách nào,
và dùng dầu gội gì. Nếu chúng ta là người biết giữ gìn tóc, chúng ta sẽ biết
tóc của mình cần dùng gì và lúc nào cần cắt tỉa. Còn phần tóc, có lẽ nó chẳng
bao giờ kêu ca những gì chúng ta làm cho nó nhưng chỉ biết đón nhận với lòng
tri ân vì nó biết chúng ta là người chủ tốt lành.
Chúng ta hãy xin ơn để tâm hồn chúng ta được gội sạch hầu chúng ta không
nhìn mọi sự với con mắt còn vướng bận những tham vọng, danh tiếng, vật chất, và
quyến rũ, nhưng với con mắt của một tâm hồn trong sạch. Vì chỉ khi đó chúng ta
mới nhìn mọi sự như Chúa muốn chúng ta nhìn. Đồng thời, chúng ta cũng xin Chúa cho
chúng ta biết đón nhận con người bất toàn của mình và mong mỏi được ơn thánh
hoá. Xin cho chúng ta biết và tin rằng Chúa là người chủ tốt lành và Ngài sẽ gội
và cắt tỉa cho chúng ta được sạch bằng cách tốt nhất cho chúng ta vì Ngài là
Chúa và là Thầy của chúng