THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT
2 – MÙA VỌNG
BÀI ĐỌC: Hc 48, 1-4. 9-11
1 Ngày ấy ngôn sứ
Ê-li-a xuất hiện, ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa
đuốc cháy bừng bừng. 2 Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân, và
do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt. 3 Ông dùng lời
Thiên Chúa mà đóng cửa trời, và ba lần cũng cho lửa đổ xuống. 4 Thưa
ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng, ông thật là vinh quang hiển hách!Ai có
thể tự hào được nên giống như ông? 9 Ông đã được cất lên giữa đám
lửa xoáy như cơn lốc, trên chiếc xe do ngựa đỏ như lửa kéo đi. 10
Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông đã được nêu danh, để làm nguôi
cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông
trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Gia-cóp. 11 Phúc cho ai
được nhìn thấy ông, và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa, vì cả
chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống.
ĐÁP CA: Tv 79
Đ. Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin
tỏa ánh Tôn Nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ. (c 4)
2ac Lạy Mục Tử nhà
Ít-ra-en, Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá, 3b Xin khơi dậy uy
dũng của Ngài, đến cùng chúng con và thương cứu độ.
15 Lạy Chúa Tể càn khôn,
xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, 16
bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh.
18 Xin giơ tay bênh vực
Đấng đang ngồi bên hữu là con người được Chúa ban sức mạnh. 19 Chúng
con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con
xưng tụng danh Ngài.
TUNG HÔ TIN MỪNG:Lc 3, 4. 6
Hall-Hall: Hãy dọn sẵn con đường cho
Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ
của Thiên Chúa. Hall.
TIN MỪNG: Mt 17, 10-13
10 Đang khi Thầy trò từ
trên xuống, các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng: "Vậy sao các kinh sư lại nói
Ê-li-a phải đến trước? "11 Người đáp: "Ông Ê-li-a phải đến
để chỉnh đốn mọi sự. 12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a
đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người
cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế. "13 Bấy giờ các môn đệ hiểu
Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.
NGƯỜI KITÔ HỮU
PHẢI DIỄN TẢ DUNG
NHAN CHÚA GIÊSU
Trong các
ngôn sứ không có vị nào tỏ ra sốt sắng và nhiệt thành với sứ mệnh bằng ông Êlya,
bởi đó tác giả sách Huấn ca nói: “Ngày ấy
ngôn sứ Êlya xuất hiện, ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông
tựa đuốc cháy bừng bừng. Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân, và do lòng
nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa
trời” (Hc 48, 1-3: Bài đọc), và ba lần cho lửa trút xuống thiêu rụi kẻ nào
dám rượt bắt ông (x. 2V 1, 9t). Ông
Êlya là ngôn sứ đặc biệt, người Do Thái tin ông không phải chết, vì “ông được cất lên giữa đám lửa (Chúa hiện
diện) xoáy như cơn lốc, trên chiếc xe do
ngựa đỏ như lửa kéo đi. Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông được
nêu danh, để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên”
(Hc 48, 9-10a: Bài đọc). Vì thế mà mọi người Do Thái ngóng đợi vào thời Thiên
Chúa ra tay cứu họ thoát nỗi thống khổ, cụ thể: “Chúa đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc
Giacob” (Hc 48, 10b: Bài đọc). Chính lúc ấy Chúa cho ông Êlya tái xuất hiện
trên trần gian, để báo cho dân biết đón nhận Đấng Mêsia họ hằng mong đợi. Vì
thế mà khi ba môn đệ Đức Giêsu là ông Phêrô, ông Giacôbê và ông Gioan nhìn thấy
ông Êlya xuất hiện trên núi Hiển Dung với Thầy Giêsu, các ông hỏi: “Sao các kinh sư nói rằng ông Êlya phải đến
trước” (x. Mt 17, 10: Tin Mừng), Đức Giêsu trả lời ngay: “Ông Êlya phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng
Thầy nói cho anh em biết: ông Êlya đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử
với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế. "
Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả. ” (Mt 17, 11-13:
Tin Mừng). Sở dĩ Đức Giêsu nói về ông Êlya chính là ông Gioan Bt, vì hai ông
này có nhiều điểm tương đồng:
a-
Ông Êlya mặc áo da lông, đóng khố da (x. 2V 1, 8); tương tự ông
Gioan Bt mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da (x. Mc 1, 6a).
b-
Ông Êlya ăn bánh, thịt do quạ công đến, uống nước khe suối (x. 1V
17, 6); tương tự ông Gioan Bt ăn châu chấu và mật ong dại (x. Mc 1, 6b).
c-
Ông Êlya ngăn cản vua Akhab không được cướp vườn nho của ông Nabót
(x. 1V 21); tương tự ông Gioan Bt cản vua Hêrôđê không được cướp vợ anh mình (x.
Mc 6, 17t).
d-
Tinh thần ông Êlya nóng
bỏng như lửa, ông đã xin lửa trời thiêu sống đối phương (x. 2V 1, 10-12); tương
tự ông Gioan rất sốt sắng, nhiệt tình, ông đòi người ta phải làm lành tức khắc,
kẻ nào không làm lành nó như cây không trái, như trấu lép, cái rìu đã để sẵn
gốc, và cái lia cầm sẵn trong tay, cây không trái, trấu lép bị tung vào lửa (x.
Mt 3, 10-12).
Như thế, ai
thấy cách sống Đạo của ông Gioan Bt là thấy ông Êlya thể hiện uy quyền ngôn sứ,
đến nỗi vua Hêrôđê tưởng Đức Giêsu cũng là ông Gioan Bt mà ông đã chặt đầu nay hồi
sinh (x. Mt 14, 1). Nói tóm lại, vị đến sau, làm cho đồng loại nhận ra vị đã
khuất, Đức Giêsu nói: Nhìn ông Gioan Bt người ta nhận ra ông Êlya (x. Mt 17, 11-13);
nhìn Đức Giêsu, vua Hêrôđê lại hiểu về ông Gioan đã khuất; nhìn ông Phaolô, người
ta nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh đã về trời (x. 1Cr 11, 1). Điều này cho chúng
ta xác tín rằng:
Ai muốn
được Chúa bốc về trời giống ông Êlya (x. Hc 48, 9: Bài đọc), thì đời sống người
ấy phải làm cho đồng loại nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện trong cuộc đời của
mình. Nói cách khác, ai muốn vào Thiên Đàng, phải biết làm cho đồng loại chuẩn
bị tâm hồn đón Chúa Giêsu qua cách ăn nết ở của mình, để nói được như thánh
Phaolô: “Anh em hãy bắt chước tôi, như
tôi bắt chước Chúa Giêsu” (1Cr 11, 1: Bản dịch của CGKPV), cũng như đi con
đường Đức Giêsu đã đi (x. 1Ga 2, 6). Bởi thế, mọi sinh hoạt đời ta chỉ nhằm mục
đích được nên giống Chúa Giêsu, làm cho mọi người nhận biết Đức Giêsu là Chúa, Ngài
với Cha Ngài là một (x. Ga 10, 30), như Ngài nói:
-
“Con không thể làm gì tự mình, nhưng mọi sự đều đã thấy Cha làm,
vì điều gì Người làm, thì Con cũng làm như thế” (Ga 5, 19).
-
“Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12, 45).
-
“Cha tôi nói sao tôi nói như vậy” (Ga 12, 50).
-
“Ai thấy tôi là thấy Cha tôi” (Ga 14, 9).
-
“Cha tôi hằng ở trong tôi, tôi hằng làm công việc của Ngài” (Ga
14, 10).
-
“Cha tôi truyền dạy tôi thế nào, tôi làm y như vậy” (Ga 14, 31).
Vậy ai
không biết làm cho đồng loại nhận biết Thiên Chúa qua cách ăn nết ở của mình, thì
kẻ ấy thua loài thụ tạo vô tri vô giác, bởi vì “trời xanh còn biết tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan
báo việc tay Người làm” (Tv 19/18, 2).
Ý định
của Thiên Chúa tạo dựng muôn loài trong vũ trụ là có quà tặng ban cho loài
người để muôn loài được cùng với con cái Thiên Chúa ca tụng Đấng toàn năng, toàn
thiện, giàu lòng xót thương đã dựng nên chúng vô cùng tốt đẹp, mà con người là
đỉnh cao cuộc tạo dựng của Thiên Chúa, là con người phải được trở nên con cái
Thiên Chúa, để làm cho muôn loài thụ tạo không lâm cảnh làm tôi mục nát. Thánh
Phaolô nói: “Muôn loài thụ tạo những
ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả
thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì
Thiên Chúa bắt chịu vậy. Tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày sẽ được
giải thoát không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên
Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 19-21), để muôn tạo vật cùng
với con cái Thiên Chúa cất lời tung hô cảm tạ: “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh Tôn Nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ” (Tv 80/79, 4: Đáp ca). Vì “vinh quang Thiên Chúa là cộng lại những người
được Chúa Giêsu cứu độ” (thánh Irênê).
Người ta
quan sát một đàn ngỗng bay, chúng luôn luôn bay hình chữ A: đuôi cánh con phía
trước là đầu mỏ con kế nó. Lý do chúng bay tạo hình như vậy là nhờ cánh ngỗng
lớn, khi chúng vỗ cánh bay nó tạo ra một sức hút phía sau cánh, làm cho con bay
đằng sau giảm bớt được 71% sức lao động. Do đó con đầu đàn chỉ bay được một
quãng xa là nó lùi về phía sau cho con kế nó tiến lên đầu đàn, và cứ lần lượt
tiếp sức nhau như vậy, những con bay sau vừa bay vừa reo vang trời để động viên
cho con đầu đàn tăng tốc!
Vậy khi
sống trong tập thể, ai cũng phải có trách nhiệm động viên tinh thần người anh
em cố vươn lên giống Thiên Chúa, cuộc đời bớt khổ và sẽ vui hơn. Bởi thế tác
giả thư Do Thái nhắc nhở các tín hữu: “Ta
hãy nghĩ đến nhau mà lo đôn đốc lòng mến cùng các việc lành” (Dt 10, 24).
Sống như
thế là Chúa đã đến giúp ta chu toàn nhiệm vụ “dọn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi, hết mọi
người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3, 4. 6: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Giêsu (1Cr 11, 1).
Lm GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH