THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT
2 – MÙA VỌNG
BÀI ĐỌC: Is 40, 25-31
25 Các ngươi so sánh Ta
với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? 26 Hãy đưa mắt lên cao mà
nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú, Người
gọi đích danh từng ngôi một, khiến không thiếu vắng một ngôi nào. 27
Hỡi Gia-cóp, sao ngươi nói, hỡi Ít-ra-en, sao ngươi bảo:"Đường tôi đi, Đức
Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?” 28
Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao? Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng
sáng tạo toàn cõi đất. Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của
Người khôn dò thấu. 29 Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt
lực, Người làm cho nên cường tráng. 30 Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc
nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo. 31 Nhưng những người cậy
trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy
hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân.
ĐÁP CA: Tv 102
Đ. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi. (c
1a)
1 Chúc tụng Chúa đi, hồn
tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! 2 Chúc tụng Chúa
đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
3 Chúa tha cho ngươi
muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. 4 Cứu ngươi
khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
8 Chúa là Đấng từ bi
nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, 10 Người không cứ tội
ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm
TUNG HÔ TIN MỪNG:
Hall-Hall: Kìa Chúa đến cứu độ dân
Người; phúc thay ai sẵn sàng nghênh đón Chúa. Hall.
TIN MỪNG: Mt 11, 28-30
28 Khi ấy, Đức Giê-su
cất tiếng nói: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến
cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách
của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn
anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi
nhẹ nhàng.”
VÁC THÁNH GIÁ VỚI
CHÚA GIÊSU KHÔNG NẶNG NỀ
Đức Giêsu
đã ví mầu nhiệm Nước Thiên Chúa như một nông dân đi gieo giống (x Mt 13, 4-17),
thì người ấy phải có cánh đồng, đi vỡ đất rồi mới gieo hạt.
Thánh
Phaolô nói: “Người Kitô hữu là cánh đồng
của Thiên Chúa” (1Cr 3, 9). Các Tông Đồ đi gieo hạt Lời Chúa, thì phải vỡ
đất trước, làm cho đất thêm mầu mỡ, rồi mới gieo giống. Muốn thế, người Tông Đồ
ý thức mình như con trâu đi cày, phải mang một ách vào cổ để buộc chiếc cày vào
phía sau. Đức Giêsu nói: “Ai thụ giáo với
tôi, thì mang lấy ách của tôi, ách của tôi thì êm ái, gánh tôi lại nhẹ nhàng!”
(x Mt 11, 29: Tin Mừng).
Đối với
thân phận con người yếu hèn, thì Luật của Chúa lại càng cảm thấy nặng nề, nó như
một ách quàng vào cổ. Tuy nhiên, ai được thụ giáo với Đức Giêsu thì, ách ấy lại
trở nên êm ái và nhẹ nhàng:
1/ NHẸ
NHÀNG VÌ SỐ LUẬT.
Đệ Nhất
Luật Chúa ban cho ông Môsê chỉ có 10 điều, nhưng ông Môsê lại cắt nghĩa rất chi
tiết cho dân thi hành, gọi là Đệ Nhị Luật, gồm 613 điều. Trong đó có 365 điều
xấu, Luật cấm không được làm, số này tương đương với số ngày trong năm, nghĩa
là Luật nhắc nhở: Mọi ngày trong đời người không khi nào được làm điều xấu; còn
lại 248 điều tốt Luật dạy phải làm, mang dấu chỉ: ai không làm điều tốt, người
ấy không đứng vững trước mặt Thiên Chúa. Vì thời xưa người ta cho số 248 là
tổng số các xương làm nên cơ thể một con người. Nhớ được nội dung 613 Luật đã
là khó, và đem ra thực hành lại còn khó hơn nữa. Nhưng Đức Giêsu là ông Môsê
mới, Ngài đơn giản Lề Luật của Thiên Chúa bằng Giới Răn duy nhất là: “Mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết
trí khôn và yêu đồng loại như chính mình” (Mc 12, 30-31).
2/ NHẸ
NHÀNG VÌ CHÚA LÀM TRƯỚC DẠY SAU
Những
kinh sư dạy Luật Chúa cho dân, họ nói mà không làm, tạo nên nặng nề đối với
người nghe (x Lc 11, 46); nhưng đối với Đức Giêsu, “Ngài làm rồi mới dạy” (Cv
1, 1). Quả thật, một người ra lệnh cho người khác làm mà người ấy làm trước, thì
người nhận lệnh mới mau mắn làm theo cách nhẹ nhàng. Ở trận địa, vị chỉ huy
không thể ngồi dưới hố cá nhân mà hô lớn: “Xung phong”. Nhưng nếu vị chỉ huy đó
muốn cho lính hăng hái xông vào trận chiến đấu đến liều mạng, thì vị đó phải
nhảy lên khỏi hố cá nhân, vừa hô xung phong vừa tiến lên, thì chắc chắn lính
của ông sẽ cùng liều mạng lao mình vào cuộc chiến.
3/ NHẸ
NHÀNG VÌ ĐƯỢC CHÚA NÂNG ĐỠ SỰ YẾU ĐUỐI CỦA THÂN PHẬN CON NGƯỜI.
a- Yếu đuối về phương diện luân lý đạo đức: Đến như thánh Tông Đồ là cột
trụ của Hội Thánh còn bất lực trước Lề Luật đòi hỏi, ông nói: “Chẳng có gì tốt cư ngụ trong tôi, điều lành
tôi muốn tôi không làm, còn điều dữ tôi không muốn tôi lại cứ làm” (Rm 7, 18-19);
Thế nhưng, ai biết thân phận mình bất lực và yếu đuối như vậy thì, hãy chạy đến
với Chúa Giêsu mà kêu cầu Ngài như ông Phaolô: “Con đã van xin Chúa ba lần đừng để Satan vả vào mặt con”. Chúa đáp
lại ngay: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì quyền năng chỉ trở nên hoàn hảo trong sự yếu
đuối” (x 2Cr 12, 7-10). Bởi đó ông Phaolô cảm thấy nhẹ nhõm và được
bình an trong tâm hồn, vì ông tin tưởng rằng sự yếu đuối của ông là cách thế
Chúa biểu lộ quyền năng phi thường của Ngài.
b- Yếu đuối về mặt thể xác: Ai cũng mang mầm
bệnh và, khi đã đến tuổi trưởng thành, đứng trước bổn phận mà khám phá ra bệnh
tật của mình, nhất là phải đương đầu với nhiều quyền lực đối kháng, chưa kể đến
những áp lực tinh thần thì, rất chán nản. Khi ấy chỉ còn nhìn lên Thiên Chúa, trông
cậy nơi Người giúp ta, chắc chắn còn hơn cha mẹ trần thế. Vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8) và
Người là Đấng Toàn Năng, thì “đối với
Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37), vì thế Chúa đã
dùng miệng ngôn sứ Isaia nói: “Ngươi so
sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó” (Is 40, 25: Bài đọc), nhất là
phải biết rằng trên trần thế không ai thương giúp ta bằng Thiên Chúa, như Ngài đã
nói: “Ta điều khiển cả vũ trụ này, Ta
biết tên từng ngôi sao, và điều khiển chúng di chuyển theo ý Ta” (Is 40, 26-27:
Bài đọc). Như thế, Chúa điều khiển được cả vũ trụ, Người muốn sao nên vậy, thì con
người của ta chỉ là hạt cát trong vũ trụ, nên những khó khăn trong đời ta đối
với Người nào có nghĩa lý gì. Chính vì thế mà thánh Phêrô động viên các tín hữu:
“Mọi lo âu anh em hãy trút cả cho Chúa, vì
Ngài chăm sóc anh em” (1Pr 5, 7). Nên ai có Chúa ở cùng, người đó nói được như
thánh Tông Đồ: “Tôi có sức chịu đựng mọi
sự trong Chúa Giêsu, Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4, 13)
4/ NHẸ
NHÀNG VÌ CHỈ NHỜ CHÚA GIÊSU, NGÀI LÀM CHỦ LỀ LUẬT, CÓ QUYỀN BIẾN ÁN PHẠT DO LỀ
LUẬT RA PHÚC LÀNH.
Thánh
Phaolô nói: “Thánh Kinh giam chúng ta
trong tội” (Gl 3, 22). Thánh Kinh là Luật trọn hảo nhất Thiên Chúa ban cho
con người. Người ta muốn thành công trong cuộc sống, ai cũng phải tuân thủ
nhiều thứ Luật: Luật cá nhân như thời khóa biểu làm việc mỗi ngày, Luật gia
đình, Luật xã hội, Luật tôn giáo. Luật nào cũng nhằm hai mục đích: Cấm làm điều
xấu và dạy làm điều tốt. Trong thực tế không ai có thể nói được: mọi điều xấu
Luật cấm, tôi tránh hết, và mọi điều tốt Luật dạy, tôi chu toàn! Mà người không
có Luật hướng dẫn, họ như ngựa bất kham, nhưng muốn giữ Luật để trở nên con
người hoàn hảo, lại thấy mình đi vào ngõ cụt. Đó là lý do ông Phaolô nói: “Thánh Kinh (Luật) giam chúng ta trong tội”.
Ai đã cảm nghiệm điều này, muốn vươn mình lên, thì chính Lề Luật lại kích thích
chúng ta như một quản giáo dẫn ta đến gặp Chúa Giêsu, để chỉ nhờ Ngài, với Ngài
và trong Ngài, chúng ta được trở nên người công chính trong lòng tin (x Gl 2, 16;
3, 24).
Sở dĩ
Chúa Giêsu không bất lực trước Lề Luật vì chính Thần tính của Ngài là sức mạnh
lướt thắng nhân tính yếu đuối. Ngài là Thiên Chúa có quyền ra Lề Luật, làm chủ
Luật, điều khiển Luật, nên Ngài không lệ thuộc vào bất cứ Luật nào. Cụ thể:
-
Ai được sinh ra đều phải dựa vào Luật trống mái, nhưng Đức Giêsu
chỉ nhờ Mẹ Maria sinh Ngài vào đời, mà Ngài trở thành người hoàn hảo không ai
sánh bằng (x Lc 1, 26t; Is 40, 25: Bài đọc).
-
Luật Thánh buộc phải kiêng việc ngày thứ bảy để tôn kính Thiên
Chúa, thế mà cả bốn Tin Mừng đã ghi bảy lần Đức Giêsu thương cứu giúp con người
vào ngày thứ bảy mà vẫn được Chúa Cha ủng hộ:
·
Chữa lành cho người có tay bại (x Mt 12, 9);
·
Chúa trừ quỷ (x Lc 4, 31-37);
·
Chúa cho bà còng lưng đứng thẳng (x Lc 13, 10);
·
Ngài chữa lành người bị bệnh thủy thũng (x Lc 14, 1t);
·
Ngài chữa lành người bất toại đã 38 năm nằm bên bờ hồ có năm dãy
hành lang (x Ga 5, 1t);
·
Chúa hóa bánh nuôi dân ăn (x Ga 6, 4);
·
Chúa chữa lành cho người mù từ thuở mới sinh (x Ga 9, 16).
Bảy lần
Đức Giêsu ra tay cứu người vào ngày thứ bảy làm cho chúng ta nhớ đến tuần Thiên
Chúa tạo dựng vạn vật trong vũ trụ (x St 1), khiến mọi người ai cũng tấm tắc
khen ngợi: “Mọi việc Ngài làm đều hoàn
hảo” (Mc 7, 3).
-
Trong ngành Y, ai chữa bệnh cũng cần phải tôn trọng Luật giữ vệ
sinh, thế mà Đức Giêsu chữa lành cho người mù từ thuở mới sinh, Ngài nhổ nước
miếng xuống đất trộn thành bùn, rồi bôi vào mắt người mù và bảo đi rửa ở suối
Silôê, thì được sáng mắt (x Ga 9).
-
Người ta đem Luật Đạo và Luật đời, hoặc Luật xã hội để gài bẫy
Đức Giêsu, như họ đặt câu hỏi: “Có nên
ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình không?” Hoặc “có nên nộp thuế cho hoàng đế Cêsarê không?”
Thế nhưng Ngài trả lời rất thuận lý làm đối phương bẽ mặt. (x Ga 8; Mc 12, 13-17).
-
Đặc biệt nhất, không ai thắng được thần chết, nhưng Đức Giêsu đã
ba lần cho người ta chứng kiến Ngài có quyền làm người chết sống lại:
·
Phục sinh con gái vị đầu mục vừa mới chết (x Mt 7, 18-26).
·
Cho con trai bà góa thành Naim đã chết một ngày được sống lại (x
Lc 7, 11-17)
·
Ladarô đã an táng trong mồ bốn ngày, nhưng khi nghe tiếng Ngài
gọi, anh mau mắn bước ra khỏi mồ (x Ga 11).
Vì những
lý do trên, nên ai đến với Đức Giêsu trong niềm tin, cậy, mến để được kết hợp
với Ngài, thì cho dù họ có chết vì tội đã phạm, Thánh Thần cũng làm cho họ trở
nên công chính, và án phạt không có nữa cho những ai ở trong Đức Kitô Giêsu (x
Gl 3, 24; Rm 8, 10; 8, 1).
Rõ ràng ai
được kết hợp với Chúa Giêsu, thì được: “Chúa
ban sức mạnh cho người mệt mỏi, vì trẻ trung còn nghiêng ngửa bổ nhào, nhưng ai
trông cậy nơi Chúa, họ có sức mạnh luôn luôn đổi mới, để tung cánh như phượng
hoàng, họ đi mà không biết mỏi, chạy mà không biết mệt!” (Is 40, 29-31: Bài
đọc). Đúng là ai được ở trong Chúa Giêsu,
“Luật của Thiên Chúa chẳng có nặng nề,
không vượt quá sức họ” (x 1Ga 5, 3; Dnl 30, 9-11).
Đọc Tin
Mừng Nhất Lãm, ba tác giả Mátthêu, Marcô, Luca, không cho ai thấy Đức Giêsu vác
thập giá, mà là ông Simon người ngoại giáo thành Kyrênê (x Mt 27, 32; Mc 15, 21;
Lc 23, 26). Chỉ riêng Tin Mừng Gioan cho ta thấy Đức Giêsu vác thập giá (x Ga
19, 17).
Tại sao lại có sự khác biệt này?
Thưa:
·
Tác giả Tin Mừng Nhất Lãm muốn nhấn mạnh người không có Chúa, như ông Simon thành Kyrênê
dân ngoại, thì cuộc đời họ là một khổ
giá; trái lại, Đức Giêsu là người Do Thái và còn là Thiên Chúa thì, không
có gì là khổ giá, vì Ngài là Đấng Toàn Năng. Do đó ai có Chúa ở cùng, thì được
Ngài nâng đỡ bổ sức cho.
·
Sở dĩ ông Gioan nói Đức Giêsu vác thập giá, vì ngay khi mở đầu Tin
Mừng, ông đã giới thiệu Đức Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa đến gánh tội trần
gian (x Ga 1, 29). Do đó, thập giá trên vai Ngài không phải là khổ giá giống như ông Simon thành Kyrênê
đã vác, mà đó là Thánh Giá cứu chuộc
loài người.
Vậy thế nên
chỉ có người Công Giáo khi dự Lễ cách trọn vẹn (nghe Lời và rước Lễ), tâm hồn
họ mới được phấn khởi hân hoan cất lời tạ ơn: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi” (Tv 103/102, 1: Đáp ca).”Vì Chúa đến cứu độ dân Ngài, phúc thay ai
sẵn sàng ra nghênh đón Chúa” (Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Chúa ban sức mạnh cho người mệt mỏi, vì trẻ trung còn nghiêng
ngửa bổ nhào, nhưng ai trông cậy nơi Chúa, họ có sức mạnh luôn luôn đổi mới, để
tung cánh như phượng hoàng, họ đi mà không biết mỏi, chạy mà không biết mệt! (Is 40, 29-31).
Lm GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH