LỚN LÊN
Tình nghĩa gắn bó, liên kết mọi người sống
chết với nhau trong gia đình.
Ở Chicago, khi
trời vừa lập đông, từng đàn ngỗng lũ lượt kéo nhau bay hàng ngàn dặm về phương
Nam đi tìm nắng ấm. Chúng kêu gọi nhau xôn xao. Có những con lạc bầy vừa bay vừa
kêu: “Quéc! Quéc! Quéc!” Khiến kẻ tha
phương cũng phải chạnh lòng buồn theo vì nhớ mái ấm gia đình! Các nhà khoa học
nghiên cứu cuộc di cư hằng năm đi tìm nắng ấm của loài ngỗng đã đưa ra sáu điểm
nhận xét giúp ta suy nghĩ về đời sống gia đình nhân dịp lễ Thánh Gia Thất hôm
nay:
1. Chúng bay với
nhau theo hình chữ vê ngược.
Mỗi con đều vỗ cánh rất nhịp nhàng, êm ái. Một hàng chữ vê ngược bay chung với
nhau như vậy sẽ tạo thêm được 17 phần trăm sức mạnh hơn là từng con bay riêng rẽ.
Đúng là “Hợp quần gây sức mạnh”. Tất cả mọi người
trong một gia đình hay cộng đoàn hợp tác với nhau làm việc sẽ nhanh hơn và dễ
hơn, vì họ cùng thúc đẩy và nâng nhau lên. “Niềm vui góp lại, niềm vui lớn. Nỗi
lo chia sẻ, nỗi lo vơi!”
2. Khi có con
nào bị rơi ra khỏi hàng ngũ, nó phải tìm cách mau chóng trở về hàng ngay để có sức mạnh nâng đỡ của cả bầy. Nếu không
nó phải bay cô đơn một mình!
Bước ra khỏi
gia đình hay cộng đoàn, ta sẽ cảm thấy bơ vơ lạc lõng, mất đi một điểm tựa nâng
đỡ lớn lao. Khi phải một thân một mình chống chọi giữa đời, ta mới cảm thấy sự
quý giá của mái ấm gia đình. Khi mồ côi ta mới thấy giá trị của tình phụ mẫu.
3. Khi con ngỗng
dẫn đàn ở chính giữa mệt mỏi, nó sẽ trở xuống hàng phía dưới, con khác sẽ thay
phiên lên dẫn đầu.
Thật là bất
công khi trong gia đình hay cộng đoàn, có những người phải làm việc quá sức đang
khi đa số những người khác lại nhàn hạ. Có nhiều gia đình cha mẹ phải làm việc
đầu tắt mặt tối, trong khi con cái chơi bời lêu lổng suốt ngày. Theo thống kê,
chỉ có 20% số người đứng ra làm việc, nhưng phải đảm đương tới 80% công việc của
một tập thể, hay cộng đoàn!
4. Những con ngỗng
vừa bay vừa kêu “Quéc! Quéc!” Âm thanh vang dội trong bầu trời. Cuộc hành trình
dài muôn ngàn dặm. Cứ thẳng cánh mà bay. Những con bay phía sau kêu lên để khích lệ
những con phía trước phải cố gắng
giữ cho đúng tốc độ.
Trong gia đình
hay cộng đoàn thường có sự ghen tương, dèm pha lẫn nhau hơn là khích lệ, cổ võ,
và khen ngợi những ưu điểm của nhau! Trong cuốn “Người Trung Quốc Xấu Xí” của
Bá Dương, bản dịch của Nguyễn Hồi Thủ, tác giả đả kích tính ích kỷ, ghen tương,
đấu đá lẫn nhau của người Trung Hoa bằng một kinh nghiệm như sau: “Ví dụ tôi đến thăm anh, thấy anh nhà cao cửa
rộng, học vấn uyên bác, trong lòng tôi kính phục, hâm mộ anh. Trên đường về
đáng lẽ tôi nghĩ phải cố gắng phấn đấu, làm việc, học hành để có thể được như
anh. Đằng này lúc ra khỏi nhà anh tôi lại bảo: Ở nhà đẹp thế! Không biết ăn cắp
hay ăn cướp ở đâu ra lắm tiền! Cầu trời cho ngày mai có đám cháy thiêu rụi cái
nhà nó đi cho rồi!” Tác giả dẫn chứng sự mất đoàn kết của người Trung Hoa bằng
câu nói mỉa mai: “Một Hoà Thượng gánh nước
uống. Hai Hoà Thượng khiêng nước uống. Ba Hoà thượng không có nước uống!”
5. Khi nào dừng
cánh nghỉ ngơi, kiếm ăn trên đồng cỏ, không bao giờ tất cả mọi con ngỗng đều
cúi đầu xuống ăn cùng một lượt! Luôn luôn có 4 hay 5 con canh chừng trong khi
những con khác ăn. Chờ đợi cho những con khác ngẩng đầu lên, lúc đó chúng mới
cúi xuống.
Trong gia đình
hay cộng đoàn, chúng ta phải biết tỉnh thức, canh chừng và bảo vệ nhau tránh khỏi những nguy hiểm của ma thù. Đừng vì say
mê hưởng thụ vật chất mà quên đi những kẻ thù tinh thần rình rập trên hành
trình tiến về quê trời.
6. Khi một con
ngỗng bị bệnh hay bị bắn thương tích rơi xuống đất, sẽ có 2 con khác bay theo
xuống đất để giúp đỡ và bảo vệ. Chúng ở lại cho đến khi con bị thương có thể bay
được, hay phải chết, chúng mới bay đi nhập vào một hàng khác để bắt kịp bầy cũ
của mình.