CHỮ TÍN
Tôn trọng sự thật là thuốc chữa cho xã hội
hôm nay: “Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: Sự thật sẽ giải
phóng các ông." (Ga 8,31-32)
Để làm người có năm chữ làm đầu, là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Chữ nào cũng
cần thiết. Đối với người có đạo, càng phải chú trọng đến hai chữ: nhân và tín,
chữ đầu và chữ cuối, vì “Chúa thành tín
(TÍN) trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương (NHÂN) trong mọi việc Người làm.” (Tv
145,13)
Bài này bàn về chữ tín vì đó là chữ bị thiếu vắng cách nghiêm
trọng trong xã hội Việt Nam hôm nay, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc học của trẻ em đến chuyện làm ăn của người lớn; lại nữa, nếu chưa có tín thì khoan nói đến nhân. Tín là chữ cần được quan tâm nhiều hơn.
Đúng thế, đất nước ta chưa tăng tốc được vì thiếu chữ tín. Chưa có được chữ tín nên hàng ngoại vẫn được chuộng hơn hàng nội từ
chai dầu đến ống kem đánh răng, bằng ngoại vẫn được quý trọng hơn bằng nội, từ
cái bằng tú tài cho đến cái bằng lái xe.
Tín là gì? Chữ tín gồm bốn chữ: chân thành – trung tín – tự tin – và có trách nhiệm.
- Chân
thành là luôn thành
thật với mọi người và cả chính mình, trong cách cư xử, điệu bộ, và lời nói.
- Trung
tín là ăn ở ngay
thẳng, trước sau như một, không thay lòng đổi dạ trước những thay đổi của cuộc
đời. Là Kitô hữu, Chúng ta phải trung tín trước hết là đối với Thiên Chúa, với
Giáo hội, rồi đến với tổ quốc và tha nhân.
- Tự
tin là tin ở tài lực
của mình trong khi thực hiện một công việc nào đó. Tự tín làm cho ta được kính
phục và thành công. Tự tin khác với tự phụ, tự đắc hay tự mãn là những tính xấu
chỉ làm cho ta bị ghét bỏ và gặp thất bại do chủ quan và thất nhân tâm.
Người tự tin, một khi nhận nhiệm vụ, thì đặt hết tin tưởng một bên vào khả
năng thực hiện của mình, và một bên vào nhiệm vụ đã được uỷ thác. Và khi đã bắt
tay vào việc là họ nỗ lực tiến cho tới đích, triệt để vận dụng tài cán, năng lực
để vượt qua những gian nan chồng chất, những thử thách bủa vây, không tỏ ra
chán nản, mất tinh thần, cho tới khi công việc thành công.
- Người
có trách nhiệm là người
khi đã đảm nhận một công việc nào, liền coi như mình đã cam kết sẽ hoàn thành một
cách chu đáo, và sẵn sàng chịu nhận mọi hậu quả của công việc mình làm trước
lương tâm mình.
Bài này chỉ bàn gọn trong hai chữ đang
rất cần trong cuộc sống xã hội hôm nay, hai chữ chân thành và có tinh thần trách nhiệm.
1. Người chân thành luôn
thành thật với mọi người và cả chính mình, trong lời nói và việc làm.
Trong lời nói, cha ông ta có câu “khẩu thiệt vô bằng” (miệng lưỡi không có
bằng chứng) để buộc phải cam kết trên “giấy trắng mực đen” trong những chuyện
quan trọng.
Trong đời sống thường ngày, có nhiều chuyện cuộc sống và chuyện làm ăn chẳng
có giấy tờ chi hết, người giữ được chữ tín mới là người giữ được khách, giữ được
lòng người; cũng vậy, trong bàn định việc chung, chẳng ai muốn bàn với người thất
hứa, vì “một sự bất tín, vạn sự chẳng tin.”
Một hôm, Mạnh Kha thấy nhà hàng xóm giết heo làm thịt, về nhà hỏi mẹ: “Người ta giết heo để làm gì thế hả mẹ?”
Mạnh mẫu nói đùa với con: “Để cho con
ăn thịt đấy.”
Nói xong, Bà biết mình lỡ lời nên ân hận, thầm nghĩ: Ta đã nói lỡ lời rồi.
Con ta còn thơ ấu, trí thức mới mở mang, mà ta nói dối với nó thì chẳng hóa ra
ta dạy nó nói dối sao! Rồi Bà ra chợ mua thịt heo về nấu cho con ăn thật.
Theo Duprat và Vérel, có bốn lý do chính cho những lời nói dối, là thù
ghét, tham lam, sợ sệt và khoe khoang.
- Thù
ghét thì vu khống,
làm chứng gian, “bề ngoài thơn thớt nói
cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”…
- Tham
lam thì lừa gạt
người khác để thủ lợi cho mình, là không giữ lời hứa khi thấy giữ thì phải chịu
thiệt…
- Sợ
sệt thì chối tội,
đổ tội cho người khác “đồng đổ cho tướng,
tướng đổ cho đồng”…
- Khoe
khoang thì “bắc thang lên tới trời”, “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”…
Lời nói dối có thể sinh lợi nhưng lợi đó không bền vững mà hậu quả tai hại
nó để lại thì không tránh được và còn mãi. Tổng thống A. Lincoln có một câu nói
bất hủ về người gian dối: “Bạn có thể lường
gạt mọi người trong một thời gian và lường gạt vài người luôn mãi, song không
thể lường gạt luôn mãi hết mọi người.”
Trong một lá thư gửi thầy giáo của con trai, Lincoln đã viết: “Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe mọi
người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được
qua một tấm lưới Chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp mà thôi.”
Con người luôn tôn trọng chân lý. Dù sống trong xã hội nào, môi trường nào,
người sống chân thành luôn được mọi người chung quanh tín nhiệm, khâm phục và
quí mến, kể cả những kẻ gian dối cũng kính trọng những người chân thành; còn
người chủ trương sống gian dối, xảo trá, thì mọi người coi khinh, không tin tưởng
và tìm cách lánh xa, kể cả những người gian dối cũng không ưa sống với người
gian dối.
Người có đạo thì càng phải ghét sự gian dối vì gian dối là bản tính của ma
quỷ. Chúa dạy: “hễ "có" thì phải
nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt
điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37)
2. Người có tinh thần trách nhiệm là người khi đã đảm nhận một công việc nào, liền coi như mình đã cam kết sẽ
hoàn thành một cách chu đáo, và sẵn sàng chịu nhận mọi hậu quả của công việc
mình làm trước lương tâm mình.
Xã hội luôn cần đến những người có tinh thần trách nhiệm, cũng như muốn đi
đường xa thì phải dùng xe tốt. Đi xe không tốt phải chết máy dọc đường thì thiệt
hại lắm, người được giao việc mà không hoàn tất thì cũng thiệt hại như thế cho
công ích.
Có bốn loại người không có tinh thần trách nhiệm:
a. Người
sợ trách nhiệm: là người nhút nhát, chưa bắt tay vào đã sợ hỏng. Không dám làm, mà chỉ
dám xúi người khác làm.
b. Người
tắc trách: là người
không chú tâm thi hành nhiệm vụ, mà chỉ quấy quá cho xong, chứ không cố làm cho
đến nơi đến chốn.
c. Người
đào nhiệm: Là người
bỏ nhiệm vụ đã nhận lãnh vì một lý do không chính đáng, v.v...
d. Người
phản trắc: Là người
vì kém tài, không biết khắc phục khó khăn, vì sai lầm mà gây thiết hại hoặc thất
bại v.v.. rồi không dám nhận lỗi mà đổ cho người khác, nhất là người dưới.
Bất cứ một tổ chức nào, đoàn thể nào, nếu mọi phần tử đều có tinh thần
trách nhiệm, biết lo hoàn tất phận sự của mình một cách hoàn hảo, thì tổ chức
đó sẽ được tiến hành trong vòng trất tự, và dĩ nhiên sẽ thu hoạch được kết quả
mỹ mãn.
Nếu cấp trên cố gắng thi hành nhiệm vụ, còn cấp dưới tắc trách hay đào nhiệm,
hoặc tệ hơn, nếu cả cấp trên lẫn cấp dưới đều vô trách nhiệm, thì nhất định tổ
chức không phát triển được và không sớm thì muộn cũng đổ vỡ.
Vnexpress gần đây thuật lại vụ xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn:
Giữa tháng 8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại nhà riêng ở thôn Me,
xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Công an xác định ông Chấn, hàng xóm
với nạn nhân, là thủ phạm.
TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt ông án tù chung thân do giết người "có
tính chất côn đồ". Đơn kêu oan của ông Chấn sau đó không được TAND Tối cao
chấp nhận trong phiên phúc thẩm mở tháng 7/2004.
Trong 10 năm đi tù, ông Chấn liên tục gửi đơn kêu oan, ở bên ngoài vợ ông
cũng ròng rã "gõ cửa" nhiều cơ quan công quyền và cho rằng thủ phạm
thực sự của vụ án là người cùng làng Lý Nguyễn Chung. Tháng 7/2013, xem xét đơn
của bà, Cục điều tra VKSND Tối cao đã vào cuộc.
Hai ngày sau khi được VKSND Tối cao tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt, ngày
6/11/2013 TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn
giết người với mức phạt tù chung thân. Vụ án được điều tra lại. Trước đó ít
ngày, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú, nhận đã giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn
cùng 59.000 đồng rồi bỏ trốn.
Trước việc ông Chấn tố cáo đã bị nhóm cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục
hình, VKSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Nhật
Luật (nguyên thượng tá, phó công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế
Vinh (nguyên trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi Cố ý
làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Chiều 30/9, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị
can với ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi), cựu thẩm phán Toà phúc thẩm TAND Tối
cao, chủ tọa phiên phúc thẩm bác đơn kêu oan của ông Chấn. Ông Chiêm bị điều
tra cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi Vnexpress phỏng vấn ông Phạm Tuấn Chiêm về quyết định khởi tố ông, ông
đổ tội cho VKSND Tối Cao làm việc thiếu trách nhiệm và trả lời: “Đây là chuyện tai nạn nghề nghiệp. Tuy vậy,
tôi không ân hận.”
Một
độc giả tên Châu có ý kiến về việc ông muốn trốn trách nhiệm: “Số phận một con người, 10 năm phẫn uất chốn
lao tù. Chồng / cha tù tội, mẹ hóa điên hóa dại, con gái nhỡ nhàng duyên số, con
trai thất học phiêu bạt đó đây, tán gia bại sản, hàng xóm chê cười, dư luận dị
nghị, bạn bè tẩy chay, xã hội lên án, cúi đầu mà đi đằng đẵng 10 năm trời. Cả
bài phỏng vấn, tuyệt nhiên không thấy một câu thăm hỏi động viên, không một lời
xin lỗi, không một chút mảy may tự vấn trách nhiệm, thậm chí "tôi không ân
hận", mà bác cứ chăm chăm đổ cho bên này làm sai án, bên kia thiếu sáng suốt.
Thế bác ở đâu trong tập thể ấy, bác làm gì trong quy trình ấy, bác nghĩ gì trước
những con người bị oan sai ấy? Ừ thì bác chẳng giết ai cả, nhưng là một thẩm
phán tối cao, thì lời phán xét của bác khác nào đóng chiếc đinh cuối cùng lên
quan tài và vùi chôn một phận người?”
…!!!
Thời Trung Cổ, có một bác thợ rèn rất giỏi. Bác luôn tự hào về những giây
xích do bác làm ra: đó là những sợi xích tuyệt hảo, không ai phá nổi!
Ngày kia, bác bị bắt đi tù. Người ta xích bác lại bằng một sợi xích sắt.
Bác ngồi quan sát giây xích, tìm cách bẻ gãy để thoát thân. Nhưng bác chợt nhìn
thấy dấu hiệu của mình trên sợi xích, bác thở dài, thất vọng khi biết rằng giây
xích nầy là do bác làm ra, rất tốt, chẳng ai phá nổi!
Gian dối và thiếu tinh thần trách nhiệm là những sợi xích ràng buộc nhiều
người hôm nay. Người gian dối thường phải tự vệ bằng một lời gian dối khác khi
bị phát hiện, cũng vậy, người thiếu trách nhiệm thường đổ trách nhiệm cho một
người khác khi bị kết tội. Khi sự gian dối và thiếu trách nhiệm mới ló ra mà
không được sửa ngay thì càng ngày nó càng kiên cố, càng bền chắc, cho đến ngày
nó ghìm chặt lấy, nuốt sống, và làm cho tính người phải chết.
Các tính xấu giống như bầy chó rất dữ bà hoàng hậu độc ác Giêsaben đã nuôi.
Ai cũng sợ bầy chó này. Nhưng chính bầy chó dữ mà bà hoàng hậu nuôi đã ăn thịt
bà. Khi bà chết, xác bà bị vất ra cánh đồng, và chính bầy chó nầy đến ăn thịt
xác bà.
Một nết xấu không bị trừ khử thì sẽ lớn lên, lớn lên hằng ngày. Nó ăn mất
tính người để lớn lên cho đến ngày con người không còn là con người nữa mà trở
nên hiện thân của thói xấu đó. Lời Chúa mô tả điều đó: "Khi thần ô uế xuất
khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì
tìm không ra, nó nói: "Ta sẽ trở về
nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi." Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước,
dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở
đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước." (Lc 11,24-26)