NGÔI SAO
LẠ
Chính Chúa đã dùng “sự không may” đó để đưa
anh đến ngày hôm nay, với tổ ấm gia đình này.
Ngày ấy, suốt con kinh Ba Ngàn chỉ có toàn nhà mái lá, vách lá, họa hoằn mới
có vài căn nhà lợp tôn hay fibro cement, chỉ một mình ông Hai có được căn nhà
xây. Người ta không biết, hay biết rồi cũng quên tên cúng cơm của ông. Họ gọi
ông bằng cái tên rất Nam Bộ, rất bình dân, rất thân thiện, rất tình thương mến
thương, nhưng không lẫn với ai được, ông Hai Nhà Tường. Chỉ nghe cái tên thôi,
ai cũng biết ông là người có của ăn của để, thậm chí giàu có nữa. Đã giàu thì
phải sang. Ông không muốn ai nghĩ ông chỉ là một tay trọc phú, coi đồng tiền
như cái bánh xe. Đã sang thì phải cho con đi học. Đã đành phận, tuổi ấu thơ ông
đầu tắt mặt tối, có được học hành gì đâu, trình độ học vấn của ông chỉ đủ đọc
những tập mỏng sáu câu vọng cổ của Viễn Châu, Năm Châu, Thanh Quang, Thanh Hiền…
Nhưng ông quyết chí dồn hết tâm tài lực để con ông có thể bước vào tháp ngà đại
học. Hai cô con gái của ông, Kim Chi và Ngọc Diệp, hơn kém nhau một năm tuổi,
đúng là một thứ cành vàng lá ngọc, ông gởi đi học nghe đâu mãi trên Sài Gòn từ
năm tốt nghiệp phổ thông, nội trú ở một lưu xá do các sơ nhà dòng coi sóc. “Mùi thiền đã bén muối dưa” (Kiều), nên
hai cô cũng bén mùi nhà dòng rồi chả mấy chốc đã bén mùi đạo. Trời xui đất khiến
thế nào không biết, họ quen, rồi thân, rồi thương, rồi yêu, rồi lấy chồng người
bên đạo. Hai cô “đi đạo”. Ông Hai Nhà Tường phân bua với họ hàng nội ngoại:
- Thiệt tình, tôi đâu có ưa
đạo mấy ông cha. Đạo gì mà kỳ cục thấy mồ, ngày giỗ, ngày tết, con cháu rượu thịt
ê hề, để ông bà đói meo, không có được mâm cơm cúng? Đạo gì mà không biết thờ
phụng tổ tiên? Đạo gì mà bất hiếu dữ vậy? Nhưng con gái là con người ta. «Xuất
giá tòng phu», lấy chồng thì phải theo chồng. Mà nói nào ngay, đạo nào không là
đạo? Đạo nào không dạy con người ta ăn ngay ở lành?
‘’Nói nào ngay’’ là một kiểu nói ông Hai muốn phân bua với họ hàng rằng
mình đã suy nghĩ chín chắn, đã cân đo đong đếm kỹ càng, đã biết người biết ta,
đã công bằng với người với mình, đã thấu tình đạt lý, nên hai bên nội ngoại
cũng… thôi.
Khi anh Tấn, con trai út, nhưng lại là trưởng nam của ông Hai, là cháu đích
tôn của cả dòng họ, thi đậu vào đại học, ông Hai làm hẳn một con heo quay có đến
năm chục kí-lô, vừa để cúng tạ ơn trời đất và ông bà tổ tiên cửu huyền thất tổ,
vừa để ăn mừng cậu quý tử từ nay được gọi là sinh viên. Rượu vào, lời ra, ông
Hai múa máy như những vị hảo hán trong vở tuồng cải lương ‘‘Tống tửu Đơn Hùng
Tín’’:
- Vô, vô ngheng. Một trăm phần dầu. Một, hai,
ba… vô… ô… ô…
Máu rượu bốc lên, ông bóc vỏ lòng mình với chú Tư Máy Kéo:
- Con Hồng Đào nhà chú Tư hạp
nhãn tui quá cỡ thợ mộc, mỏng mày hay hạt, lại đẹp người đẹp nết, dễ thương mút
chỉ cà tha. Mình làm sui, ngheng, chú Tư! Ủa! Tui vô duyên quá trời quá đất
luôn. Làm sui mà cứ kêu là chú Tư, nghe sao được, phải kêu là anh sui chớ bộ!
Vô, năm mươi phần trăm dưới, ngheng, anh sui!
Chú Tư Máy Kéo vội vàng:
- Khoan! Chưa đâu, cả nhà
tôi, dân đạo gốc đó, Anh Hai không biết sao?
Đang cơn say rượu, say tình, ông Hai có nghe thấy chú Tư nói gì đâu. Ông xuất
khẩu thành… vọng cổ:
- Trời ơi! Dẫu đất có cô phụ
trời, trời đâu có khi nào cô phụ đất. Nếu lòng Hai Nhà Tường này có điều chi
khuất tất thời xin Cao Xanh kia xét soi cho một tấm… chân… tình…
Mười mấy bàn ăn vỗ tay như pháo nổ. Có thế thôi, xong một cuộc đính ước.
* * *
Nhà anh chị Trường Hải - Kim Chi ở trong một con hẻm cụt, nhưng rộng, nơi
trẻ em có thể chạy nhảy chơi đùa với nhau. Như thông lệ, vào dịp lễ Giáng Sinh,
anh Hải làm một hang đá thật to, thật đẹp, sáng lung linh. Đêm hai mươi bốn, chị
Kim Chi nấu một nồi chè to đến nỗi khi vừa bước chân vào nhà, anh Tấn lắc đầu,
ngán ngẩm:
- Có đổ đi cũng không hết.
Thế mà chị Kim Chi phải phòng thủ, múc ra năm tô cất vào tủ lạnh.
Tan lễ đêm, trẻ em lương giáo trong hẻm, cả ở những nơi khác ùn ùn kéo đến,
tụ tập trước hang đá, ríu rít như một bầy chim sẻ non. Cô Minh Nguyệt, gia sư dạy
nhạc cho bé Minh Ngọc con chị Kim Chi, đưa tay ra hiệu:
- Các em có biết bài: “Đêm
Đông Mừng Chúa Giáng Sinh Ra Đời” không? Có hả? Vậy cô bắt nhịp cho các em hát
nhé!
Gần hai trăm cái miệng cất giọng hát như thét, như gào, không đúng giọng,
đúng nhịp mấy, cô Minh Nguyệt phải cao giọng dùng micro nắn lại. Nhưng có thể
nói những vị thiên thần trẻ con ấy hát bằng cả con người của chúng, tiếng hát của
chúng bay cao vút tận trời cao, chắc trên thiên đàng cũng nghe được... Chị Kim
Chi điều động cả nhà múc chè vào những cái li nhựa dùng một lần, phân phát cho
các em. Trong chốc lát, nồi chè hết nhẵn. Vẫn thiếu, anh Hải phải mang bốn tô
chè trong tủ lạnh ra…
Cả nhà ăn réveillon bằng tô chè của bé Minh Ngọc được chia thành năm phần.
Anh Hải đề nghị:
- Hai cô cháu chơi bài Đêm
Thánh Vô Cùng được không?
Trên cùng một cây đàn organ, bé Minh Ngọc chơi bè một ở bát độ cao, Minh
Nguyệt đệm đàn bè trầm, anh Trường Hải và chị Kim Chi hát theo khe khẽ… Chị Kim
Chi hỏi:
- Đó là bản thánh ca Giáng
Sinh an bình nhất, sâu lắng nhất, phải không Minh Nguyệt?
Chị quay sang anh Tấn:
- Sao cậu Út?
Anh Tấn đang đắm mình trong dư âm bài hát, không trả lời. Minh Nguyệt nói:
- Em vừa nghĩ: Giờ phút này,
trong căn nhà này, tất cả mọi người, tất cả sự vật, tất cả sự việc, phải, tất cả
đều là quà tặng, là “ơn châu báu không bờ bến” Chúa thương ban. Có được không,
anh chị? Có được không, công tử Tứ Giác Long Xuyên?
Trời khuya, anh Tấn đưa Minh Nguyệt về. Anh nhìn lên. Lưng chừng trời phía
đông có một ngôi sao thật sáng, hình như đó là một ngôi sao đem đến ơn lành, một
ngôi sao lạ. Họ yêu nhau từ mùa Giáng Sinh năm ấy.
* * *
Suốt bốn năm trời yêu nhau, Minh Nguyệt là tâm điểm để anh Tấn quy chiếu. Anh
bỏ hút thuốc, không rượu chè, cờ bạc, gái gú… vì nàng; học thêm ngoại ngữ, học
thêm đàn guitar cũng vì nàng. Anh học giáo lý dự tòng, cũng vì nàng. Anh cố gắng
hết mình để nàng vui lòng, và nhất là để anh ngày càng xứng đáng với nàng hơn.
Tình yêu của Minh Nguyệt làm cho anh người hơn, cao thượng hơn. Như cô gái mù
có thể hi sinh tất cả để nhìn thấy ánh trăng trong giai thoại về Beethoven và bản
Sonate Ánh Trăng mà Minh Nguyệt thường độc tấu piano cho anh nghe, anh cũng sẵn
lòng từ bỏ tất cả để có được ánh trăng sáng Minh Nguyệt cho riêng anh. Anh đặt
nàng lên bệ thờ tình yêu. Nàng là thần tượng của anh.
Khổ nỗi anh không biết rằng nàng “đâu
phải là nàng tiên được tạc bằng ngà và ánh trăng, nàng chỉ là một người đàn bà”
(A. Maurois, Odile). Thế nên khi Henri Nguyễn, tiến sĩ âm nhạc cổ điển, người
Mĩ gốc Việt về Sài Gòn dạy học, ngỏ lời, Minh Nguyệt lưỡng lự một thời gian, rồi
nhận lời đính hôn, rồi kết hôn. Anh Tấn ray rứt:
- Nàng bỏ rơi mình, suy cho
cùng, cũng hợp lý thôi. Anh chàng Việt kiều ấy chẳng vượt trội hơn hẳn mình về
mọi phương diện, giàu có, tài năng, học vấn, công danh, sự nghiệp, tương lai…
là gì? “Giấc mơ Mĩ” không phải là ước mơ của nàng đó hay sao? Nhưng còn tình
yêu? Nàng yêu mình xiết bao, thế mà nàng dứt tình, giũ bỏ mình như giũ bỏ một chiếc
áo rách được ư? Quả thật, mình không sao hiểu được lòng dạ đàn bà.
Hôm đám cưới, Minh Nguyệt nói với anh:
- Anh hãy sống xứng đáng là
một người đàn ông, hãy giữ gìn bản thân, hãy cầu chúc em hạnh phúc.
Chiều nay, oái oăm thay, lại là chiều lễ Vọng Giáng Sinh. Cư xử “như một
người đàn ông”, anh Tấn nhận lời ra phi trường tiễn vợ chồng Minh Nguyệt đi Mĩ.
Kiểm tra hành lý xong, nàng nắm tay anh:
- Anh hiểu cho, dù thế nào
chăng nữa, anh cũng luôn luôn là người bạn tốt nhất của em.
Anh Tấn biết đây là lần cuối cùng anh cầm tay Minh Nguyệt. Nàng siết chặt
tay anh, làm tim anh đau nhói. Đúng lúc ấy Henri nhã nhặn, lịch thiệp bắt tay
anh:
- Minh Nguyệt nói nhiều về
anh, nhưng còn thiếu. Anh sẽ là người bạn tốt nhất của tôi nữa, của vợ chồng
tôi. Chúc anh mùa Giáng Sinh an lành.
Họ vào phòng chờ lên máy bay. Anh Tấn nghe thấy mình hát: “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi” (Phạm
Duy). Anh nói với chính anh:
- Mình có lỗi gì đâu, sao Đức
Chúa của nàng lại nhẫn tâm đem người yêu của mình trao cho người khác? Chúa có
thương mình không? Đức Chúa có là tình yêu như nàng nói không?
Trời nhá nhem tối, phố phường, nhà cao tầng che khuất tầm nhìn của anh, anh
tìm kiếm nhưng không thấy ngôi sao lạ năm nào. Hình như anh khóc.
* * *
Đêm Noel năm nay, Anh Tấn nắm tay Hồng Đào và con trai, cùng nhau quỳ trước
hang đá trong sân nhà thờ.
Anh nhớ lại Noel năm nào anh quen rồi yêu Minh Nguyệt, rồi Noel năm nào
nàng lấy chồng. Anh nhớ tới ngày ba anh bỏ anh mà đi. Ông uống rượu nhiều quá,
bị xơ gan cổ trướng, bụng căng như một cái trống. Ông tỉnh tới lúc chết. Trước
khi nhắm mắt, ông thều thào:
- Ba đã hứa với chú Tư Máy
Kéo rồi, con phải cưới Hồng Đào, ngheng!
Anh Tấn dùng kế hoãn binh:
- Con biết Hồng Đào thương
con, nhưng con đâu có thương cô ấy.
- Cưới trước, thương sau,
như ba với má con ngày xưa…
- Nhưng người ta theo đạo
Chúa mà, ba!
Ông Hai dứt khoát:
- Không sao, vợ chồng con
Kim Chi, vợ chồng con Ngọc Diệp nói với ba rồi, ba cũng tìm hiểu nơi mấy ông
cha, mấy anh em bạn, ba biết hết trơn hết trọi mà. Đạo của họ đâu phải đạo bất
hiếu. Họ có nguyên một giới răn phải thảo kính cha mẹ. Ngày nào ở nhà thờ họ
cũng cầu cho ông bà tổ tiên, nghe đâu lại còn cả tháng mười một dành riêng tưởng
nhớ tới người đã khuất, lại còn lễ giỗ, lễ Các Đẳng, lễ ngoài nghĩa trang. Được
quá, tốt quá đi chớ, ba còn muốn theo đạo nữa là... Con hứa đi, ba mới nhắm mắt
nổi.
Anh hứa… đại. Nhưng sau này, vì thương nhớ cha quá, anh cảm thấy không giữ
lời với người chết là bất hiếu, mang tội lớn với cha. Với lại, nói thật lòng, Hồng
Đào cũng dễ thương quá đi thôi! Anh “đi đạo” và cưới Hồng Đào. Họ sống với nhau
hạnh phúc chan hòa. Năm nay, thằng cu Tý con trai anh đã bốn tuổi, đang học lớp
chồi trường mầm non.
Trời lạnh, nhưng anh Tấn cảm thấy ấm lòng. Anh chẳng những không trách Chúa
như năm nào, mà còn thầm cảm ơn Chúa đã để cho Minh Nguyệt phụ bạc, hắt hủi, bỏ
rơi anh, làm anh đau khổ, tuyệt vọng cả năm trời. Chính Chúa đã dùng “sự không
may” đó để đưa anh đến ngày hôm nay, với tổ ấm gia đình này. Anh bằng lòng, thậm
chí hài lòng và biết ơn vì Chúa đã ban cho anh người vợ “mỏng mày hay hạt, đẹp người đẹp nết, dễ thương mút chỉ cà tha” như
lời ba anh nói. Chúa lại còn ban cho anh thằng cu Tí, đứa con mà vì nó, anh thật
sự có thể hi sinh tất cả. Họ ra về. Thằng Tí một tay nắm tay cha, một tay nắm
tay mẹ. Nó bi bô:
- Mé-ri Rịt-mợt, đát-đi.
Mé-ri Rịt-mợt, mám-mi.
Anh Tấn nhìn lên tháp chuông nhà thờ. Trên cao, tít trên trời cao, chênh chếch
về hướng đông, một ngôi sao sáng rực rỡ. Anh chỉ tay, nói với vợ con:
- Nhìn kìa, nhìn kìa, nhìn
ngôi sao lạ kìa.
lãongu