Tìm hiểu Lời Chúa _ cung hiến thánh đường Laterano

NGÀY 9 THÁNG 11
CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LA-TÊ-RA-NÔ
Ed 47, 1-2. 8-9. 12; Ga 2, 13-22
BÀI ĐỌC: Ed 47, 1-2. 8-9. 12
1 Bấy giờ, thiên sứ dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này: có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông. Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ. 2 Người ấy đưa tôi ra theo lối cổng bắc và dẫn tôi đi vòng quanh theo lối bên ngoài, đến cổng ngoài quay mặt về phía đông, và này: nước từ phía bên phải chảy ra.
8 Người ấy bảo tôi: "Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng A-ra-ba, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hoá lành. 9 Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. 12 Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện. Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc.”
ĐÁP CA: Tv 45
Đ. Một dòng sông chảy ra bao nhánh đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao
. (c 5)
2 Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo. 3 Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu, ta cũng chẳng sợ gì.
5 Một dòng sông chảy ra bao nhánh đem niềm vui cho thành của Chúa Trời: đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao. 6 Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển; ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
8 Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Gia-cóp là thành bảo vệ ta. 9a Đến mà xem công trình của Chúa, Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x 2Sb 7, 16
Hall-Hall: Đức Chúa phán: Ta đã chọn và thánh hóa nhà này, để Danh Ta ngự nơi đây đến muôn đời. Hall.
TIN MỪNG: Ga 2, 13-22
13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-Thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
18 Người Do-Thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?"19 Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”20 Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?"21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

CHÚA GIÊ-SU LÀ ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA
CHO TA DUNG THÂN
Ba thế kỷ đầu Hội Thánh không có Nhà Thờ, thực ra không phải người Công Giáo không có khả năng. Nhưng vì đế quốc Roma bách hại các tín hữu, nên mọi sinh hoạt tôn giáo thời ấy phải làm lén lút tại nghĩa trang ngầm dưới lòng đất, gọi là hang toại đạo.
Đền Thờ La-tê-ra-nô là Đền Thờ đầu tiên của Hội Thánh sau thời kỳ bị bách hại, nhờ Chúa ủng hộ vua Constantino, người ngoại giáo, mà ông tiêu diệt được đế quốc Roma. Ông nhớ ơn Chúa nên xin theo đạo Công Giáo và dâng hiến cung điện của ông làm Đền Thờ Chánh Tòa cho Giám mục Roma (Giáo hoàng). Đây là Đền Thờ Mẹ của Giáo Hội. Sau đó vua Constantino ra sắc chỉ giải phóng người Ki-tô hữu thoát khỏi mọi áp chế bất công, và động viên các tín hữu khắp nơi xây Đền Thờ.
Vào thế kỷ thứ 16, mặc dù Đền Thờ La-tê-ra-nô không còn ưu việt là Đền Thờ Mẹ, vì đã có hai Đền Thờ lớn mới được xây dựng: Đền Thờ thánh Phê-rô và thánh Phao-lô. Tuy nhiên lễ Cung Hiến Đền Thờ La-tê-ra-nô vẫn còn mang dấu chỉ Đền Thờ Mẹ để hướng lòng mọi người xây dựng đời mình trở nên Đền Thờ cho Chúa ngự (x 1Cr 3, 16-17). Do đó các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay đã đề cập đến chức năng của Đền Thờ.
I. CHÚA GIÊSU MỚI ĐÍCH THỰC LÀ ĐỀN THỜ CHO CON NGƯỜI DUNG THÂN.
Với tâm tình và suy nghĩ tự nhiên của người mộ đạo, ai cũng mơ ước được xây Đền Thờ tôn kính Chúa. Đó cũng là mơ ước của vua Đavid cùng với sự nhất trí của ngôn sứ Nathan. Nhưng Thiên Chúa nói: “Há ngươi sẽ xây Đền Thờ cho Ta hay sao? Hãy nhớ lại chính Ta đã dẫn dắt các ngươi trong sa mạc, và Ta sẽ làm nhà cho các ngươi” (2 Sm 7, 5-11). Chính vì thế mà Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia: “Trời là ngai Ta, đất là bệ kê chân Ta, Ta đâu cần các ngươi phải xây cho Ta một ngôi nhà, hay dọn cho Ta một chốn nghỉ ngơi, chính tay Ta đã dựng nên mọi sự và tất cả đều thuộc về Ta” (Is 66, 1-2a). Bởi vậy mà vua thánh Đavid nói: “Trời là Trời của Chúa, còn đất thì Chúa cho con cái loài người” (Tv 115/113B, 16).
II. ĐỀN THỜ VẬT CHẤT RẤT CẦN CHO CON NGƯỜI.
1/ Đền Thờ là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, để nghe Ngài và thưa với Ngài (x Ds 7, 89). Nhưng ta chỉ có thể đến gặp gỡ Thiên Chúa khi ta sống hòa thuận với nhau. Bởi vậy, Chúa ngăn cản ý định vua Đavid xây Đền Thờ cho Ngài, vì lúc ấy vua Đavid chưa làm cho đất nước được bình an (x 1 V 5, 17t). Chỉ sau khi đất nước được thống nhất, vua Salomon, con Đavid mới khởi công xây Đền Thờ, đáp ứng ước mơ của vua cha.
2/ Đền Thờ vật chất là dấu chỉ ơn cứu độ.
Bởi vì Đền Thờ và Hội Thánh đều bởi nguyên ngữ trong Thánh Kinh bằng tiếng La-tinh “Ecclesia”. Như thế, Đền Thờ phải diễn tả sự hiện diện của Hội Thánh. Sự hoàn hảo của Đền Thờ vật chất trở nên dấu chỉ sứ mệnh của Hội Thánh là công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì vậy mà Chúa muốn người Do Thái xây Đền Thờ Giê-ru-sa-lem tuyệt đẹp, sử gia Giuse Flavius đã tấm tắc khen: “Một trăm vẻ huy hoàng của vũ trụ, thì Giê-ru-sa-lem đã chiếm 90%”. Như thế vẻ đẹp của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem lại trở nên dấu chỉ diễn tả vẻ huy hoàng của Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc, diễn tả Nước Trời (x Kh 21, 2t).
Vậy người Ki-tô hữu phải dốc toàn lực bởi tình yêu thúc bách để xây Đền Thờ dâng kính Thiên Chúa, như lời ngôn sứ Haggai nói: Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền Thờ cho Ta. Ta sẽ vui thích và tỏ vinh quang Ta ở đó, ĐỨC CHÚA phán Các ngươi mong đợi nhiều, nhưng mùa màng chẳng được bao nhiêu. Các ngươi có đem được những thứ đó về nhà, Ta cũng sẽ thổi bay đi hết. Vì sao vậy? Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh - vì Nhà của Ta vẫn còn tan hoang, trong khi đó các ngươi ai nấy bận rộn lo cho nhà riêng của mình. Bởi thế, trời đã không nhỏ sương xuống cho các ngươi và đất cũng không sinh hoa màu. Ta đã khiến cho đất đai, núi non, lúa mì, rượu mới, dầu tươi và tất cả hoa màu ruộng đất cũng như người, đàn vật và mọi công trình vất vả phải héo khô cằn cỗi.” (Hg 1, 8-11).
III. CHỨC NĂNG ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA.
Ngôn sứ Êzekiel trong thị kiến ông mô tả về Đền Thờ (x Bài đọc I: Ed 47, 1-2. 8-9. 12), mà Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm (Tin Mừng):
1/ Ngôn sứ Êzekiel được dẫn vào Đền Thờ (Ed 47, 1a).
1’ Hội Thánh cho ta thông hiệp với Chúa Giê-su, vì Ngài chính là Đền Thờ (x Ga 2, 21).
2/ Dưới thềm Đền Thờ nước phun ra hướng về phía Đông, vì mặt Đền Thờ quay về hướng Đông (x Ed 47, 1b).
2’ Phía “Đông” chính là Chúa Giê-su xuất hiện (x Lc 1, 78). Ơn cứu độ loài người tuôn trào từ cạnh sườn Chúa Giê-su bị đâm, sau ba ngày Ngài sống lại, Hội Thánh phân phát ơn ấy cho những ai tin vào Chúa Giê-su là Cứu Chúa. Đúng như Lời Ngài đã nói với những kẻ đang căm phẫn muốn giết Ngài: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2, 19).
3/ Nước chảy xuống bên hữu Đền Thờ (x Ed 47, 1c).
3’ “Bên hữu Đền Thờ” ám chỉ những người được Chúa cứu độ. Như Chúa Giê-su đã nói về ngày cánh chung: Chiên (người được cứu độ) thì đứng bên phải; dê (kẻ bị loại trừ), đứng bên trái (x Mt 25, 33t). Dân được cứu độ là do tình thương và công nghiệp của Chúa Giê-su, phát xuất từ Đền Thờ là chính Ngài. Đây là ơn nhưng không, chứ không phải do công lao hay tiền của người ta dâng vào Đền Thờ để xin ơn. Ai nghĩ mình đến Đền Thờ để mua ơn sẽ bị Chúa đánh đuổi như người Do Thái và Ngài nói: “Đừng biến Nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16).
4/ Nước chảy về phía Đông, xuống vùng hoang giao (nơi đầy sự dữ) [Mc 1, 12-13], rồi chảy ra biển (sào huyệt của satan) [x Mt 8, 30-32; Kh 20, 13; 21, 1]; nước mặn đắng hóa ra lành (Chúa Giê-su biến dữ ra lành). [Ed 47, 8].
4’ Như thế, Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm thị kiến của ngôn sứ Êzekiel, vì “Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói” (Ga 2, 21-22).
5/ Nước chảy đến đâu thì mọi vật đều được sống (x Ed 47, 9. 12).
5’ Chỉ nhờ Hy Tế của Chúa Giê-su thiết lập, mới nên Thần Lương, Thần Dược cho con người được sống dồi dào, vươn đến hạnh phúc vĩnh cửu. Bởi vậy Phụng Vụ Do Thái giáo phải dẹp bỏ, đó là lý do Chúa Giê-su bện dây thừng làm roi đánh đuổi những quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ (x Ga 2, 13-16).
Năm nguồn sống Chúa Giê-su ban cho loài người trên đây qua Hy Tế Ngài thiết lập, đúng là “một dòng sông chảy ra bao nhánh, đem niềm vui cho thành của Chúa Trời: Đây chính là Đền Thánh Đấng Tối Cao” (Tv 46/45, 5: Đáp ca). Vì vậy mà Chúa Giê-su dùng năm chiếc bánh nuôi đoàn lũ dân đông vô kể, để rồi Ngài dạy họ về giá trị của Bí tích Thánh Thể Ngài thiết lập cho loài người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Tiếc rằng, dân chúng không chấp nhận, họ bỉu môi chê bai và lũ lượt kéo nhau đi hết thảy! (x Ga 6).
THUỘC LÒNG
Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?17 Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em. (1 Cr 3, 16-17).