CÁC ANH TÌM GÌ THẾ?
Sống niềm tin vào Đức Kitô không nhất thiết
là thông hiểu giáo lý, mà cốt yếu ở tại biết mình tìm điều gì, và phải làm gì.
Nước Tống
có người được hòn ngọc, đem biếu quan Tư thành là Tử Hãn. Tử Hãn không nhận, người
biếu ngọc thưa rằng:
- Ngọc này tôi
đã cho thợ ngọc xem, quả là một thứ ngọc rất báu nên mới dám dâng quan lớn. Xin
quan lớn nhận cho tôi vui lòng.
- Ngươi cho ngọc
là của báu, ta cho tính không tham là của báu. Ngươi đem ngọc cho ta, nếu ta nhận
thì hai bên cùng mất cả của báu. Âu là ngươi cứ đem về. Ai giữ lấy vật báu của
người ấy, như thế vật báu của hai người còn cả. Thế chẳng hơn ư?
Người biếu
ngọc cúi đầu thưa:
- Chúng tôi là
thường dân mà lại có ngọc quí này, chỉ sợ bị trộm cướp mà có khi hại đến thân.
Tử Hãn thấy
thế, lưu người ấy lại, gọi thợ ngọc đến giũa ngọc, bán được tiền rồi, bèn đưa
cho người ấy để làm giàu.
Sống niềm
tin vào Đức Kitô không nhất thiết là thông hiểu giáo lý, mà cốt yếu ở tại biết
mình tìm điều gì, và phải làm gì. Tin theo Đức Kitô, do đó, không chỉ đơn giản
là lời tuyên xưng niềm tin ngoài miệng mà đòi phải thay đổi cả cuộc sống. Các
môn đệ đầu tiên của Đức Kitô là những kiểu mẫu cho hành trình tin theo Đức Kitô:
Khi đến với Gioan Tẩy giả, họ tỏ ra khao khát tìm một lẽ sống; khi Đức Giêsu được
giới thiệu với họ, họ “liền đi theo Đức
Giêsu.” Điều kiện đầu tiên của đức tin, do đó, là một
tâm hồn sẵn sàng, như
Sa-mu-en dù đang lúc ngủ say mà nghe Chúa gọi liền thưa: “Dạ, con đây” và chạy ngay để tìm biết Chúa muốn gì.
Mối tương
quan giữa Thiên Chúa và con người được bắt đầu từ Thiên Chúa. Chính Chúa đã gọi Sa-mu-en, chính Đức
Kitô đã hỏi các môn đệ: “Các anh tìm gì
thế?”; và khi họ tỏ ra muốn tìm kiếm Chúa: “Thầy ở đâu?”, Chúa đã mời gọi họ bước vào cuộc sống của Ngài và để
Ngài bước vào cuộc sống của họ: “Đến mà
xem.” Đó cũng là câu hỏi và lời mời gọi Chúa đặt ra để hết những ai muốn
theo Ngài phải biết rõ đâu là điều phải ước muốn, và đâu là việc phải làm khi
tin theo Đức Kitô.
Cuộc đàm
thoại ngắn ngủi giữa Đức Kitô và các môn đệ trong ngày đầu tiên đó cũng đã đưa
ra những nét đề cương cho bản “hiến pháp” của những ai theo Đức Kitô: Điều
chính yếu mà họ tìm kiếm là chính Chúa, và lề luật của họ là sống như Chúa đã sống.
Nhưng, như
triết gia Fr. Nietzsche có nói: “Nhiều người
cố chấp theo đuổi con đường mà họ chọn, chỉ có một ít là theo đuổi mục đích”,
người ta dễ bị cám dỗ nhiệt tình với việc tông đồ bên ngoài mà tâm hồn lại ở xa
Chúa, như Sa-mu-en lúc đầu không biết đã chạy đến ông Hê-li; lại dễ bị đánh lừa
bởi nhãn hiệu, như thánh Phaolô cảnh báo một số tín hữu Cô-rin-tô đang tự lừa gạt
chính mình, nghĩ rằng họ được Đức Kitô giải thoát và ban sự tự do, không còn chịu
lệ thuộc vào lề luật nữa: “Tôi được phép
làm mọi sự”; nhưng không phải mọi sự đều có ích. “Tôi được phép làm mọi sự";
nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi” (1Cr 6,12).
Chiều
theo xác thịt là trở nên nô lệ: “Như người
đói mơ thấy mình đang ăn, khi tỉnh dậy thấy dạ dày trống rỗng; hoặc như một người
khát nằm mơ thấy mình đang uống, khi tỉnh dậy thấy mình mệt lử, họng khát khô”
(Is 29,8); với những ai tin và sống niềm tin vào Đức Kitô, người ấy có được sự
tự do của con cái Thiên Chúa. Niềm tin của tâm hồn làm cho họ nên chi thể của
chính Đức Kitô. Người Kitô hữu được vững vàng trong tự do, nhưng đó là tự do
trong Đức Kitô: Họ chẳng bao giờ để mình chiều theo những đòi hỏi của thân xác,
vì tự do của họ là tự do sống như Chúa sống.
Thầy
Rabbi Samlai thuyết giảng: Sáu trăm mười ba điều luật đã được ban cho Mô-sê (…)
Rồi Đa-vít rút gọn lại còn mười một điều. Sau đó đến tiên tri Isaia rút lại còn
sáu điều. Rồi đến tiên tri Mica rút lại chỉ còn ba. Một lần nữa tiên tri Isaia
lại rút chúng lại thành hai điều, là sống chính trực và công minh, như đã được
viết: “Đức Chúa được suy tôn, vì Người ngự
trên chốn cao vời. Người làm cho Xi-on được đầy chính trực công minh” (Is
33,5). Và cuối cùng là đến tiên tri Amốt rút lại chỉ còn một điều, là “Hãy tìm Ta thì các ngươi sẽ được sống”
(Am 5,4).
Thiên
Chúa là điều tôi cần và phải tìm suốt đời. Thành bại đời tôi là ở đó, nhưng có
nhiều lúc tôi phải tự hỏi lại mình: “Tôi
tìm gì thế?”